Theo truyền thống văn hóa Phật giáo Bắc tông, ở các chùa viện thường có những lễ cúng trong tháng (lịch Âm), kỷ niệm về ngày khánh đản, xuất gia, hay thành đạo của chư Phật và các vị Bồ-tát. Đặc biệt trong tháng bảy có những ngày khánh đản Bồ-tát Đại Thế Chí (ngày 13), Địa Tạng (ngày 30), Long Thọ (ngày 24), Tổ sư Phổ Am (ngày 21) và ngày Phật hoan hỷ (ngày 15).
DẪN NHẬP:
Nhưng tại Việt Nam trong tháng 7, lâu nay chỉ thấy ghi chép, tổ chức, hành lễ ba ngày, là ngày Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Địa Tạng và ngày Phật hoan hỷ (Vu-lan thắng hội). Riêng ngày vía Bồ-tát Địa Tạng, nhằm ngày 30 tháng 7, có thể người ta theo truyền thuyết được ghi trong Tống cao tăng truyện quyển 20, tạng Đại chánh 50, số hiệu 2061, trang 838c11:
Ngài Thích Địa Tạng, người giòng họ Kim thuộc vương quốc Tân-la (nay là Triều Tiên), tên Kim Kiều Giác (năm Vĩnh Huy thứ 4, ngài 24 tuổi cắt tóc đi tu)… cưỡi thuyền đến đất Giang Nam, ở huyện Thanh Dương, phủ Trì Châu có ngọn Cửu Tử (Cửu Hoa sơn), thích cảnh u tịch, ngài lưu lại đó tọa thiền 75 năm. Đến năm Khai Nguyên thứ 6, đời Đường, đêm 30 tháng 7 thì thành đạo. Năm Trinh Nguyên thứ 19 (803), ngài thị tịch, thọ 99 tuổi. Từ đó vị Địa Tạng họ Kim này được coi là hóa thân của Bồ-tát Địa Tạng.
Nhân dịp Tập san Pháp Luân kỳ này hướng đến chủ đề Bồ-tát Địa Tạng, chúng tôi xin giới thiệu đến quí Phật tử một số bản kinh nói về công hạnh, đại nguyện cứu khổ của ngài.
TOÁT YẾU NỘI DUNG KINH:
I. Kinh Đại phương quảng thập luân (大方廣十輪經), còn gọi là kinh Phương quảng thập luân, Thập luân, 8 quyển, mất tên người dịch, được dịch vào thời Bắc Lương, tạng Đại Chánh 13, số 410, trang 681.
Nội dung kinh này gồm 15 phẩm, kể về công đức của Bồ-tát Địa Tạng, đồng thời nói nếu nương vào 10 Phật luân (10 lực) và 10 y chỉ luân của Tam thừa thì có thể xoay chuyển 10 ác nghiệp luân.
Bản dịch khác của kinh này là Đại thừa đại tập Địa Tạng thập luân (xem kinh thứ 2).
II. Kinh Địa Tạng thập luân (地藏十輪經), gọi đủ là kinh Đại thừa đại tập Địa Tạng thập luân, 10 quyển, ngài Huyền Trang (600-664) dịch thời Đường, tạng Đại Chánh 13, số 411, trang 721.
Kinh này tường thuật đức Như Lai nhân lời thưa hỏi của Bồ-tát Địa Tạng mà nói 10 thứ Phật luân (10 lực), có năng lực phá trừ 10 ác luân trong đời mạt pháp, và khen ngợi công đức Bồ-tát Địa Tạng. Mục đích kinh này nhằm dung hợp Tam thừa về Đại thừa, lại nhắm vào các Tỳ-kheo phá giới mà giải thích rõ về công đức “thắng tưởng”, và việc Bồ-tát Địa Tạng hiện tướng Sa-môn để cứu độ chúng sanh trong đời mạt pháp.
Nội dung gồm 8 phẩm: 1. Phẩm Tựa; 2. Phẩm Thập luân; 3. Phẩm Vô y hành; 4. Phẩm Hữu y hành; 5. Phẩm Sám hối; 6. Phẩm Thiện nghiệp đạo; 7. Phẩm Phước điền tướng; 8. Phẩm Hoạch ích chúc lụy.
III. Kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện (地藏菩薩本願經), 2 quyển, ngài Thật-xoa-nan-đà (Śikṣānanda, dịch Hỷ Học, 652-710, người nước Vu-điền) dịch thời Đường, tạng Đại Chánh 13, số 412, trang 777.
