Phật giáo không chỉ có tư tưởng sinh thái sâu sắc mà còn có sự thực tiễn về sinh thái rất phong phú. Hoạt động của thực tiễn này lấy nghiệp báo làm nền tảng lý luận. Xét từ bản thân của Phật giáo, thực tiễn về sinh thái là phương pháp giác ngộ thành Phật của hàng đệ tử Phật. Xét từ ý nghĩa xã hội, sự thực tiễn về sinh thái mở ra con đường rộng rãi cho sự phát triển mang tính hiện đại của Phật giáo.
1. Nghiệp báo luận
Nghiệp báo luận là lý luận quan trọng của Phật giáo, là nền tảng tư tưởng thực tiễn về sinh thái học của Phật giáo. “Nghiệp” (s:karma) dịch âm là yết-ma (羯磨) nghĩa là “tạo tác” (造作) chỉ cho các hoạt động thuộc về thân và tâm như: hành động (行动), tác dụng (作用), ý chí (意志), v.v... thường được phân làm ba loại, tức là thân nghiệp (s:kāya-karman), khẩu nghiệp (s:vāk-karman) và ý nghiệp (s:manas-karman). Thân nghiệp chỉ cho hoạt động của thân thể; Khẩu nghiệp chỉ cho lời nói; Ý nghiệp chỉ cho sự suy nghĩ. Ba nghiệp này bao quát tất cả hoạt động của chủ thể. “Báo” (报) chỉ cho sự báo ứng. Phật giáo cho rằng nghiệp lực không mất đi, có nghiệp thì nhất định sẽ có quả báo. “Nghiệp báo” (业报) là sự báo ứng của nghiệp, quả báo của nghiệp, chỉ cho hoạt động của chủ thể và kết quả nó chiêu cảm.
Y cứ vào phạm vi của nghiệp báo, Phật giáo đặc biệt phân “nghiệp” và “báo” làm hai loại, và khiến cho Luận nghiệp báo của Phật giáo có ý nghĩa Sinh thái rõ ràng. “Nghiệp” có sự sai biệt giữa Cộng nghiệp (共业) và Bất cộng nghiệp (不共业); “Báo” phân ra Cộng báo (共报) và Biệt báo (别报). Cộng nghiệp là nghiệp lực cộng đồng chúng sanh tạo ra, ảnh hưởng đến mọi người dẫn đến báo ứng cộng đồng mọi người thọ dụng, gọi là Cộng báo. Bất cộng nghiệp là nghiệp lực mà cá thể chúng sanh tạo tác, chỉ ảnh hưởng đến bản thân, dẫn đến quả báo tự thân thọ dụng, gọi là Biệt báo. Cộng báo còn được gọi là Y báo (依报), chỉ cho quả báo thọ nhận thuộc đất đai, sông núi nơi mà chúng sanh nương tựa. Biệt báo còn gọi là Chánh báo (正报) chỉ cho quả báo tự thân chúng sanh tạo nghiệp tiếp nhận.
Nghiệp lực không giống nhau thì quả báo có sai biệt. Biệt báo, Chánh báo là quả báo của bản thân chủ thể tạo nghiệp. Cộng báo, Y báo là sự báo ứng của sự tiếp nhận môi trường nơi mà chủ thể tạo nghiệp cư trú. Hành vi của con người không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Con người không chỉ phải quan tâm đến tác dụng của hành vi cá nhân đối với bản thân, mà còn phải thấy được tác dụng của nó đối với môi trường của mọi người. Khái niệm Cộng báo, Y báo của Phật giáo thể hiện nổi bậc sự quan tâm đối với môi trường sinh thái.
2. Tính thực tiễn sinh thái của Phật giáo truyền thống
Nhà sử học Anh quốc Toynbee, Arnold (1889-1975), trong tác phẩm, Triển Vọng Nhị Thập Thế Kỷ chỉ ra: “Cần phải đối phó với kết quả xấu do tác dụng mang lại, điều cần thiết không phải là hành vi thuộc trí lực mà là hành vi đạo đức.”
