Trung Quốc và quá trình "nữ hóa" Bồ-tát Quán Thế Âm

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Cuối đời nhà Hán, Phật giáo được truyền vào Trung Quốc, từ một tôn giáo ngoại lai được dung hợp với nền văn hóa bản địa, hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm đã nhẹ nhàng đi vào cuộc sống dân dã của người dân Trung Quốc, chính thức trở thành tín ngưỡng tôn giáo của họ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Bồ-tát Quán Thế Âm đã được quần chúng sùng bái, tôn thờ. Vị trí của Ngài đã được đặt lên trên các vị thần linh khác, trở thành thần hộ mệnh của người dân Trung Quốc. Từ hình ảnh của một vị Bồ-tát lúc ban sơ đã trở thành Bồ-tát Quán Thế Âm của Trung Quốc với những nét văn hóa đặc thù riêng của họ.

Ban đầu, Quán Thế Âm bị xem là vị Bồ-tát lai lịch không rõ ràng, hơn nữa còn mang nặng sắc thái mê tín, dị đoan đối với một đất nước luôn tự hào có nền văn hóa lâu đời – lấy tín ngưỡng Nho gia làm nền tảng đạo đức như Trung Quốc. Nhưng khi Quán Thế Âm truyền vào nước này thì liền được các tầng lớp xã hội nhiệt liệt tiếp nhận. Hơn một ngàn năm qua, tín ngưỡng Quán Thế Âm vẫn tồn tại mà không hề suy thoái. Căn cứ vào sử liệu và những tranh tượng Phật, Bồ-tát còn lưu lại đời Đường, Tống thì địa vị của Quán Thế Âm – vị Bồ-tát thể hiện “tha lực cứu tế”, “hiện thế lợi ích” có thể vượt qua địa vị của đức Phật; đến đời Minh, đời Thanh, thì ở Trung Quốc “gia gia A-di-đà, hộ hộ hữu Quan Âm” (nhà nhà thờ Di-đà, hộ hộ bái Quan Âm; cho đến ngày nay thì thậm chí có người biết Quán Thế Âm là vị Bồ-tát cứu khổ ban vui mà không biết đức Phật là ai. Tại sao một vị Bồ-tát có nguồn gốc từ Ấn Độ mà khi truyền vào Trung Quốc lại nhanh chóng được tiếp nhận như vậy? Dĩ nhiên có rất nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính nhìn từ góc độ truyền thống văn hóa của Trung Quốc là sùng bái sự “sanh”,  rất sợ đề cập đến sự “chết”; thậm chí những chữ nào có phiên âm gần giống với chữ “tử” họ cho là kỵ, không kiết tường. Người Trung Quốc tôn thờ chủ nghĩa thực dụng, không giống nền văn hóa của Tây phương, tức là họ bảo tồn đặc trưng văn hóa “lạc cảm”, cụ thể mà nói họ luôn luôn cầu sự bình an, khoái lạc, cầu mong thần linh hộ trì cho con cháu nhiều đời của họ cũng luôn bình an, hạnh phúc. Khổng Tử từng nói: “Vị tri sanh, yên tri tử” (nghĩa là sanh còn chưa biết nói gì đến sự chết). Bên cạnh đó, đạo Lão cũng lấy mục đích “sanh” để cầu đạo, họ ảo tưởng cho rằng thông qua tu luyện dưỡng sanh sẽ được trường sanh bất tử. Họ cho rằng: “thiên sanh vạn vật, duy nhân vi quý” (trời sanh ra vạn vật mà chỉ có sanh mạng con người là quý nhất). Trang Tử nói: “nhân chi sanh, khí chi tụ dã, tụ tắc vi sanh, tán tắc vi tử” (đời sống của con người do khí tụ mà có, khi tụ thì sống mà khi tán thì chết). Cho nên khi sống họ tranh thủ tận hưởng mọi khoái lạc thế gian để khi chết không cảm thấy nuối tiếc. Từ đó, dân gian của Trung Quốc có câu tục ngữ “đa tử đa quý”, “đa tử đa thọ”, hoặc “lưu đắc thanh sơn tại bất sầu một sài thiêu”, qua đó càng chứng tỏ sự nhìn nhận về nhân sinh quan của người dân Trung Quốc. Vì vậy, khi thấy tôn giáo nào phù hợp với quan điểm của họ thì tôn giáo đó được đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa và kết quả ngay trên mảnh đất văn hóa phì nhiêu màu mỡ này. Mà, Quán Thế Âm “ứng nhị cầu” có thể đáp ứng được mọi mong cầu của chúng sanh, cầu sanh con trai thì sanh con trai, cầu sanh con gái thì sanh con gái. Đây đúng là vị Bồ-tát đại từ, đại bi. Càng vi diệu hơn nữa là không cần tu tập công đức viên mãn mà vẫn có được phúc đức này. Chỉ cần “nhứt tâm xưng danh”, Bồ-tát nghe được tiếng kêu lập tức đến cứu độ. Công năng cứu khổ của Bồ-tát Quán Thế Âm trong kinh Pháp Hoa đã được đông đảo “lão bách tánh” tin theo. Đây là nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm bị thế tục hóa.

