Cư sĩ trộm nước uống

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Ngày xưa, Bồ-tát chuyển kiếp thị hiện làm một vị quốc vương quy y Tam bảo, nghiêm giữ ngũ giới, thập thiện. Trong nước, ông không cho phép sử dụng vũ lực, không cho xây nhà tù tra khảo. Khắp nước năm nào cũng mưa hòa gió thuận, ngũ cốc bội thu, nhân dân an cư lạc nghiệp, đất nước yên ổn, văn hóa phát triển, cả nước trên dưới đều thấm nhuần nền giáo dục Phật giáo, dân chúng không ai không được học, tạo nên một xã hội ai cũng biết lễ biết nghĩa, kính nhường lẫn nhau, tối ngủ không cần đóng cửa cũng không phải lo bị trộm cắp.


Nhưng một hôm, nhà vua lại nhận được một bản án về “tội trộm cắp”.

Có một vị cư sĩ phẩm hạnh cao thượng, thanh tịnh nhàn cư trong núi, sống cuộc đời ẩn dật, cốt cách siêu phàm thoát tục.

Tối hôm nọ, cư sĩ khát nước quá nên đi ra ngoài tìm nước uống. Do ban đêm trời tối, ông không cẩn thận uống nhầm nước trong hồ sen của người khác, uống xong rồi ông mới nhận biết là nước của người khác nên trong lòng cảm thấy vô cùng ray rứt.

“Ta mắc tội trộm rồi! Ta mắc tội trộm rồi!” Hôm sau, ông đi đến cung vua, tự thú tội trộm cắp của mình, mong được nhà vua trị tội theo pháp luật.

Nhà vua nghe xong vô cùng kinh ngạc, nói: “Đây là nước tự nhiên, đương nhiên ngươi có thể uống mà, nước khắp nơi đều có, lại không phải là thứ khan hiếm, ngươi uống thì có tội gì chứ?”.

Cư sĩ đáp: “Tôi chưa hỏi ý người chủ của hồ sen, lại chưa được người ta cho phép mà tự tiện uống nước của họ, lẽ nào đây không phải là trộm cắp sao? Mong đại vương nên xử tôi thế nào thì cứ xử đi ạ”.

Nhà vua khi ấy không biết phải xử lý thế nào, nói: “Chỉ chuyện nhỏ thôi mà, ta thấy thôi đi! Ngươi có cái tâm ray rứt như vậy là tốt rồi. Bây giờ, quốc sự đa đoan, ta phải đi giải quyết, nếu ngươi thấy nhất định phải bị ta xử trị mới yên tâm, vậy thì tạm thời ngươi ra ngoài vườn hoa ngồi chờ, đợi ta giải quyết xong việc rồi tính”.

Nói rồi, nhà vua giao vị cư sĩ cho thái tử, rồi mình đi giải quyết công việc. Thái tử dẫn cư sĩ đến vườn hoa rồi để ông ở đó đợi, còn mình thì bỏ đi.

Nhà vua việc nước bề bộn, bận đến quên cả chuyện của cư sĩ. Sáu hôm sau, vua mới sực nhớ đến cư sĩ, bất an tự trách: “Thôi chết rồi, ta quên mất ông cư sĩ kia rồi, chắc là không xảy ra chuyện gì đâu nhỉ!”. Vua vội đứng dậy, đi đến vườn hoa tìm vị cư sĩ.

Vị cư sĩ đợi mãi nơi vườn hoa xa khuất, không dám bỏ đi, đợi liên tục suốt sáu ngày sáu đêm. Suốt trong thời gian đó, ông không dám uống một giọt nước, không dám ăn một hạt gạo, khi nhà vua tìm đến, cả người ông đã kiệt sức suy yếu, thoi thóp từng hơi.

Nhà vua vừa nhìn thấy thì nước mắt đầm đìa, tự trách: “Đều là do lỗi của ta cả, tội của ta thật không nhỏ”.

Song, khi hoàng hậu biết chuyện thì lại không nghĩ như vậy: “Thưa bệ hạ, bệ hạ đường đường là vua một nước, hà cớ gì lại không ngớt lời đi xin lỗi một tên cư sĩ bày trò vô lý này, thật là nực cười!”.