Trong cách sống của những quốc gia phát triển, sự tham muốn trở thành phẩm đức tốt đẹp được ca ngợi, nhưng chúng ta cho rằng, trong xã hội cho phép sự tham muốn tàn sát bừa bãi thì tương lai chẳng có hy vọng gì. Sự tham muốn không được tự kiềm chế sẽ đưa đến sự tự hủy diệt. Ông cho rằng: Trong các tôn giáo Đông phương, đặc biệt là trong Phật giáo Đại thừa đưa ra thái độ đối trị lòng tham muốn rất chính xác. Phật giáo Đại thừa tin là thông qua sự dẫn dắt từ bi của chủ nghĩa lợi tha sẽ mang tham muốn của cá nhân hướng đến con đường hiến thân cho sinh vật khác, làm cho nguyện vọng được thăng hoa. Ngày nay muốn cứu vãn Đất mẹ chính là cần phải có tinh thần Bồ-tát của Đại thừa.
Trong lịch sử phát triển lâu dài, Phật giáo chắc lọc hàng loạt các phương thức sinh hoạt độc đáo, xét từ quan điểm bảo vệ môi trường hiện nay thì vẫn không mất đi giá trị của nó. Phật giáo tập trung thể hiện những hành động như là ăn chay, phóng sanh, Phật hóa môi trường, v.v…
Ăn chay là một phương thức ăn uống lấy thực vật có thể ăn được là chính, điều được Hán truyền Phật giáo (Phật giáo được truyền vào từ thời nhà Hán 206 BC-260 AD) tuân thủ là bảo chứng mạnh mẽ trong việc quán triệt giới Bất sát sanh. Hình thái của các loại sinh mạng không giống nhau nhưng bản tánh của nó giống nhau. Kinh Lăng-già (s:Laṅkāvatāra-sūtra) nói: “Sự giết hại chúng sanh phần lớn là do con người ăn, nếu con người không ăn thì cũng không có giết hại, cho nên việc ăn thịt và việc giết hại tội như nhau.”
Mục đích cơ bản của ăn chay là nuôi dưỡng chủng tử từ bi Phật tánh của con người trong cuộc sống. Xét từ vấn đề sinh thái, ăn chay có tác dụng tích cực. Ngày nay, nguồn tài nguyên động vật hoang dã ngày càng bị phá hoại, các loại động vật đang bị diệt vong với tốc độ chưa từng có từ trước đến nay, trong đó nguyên nhân chủ yếu chính là bị con người ăn thịt. Tại Trung Quốc, vấn đề này biểu hiện rất rõ, các phương tiện thông tin đại chúng thường thông cáo có người đang ăn động vật quí hiếm trong quán ăn. Chủ trương ăn chay có tác dụng trực tiếp đối với việc bảo vệ tính đa dạng của động vật.
Phật giáo còn có truyền thống phóng sanh lâu đời. Phóng sanh là dùng tiền mua các loại động vật bị bắt như cá, chim, v.v… thả chúng về với sông núi, lại có được mạng sống tự do. Phóng sanh là sự phát triển từ sự cấm giết và việc ăn chay. Nếu như nói không sát sanh, ăn chay là sự bảo vệ mạng sống mang tính tiêu cực, thế thì phóng sanh lại là sự bảo vệ mạng sống mang tính tích cực.
Vào thời đức Phật có đồ chuyên dùng để bảo vệ mạng sống gọi là “Phóng sanh khí ” (放生器). Nơi đức Phật trú ngụ, thời tiết rất nóng nực, sanh mạng sinh sôi rất nhiều, vì ngăn ngừa việc sát sanh, khi hàng đệ tử Phật lấy nước thì phải dùng túi lọc để lọc qua, đem sanh vật nhỏ bỏ vào trong đồ đựng riêng biệt, rồi sau thả chúng về với sông suối ao hồ. Ngài Nghĩa Tịnh (635-713) nhà Đường đi qua Ấn Độ trở về giới thiệu: “Thấy côn trùng mà lọc nước là nghi thức quan trọng của người xuất gia, thấy nguy hiểm mà quan tâm bảo hộ là sự cứu giúp cấp bách của lòng bi. Đã biết có côn trùng, văn trong luật buộc phải làm đồ phóng sanh”.