Từ sự biến đổi hình tượng Quán Thế Âm chúng ta thấy, Bồ-tát Quán Thế Âm bị biến đổi thành ba hình tượng: thần ngựa, đại sĩ, nữ thần. Hình tượng sớm nhất là hình tượng “Song mã đồng thần” của truyền thuyết Bà la môn giáo Ấn Độ. Đây là một di sản văn học cổ xưa nhất của nền văn hóa Phệ-đà. Thần “song mã đồng” này công hạnh chủ yếu là cứu khổ, cứu nạn: khiến người mù được sáng, người tàn tật được lành lặn, khiến bò không có sữa sẽ có sữa, người phụ nữ không sanh được sẽ sanh được, người không chồng sẽ có chồng, người chìm thuyền được cứu, v.v... Thần thông quảng đại của thần ngựa trong truyền thuyết, tư tưởng còn nhanh hơn cả hành động, bất luận ở đâu có nguy hiểm chỉ cần kêu đến tên, thần ngựa lập tức đến cứu độ. Từ hình tượng thần “song mã đồng” của Bà-la-môn, đến Phật giáo đã hóa thành “Mã Đầu Quan Âm” - hiện nay ở Tây Tạng vẫn còn danh xưng “Mã Đầu Quan Âm”, “Mã Đầu Minh Vương”. Hình tượng thần ngựa dần dần được nhân cách hóa; khoảng trước hoặc sau công nguyên, hình tượng Quán Thế Âm đã được nhân cách hóa hoàn toàn. Trong Kinh Bi Hoa, đề cập đến thái tử thứ nhất của vua Vô Tránh Niệm tên Bất Húc tức Quán Thế Âm Bồ-tát, hoàng tử thứ hai tên Ni-ma tức Đại Thế Chí Bồ-tát, hoàng tử thứ ba tên Vương Tượng tức Văn Thù Bồ-tát, hoàng tử thứ tư tên Nê-đồ tức Phổ Hiền Bồ-tát. Như vậy, hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm sớm nhất là hình tượng nam thân. Ở Đôn Hoàng hiện nay vẫn bảo tồn bích họa Quán Thế Âm đời Tùy với hình tượng mặt vuông, mũi rộng cộng thêm hai hàng ria mép, còn tượng điêu khắc Quán Thế Âm bằng gỗ thì trên miệng có hai vệt râu mép nhỏ mà rất đẹp. Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm nhập pháp giới, chương 27, Thiện Tài đi tham vấn Quán Tự Tại Bồ-tát thì Bồ-tát Quán Thế Âm lại có danh hiệu là “Dũng Mãnh Trượng Phu Quán Tự Tại”. Như vậy, trong một thời gian dài Quán Thế Âm vẫn mang hình tướng nam, nhưng ở thời đại phong kiến của Trung Quốc, khi người phụ nữ phải tuân thủ luân lí khắt khe “tam cương ngũ thường” thì một nữ tín đồ quỳ trước tượng nam Bồ-tát “thổ lộ tâm tình”, giãi bày những khúc mắc giấu kín trong lòng cũng không thích hợp lắm, do vậy người Trung Quốc tự nhiên đem “Quán Âm nam thân” cải đổi thành “Quan Âm nữ thân”. Tượng Quán Thế Âm nữ tính bắt đầu xuất hiện từ thời Đường: họa sĩ trứ danh Ngô Đạo Tử đời Đường đã vẽ một bức họa Quán Thế Âm hoàn toàn là vị Bồ-tát nữ thân với đường nét đẹp đẽ, trang nghiêm. Trong truyền thuyết của Trung Quốc, nữ tính hóa Quán Thế Âm sớm nhất là Phùng Lang Phụ đời Đường với Cổ kim đồ thư tập thành - Thần dị điển, quyển 7931. Pháp Hoa Trì Nghiệm, đời Bắc Tống có câu chuyện công chúa thứ ba của vua Diệu Trang tên là Diệu Thiện hiến tay và mắt cứu cha tu thành Bồ-tát Quán Thế Âm. Đến đời Tống Nguyên, phu nhân của Triệu Mãnh Thứ tên Quảng Đạo Thăng đem Bảo quyển quảng phiếm biên tập thành Quan Âm Đại sĩ truyện thì tích truyện Diệu Thiện Quan Âm càng được hoàn thiện hơn. Quan Âm Bồ-tát từ đại sĩ của Phật môn thoáng chốc đã biến thành công chúa của nhà Hán, hoàn toàn được Trung Quốc hóa không chỉ khuôn mặt, nội dung, hình thức, mà ngay cả quan niệm đạo đức cứu nhân độ thế cũng được Trung Quốc hóa luôn. Quán Thế Âm đã thật sự trở thành nữ thần thuần túy của Trung Quốc.