Kinh này nói về công đức bản nguyện, thệ nguyện bản sinh của Bồ-tát Địa Tạng. Người đọc tụng kinh này có thể tiêu trừ vô lượng tội nghiệp và được lợi ích không thể nghĩ bàn.
Nội dung gồm 13 phẩm:
1. Phẩm Đao-lợi thiên cung thần thông (Thần thông tại cung Đao-lợi); 2. Phẩm Phân thân tập hội (Thân phân hoá qui tụ lại); 3. Phẩm Quán chúng sanh nghiệp duyên (Quán sát nghiệp quả chúng sanh); 4. Phẩm Diêm-phù chúng sanh nghiệp cảm (Nghiệp quả của người Diêm-phù); 5. Phẩm Địa ngục danh hiệu (Danh xưng địa ngục); 6. Phẩm Như Lai tán thán (Thế Tôn tuyên dương); 7. Phẩm Lợi ích tồn vong (Lợi ích người còn kẻ mất); 8. Phẩm Diêm-la vương chúng tán thán (Các vua Diêm-la xưng tụng); 9. Phẩm Xưng Phật danh hiệu (Xưng tụng danh hiệu chư Phật); 10. Phẩm Giáo lượng bố thí công đức duyên (trắc lượng công đức bố thí); 11. Phẩm Địa thần hộ pháp (Thần đất hộ trì); 12. Phẩm Kiến văn lợi ích (Ích lợi của sự thấy nghe); 13. Phẩm Chúc lụy nhân thiên (Thế Tôn ký thác).
IV. Kinh Chiêm sát thiện ác nghiệp báo (占察善惡業報經), còn gọi là kinh Địa Tạng Bồ-tát nghiệp báo, Địa Tạng Bồ-tát, 2 quyển, do ngài Bồ-đề-đăng (người Tây Vực) dịch thời Tuỳ, tạng Đại Chánh 17, số 839, trang 901.
Nội dung kinh này nói Bồ-tát Địa Tạng phụng mệnh đức Phật, thuyết pháp cho chúng sanh ở đời mạt pháp nghe về việc cầu pháp lành. Quyển thượng nói rõ pháp xem xét nghiệp báo thiện ác. Quyển hạ thuật nghĩa chân thật của Đại thừa.
V. Địa Tạng bồ-tát nghi quĩ (地藏菩薩儀軌), 1 quyển, do ngài Du-bà-ca-la (dịch là Thiện Vô Uý, người nước Ma-già-đà, Ấn Độ) dịch thời Đường, tạng Đại Chánh 20, số 1158, trang 652.
Nội dung kinh thuật lại lúc đức Phật ở trên núi Khư-la-đề-da, Bồ-tát Địa Tạng muốn nói thần chú làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, sau khi được đức Phật hứa khả, Bồ-tát Địa Tạng liền nói ba loại thần chú: Đại, trung, tiểu, kế đến nói về cách vẽ tượng, sau đó nói về ấn chú, ấn Phổ cúng dường, Tổng thuyết tổng ấn, Thỉnh tán ấn, cuối cùng nói cách thành tựu 17 pháp hộ ma.
VI. Kinh Địa Tạng Bồ-tát đà-la-ni (佛說地藏菩薩陀羅尼經), 1 quyển, không có tên người dịch, tạng Đại Chánh 20, số 1159B, trang 655.
Nội dung kinh này nói về Đà-la-ni, công đức và thệ nguyện của Bồ-tát Địa Tạng. Đà-la-ni gồm 63 câu, người trì tụng Đà-la-ni này có thể diệt trừ tất cả khổ não.
VII. Địa Tạng Bồ-tát thập trai nhật (地藏菩薩十齋日), 1 quyển, không có tên người dịch, tạng Đại Chánh 85, số 2850, trang 1300.
Nội dung kinh này chỉ dạy 10 ngày ăn chay (giữ giới) trong tháng, là ngày:
Mồng 1, Đồng tử xuống trần, giữ trai giới, và niệm Định Quang Như Lai thì thoát địa ngục đao thương, trừ tội 40 kiếp.
Mồng 8, Thái tử xuống trần, giữ trai giới, và niệm Phật Dược Sư Lưu Ly Quang, thì thoát địa ngục phân uế, trừ tội được 30 kiếp.
Ngày 14, Sát mệnh (xem xét tính mạng) xuống trần, giữ trai giới, và niệm nghìn đức Phật của Hiền kiếp, thì thoát địa ngục vạc sôi, trừ tội được một ngàn kiếp.