Sự trang bị đồ phóng sanh, vì bảo hộ mạng sống trong cuộc sống hàng ngày mà hàng đệ tử Phật tạo ra công cụ thực tế. Tại dân gian Trung Quốc, phóng sanh là một hạnh lành rất được tôn trọng, người ta thích phóng sanh vào ngày lễ, cũng muốn đến chùa phóng sanh. Vì để vừa lòng ý nguyện phóng sanh của hàng Phật tử, rất nhiều kiến trúc của chùa có kiến trúc phóng sanh riêng biệt, gọi là “Ao phóng sanh”. Ao phóng sanh thường được thiết kế ở trước hay xung quanh chùa, trong ao chứa nước, trong ao phóng sanh lớn còn có non bộ, cái đình nhỏ, hoa cỏ, v.v... tạo cho sinh vật nơi sinh tồn, nghỉ ngơi. Phật giáo còn có những pháp hội phóng sanh riêng biệt, gọi là “Hội phóng sanh”. Kinh Phạm Võng (p: Brahmajālasutta), quyển hạ có nói: “Phật tử phải lấy lòng từ bi mà thực hành hạnh phóng sanh, vì chúng sanh trong sáu đường đều là cha mẹ ta”. Kinh Tạp Bảo Tạng (s: Saṃyukta-ratna-piṭaka-sūtra), quyển 5 có thuật rằng: Có một chú Sa-di (s: Śrāmaṇera) cứu được đàn kiến trong nước mà được quả báo sống lâu. Đại sư Trí Khải lúc ở núi Thiên Thai khuyên dân chài không nên làm nghề bắt cá sát sanh, và đào ao phóng sanh. Thiên Thai tông do rất coi trọng việc phóng sanh nên có ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Trung Quốc. Vào triều đại Đường Tống, phóng sanh thường là hành động của chính phủ. Đường Túc Tông, niên hiệu Càn Long thứ hai (759), đã từng hạ chiếu yêu cầu xây dựng ao phóng sanh ở những khu như Nam Sơn, Kiếm Nam, Kinh Nam, Triết Giang. Tống Chân Tông, Thiên Hi nguyên niên (1017), ban sắc lệnh thiên hạ sửa chữa ao phóng sanh.
Điều khiến ta lấy làm tiếc là phóng sanh sau này xuất hiện mặt đối lập. Có người chuyên đi bắt các loại chim muôn bán để thỏa mãn ý muốn phóng sanh của một số người. Căn cứ vào sự điều tra ở khu vực Bắc Kinh, hiện tại để bắt được một con vẹt thì phải hi sinh khoảng 20 con mồi. Loại phóng sanh này thực tế làm mất đi mọi ý nghĩa tích cực mà trở thành mục tiêu giả dối của một số người.
Từ xưa các bậc Sơn tăng nổi tiếng chiếm số đông. Phật giáo lấy giải thoát làm mục đích, sự tu hành là điều tất yếu của hàng Phật tử. Vì thế, hàng đệ tử Phật thích xây dựng chùa am những nơi núi xanh nước biếc, Phật hóa thiên nhiên, vì sự tu trì thanh tịnh nên tạo ra môi trường tốt đẹp. Ngày nay, không luận là sơn cao núi thẳm hay là thành đô náo thị, phàm là những nơi hoạt động của Phật giáo, cây cối xanh tươi chim kêu hoa nở chính là mô thức cho sự bảo vệ môi trường sinh thái.
Sự kiến thiết môi trường của Phật giáo không phải là mù quáng mà có sự hướng dẫn lý luận độc đáo, đây chính là tư tưởng Tịnh Độ của Phật giáo. Lâm viên của Chùa là một phương cách đặc thù của Phật giáo để mô tả cảnh Tây Phương. Từ nhiều phương diện như thị giác, thính giác, khứu giác, hàng đệ tử Phật thuận theo tự nhiên, tô vẽ tự nhiên, làm thăng hoa tự nhiên khiến cho cảm giác sinh mạng cùng hài hòa trên trình độ lớn nhất của môi trường và ý tưởng tôn giáo của nó trở thành đạo tràng lý tưởng trong đời sống tu tập. Từ hàng đại chúng phổ thông coi trọng, yêu thích nơi hoạt động của Phật giáo, có thể cho thấy sự tìm cầu môi trường của hàng đệ tử Phật phản ánh ước muốn thuộc nhân tính phổ biến trên mức độ rất lớn.
