Kim cang tứ tướng hay nơi tâm không mở bày cõi diệu hữu

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Phật Giáo nói đến cái Không không phải để thu mình trong tư thái tiêu cực mà chính là để mở ra chân trời hoạt dụng của cái Diệu Hữu, để Bồ-tát đi lại trong sáu nẻo luân hồi thực hiện sự nghiệp độ sinh. Trung Luận nói: “Nhất thiết pháp không”, lại nói: “Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành.” Nhất thiết pháp không là hết thảy các pháp vốn không có tự tánh. Chính bởi các pháp vốn không có tự tánh nên mới có sự chuyển y, mới có Niết bàn - nhất thiết pháp đắc thành.


Kinh Kim Cang như lưỡi tầm sét của thần Indra giáng xuống quan niệm hữu ngã, đập vỡ thế giới ngã ái, ngã dục, hiển bày thế giới phi hữu, vô trụ. Thế giới được nhìn dưới nhận thức vô ngã là quan điểm chủ đạo của Kinh Kim Cang. Vô ngã luận hay tâm không là nơi Bồ-tát trụ tâm, là điểm để từ đó Bồ-tát phóng chiếu thành con đường vạn hạnh. Thực hành vạn hạnh với tâm vô trụ là diễn bày cõi Diệu Hữu qua con đường Bồ-tát hàng phục tâm. Nhưng vì, ngã chấp là kiến chấp cố hữu nhất của chúng sinh, đặc biệt đối với người Ấn Độ, quan niệm về tự ngã được phân chiết một cách hết sức sâu xa, cho nên Kinh Kim Cang đưa ra 4 khái niệm về tự ngã (sau này các Luận sư gọi là tứ tướng) và phủ định chúng một cách triệt để. Triệt phá ngã chấp cũng là để hiển bày không - tự - tánh đó.

Kinh văn nói: “Bồ tát thì phải sửa chữa tâm mình bằng tuệ giác này: Bao nhiêu chúng sinh hoặc sinh bằng trứng, hoặc sinh bằng thai, sinh bằng ẩm thấp, sinh bằng biến hóa, hoặc có hình sắc hoặc không hình sắc, hoặc có tư tưởng, hoặc không tư tưởng, có không tư tưởng, ta làm hết thảy đều được nhập vào niết bàn hoàn toàn mà giải thoát cả. Làm cho vô lượng vô số chúng sinh niết bàn như vậy, mà thật không thấy có chúng sinh nào được niết bàn cả. Tại sao như vậy? Trưởng lão Thiện Hiện, vì nếu Bồ tát mà vẫn còn có ý tưởng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả thì Bồ tát ấy không phải Bồ tát.” (Kinh Kim Cương, HT Trí Quang dịch).

Nghĩa là, Bồ-tát hóa đạo giữa cuộc đời, muốn bước chân đến những cảnh giới siêu thoát, phải diệt trừ bất kỳ ý tưởng chấp thủ nào về một chủ tể (ngã). Ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng; tứ tướng này chỉ là 4 cách gọi khác nhau về ý tưởng (quan niệm) một chủ tể đang ẩn nấp dưới cái thân tứ đại thô phù của chúng ta.

Tuy nhiên, trước khi đi vào tìm hiểu tứ tướng đúng theo tinh thần của Kinh Kim Cang, chúng ta cũng cần lưu ý đến một hướng giải thích khác rất thịnh hành về tứ tướng. Đó là, dưới ảnh hưởng Trung Quốc tính, tứ tướng của Kinh Kim Cang được giải thích theo chiều hướng Đạo đức luận. Hướng giải thích này rất phổ biến đến nỗi Vô ngã luận của tứ tướng dường như bị lãng quên. Theo hướng Đạo đức luận, tứ tướng đại khái được giải thích như sau: Người mê ỷ có tiền tài, học vấn, dòng họ, coi thường hết thảy mọi người; đó gọi là ngã tướng. Tuy thực hành nhân – nghĩa - lễ - trí - tín, nhưng ý cao tự phụ, đó gọi là nhân tướng. Việc tốt quy về mình, việc xấu đẩy cho người, đó gọi là chúng sinh tướng. Đối cảnh phân biệt yêu ghét, đó là thọ giả tướng. Như vậy gọi là tứ tướng của hạng phàm phu. Người tu hành cũng có 4 tướng. Tâm giữ chặt năng - sở, coi thường chúng sinh, gọi là ngã tướng. Ỷ mình là người giữ giới, coi thường kẻ phá giới, đó là nhân tướng. Chán ghét cái khổ trong 3 đường, nguyện sinh các cõi trời, đó là chúng sinh tướng. Lòng muốn sống lâu nên siêng tu phước nghiệp, chấp trước không bỏ, đó là thọ giả tướng. (Kim Cang Kinh Giải Nghĩa, Tục tạng 24, p519c).

