Miền trung, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi chịu nhiều thiệt hại nhất từ bao thập kỷ qua. Chính vì hoàn cảnh khắc nghiệt như thế đã tôi luyện nên bao lớp người kiên trung, uyên bác, chịu thương chịu khó. Hình ảnh con người và làng quên miền Trung luôn là một trong những biểu tượng đẹp của hổn quê dân tộc. Tuy chịu nhiều sóng gió, đau thương song với nghị lực vá trời lấp bể, miền Trung sẽ vượt qua, và sẽ phát triển tốt đẹp.
Vài dòng chia sẽ với nỗi đau của khúc ruột miền Trung, đồng thời điểm qua những thực trạng đang xảy ra để chúng ta có cách nhìn tổng quát về sự biến đổi khắc nghiệt của môi trường hiện nay.
Đành rằng thiên tai là thảm họa mà không ai mong muốn có, thế nhưng thiên tai cũng không hẳn là tự bản thân nó có thể tạo ra được, mà trong đó con người là tác nhân quan trọng góp phần thúc đẩy cho cơn thịnh nộ của thiên nhiên lên đến đỉnh điểm. Nếu đem giáo lý “tương quan nhân quả” trong đạo Phật mà xét thì không thể sai chạy một mảy may nào cả. Thiên nhiên vốn dĩ rất hài hòa với con người, thiên nhiên đã ôm trọn và dành tình yêu thương cao đẹp nhất chan hòa đến muôn loài vạn vật. Bản tính của thiên nhiên là vậy.
Tuy nhiên do con người ngày một văn minh, xã hội ngày một tân tiến, và cũng từ đó con người tự tách biệt “ra riêng” không chịu hòa nhập với thiên nhiên nữa. Không những thế, với đầu óc “thông minh” của mình, con người đã tàn hại thiên nhiên một cách không thương tiếc: hàng vạn hecta rừng bị chặt phá, nguồn tài nguyên dồi dào từ lòng đất bị khai thác đến mức cạn kiệt, các loài động vật trên rừng dưới biển bị giết hại vô số. Tất cả cũng chỉ thỏa mãn lòng tham dục của con người.
Chính con người đã quay lưng lại với thiên nhiên, con người đã trả ơn cho thiên nhiên bằng những hành động tàn bạo như thế. Dù vô tình hay cố ý, con người vẫn chính là tác nhân trực tiếp, là nguyên nhân quan trọng làm tổn hại đến thiên nhiên, để rồi chính con người gánh chịu những hậu quả thương tâm như thế. Con người là nhân và chính con người cũng là đối tượng gánh chịu hậu quả.
Vậy than ai, trách ai bây giờ! Đành rằng đứng về góc độ tình thương mà nói thì không ai không khỏi động lòng thương cảm đối với những cảnh tượng mất mát đau đớn này. Bằng những hành động thiết thực như là cứu tế, chữa bệnh, trấn an tinh thần, chia sẽ mất mát, chúng ta có thể xoa dịu phần nào sự đau thương và tổn thất của những nạn nhân. Thế nhưng đây cũng chỉ là công việc có tính cách tạm thời, chưa thể nào giúp họ thoát được thảm cảnh một cách tuyệt đối được, một khi ý thức bảo vệ môi trường chưa được phát huy tối đa.
Chúng ta, những con người tự cho là “thông minh” thì hãy cùng bắt tay vào để tìm ra phương pháp hóa giải những khó khăn cấp bách này. Thiết nghĩ phương pháp tốt nhất hiện nay là phải làm sao đánh thức được trong con người tình yêu thiên nhiên, và ý thức bảo vệ môi trường. Cần có nhiều hơn nữa những “cộng tác viên môi trường xanh” dấn thân làm công tác tuyên truyền, những người này phải được chọn lọc từ những con người có tâm huyết, có lòng yêu thiên nhiên, có kiến thức và kinh nghiệm trong việc hướng dẫn, tổ chức các buổi tập trung tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp người dân trên khắp các quốc gia trên thế giới.