3. Tính Thực Tiễn Sinh Thái Của Phật Giáo Hiện Đại
Kêu gọi hòa bình và tham gia bảo vệ môi trường, đây là phương thức thực tiễn trọng yếu nhất của Phật giáo thế giới đầu nửa sau thế kỷ 20, phản ánh tinh thần tự giác về sinh thái của hàng đệ tử Phật. Vấn đề này được biểu hiện rất rõ tại khu vực Đông Á.
Phát xuất từ giáo nghĩa căn bản không sát sanh của Phật giáo, đối tượng quan tâm trọng yếu của hàng đệ tử Phật trong thế kỷ 20 là vấn đề hòa bình. Hai cuộc đại chiến thế giới, lấy chiến tranh lạnh trong việc chạy đua vũ khí hạt nhân làm mục tiêu, có thể gọi là sự tự sát của nhân loại. Do nguyên nhân này, giá trị ưu việt không sát sanh của Phật giáo được nổi bật chưa từng thấy, được hàng Phật tử cho đến toàn nhân loại coi trọng, trở thành sự cống hiến của Phật giáo cho thời đại. Các tổ chức như: Hội Liên Hữu Phật Giáo Đồ Thế Giới, Hội Nghị Hòa Bình Phật Giáo Đồ Thế Giới, Hội Hòa Bình Phật Giáo Đồ Á Châu, Hội Nghị Hòa Bình Tôn Giáo Đồ Á Châu, v.v… đều lấy hòa bình làm đề tài thảo luận quan trọng.
Thập niên 50 trở lại đây, tín đồ Phật giáo Nhật Bản trước sau đều nhấn mạnh vấn đề hòa bình. Năm 1951, Nhật Bản thành lập “Hội Khẩn Đàm Hòa Bình Phật Giáo Đồ”, về sau phát triển thành “Hội Hiệp Nghị Hòa Bình Phật Giáo Đồ Nhật Bản”, chủ trương ủng hộ hòa bình, phản đối việc tái chuẩn bị quân bị, bảo vệ Hiến pháp mới, bãi bỏ chiến tranh. “Giáo Hội Phật Giáo Nhật Bản” được thành lập năm 1954, lấy “Tinh thần hòa bình của Phật-đà” làm nền tảng lý luận.
Học Hội Sáng Giá Chánh Tông Nhật Bản được sáng lập vào thập niên 30 thế kỷ 20, gọi tắt là Học Hội Sáng Giá, sau thập niên 50 bước lên vũ đài chính trị, quan điểm chính trị của hội là “Chủ Nghĩa Dân Chủ Phật Pháp”, “Chủ Nghĩa Xã Hội Nhân Tính”, “Chủ Nghĩa Dân Tộc Địa Cầu” thể hiện tinh thần tôn trọng sinh mạng, bảo vệ môi trường.
Thập niên 90 đến nay, sự liên hệ của Phật giáo đồ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc được gia tăng, cho thấy lại “Mối quan hệ vàng son” trong lịch sử. Sự cộng thức tư tưởng quan trọng trong mối liên hệ lẫn nhau của Phật giáo đồ ba nước chính là sự hòa bình của thế giới. Vào năm 1996, trong buổi hội nghị tại Seoul phát biểu: “Tuyên ngôn của cộng đồng đại hội Seoul tại Hội nghị giao lưu thân thiện Phật giáo Nhật, Trung, Hàn là Sứ Mạng Của Phật Giáo Nhật, Trung, Hàn Trong Thế Kỷ 21”, tuyên bố “Phật giáo đồ ba nước chúng ta phải giữ vững học thuyết Duyên khởi ‘cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không’ lấy quan điểm cùng sống hòa hợp làm nền tảng, củng cố mối quan hệ trung gian với nhau, nhận thức triệt để nguyên lý về thể cộng đồng của vũ trụ, vì để cứu vớt mạng sống con người mà làm thanh tịnh nhân tâm, vì giải trừ vũ khí hạt nhân, bởi nó đe dọa sự sinh tồn của nhân loại, vì bảo trì tôn trọng tư tưởng sinh mạng và phục hồi đạo đức luân lý nên phải tạo ra cống hiến to lớn hơn nữa trên tuyến quan trọng nhất trong việc xanh hóa, làm trang nghiêm trái đất cho con người và xã hội.” Đây là tiếng vọng thời đại về quan niệm sinh mệnh của Phật-đà.
