Truyền thông đại chúng, phương tiện bảo vệ đạo Phật trong bối cảnh thế giới hiện đại

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Các cuộc xung đột sắc tộc và Tôn giác gia tăng trên khắp thế giới

Cuối thế kỷ XX, trong bối cảnh đối đầu 2 cực không còn, nguy cơ bùng nổ chiến tranh thế giới, chiến tranh lớn giữa các cường quốc không còn cao như trước.


Tuy nhiên, thực tế cho thấy các cuộc xung đột nhỏ do các nguyên nhận sắc tộc Tôn giáo lại gia tăng.

“Theo thống kê, 7 năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX, các nơi trên thế giới đã xảy ra 193 cuộc xung đột mang tính khu vực, bình quân mỗi năm là 28 cuộc, vượt quá tổng số 190 cuộc xung đột cục bộ xảy ra trong hơn 40 năm chiến tranh lạnh, cũng vượt rất xa bình quân 4 cuộc mỗi năm trước đây”.

Trong 6 khu vực lớn có xảy ra xung đột thường xuyên là Đông Á, Trung Á, Nam Á, Trung Đông (Tây Á), Balkan – Nam Âu thì châu Á đã chiếm đến 4.

Nguyên nhân có thể có nhiều, nhưng mâu thuẫn dân tộc, Tôn giáo là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Đáng chú ý là nguyên nhân mâu thuẫn dân tộc thường đi đôi với mâu thuẫn Tôn giáo. Trường hợp vấn đề dân tộc và vấn đề Tôn giáo gắn chặt với nhau rất phổ biến.

Các tài liệu nghiên cứu và phương tiện truyền thông hiện đại thường nhắc đến xu thế trỗi dậy của lực lượng Hồi giáo cực đoan, tư tưởng “Thánh chiến”, làm gia tăng mức độ đối kháng các mâu thuẫn Tôn giáo.

Chủ nghĩa khủng bố cũng là một cụm từ thường xuyên được nhắc. Chủ nghĩa khủng bố đã đẩy các cuộc xung đột, Tôn giáo từ cấp quu mô quốc gia lên cấp quy mô khu vực, châu lục và toàn cầu. Không chỉ ở riêng những khu vực nóng, mà người ta cảm thấy bị đe dọa ở khắp nơi, cả trên lãnh thổ Hoa Kỳ, Châu Âu…

Tuy nhiên, có một nguyên nhân ít được nói đến là việc sản xuất, xuất khẩu tràn lan và phổ biến các loại vũ khí nhỏ như súng, mìn, bom. Ngày nay, những phần tử cực đoan trong các Tôn giáo trên thế giới muốn thành lập các lực lượng vũ trang là điều không mấy khó khăn. Lực lượng nổi dậy Hổ Tamil ở miền Bắc Sri Lanka còn có cả tàu chiến nhỏ, máy bay hạng nhẹ với hệ thống ném bom tự tạo, thiết bị lặn…

Theo đà gia tăng mức độ phổ biến của vũ khí nhỏ, thì mức độ xung đột trên thế giới càng gia tăng vũ khí dễ mua, dễ tìm, nên có mâu thuẫn là người ta không ngần ngại sử dụng đến, mà Tôn giáo lại là một lãnh vực nhạy cảm.

Trong bối cảnh xung đột nhỏ với vũ khí nhỏ mang màu sắc dân tộc, Tôn giáo gia tăng thì đạo Phật, với tư cách là một Tôn giáo lớn trên thế giới không tránh khỏi ảnh hưởng.

Hơn nữa, đạo Phật là một Tôn giáo ôn hòa, bất bạo động, trong lịch sử của mình chưa bao giờ gây ra xung đột, chiến tranh Tôn giáo, mà luôn chỉ là nạn nhân. Đạo Phật đã biến mất ở nhiều vùng đất lớn trên thế giới như Tây Á, Trung Á… cũng vì bản tính ôn hòa, sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ, nhẫn nhịn của mình.

Đối với người theo đạo Phật, việc cầm lấy vũ khí đã là chuyện khó khăn, huống nữa là việc gây ra xung đột.

Do bản chất ôn hòa như vậy, khi rơi vào hoàn cảnh có xung đột, thì phía Phật giáo dễ gánh chịu những thương tổn trầm trọng vì không thể chống trả bằng chính bạo lực.

Trong hoàn cảnh thế giới bất an, đầy dẫy nguy cơ xảy ra xung đột Tôn giáo như vậy, cộng đồng Phật giáo trên khắp thế giới cần phải tìm đến những phương thức tự bảo vệ.

Truyền thông đại chúng là một trong những phương thức tự bảo vệ của Phật giáo trong bối cảnh thế giới hiện đại.

Truyền thông như là một phương thức tự bảo vệ trong thế giới bất ổn

Chúng ta đã khảo sát truyền thông ở nhiều khía cạnh: hoằng pháp, sinh hoạt Tôn giáo, v.v… nhưng đặt vấn đề như bài viết này, thì truyền thông mới chỉ được đề cập qua như là một sức mạnh mềm. Ở đây, chúng ta đào sâu ở khía cạnh này.