Xét kỹ, hướng giải thích đó đã đi quá xa khi đối chiếu lại từ nguyên từ Phạn bản. Kinh Kim Cang không phải là bản kinh hướng đến vấn đề luân lý hay đạo đức mà nó hướng đến con đường giải thoát, hướng đến những người sống u tịch trong thế giới A-lan-nhã (vô tránh) mà đại diện là ngài Tu bồ đề. Khái niệm ngã Kinh Kim Cang nói đến không phải là cái ngã tâm lý mà là cái ngã mang tính triết học. Nó thường trở thành đối tượng suy ngẫm của những hành giả tịch cư. Tướng (相) trong tứ tướng không phải là hình dáng, tướng trạng mà nó được chuyển dịch từ chữ saṃjñā trong Phạn ngữ với ý nghĩa là khái niệm, ý tưởng. Các Ngài Huyền Tráng, Chân Đế, Nghĩa Tịnh, Cấp Đa đều dùng chữ tưởng (想) để dịch chữ này. Tứ tướng / tưởng cần phải được hiểu từ Phạn bản dưới giác độ vô ngã luận.

Ý tưởng về ngã (我相: ngã tướng / tưởng), Phạn ngữ là ātmasaṃjñā, là ý tưởng / khái niệm về một thật ngã (ātman) tiềm ẩn dưới cái thân thô phù (sthūla śarīra). Đặc biệt trong thời kỳ Sâm lâm thư và Áo nghĩa thư, Ātman được xem như sinh khí (prāṇā) và tồn tại không chỉ trong con người mà còn trong bất kỳ dạng sự sống nào. Vì thế, ātman được đồng nhất với Brahman, nó là cái ngã tiên nghiệm. Ātman trôi lăn trong luân hồi và chỉ đạt được sự giải thoát tối hậu (mokṣa) một khi nó nhận ra nó chính là nó, là Brahman, từ vô thỉ đến nay: tat tvam asi – ngươi là cái đó!

Thọ giả tướng / tưởng (壽者相), Phạn ngữ là jīvasaṃjñā, là ý tưởng / khái niệm về một linh hồn tồn tại nơi mỗi chúng ta. Jīva, Hán thường dịch là mạng căn, nghĩa đen là sự sống, cho nên ở đây nó được dịch là thọ giả. Đây là một khái niệm trừu tượng và phức tạp khác về cái tôi đang chế ngự trong mỗi chúng sinh. Jīva khác với ātman ở chỗ nó là cái ngã thật nghiệm, nó tạo nghiệp thiện ác, tạo thành nguyên nhân dẫn đến sự thăng trầm của chúng sinh trong luân hồi. Ātman là tiên nghiệm, là kẻ đứng nhìn quá trình jīva tạo nghiệp. Trong văn học Veda, ātman và jīva được ví như hai con chim gắn bó với nhau cùng sống trên một cây đầy trái, một con không ăn trái mà chỉ đứng nhìn con chim còn lại thưởng thức hương vị của trái trên cây. Con ăn trái đó chính là jīva.

Theo Kỳ na giáo (Jainism), vạn vật được tạo thành từ hai yếu tố linh hồn (jīva) và phi linh hồn (ajīva). Linh hồn (jīva) vốn là toàn tri và hỷ lạc, nhưng do tiếp xúc với yếu tố phi linh hồn và tác động của nghiệp nên nó phải chịu sự trói buộc trong luân hồi.

Chúng sinh tướng / tưởng (衆生相) là chuyển dịch từ sattvasaṃjñā trong Phạn ngữ. Sattva có các nghĩa như: hữu, hữu thể, tồn tại, sinh vật, linh hồn. Trong Hán tạng nó thường được dịch là: nhân, chúng sinh (các ngài như: Cưu-ma-la-thập, Chân Đế, Nghĩa Tịnh), hữu tình (ngài Huyền Tráng). Sattva phái sinh từ động từ √as (là, tồn tại), nó gồm có sat và tiếp vĩ ngữ tva biểu thị tính chất trừu tượng, vì thế nó có nghĩa là sự tồn tại có tính trừu tượng.

Trong triết học Ấn Độ, sattva là một trong 3 đức (guṇa) – 3 yếu tính của Tự tính (Prakṛti): sattva – tamas – rajas, theo thứ tự chỉ cho: thuần khiết – năng động – ám độn, hoặc: hỷ – ưu – ám. Rộng hơn nữa, sattva chỉ cho tính hiện hữu chân thật, minh triết, xán lạn, hoan hỷ.

Trong Phật giáo, sattva chỉ cho chúng sinh, hữu tình. Đó là hình ảnh một hiện thể / tồn tại tuyệt đối bất biến trong suốt 3 thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Chính từ ý nghĩa này, sattva hàm chỉ một chủ thể luân hồi không ngừng trong lục đạo.