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường là môn học quan trọng hàng đầu mà giáo dục cần phải nghiên cứu đưa vào áp dụng trong học đường. Thế hệ học sinh, sinh viên là chủ nhân tương lai của đất nước, chính vì thế mà giáo dục cho họ về tình yêu thiên nhiên bằng những bài học cụ thể, nêu bật được những tác hại, kèm với những hình ảnh minh họa cụ thể để cho họ nhận thức được tầm quan trọng của thiên nhiên trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Các quốc gia nên có chính sách cải thiện môi trường, trong sạch hóa địa bàn cư trú. Đối với các công ty, xí nghiệp ở các cấp độ đều phải có biện pháp sản xuất, chế biến an toàn. Nông thôn cũng nên áp dụng các biện pháp trồng và sản xuất nông sản sạch, hạn chế dùng thuốc trừ sâu có nồng độ mạnh.
Các vùng ven biển, nơi cư dân chủ yếu là đánh bắt thủy hải sản, thì nên đưa ra những biện pháp đánh bắt “nhân đạo”. Xây dựng danh mục các thủy hải sản được phép đánh bắt, và các thủy hải sản cần được bảo vệ (kèm theo hình ảnh minh họa cụ thể), để ngư dân có khái niệm tổng quát về công việc của mình.
Đồng thời chương trình trồng cây gây rừng, tu bổ sửa chữa nâng cấp hệ thống thủy lợi, đê điều cần phải chấn chính và kiểm tra khắc phục gia cố thường xuyên, không nên làm theo mùa vụ (nghĩa là đợi đến mùa lũ mới làm). Đây là công việc đòi hỏi người làm vừa phải có “tầm” vừa phải có “tâm”. Từ ngàn xưa trong các triều đại, việc tu bổ đê điều là điều kiện tối quan trọng đối với sự sống còn của xã tắc, nhất là đối với các nước mà nền kinh tế chủ yếu là dựa vào nông nghiệp.
Muốn đạt đến sự hoàn hảo tuyệt đối, thì tự thân mỗi con người cần phải xét lại tâm ý, và hành động của mình. Bởi lẽ “tâm dẫn đầu, tâm tạo tác tất cả”, nếu tâm nghĩ thiện, miệng sẽ nói thiện và thân sẽ làm điều thiện và ngược lại. Ở đây chúng ta tạm gọi “cái tâm” đó là nhận thức hay ý thức đối với việc bảo vệ và tái thiết môi trường.
Một khi, ý thức rằng “bảo vệ thiên nhiên chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” thì con người tức khắc sẽ có những hành động phù hợp với ý nghĩ ấy. Một khi giác ngộ được rằng con người và thiên nhiên không thể tách biệt nhau thì ý thức sống hài hòa và bảo vệ thiên nhiên sẽ được phát khởi. Cho nên nói, những biện pháp nêu trên sẽ không có hiệu quả tuyệt đối nếu như không có cái tâm, không có ý thức bảo vệ và yêu thiên nhiên.
Tiết chế dục vọng, không chạy theo quyền lợi trước mắt mà gây tổn hại đến lợi ích lâu dài, đó là cách tốt nhất để chúng ta trực nhận vấn đề đang đề cập đến.
Anh không thể vì lợi ích của cá nhân anh, hay tập thể hoặc là quốc gia anh mà làm tổn hại đến lợi ích của con người ở các quốc gia khác. Khi tiến hành một việc gì đó, mang tầm quan trọng cấp quốc gia, anh phải nghĩ rằng lợi ích này có gây tổn hại cho ai không? Nếu thấy có tổn hại thì nhất quyết không làm dù lợi ích có lớn đến bao nhiêu. Con sông Mekong bắt nguồn từ Tây Tạng (cao nguyên Thanh Tạng) và kết thúc tại miền Nam Việt Nam với chín cửa đổ ra biển lớn gọi là Cửu Long. Đây là con sông huyết mạch, là đường giao thông quan trọng giữa các nước trong khu vực. Vì vậy khi anh ở đầu nguồn muốn tiến hành việc gì đó trên con sông này, thì anh phải nghĩ đến sự lợi và hại đối với những người phía dưới hạ nguồn. Còn nếu cứ tiến hành theo cách “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi” thì đó là kiểu hành xử không phải của kẻ trượng phu, không phải là cách làm của con người có lương tri đạo đức. Với cái tâm như vậy, nếu tiến hành xây đập thủy điện trên thượng nguồn thì vào mùa khô hạ nguồn thiếu nước, vào mùa mưa thì lũ lụt xảy ra do thượng nguồn ồ ạt xả nước. Với sức nước như vậy thì liệu còn ai sống sót, mà nếu có sống sót thì cũng không làm gì được vì sức nước như thác lũ, mang theo phù sa đổ ra biển, không có phù sa bồi đắp thì các cánh đồng ở hạ nguồn cũng chỉ là đất hoang không hơn không kém. Vậy sống cũng bằng chết.