Nhà vua sai người tắm rửa cho cư sĩ, bảo đầu bếp chuẩn bị sơn hào hải vị, rồi đích thân bầu bạn cùng ăn với cư sĩ, thỉnh thoảng lại còn ngỏ lời xin lỗi cư sĩ, vua hứa: “Sống chết luân chuyển vô cùng, kể từ hôm nay, trẫm sẽ thọ giới, ăn chay sáu năm, quá ngọ không ăn, cho đến đắc đạo”.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Nhà vua ấy chính là tiền thân của ta. Vì bỏ quên cư sĩ, hại ông đói khát sáu ngày, để sám hối nên ta ăn chay sáu năm, sống những ngày thanh bần khắc khổ, sau sáu năm mới ăn uống trở lại bình thường. Sau đó lại còn đem thân cúng dường Phật pháp, tu hành thành đạo. Hoàng hậu vì cười chê nhà vua ăn chay sám hối, nên đời sau khi mang thai từng mắc bệnh nặng sáu năm, chịu khổ khôn cùng. Thái tử vì để cư sĩ đói khát sáu ngày nơi vườn hoa mà đời sau sinh ra, mê mê sảng sảng trong sáu năm, thường ở trong cảnh u u minh minh. Đây đều là nhân quả nghiệp báo cả!

Đạo Luận dịch theo fjgs.org

LẠM BÀN

Nơi cuộc sống xô bồ hào nhoáng, với những tư tưởng tự cho là tiến bộ hôm nay, đôi khi chúng ta chỉ quan tâm đến cái lớn, cái cao siêu mà bẵng quên đi những điều bình thường, giản dị nhưng giá trị của nó luôn là chỗ quy hướng cho đời sống của những ai chọn cho mình con đường đi đúng với phẩm hạnh của người con Phật. Thật vậy, chân giá trị hay cái thấp hèn của cuộc sống không bao giờ bị ràng buộc bởi tầm vóc nhỏ hay lớn, thời gian hay không gian, sang hay hèn, già hay trẻ. Không phải chỉ trộm cướp nhà băng, tiệm vàng mới là trộm cướp, còn trốn thuế, gạt đò, thất tín, trễ hẹn thì không phải. “Một cây kim một cọng cỏ người khác không cho cũng không được lấy”. Cũng vậy, không phải niên cao lạp trưởng mới là hàng trưởng lão còn tuổi trẻ thì chỉ là hàng tiểu bối vô danh. Tuổi cao mà phóng túng buông lung, đứng đi trái phép, uy nghi chút ít không còn, quy tắc mảy may chẳng có, thì đâu bằng tuổi trẻ mà chí hướng Thánh đạo, rõ nghĩa sâu xa của hai chữ “cầu tịch”, giữ gìn danh thơm của hai từ “cần sách”. Kinh Tăng nhất A-hàm chép: “Bấy giờ, đức Thế Tôn thuyết pháp cho đại chúng. Có một vị Tỳ-kheo già, ngồi quay về phía Phật buông lỏng chân mà ngủ. Có vị Sa-di tên Tu-ma-na chỉ mới tám tuổi, ngồi thế kiết già, cách Phật không xa, tư duy chánh niệm. Đức Phật thấy vậy, nói bài kệ: “Gọi là bậc trưởng lão, Vị tất cạo râu tóc, Tuổi tác dù đã cao, Mà còn có ác hạnh, Đâu bằng người nhỏ tuổi, Các căn không lậu khuyết, Đó gọi là trưởng lão, Phân biệt hạnh chánh pháp.”