Ngày 15, Ngũ đạo đại tướng quân xuống trần, giữ trai giới, và niệm Phật A-di-đà, thì không đọa địa ngục băng lạnh, trừ tội được 200 kiếp.
Ngày 18, Diêm-la vương xuống trần, giữ trai giới, và niệm Bồ-tát Quan Thế Âm, thì không đọa địa ngục rừng kiếm, trừ tội được 90 kiếp.
Ngày 23, …. niệm Phật Lô-xá-na…; ngày 24, … niệm Bồ-tát Địa Tạng…; ngày 28, … niệm Phật A-di-đà…; ngày 29, … niệm Bồ-tát Dược Sư Thượng…; ngày 30, … niệm Phật Thích-ca Mâu-ni…
Mười ngày trai này về sau có sự thay đổi, như nghìn đức Phật của Hiền kiếp trong ngày 14 được thay bằng Bồ-tát Phổ Hiền. Bồ-tát Địa Tạng trong ngày 18 được thay bằng Bồ-tát Quan Thế Âm…
Những ngày trai này có thể xuất phát từ phẩm “Như Lai tán thán” của kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện quyển thượng có nói, vào 10 ngày này kết tập các tội, quyết định nặng nhẹ, tất cả cử chỉ động niệm của chúng sanh ở cõi Ta-bà đều là nghiệp, đều là tội, huống chi còn giết hại, trộm cắp, nói dối, v.v… Nếu trong 10 ngày trai, đối trước tượng chư Phật, Bồ-tát, Hiền thánh đọc tụng kinh này… thì xung quanh không xảy ra tai nạn, những người trong nhà xa lìa đường ác.
VIII. Kinh Địa Tạng Bồ-tát (佛說地藏菩薩經), 1 quyển, không có tên người dịch, tạng Đại Chánh 85, số 2909, trang 1455.
Nội dung kinh kể về Bồ-tát Địa Tạng ở thế giới Lưu Ly phương Nam, dùng thiên nhãn thanh tịnh quán chúng sanh thọ khổ trong địa ngục, không chịu được cảnh ấy, Ngài mới đến địa ngục cùng vua Diêm-la phán xét, và cũng vì sợ vua Diêm-la đoán xử sai, hoặc chưa đúng tội mà xử chết... Đồng thời, nếu có thiện nam, thiện nữ nào đọc tụng, biên chép kinh Địa Tạng, vẽ hình tượng, hay niệm danh hiệu ngài, thì khi lâm chung đều được Ngài tiếp dẫn về thế giới Tây phương cực lạc...
IX. Kinh Địa Tạng bồ-tát phát tâm nhân duyên thập vương (佛說地藏菩薩發心因緣十王經), gọi tắt kinh Địa Tạng thập vương, hay Thập vương kinh, 1 quyển, do Sa-môn Tạng Xuyên ở chùa Từ Ân phủ Thành Đô soạn, thuộc Tục tạng (chữ Vạn 卍) tập 1, số 20, trang 404a6.
Nội dung kinh này nói việc người chết chịu sự phán xét thiện ác ở điện Thập vương cõi âm phủ, về nhân duyên phát tâm cũng như bản nguyện của Bồ-tát Địa Tạng và chỉ rõ tiền thân vua Diêm-La chính là Bồ-tát Địa Tạng. Cuối cùng dùng bài kệ nói về Phật tính để kết thúc kinh.
LỜI KẾT:
Nói đến kinh Địa Tạng, hay hình ảnh về Ngài, thì không còn mập mờ, mơ hồ trong tâm tưởng của người Phật tử nữa, qua những buổi lễ cầu siêu, người thân quá vãng, ai ai cũng tụng đọc, trì niệm kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện và chiêm ngưỡng tôn tượng Ngài với hình tướng Thanh văn (xuất gia), tay phải cầm tích trượng, tay trái cầm hạt minh châu, ngồi trên tòa sen, hay cỡi con linh thú Đế thích.