Nguyên nhân hình tượng của Quán Thế Âm bị biến hóa có thể quan hệ mật thiết với sự khổ đau không thể nói hết được của người phụ nữ ngày xưa của Trung Quốc. Họ vì gia đình, vì chồng, vì con mà hi sinh tất cả, cuối cùng mới phát hiện bản thân không có gì cả, không người chia sẻ, không người thương yêu, thậm chí không ai còn nhớ; họ cũng là con người bằng xương bằng thịt, với máu đỏ và nước mắt mặn, cũng có những cảm xúc vui buồn, thương giận như bao người bình thường khác, quan trọng hơn hết là họ cũng cần sự yêu thương, quan tâm chia sẻ của người khác. Trên thế gian này còn gì đau khổ tuyêt vọng nào hơn nỗi đau này? Điều đặc biệt, đau khổ của người phụ nữ Trung Quốc ngày xưa là ở ngoài xã hội họ không có quyền lợi gì, trong gia đình thì không có địa vị, trong đời sống tình cảm thì không có tự do, cho nên họ khao khát có một điểm tựa tinh thần, cụ thể là cần một vị thần bảo hộ. Sống trong thời đại phong kiến nam quyền, người phụ nữ chỉ có hôn nhân mà không có tình yêu, người chồng luôn bận bịu với sự nghiệp, không có thời gian quan tâm đến tâm tư, tình cảm của vợ, người vợ chỉ biết chôn chặt những cay đắng, khổ đau vào sâu tận đáy lòng. Trong nỗi đau cùng cực thì hình ảnh hiền từ, thanh lương của mẹ hiền Quán Thế Âm đã đem lại cho họ niềm an ủi vô hạn. Chỉ có nữ thần mới hiểu hết nỗi niềm của người nữ, chỉ có nữ thần mới có lòng kiên trì nhẫn nại để lắng nghe tiếng lòng thổn thức của người phụ nữ. Vì vậy, hơn một ngàn năm qua Bồ-tát Quán Thế Âm đã trở thành thần hôn nhân, thần tình yêu thân thiết và “bầu bạn” với họ trong suốt một cuộc đời “ăn muối còn nhiều hơn ăn cơm” này.

Một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng làm cho hình tượng Quán Thế Âm ở Trung Quốc bị biến hóa là ý nghĩa danh xưng “cứu khổ cứu nạn”, “đại từ đại bi” rất dễ dàng liên quan đến nữ tính - tình thương bao la của người mẹ, sự hy sinh không bến bờ của người mẹ. Nhân loại thiên sanh là khi gặp khó khăn tai nạn đều bộc phát ra tiếng kêu cứu, mà Bồ-tát Quán Thế Âm thường hiện ra tướng từ bi, nhu hòa, trang nghiêm của người mẹ lao vào dầu sôi lửa bỏng mà cứu độ chúng sanh. Hơn nữa, Quán Thế Âm “tùy loại độ hóa”, độ hết tất cả, bất luận nam nữ già trẻ, nghèo cùng khốn khổ hay giàu sang phú quý, thậm chí không phân biệt thiện ác thị phi, chỉ cần tụng niệm danh hiệu của Ngài, Ngài liền thị hiện. Ngài xem tất cả chúng sanh như con đẻ của mình, bình đẳng đối đãi, thi ơn mà không đòi hỏi phải trả ơn, đáp ứng mọi nhu cầu của chúng sanh mà không cần biết lý do, làm tất cả mà không cần ai biết đến, thậm chí vì cứu độ chúng sanh, Ngài cam tâm tình nguyện không thành Phật. Sự hy sinh tiểu ngã nhỏ bé để toàn thành cảnh giới đại ngã vô biên như vậy rất dễ dàng làm cho chúng ta liên tưởng đến sự vĩ đại của người mẹ. Chính như vậy, dân chúng đã đem tất cả tình thương và khát vọng qui hướng về Bồ-tát Quán Thế Âm, mở cánh cửa lòng mình mời Ngài bước vào, Ngài đã hiện hữu trong trái tim và khối óc của mỗi người không thể xóa nhòa được. Trong tâm mỗi người đều kết tinh một vị Bồ-tát, tích lũy từ từ và dung nhập vào truyền thống văn hóa bản địa của họ.