Thế mới biết, cái giá trị thì dù bất cứ lúc nào và ở đâu, già hay trẻ, được người công nhận hay không được công nhận thì nó vẫn tồn tại trong nguyên vị giá trị của nó. Cái hư đốn thì dù có bôi son trét phấn đánh bóng lên thì nó vẫn là đồ mục ruỗng. Một người biết kính trọng giới như quý trọng đôi mắt của mình thì không để cho bất kỳ hạt bụi nào tồn tại trong đó. Vị cư sĩ trong câu chuyện là mẫu hình của những người biết hổ thẹn trước những lỗi lầm dù nhỏ nhặt. Lỗi lầm phạm giới trộm nước uống trong ao sen, đối với ông, ngang với những lỗi lầm phạm những giới trộm lớn hơn. Và giá trị sám hối về việc đó là vô cùng cần thiết để đắp lại bờ đê đã lậu rỉ những giọt nước cam lồ. “Hổ thẹn là phục sức đẹp nhất trong mọi thứ phục sức”, lời kinh Di giáo của đức Thế Tôn luôn vang bên tai người cư sĩ. Ray rứt khi biết mình uống nhầm nước trong ao của người là một phản ứng phòng hộ cho những điều to tát lớn khác biết đâu sẽ xảy ra trong tương lai. Thói thường, chúng ta cho những chuyện nhỏ nhặt đó là chuyện bình thường, không đáng phải khắt khe lưu tâm đến, nhưng ta đâu biết rằng “nước nhỏ mà chảy mãi cũng có thể xuyên thủng cả đá”, hay nói theo Stephan R. Covey: “Gieo một tư tưởng gặt một hành động, gieo một hành động gặt một tập quán, gieo một tập quán gặt một tính cách, gieo một tính cách gặt một số phận”. Ý niệm xem thường những điều giản dị, nhưng giá trị đó, sẽ được dung dưỡng nuôi lớn qua nhiều lần, huân tập thành thói quen rồi dần trở nên trơ lì trước sự cám dỗ trộm cắp lớn hơn một khi cơ hội khuyến dụ gọi mời. Lúc đó, chúng ta sẽ “gặt một số phận”, nhưng không phải hạnh phúc, mà có thể là số phận đứng đằng sau cánh song tù cho hành động tham nhũng hối lộ hay cướp bóc mồ hôi nước mắt của người khác. Kinh Thi có câu: “Chẳng giữ gìn nết nhỏ rồi sẽ lụy đến đức lớn.” Bộc bạch bày tỏ sám hối tội trộm của mình, vị cư sĩ đang giữ gìn những nết nhỏ để tài bồi thêm cho vững nền đức hạnh – phẩm đức vô tham, hổ thẹn của hàng Thánh đệ tử Phật. Uống nước ao sen chỉ là chuyện nhỏ, ấy vậy mà, cư sĩ vẫn xem mình phạm tội; câu chuyện ngửi hương hoa theo hướng gió của vị Tỳ-kheo trong kinh cũng bị xem là trộm, thì thật là, xem xét tội trộm chi tiết tỉ mỉ đến dường đó chỉ có ở giáo lý nhà Phật, một nền giáo lý tôn trọng tuyệt đối tài sản sở hữu của người khác. Kinh Tạp A-Hàm chép: “Có thầy Tỳ-kheo mắt bị bịnh, đến bên ao hoa bát-đàm-ma, nhằm phía gió thổi mùi hương bay đến mà ngồi. Thần ao cho rằng Tỳ-kheo là kẻ cướp ăn trộm mùi hương. Tỳ-kheo nói: ‘Không phá hoại cũng không cướp đoạt, sao bảo là kẻ cướp?’ Thần nói: ‘Không xin mà lấy, lẽ nào chẳng phải kẻ cướp?’ Bấy giờ, có người đến lấy ngó sen trong ao cả gánh nặng mang đi. Tỳ-kheo bèn hỏi: ‘Tại sao không ngăn hắn, mà lại bảo tôi là kẻ cướp?’ Thần nói: “Áo cà-sa đen, dù đem mực nhuộm cũng chẳng thấy, kẻ hung ác kia đâu còn gì để nói? Chân ruồi bẩn lụa trắng, chấm mực dính ngọc kha, tuy nhỏ nhưng đều hiện bày rõ ràng. Người hiền minh tuy phạm lỗi nhỏ chỉ như tơ tóc, nhưng người khác nhìn thấy lớn tợ núi Thái. Vậy nên, phải từ đó mà nghiệm xét, thường mong cầu sự tinh bạch”. Tỳ-kheo nghe xong, tinh tấn tĩnh tọa, dứt các phiền não, đắc quả A-la-hán”. Biết sợ hãi trước những lỗi lầm nhỏ, thầy Tỳ-kheo cũng như người cư sĩ hiền minh kia đang cầu thị cho mình sự thanh tịnh toàn bích. Và thật sự, hoa trái tu tập của vị cư sĩ đã làm rung động sâu sắc đến nhà vua khiến vua khi vừa trở lại gặp ông đã đầm đìa nước mắt. Vua khóc vì hận trách mình đã bỏ quên người cư sĩ thì ít, mà có lẽ, ông khóc vì niềm xúc động kính trọng cư sĩ mới nhiều hơn. Sáu ngày sáu đêm không ăn không uống để giữ tròn tiết tháo của người con Phật biết hối cải một cách chân thành tha thiết. “Đứng trước một thiên tài người ta cúi đầu, đối trước một tấm lòng người ta quỳ xuống”. Tận trong sâu thẳm nơi tâm hồn vua, ông đã quỳ xuống trước tấm lòng trung kiên của người cư sĩ, thà chết để giữ tròn phẩm hạnh. Ta chợt nghe đâu đây khí phách của thầy Tỳ-kheo thứ hai trong câu chuyện “Gần Phật xa Phật”:

“Một thời, Đức Phật ở tại nước Xá-vệ, nơi Tịnh xá Kỳ Hoàn thuyết pháp cho chư Thiên nghe. Bấy giờ, ở nước La-duyệt-kỳ có hai vị tân học Tỳ-kheo muốn đến yết kiến đức Phật. Trên đường đi gặp mùa hạn hán, khát nước quá mà chỉ gặp được vũng nước nhỏ với đầy những côn trùng không thể uống được. Thầy thứ nhất thì uống để khỏi chết rồi đi gặp Phật, thầy thứ hai thì khẳng khái khước từ: ‘Giới luật đức Phật chế ra lấy nhân từ làm gốc. Nếu giết hại chúng sanh để mình được sống thì dù thấy Phật cũng có ích gì. Thà rằng giữ giới chịu chết chứ không phạm giới mà được sống”. Và đúng như vậy, dù chết giữa đường vì khát nước, nhưng vị Tỳ-kheo thứ hai đã được gần Phật, gần trong tinh thần giữ gìn trọn vẹn Thánh hạnh.

Ở một góc độ khác, không như sự hống hách, kiêu căng của hoàng hậu, và một chút xem thường của vị thái tử, nhà vua đã thành tâm sám hối trước cư sĩ về hành động sơ suất của mình bằng những việc làm cụ thể “sai người tắm rửa cho cư sĩ, bảo đầu bếp chuẩn bị sơn hào hải vị, rồi đích thân bầu bạn cùng ăn với cư sĩ, thỉnh thoảng lại còn ngỏ lời xin lỗi”, rồi tự hứa với lòng “kể từ hôm nay, trẫm sẽ thọ giới, ăn chay sáu năm, quá ngọ không ăn, cho đến đắc đạo”. Một vị vua anh minh như thế, nên không có gì ngạc nhiên khi mở đầu câu chuyện chúng ta đã thấy ngay một đất nước thấm nhuần phong hóa. Tuy không nói rõ đó là một vị Chuyển Luân Thánh Vương, nhưng đối chiếu lại với cảnh đời thái bình thịnh trị dưới thời cai trị của Chuyển Luân Vương như trong kinh Tăng Nhất A-Hàm mô tả, cũng cho chúng ta biết được đó là một vị vua Chuyển Luân. Kinh chép: “Trong toàn cõi Diêm-phù, ngũ cốc dồi dào, nhân dân thịnh vượng, của cải sung túc, làng xóm kế cận nhau, gà gáy hai bên đều nghe. Lúc này, những cây trái, hoa quả xấu dở đều khô héo, các thứ dơ bẩn cũng tự biến mất, chỉ còn lại những cây trái ngon ngọt, mặt đất bốc lên những thứ hương thơm ngào ngạt. Khí hậu lúc đó cũng ôn hòa, thời tiết đúng bốn mùa, thân người không có một trăm lẻ tám thứ bệnh, ít tham dục, sân nhuế và ngu si, lòng người quân bình, tất cả đều cùng một ý, gặp nhau vui vẻ, nói những lời đẹp lòng nhau,… Bấy giờ, trong cõi Diêm-phù-địa tự nhiên mọc một giống lúa tẻ không vỏ trấu, mùi vị cực kỳ thơm ngon, ăn vào thì không còn các bệnh khổ. Các loại vàng, bạc, trân bảo, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách rơi vãi khắp nơi nhưng không ai nghĩ đến