Nhưng đứng về phương diện lịch sử, một số bản kinh trên không thấy ghi chép xuất xứ vào thời điểm nào, ngay cả kinh Địa Tạng bồ-tát bổn nguyện là bản kinh trì tụng thông dụng, được nhiều bậc Trưởng lão, Kỳ túc phiên dịch, chú giải, như Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Trí Quang; Hòa thượng Tuyên Hoá (Tổng hội Phật giáo thế giới ở Vạn Phật Thánh Thành – Hoa Kỳ dịch ra Việt 1 bản, Cố thượng tọa Thích Chánh Lạc - Học viện Hải Đức, Nha Trang dịch 1 bản), cư sĩ Chánh Trí-Mai Thọ Truyền, đều không thấy đề cập gì đến giai đoạn lịch sử của kinh. Nhưng hạnh nguyện dấn thân nhập thế, thao thức trách nhiệm cứu khổ nhân sinh của Bồ-tát Địa Tạng là tinh thần Bồ-tát đạo, mà tinh thần Bồ-tát đạo bắt đầu từ thời điểm kinh Pháp hoa xuất hiện, tức khoảng 700 năm sau đức Phật nhập diệt (khoảng cuối thế kỷ thứ II Dương lịch); dựa vào chứng cứ là ngài Long Thọ (Nāgārjuna) tác giả bộ Đại trí độ luận, sống vào cuối thế kỷ thứ II, trong đó có trích dẫn kinh Pháp hoa. Kinh Pháp hoa là đại biểu cho đạo Bồ-tát, ca ngợi hạnh nguyện các vị Bồ-tát: Quan Thế Âm, Trì Địa, Thường Bất Khinh, v.v… và một trong 4 đặc chất của Bồ-tát là nguyện lực “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Vậy thệ nguyện của Bồ-tát Địa Tạng: “Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ-đề. Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật”, cũng có thể minh chứng kinh văn viết về Bồ-tát Địa Tạng xuất hiện cùng thời với kinh Pháp hoa hay sau đó?
Chúng ta cố gắng tìm hiểu, xác định những bản kia có vào giai đoạn lịch sử nào, để biết thêm ngài Địa Tạng có thật hay núp bóng huyền thoại đều không quan trọng; quan trọng là chúng ta nên hiểu, các vị Bồ-tát dù ở vào thời gian nào cũng luôn luôn gánh vác trách nhiệm cứu độ chúng sanh, hạnh nguyện đó tiếp nối từ kiếp này qua kiếp khác, không bao giờ gián đoạn. Và chúng sanh tu thành Phật hay Phật thị hiện để hóa độ chúng sanh đều nhờ vào nhân cách Bồ-tát mà thực hiện. Do vậy, mà trong phẩm Tựa, kinh Đại phương quảng thập luân quyển 1, kinh Chiêm sát thiện ác nghiệp báo quyển thượng, kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện quyển 1, phẩm “Phân thân tập hội” đều nói ngài biến hóa vô lượng thân khác nhau mà thuyết pháp, “hoặc hiện rừng núi, dòng nước, đồng bằng, sông ngòi… làm lợi ích cho mọi người, ai cũng được độ thoát”. Do đó, trong thế giới hiện nay, biết đâu nơi tối tăm đói khổ, chiến tranh triền miên, dịch bệnh hoành hành, môi trường ô nhiễm… Bồ-tát Địa Tạng, hình ảnh Thanh văn tướng lại ẩn tàng qua một con người khác, bằng mọi phương tiện, Ngài luôn mang lại an lạc cho nhân loại và cứu nguy khắp cõi Ta-bà này.
Danh hiệu của Ngài còn nhắc nhở chúng ta một điều mà trong khoa nghi có bài tán: “Khể thủ bản nhiên tịnh tâm địa, vô tận Phật tạng đại từ tôn.” Nghĩa là “Địa Tạng chính là kho tàng tâm linh vô tận, chứa đựng tuệ giác từ bi và sự thanh tịnh sẵn có trong mỗi một chúng sanh mà tất cả đều nên quay về đảnh lễ”. Văn tán ấy là dựa vào định nghĩa trong kinh Đại Tỳ-lô-giá-na thành Phật kinh sớ 5, T39n1796, tr. 635c2: Địa Tạng Bồ-tát là “chủ trì kho báu vô biên công đức phát khởi từ bản tánh của tâm địa”.
Vậy, trong mỗi chúng ta đều có đức Địa Tạng Bồ-tát dấn thân, nhập thế, cứu mình cứu người và một ngài Diêm chúa phán xét thiện ác nơi mình, phá vỡ gông cùm chốn địa ngục tâm.
Chú Thích:
1. Tư liệu tham khảo thêm: Phật quang đại từ điển, Phật học đại từ điển (Đinh Phúc Bảo).
Thích Tâm Nhãn
[Tập san Pháp Luân - số 66, tr32, 2009]