Chưa hết nếu xét ở cấp độ môi trường thì đây là một hành động cần phải lên án, vì nếu một khi chặn nước đột ngột ở thượng nguồn, sức nước bị dồn ép, làm cho bề mặt vở trái đất chịu một áp lực dữ dội, nếu lớp vỏ trái đất nơi đó quá mỏng, thì về lâu dài sẽ tạo ra vết nứt, dẫn đến thảm họa động đất, minh chứng cụ thể đó là trận động đất ở Tứ Xuyên mà nguyên nhân là do bề mặt vỏ trái đất dưới lòng hồ Tam Hiệp (một trong những đập thủy điện tầm cỡ của Trung Quốc) bị nứt do chịu sức ép quá nặng của một khối nước khổng lồ. Hay như trận sóng thần xảy ra ở Indonesia vào cách đây vài năm trước tại hòn đảo Bali xinh đẹp mà nguyên nhân của nó cũng tương tự như vậy.
Cho nên, với cái tâm bất thiện thì hành động bất hiện sẽ kèm theo mà hậu quả của nó thì không thể đo lường được. Đừng để hậu quả xảy ra rồi mới động lòng thương xót, phòng bệnh hơn chữa bệnh là câu nói không bao giờ phản tác dụng.
Nằm trong xu thế bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả của sự thay đổi khí hậu, Ấn Độ cũng chịu rất nhiều tổn thất nặng nề. Tuy nhiên nếu xét về góc độ “sống hài hòa với thiên nhiên” thì các quốc gia khác cũng nên nghiêm túc nghiên cứu học hỏi.
Ở các quốc gia khác, nếu muốn đi xem các loài động vật thì phải đi vào vườn bách thú. Mang tiếng là vườn bách thú nhưng làm gì đã đến 100 loài thú đâu!? Thế nhưng ở Ấn Độ, ngay chính đất nước của họ là một vườn bách thú khổng lồ thiên nhiên hoang dã nhất. Hàng vạn con khỉ có mặt khắp mọi nơi, voi và lạc đà thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện trên các đường phố lớn, hàng triệu triệu các loài chim, hiện diện trên khắp đất nước không chỉ ở vùng thôn quê mà ngay cả những thành phố ồn ào náo nhiệt. Người dân Ấn từ trong thẳm sâu ý thức của họ, khái niệm sống chung hòa hợp với thiên nhiên là yếu tố bẩm sinh. Nó được hành thành từ nhiều thế hệ, và được xây dựng thành một học thuyết và được truyền bá sâu rộng bởi những vị vua anh minh như Asoka đại đế, họ thực hành lòng thương yêu vạn vật một cách triệt để, chính vì thế mà các loài động vật từ khắp nơi đổ về sinh sống, tạo nên một cảnh quan vô cùng thú vị.
Dân số Ấn Độ thuộc vào hạng nhất nhì thế giới, nhưng có đến 70% là những người ăn chay tuyệt đối, trong số đó người đáng được nhắc đến là thánh Gandi, người cha vĩ đại của dân tộc Ấn. Ông trung thành tuyệt đối với học thuyết bất bạo động và tuyệt đối không dùng đến rượu thịt, vô hại đối với tất cả muôn loài. Điều này cũng dể hiểu bởi Ấn Độ là cái nôi của nền triết học phương Đông, nơi mà tôn giáo, giá trị tâm linh là huyết mạch chủ đạo của mọi hành động. Và hơn thế nữa, đất nước này cũng là nơi hiện thân của Đức Thế Tôn, từ nơi Ngài mà thông điệp tình thương được trải khắp Ấn Độ và trải khắp tinh cầu. Có lẽ hấp thụ được lòng từ bi vô hạn lượng đó mà dân Ấn luôn ý thức rằng sống hài hòa với thiên nhiên là cách sống tốt đẹp nhất.