Đứng ở lãnh vực tâm lý xã hội mà nhìn, Bồ-tát Quán Thế Âm cũng rất phù hợp với nhu cầu tinh thần của dân chúng Trung Quốc. Như ở trên đã đề cập, người Trung Quốc “trọng sanh ố tử”, họ không truy cứu sau khi chết về thế giới bên kia sẽ như thế nào, chỉ quan tâm ngay trong đời sống hiện tại này có vui vẻ bình yên hay không mà thôi, tranh thủ thực hiện hoài bão và ước mơ của bản thân, tìm được bến đỗ bình yên là thấy đủ rồi. Ở ý nghĩa này, họ cho rằng từ bỏ chấp ngã, tham ái chấp trước, thoát khỏi kiếp sống này tiến nhập vô cảnh giới Niết-bàn tịch tĩnh mới là chân hạnh phúc tuyệt đối. Như vậy, giải trừ những nỗi đau hiện tại vẫn là việc làm thiết thực nhất. Bồ-tát Quán Thế Âm đã suy nghĩ đến tất cả những gì chúng sanh thao thức, trăn trở. Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn đề cập đến 16 nạn mà Bồ-tát giải cứu chính là tất cả những tai nạn trước mắt mà nhân sanh phải đối diện. Cứu tất cả tai nạn, thống khổ, thỏa mãn mọi nguyện vọng của chúng sanh; ở phương diện này Bồ-tát Quán Thế Âm lại càng gần gũi với người dân Trung Quốc hơn, đúng là giải trừ đi khổ não nhân gian phải đối mặt, từ đó đem đến cho họ cuộc sống sinh hoạt an lạc hạnh phúc. Trong suốt chiều dài lịch sử của Trung Quốc, chinh chiến và tàn sát, máu đổ thành sông, nước mắt của người dân đã chảy còn nhiều hơn nước của bốn biển. Tầng lớp thống trị chỉ quan tâm đến việc mở rộng bờ cõi, tranh quyền đoạt lợi, tham đồ hưởng lạc, có ai từng nghĩ đến sự an nguy của lão bách tánh. Dân tộc Trung Hoa là dân tộc phải hứng chịu nhiều tai nạn nhất và cũng là dân tộc khát khao sự xoa dịu về tâm linh nhất, do đó số đông quần chúng mong chờ “Thánh nhân giáng thế”. Nhưng nền triết học Nho và Đạo giáo cách rất xa với tầng lớp bình dân lao động. Nho gia có trị được quốc, bình được thiên hạ đi nữa cũng tránh không khỏi tai qua ách nạn. Đạo giáo có luyện được thuốc trường sanh bất tử đi nữa, thì cũng ví như nằm mộng giữa ban ngày mà thôi, không biết đời sau cũng đã thực hiện được chưa? Mà đời này khổ vẫn cứ hoàn khổ, vĩnh viễn không thể đáp ứng được sự ký thác tâm linh. Ngược lại, sự xuất hiện của Bồ-tát Quán Thế Âm trong đời như dòng suối cam lồ tưới xuống đồng ruộng tâm lâu ngày bị khô héo của họ, chỉ cần niệm một câu “Nam mô Quán Thế Âm”, tai ách liền trừ, khổ nạn liền tiêu. Mặc dù “bình thường bất thiêu hương, lâm thời bao Phật cước” (bình thường không đốt hương, lúc lâm nguy mới ôm chân Phật) nhưng Phật vẫn không trách cứ, giận hờn gì cả, vẫn sẵn sàng tiếp ứng khi chúng sanh cần đến Ngài. Chính như vậy mà tín ngưỡng Quán Thế Âm ngày càng phổ cập và từng bước bị thế tục hóa.

Tín ngưỡng Quán Thế Âm như vậy đã chinh phục người dân Trung Quốc. Người ta đã đem nhu cầu của tự thân mà cải tạo Quán Thế Âm, khiến Ngài bị Trung Quốc hóa, thế tục hóa mà cụ thể hơn là bị nữ hóa. Hai nền văn hóa kết hợp, hỗ tương lẫn nhau, dung hòa cuối cùng trở thành một nền văn hóa mới - một đoạn lịch sử xưa đã lắng đọng nhưng tỏa chiếu trong tâm của dân chúng sẽ còn vang vọng và sống mãi trong suốt chiều dài lịch sử mới.

Thích Nữ Minh Phương
Tập san Pháp Luân - số 76, tr78, 2011]