Y cứ vào tư tưởng Tịnh Độ của Phật giáo, Phật giáo đồ hiện đại vẫn lấy việc bảo vệ môi trường làm phương thức trọng yếu để phụng sự xã hội. Họ kết hợp nghĩa lý Phật giáo và xã hội hiện đại, sáng tạo nhiều hình thức thực tiễn về Tịnh Độ phù hợp với yêu cầu hiện đại, được toàn xã hội coi trọng.
Pháp Cổ Sơn của Đài Loan có thể gọi là một biểu mẫu cho sự bảo vệ môi trường. Phật giáo đồ ở đây lấy “Sự nâng cao phẩm chất của con người, kiến tạo Tịnh Độ nhân gian” làm ý tưởng, lấy tinh thần “Xem xét vấn đề lớn, bắt tay từ việc nhỏ”, bẩm tánh sáng tạo đem sự nghiệp bảo vệ môi trường hòa vào cuộc sống thường nhật của tín đồ, lấy nguyện lực tôn giáo để quán triệt công tác bảo vệ môi trường, tích lũy kinh nghiệm quí báo. Pháp sư Thánh Nghiêm tại Pháp Cổ Sơn chia việc bảo vệ môi trường thành hai phương diện; Bảo vệ môi trường vật chất và Bảo vệ môi trường tâm linh. Bảo vệ môi trường vật chất chính là đem việc bảo vệ môi trường quán triệt vào mỗi phương diện của cuộc sống vật chất, đem hành vi thường nhật của con người biến thành hành vi bảo vệ môi trường, bao gồm bảo vệ môi trường lễ nghi, bảo vệ môi trường sinh hoạt, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ môi trường thân thể, bảo vệ môi trường xã hội, v.v… Bảo vệ môi trường tâm linh là xuất phát từ tâm linh của con người, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, và tự giác chuyển ý thức đó thành hành động. Bảo vệ môi trường tâm linh là cái gốc, Bảo vệ môi trường vật chất là bên ngoài, cùng nhau xúc tiến trên cả hai phương diện.
Phương thức bảo vệ môi trường tại Pháp Cổ Sơn có rất nhiều. Xét về việc bảo vệ môi trường sinh hoạt, họ đề xướng không dùng đồ đựng thức ăn một lần, rửa chén bát không dùng chất hóa học, phân loại rác, nhận nuôi các động vật đi lang thang, buộc ga-rô cho chó mèo, v.v... Trên phương diện bảo vệ môi trường thân thể, lấy “dưỡng sanh, hộ sanh và hậu sanh” làm nguyên tắc ăn uống; đề xướng “ăn uống không ô nhiễm”. Trên phương diện bảo vệ môi trường lễ nghi, khởi xướng nền tảng Phật giáo: Phật hóa chúc thọ, Phật hóa hôn lễ, khi cúng Phật không đốt hương, không đốt giấy, đồ cúng chỉ dùng hoa quả, nước trong. Trên phương diện bảo vệ môi trường xã hội: thường tổ chức các hoạt động như là “ngày cộng đồng Pháp Cổ Sơn quan tâm bảo vệ môi trường”, động viên toàn xã hội tham gia “thị trường tích phước” (không quá hưởng thọ), thu hồi tài nguyên, làm sạch bờ sông biển, làm sạch núi, trồng cây, môi trường trong sạch, tiếc kiệm nước, ủ làm phân các loại rác đã qua sử dụng, v.v...
Tính thực tiễn tại Pháp Cổ Sơn, không chỉ vì sự hoàn thiện cho bản thân Phật giáo đồ mà đưa ra phương thức hiện đại, hơn nữa chỉ rõ phương hướng quan trọng của Phật giáo tham gia vào đời sống xã hội hiện đại.