Các học giả phương Tây, hay các du khách nước ngoài lần đầu đặt chân lên đất Ấn không khỏi ngậm ngùi ngao ngán, có người lắc đầu le lưỡi vì cảnh sống quá ư bẩn thiểu, và dưới mức thấp của chữ “thấp”. Tuy nhiên, có một điều lạ lùng là những căn bệnh như dịch cúm gia cầm, cúm lợn, bò điên, v.v… đều không bắt nguồn từ Ấn Độ mà lại khởi nguyên từ những đất nước tân tiến, văn minh, môi trường trong sạch trên thế giới. Nguyên nhân thì không thể lý giải được nhưng có một điều mà chúng ta phải thừa nhận là ý thức và tâm tánh thuần thiện của người Ấn thì không một dân tộc nào có thể sánh bằng. Đối với họ đời sống vật chất chỉ là tạm bợ, cốt yếu là làm sao để tâm được trong sạch. Tuy nhiên, ngày nay theo xu thế nhập cuộc chung với toàn cầu, một bộ phận người Ấn đã có dấu hiệu thoái hóa về đạo đức, thế nhưng đại đa số họ vẫn đáng được ca ngợi là dân tộc “đại nhẫn nhục và đại từ tâm”.
Nêu câu chuyện trên để một lần nữa chúng ta có cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của cái tâm, của sự nhận thức chi phối toàn bộ hành động của chúng ta.
Đức Phật có dạy rằng: “chớ làm các việc ác, siêng làm các việc lành, giữ tâm ý thanh tịnh, đó là lời Phật dạy”. “Chớ làm các việc ác” đó là không hủy hoại môi trường, “siêng làm các việc lành” đó là ra sức bảo vệ môi trường, “giữ tâm ý thanh tịnh” là không để bị các tham dục chi phối, làm việc gì cũng cân nhắc hậu quả, suy lường thiệt hơn. Nếu thực hành được như thế thì cuộc sống sẽ bớt tang thương, thiên tai cũng phần nào giảm thiểu.
Cổ nhân có câu: “trời gây tai họa, Vua xét đức độ mình, thứ dân gặp nạn, Quan xét tội lỗi mình”. Vì thế thảm họa xảy ra, người đầu tiên cần phải tự trách và nhìn nhận trách nhiệm đó là các vị lãnh đạo các quốc gia, nhất là các quốc gia hùng mạnh, đã góp phần rất lớn vào việc hủy hoại môi trường. Các vị ấy phải nghiêm túc nhìn nhận, và có biện pháp sửa đổi tích cực trong quá trình lãnh đạo, nắm bắt nguyên nhân gây hậu quả nghiêm trọng trong chính sách điều hành đất nước của mình. Còn các bộ, các ngành, các tổ chức có liên quan cũng phải đánh giá lại mức độ quản lý của mình, tiếp thu và điều chỉnh kịp thời sự lầm lỗi trong các vấn đề có liên quan đến môi trường.
Chấn chỉnh và sửa sai sau khi hậu quả xảy ra là điều đã muộn, tuy nhiên sẽ còn cứu vãn được nếu hành động ấy đi kèm với cái tâm chân thành, và lương thiện, vì cuộc sống của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước và vì an bình cho thế giới. Được như thế, thì những đau khổ kia sẽ không còn nữa, người sống sẽ được an vui và kẻ đã chết cũng nhẹ nhàng siêu thoát. Hy vọng, ý thức bảo vệ môi trường sẽ được mọi người tiếp thu nghiêm túc, thực hành và nhân rộng ra toàn thế giới. Nguyện cầu an lành sẽ hiện hữu, tang thương sẽ qua đi, nụ cười bình an sẽ nở trên môi của tất cả mọi người.
Tâm Hòa
[Tập san Pháp Luân - số 68, tr13, 2009]