Truyền thông có nhiều phương tiện: sách, báo, tạp chí, video, truyền hình, phát thanh, v.v… Tất cả đều có vai trò nhất định. Nhưng trong hoàn cảnh mà chúng ta đang xét, thì để có thể là phương tiện tự bảo vệ trong sự bất ổn đang rình rập thì các phương tiện truyền thông tức thì có ý nghĩa quan trọng. Để có thể đáp ứng được yêu cầu trên, truyền hình, phát thanh, internet tỏ ra hữu hiệu.

Trong hoàn cảnh đạo Phật là một Tôn giáo từ khước vũ khí, từ khước bạo lực, thì sự quan tâm đến tiếng nói bằng các phương tiện truyền thông hiện đại là một sự lựa chọn bắt buộc.

Truyền hình, phát thanh, internet duy trì một sự liên kết thường trực đối với công chúng đây là điểm tạo nên thế mạnh và cũng là tác dụng bảo vệ của nó.

Nếu tác động của một cuốn sách được tính bằng đơn vị năm, tạp chí được tính bằng đơn vị tháng, báo in được tín bằng đơn vị ngày thì tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng điện tử tính bằng đơn vị giờ, đơn vị phút.

Nhưng thời gian tác động cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố góp phần làm nên sức mạnh mềm của các phương tiện truyền thông hiện đại. Chúng ta có thể nói đến yếu tố ít phụ thuộc vào hạ tầng. Phương tiện truyền thông nào để hoạt động hữu hiệu đều phải lệ thuộc đối với cơ sở vật chất kỹ thuật nhất định. Báo in cần đến nhà in, mạng lưới phát hành, phương tiện chuyên chở. Internet cần hạ tầng mạng, đường truyền, hệ thống máy vi tính. Truyền hình cần đài phát, kênh sóng, TV, v.v… Tuy nhiên, phương tiện càng hiện đại thì nhà sở hữu phương tiện truyền thông càng chủ động độc lập trong việc duy trì kênh thông tin của mình. Sự chủ động đó làm nên sức mạnh của sự tự bảo vệ.

Vì xem truyền thông đại chúng hiện đại là một sức mạnh đáng kể, nên ngày nay, chiến tranh tin học là một tình huống vẫn thường được nhắc đến. Trong đó, phổ biến hơn cả là trường hợp xâm nhập, phá hoại trang web, gây tê liệt mạng.

***

Phật giáo là Tôn giáo của từ bi và được coi là Tôn giáo ôn hòa hàng đầu thế giới.

Từ bi, tự thân nó, đã làm nên sức mạnh và khả năng tự bảo vệ. Nhưng cũng cần phải nhìn thấy điều đó sẽ làm tăng gấp bội lần khi từ bi trở thành tiếng nói rộng khắp, gởi đến mọi nơi mọi người.

Truyền thông đại chúng hiện đại giữ vai trò quan trọng để làm được việc nói trên, hình thành một tầng cấp mới cho sức mạnh từ bi của đạo Phật.

Trong một thế giới, nếu đã hòa bình và an lạc, thì tiếng nói từ bi cũng hết sức cần thiết. Đàng này, khi thế giới bước vào giai đoạn bột phát xung đột sắc tộc Tôn giáo, bạo lực, kích thích của Phật giáo, trực tiếp tác động đến thế giới bằng phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, càng trở nên hết sức cần thiết.

Phật giáo không tạo thành ốc đảo đối với thế giới vì vậy, sức ép của xung đột sắc tộc, Tôn giáo đang đè nặng lên hành tinh cũng là đè nặng lên Phật giáo, với tư cách là một Tôn giáo. Sự quá khích, cực đoan có chừa một Tôn giáo nào?

Phật giáo tự bảo vệ bằng những phương tiện hoàn toàn hòa bình, phi bạo lực, mà các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại là góp phần vào việc bảo vệ sự an bình trên thế giới.

Chú Thích:
1. Vương Dật Châu (chủ biên): An ninh quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2004, trang 177. Dẫn lại Lý Trung Thành (chủ biên): Chính trị thế giới xuyên thế kỷ, NXB Thời Sự, tháng 3-1998, xuất bản lần 1, trang 185.
2. Chẳng những coi truyền thông đại chúng là một loại sức mạnh mềm, nhiều nhà nghiên cứu còn đi xa hơn, xem truyền thông đại chúng có giá trị ngang với các thiết chế quản lý hành chính, tức có nghĩa như một yếu tố trong guồng máy chính trị xã hội, chẳng hạn nhà khoa học chuyên về chính trị học người Đức Werenr J. Patzelt dẫn lại theo PGS. TS. Phạm Hồng Tung: Văn hóa chính trị và lịch sử dưới góc nhìn văn hóa chính trị, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2008, trang 64.

Phước Cường
[Tập san Pháp Luân - số 72, tr57, 2009]