Làng tôi ở cạnh sông Bồ/ Lũy tre cong tự bao giờ võng đưa/ Xôn xao vỡ hạt nắng trưa/ Lắt lay hồn mẹ ngàn xưa ngọt ngào
Chào đời bên dòng sông quê xanh biếc mộng, Dzạ Lữ Kiều lớn lên từ đó. Từ một thuở nào bão loạn, dưới gầm trời binh lửa chiến chinh. Lửa tham sân si của con người đã vô tình đốt cháy rụi hết mọi giá trị của cuộc sống. Đẩy xô con người đến chỗ lưu linh lạc địa, xuống biển lên rừng để tìm kế mưu sinh:
Cha mẹ địu con lên rừng kiếm sống
Xin được yên thân làm kiếp phu tiều
Củ chụp củ nầng rau rừng trún mớm
Huế ở trong hồn vẫn nói lời yêu
Tình yêu quê cha đất tổ tuy mơ hồ trừu tượng nhưng đã thấm sâu vào tâm hồn người thi sĩ từ độ nào không biết nữa, để nay trở thành một thứ tình cảm thiêng liêng. Khiến cho nhà thơ, trên những bước đường tha phương lữ thứ, luôn ngậm ngùi, tưởng tiếc, hoài niệm về dòng sông quê nhà với nỗi lòng quá đỗi thiết tha:
Trong nỗi nhớ mỗi chiều tha thiết Huế
Vẫn chưa tin dòng nước đã vô tình
Sông còn chảy êm đềm ngày tháng đợi
Huế đi về lối của những con tim
Tìm gặp cố quận, cố hương, cố xứ ở ngay trong trái tim mình, phải chăng đó là một cách gặp gỡ, một cuộc trùng phùng ly kỳ hy hữu của những đứa con xa quê lưu lạc giữa Ta-bà? Phải rồi, chỉ còn cách đó thì may ra, những cánh chim trời viễn xứ mới yên tâm bay bổng khắp mười phương, vì quê hương bây giờ là cõi lòng vô vi như sông nước xanh rì:
Bến Lòng dội sóng từ khi
Nằm nghe phố cổ thầm thì gọi tên
Ngồi lại, lắng nghe, kể từ ngày hoát nhiên ngộ ra được lẽ chân lý dị thường đó, chàng thi sĩ vốn nặng tình thôn nghĩa xóm, chốn cũ quê xưa, không còn thấy ray rứt, trằn trọc nỗi niềm hoài cố hương nữa. Vì bây giờ, ở bất cứ đâu trên mặt đất hoang vu này thì chàng cũng cảm nhận ra vẻ đẹp muôn đời của hồn quê lai láng rồi
Tôi gặp Huế trên cao nguyên Daklak
Nón bài thơ che nắng ban trưa
Dòng Hương xanh lặn vào đáy mắt
Một giọng trầm buông tiếng: Dạ thưa!
Làm gợi nhớ tới Bùi Giáng:
Dạ thưa phố Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương
Sông Hương núi Ngự của Dzạ Lữ Kiều cũng đi về theo thể điệu lai rai:
Xin còn chút mộng trần ai
Cho tôi nghiêng xuống bờ vai tự tình
Vâng, ừ thì cứ tự do, cứ tha hồ mà tình tự với cuộc đời, cuộc đạo, cuộc lữ, cuộc chơi, cuộc tình, cuộc mộng… trên phong thái phiêu bồng, không hề bận tâm gì nữa giữa cuộc phù thế bể dâu:
Rồi đi đâu – Rồi về đâu
Gối khuya trăng lạnh nhịp cầu chênh vênh
Trên nhịp cầu nhân gian đó, trong đêm dài sinh tử đây, mầu nhiệm thay, một ánh trăng rằm vừa lung linh xuất hiện giữa trời khuya sương ngất tạnh, để cho người lữ khách phong trần chợt thấy ra một cõi đi về, sau bao dặm dài gió bụi thổi mù hoang:
Tôi gã cùng tử lang thang
Bước trên ruộng phước em đang gieo trồng
Tự dưng chạm phải nỗi lòng
Mình còn mắc nợ trong vòng tay im
Ân tình, ân nghĩa trót lỡ vay nhau từ vô lượng kiếp đã thành cái nghiệp rồi phải không, hỡi người em thi ca quá mộng bồng bềnh, trên sóng mắt khơi vơi:
Đời ta hạt bụi vô thường
Nghiệp duyên còn mất vui buồn bám rơi
Vui buồn, còn mất, có không cũng là chuyện thường tình mà suốt bình sinh người thi sĩ đã lịch nghiệm, nên lãnh hội được bao não phiền đều rơi rụng dưới gót chân đời tận tuyệt:
Bao năm nghiệp lực truân chuyên
Lặng rơi từng giọt muộn phiền đẩu đâu
Thấu thị lẽ nhân sinh như Lý Bạch: “Xử thế nhược đại mộng. Hồ vi lao kỳ sinh”, nhà thơ chân đất của chúng ta cũng nhẹ nhõm cảm hoài:
Tháng năm vọng khúc tình phai
Đời là giấc mộng trôi hoài qua tim
Thế là cõi thi ca Dzạ Lữ Kiều đã phiêu hốt suốt muôn chiều hiu hắt lênh đênh qua biết bao nỗi sầu xa xứ đã bắt đầu hiển lộ cố hương, cố lý qua khuôn mặt của nàng Thơ huyền ảo trầm lặng:
Nắng về trọ giữa trời cao
Tôi về trọ giữa ngọt ngào tim em
Lòng thi nhân xúc động, bồi hồi trong giao cảm âm thầm:
Và em một đoá hoa Tâm
Cho tôi lãnh hội pháp âm đi về
Tâm Nhiên
[Tập san Pháp Luân - số 73, tr94, 2010]