chuyện thâu nhặt. Người dân lúc đó cầm lên một thứ, rồi nói với nhau: ‘ngày xưa, vì những thứ châu báu này mà con người tàn hại lẫn nhau, rồi bị giam cầm trong lao ngục chịu vô số khổ não. Còn bây giờ những thứ này chẳng khác gì gạch ngói không ai thèm lượm”. Lật lại những trang sử xưa, ta thử tìm xem có được bao nhiêu vị vua biết quý nghĩa trọng hiền đến vậy. Khi có quyền bính, địa vị trong tay hiếm có ông vua nào biết khiêm hạ mình xuống để nhận lỗi khi mình phạm phải sai lầm lớn chứ đừng nói chi đến những chuyện xem ra vụn vặt như trên. Nhưng vị vua ở đây lại khác, ông không xem hành động của vị cư sĩ là trò đùa nực cười vô lý, mà đó là khuôn mẫu, là gương sáng đối với ông cho việc trị quốc an dân; và hành động sám hối của ông là cần thiết để cổ vũ cho chân lý được thực thi công bằng, trả nó trở về đúng nguyên vị của nó, và cũng để cho chân lý không còn là của đám đông, của vua quan, của quyền hành, giàu sang và địa vị. Cái dũng hay sức mạnh của một ông vua không nằm ở vương quyền và gươm giáo, mà là ở lòng nhân từ thương dân như con một. Dũng cảm dẹp đi cái bản ngã của một ông vua để tử tế nhận phần lỗi về mình đó là cái Dũng mà không phải ở vị quân vương nào cũng có. Câu chuyện cũng cho ta biết, nhân quả nghiệp báo luôn công bằng đối với tất cả mọi người, gieo nhân lành ta gặt quả ngọt; gieo nhân xấu ta gặt quả khổ đau. Chính nhờ những nhân lành đó mà nhà vua qua nhiều kiếp tu tập, đem thân cúng dường Phật pháp rồi cuối cùng thành Phật, còn hoàng hậu và thái tử phải trả những quả báo khổ đau cho việc làm của mình.

Cuối cùng, “việc ác dù nhỏ chớ tham, việc thiện dù nhỏ mà làm mới khôn”, biết hối cải trước những lỗi lầm dù nhỏ bé; hãy học cách nhận lỗi với người khác bất kể người đó là ai một khi mình có lỗi; hãy lột hết tất cả mặt nạ quyền chức, địa vị hào nhoáng bên ngoài để chúng ta được thật sự là một con người với tất cả niềm thương yêu, tương kính, tôn trọng lẫn nhau; tin hiểu sâu sắc tương quan nhân quả nghiệp báo, đó là những thông điệp mà câu chuyện trên muốn gởi gắm đến tất cả mọi người chúng ta.

Chú Thích:
1. Tăng nhất A-hàm kinh 22, T.02 n.0125 p.0659c08
2. Kinh tạp a-hàm 50, Kinh số 1338, T.02 n.99 p.369a10.
3. Truyện cổ Phật giáo, Minh Chiếu sưu tập
4. Tăng nhất a-hàm kinh 44, Thập bất thiện phẩm 48, III, T.02 n.0125 p.0787c23 ~ p0788a09

Thích Đạo Luận
[Tập san Pháp Luân - số 74, tr33, 2010]