Sự giao thoa của thế kỷ đúng vào lúc làn sóng Hiện đại hóa mang trái đất và nhân loại đặt vào khả năng hủy diệt. Ý tưởng sinh thái và tính thực tiễn của Phật giáo phải cho chúng ta sự gợi ý có ích. Phật giáo có cống hiến trong việc giải quyết nguy cơ về môi trường sinh thái. Phương hướng này rất đáng được Phật giáo đồ và toàn xã hội chú ý.
Ngày 28 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9 năm 1993, tại bang Chicago của Mỹ cử hành đại hội Hội Nghị Tôn Giáo Thế Giới, có 6.500 đại biểu tham dự, trong “Tuyên ngôn” của đại hội chỉ ra: “Tôn giáo không thể giải quyết những vấn đề môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Tuy nhiên tôn giáo đưa ra những điều mà chỉ dựa vào kế hoạch kinh tế, cương lĩnh chính trị, hoặc điều khoản pháp luật không thể có được; tức là sự thay đổi khuynh hướng nội tại, thay đổi hoàn toàn trạng thái tâm lý, thay đổi tâm linh con người, cho đến từ một phương pháp sai lầm hướng đến một sự thay đổi phương hướng sinh mạng mới.”
Nói về vấn đề sinh thái, tác dụng của Phật giáo là như vậy. Chỉ dựa vào Phật giáo không thể giải quyết nguy cơ sinh thái, nhưng Phật giáo đích thực mở ra ý tưởng có ích cho vấn đề giải quyết nguy cơ sinh thái.
Đối với Trung Quốc, tuy việc hiện đại hóa vẫn chưa hoàn thành, nhưng nguy cơ sinh thái ngày càng thêm trầm trọng hơn. Hiện đại hóa của Trung Quốc không thể là hệ vô sinh đơn giản theo kiểu Tây phương hóa mà chú trọng vào phong cách sáng tạo mới của văn hóa lâu đời Trung Quốc là quá trình hợp nhất giữa Hiện đại hóa và Hậu hiện đại hóa. Griffin đã từng nói: “Trung Quốc có thể thông qua hiểu biết từ việc sai lầm của thế giới phương Tây đã thực hiện để tránh sự ảnh hưởng mang tính phá hoại mà Hiện đại hóa mang đến. Nếu thực hiện được như vậy thì trên thực tế Trung Quốc đã là ‘Hậu hiện đại hóa’”.
Trên tinh thần thực tiễn, Phật giáo là Hậu hiện đại. Quí trọng, học hỏi, phát huy nhân tố ưu tú về quan điểm sinh thái của Phật giáo để tránh khỏi con đường vòng trong quá trình Hiện đại hóa. Điều này đối với người Trung Quốc nên có tính khả năng và tính hiện thực lớn hơn.
Chú Thích:
1. Triển Vọng Nhị Thập Thế Kỷ trang 39
2. Triển Vọng Nhị Thập Thế Kỷ trang 59
3. Đại thừa Nhập Lăng Già Kinh, quyển 6, Đại Chánh Tạng, quyển 16, trang 624
4. Hộ Mệnh Phóng Sanh Quỹ Nghi Pháp, Đại Chánh Tạng, quyển 45, trang 902
5. Dương Tăng Văn chủ biên, Đương Đại Phật Giáo, Đông Phương xuất bản xã, bản năm 1993, trang 265
6. Dương Tăng Văn chủ biên. Đương Đại Phật Giá, trang 245
7. “Pháp Âm” năm1996, kỳ thứ 10, trang 32-33
8. “Trung Ương Nhật báo” Đài Loan, ngày 9 tháng 1 năm 1998
9. “Toàn Cầu Luân Lý—Thế Giới Tôn Giáo Nghị Hội Tuyên Ngôn”, Hà Quang Hỗ dịch, Tứ Xuyên Nhân Dân xuất bản xã, 1997 trang 13
10. D. R. Griffin. Hậu Hiện Đại Khoa Học, lời tựa bản tiếng Trung, Trung Ương Biên Dịch xuất bản xã, 1998, trang 16
Trích Quan niệm của Phật giáo về môi trường sinh thái. Nguyên tác Hán ngữ của GS. Tiến sĩ Triết học Ngụy Đức Đông. Kính mời quý độc giả vào website http://phapluanonline.com để xem toàn bộ bài này.
Thanh Quang(dịch)
[Tập san Pháp Luân - số 68, tr26, 2009]