Tổng hợp những phân tích trên, chúng sinh tưởng là ý tưởng / khái niệm về một chủ thể bất biến trong sinh tử luân hồi. Đó chính là hiện thể đang là, là cái ngã mang tính bản năng nơi mỗi sinh thể.

Nhân tướng / tưởng (人相), Phạn ngữ là pudgalasaṃjñā, là ý tưởng / khái niệm về một thực thể được gọi là pudgala. Pudgala có các nghĩa như: thân thể, vật chất, ngã, linh hồn, cá nhân ...; Hán phiên âm là bổ-đặc-già-la, và dịch nghĩa là: nhân, sĩ phu, hữu tình, chúng sinh, ngã ... . Các Luận như Duy thức thuật ký, Huyền ứng âm nghĩa, định nghĩa: bổ-đặc-già-la, sác thủ thú dã; nghĩa là: Bổ-đặc-già-la là thường (nhiều lần) đi lại trong các nẻo luân hồi.

Đối với Kỳ na giáo (Jainism), pudgala là nhân tố vật chất trong hệ thống đa nguyên tương đối thực tại luận, là một trong 6 thật thể (dravya) cấu tạo nên thế giới.

Trong Phật giáo, pudgala là một khái niệm hữu ngã luận của phái Độc Tử Bộ. Độc Tử Bộ quan niệm chúng sinh luân hồi, đời sau kế tiếp đời trước, cái duy trì sự kế thừa đó chính là pudgala, là một chủ thể luân hồi. Pudgala này, ở một khía cạnh nào đó, tương đương với khái niệm ātman trong Ấn giáo, chỉ có điều ātman được cho là bất tử, còn pudgala chỉ là cái ngã tạm thời, nó không bất tử như ātman, bởi vì pudgala chỉ tồn tại trong khi chúng sinh chịu luân hồi, khi giải thoát thì nó không còn nữa (Oxford Dictionary of World Religions, tr. 774). Xét đến điểm này, ta thấy pudgala có mối liên hệ gần với khái niệm A-lại-da thức của phái Duy Thức. Luận Thành Duy Thức nói về thức A-lại-da như sau: “Hằng chuyển như bạo lưu, A la hán vị xả” (Đại chính 31, tr. 0007c). Nghĩa là ở địa vị phàm phu, thức A-lại-da hằng chuyển liên tục như một dòng thác từ đời này qua đời khác, cho đến khi hành giả chứng được Thánh quả A la hán thì nó mới mất. Lại nữa, pudgala được cho là “phi tức phi ly uẩn ngã”, nghĩa là không phải uẩn, cũng không phải lìa uẩn mà có pudgala. Thức A-lại-da thì được định nghĩa là “hằng chuyển”, nghĩa là không phải tồn tại, cũng không phải không tồn tại. Chính vì vậy, cho nên trong cuốn Tiểu thừa phật giáo tư tưởng luận, Kimura Taiken có nhận định: “Nếu đem nó đối chiếu với thuyết A-lại-da thức sau này, ta có thể nói Bổ-đặc-già-la là tư tưởng tiền phong của thuyết A-lại-da thức”.

Nói tóm lại, nhân tướng có nghĩa là quan niệm chấp trước vào một chủ thể luân hồi, như ngài Tăng Triệu nói: “thủy chung bất cải vị chi nhân. Cố ngoại đạo dĩ nhân danh thần, vị thủy chung bất biến” [Trước sau không thay đổi được gọi là nhân. Cho nên ngoại đạo gọi nhân là thần, ý nói trước sau không biến đổi] (Tăng Triệu, Chú Duy Ma Cật Kinh).

Như vậy, tứ tướng, dù mỗi khái niệm có chỗ khác nhau, nhưng chúng đều muốn quy chiếu về một thực thể bất biến làm chủ tể đời sống của chúng sanh, thực thể đó chúng ta tạm gọi là Ngã. Kinh Kim Cang chỉ dẫn ra 4 tên gọi để phân biệt khái niệm ngã, ngoài ra, một số kinh điển khác còn nêu ra nhiều tên gọi khác hơn nữa. Như Kinh Lăng Già đưa ra 6 tên gọi khác về ngã là: ātman, sattva, jīva, poṣa, puruṣa, và pudgala (Nanjio, Laṅkāvatārasūtram, 63) mà bản Anh ngữ của Suzuki dịch là: ego (ngã), being (chúng sinh), vital principle (thọ giả), nourisher (dưỡng dục giả), supreme spirit (thần ngã), và personal soul (tiểu ngã / trượng phu)1. Thậm chí trong Đại Phẩm Bát Nhã, có đến 16 biệt danh khác của ngã.

Như Kinh nói, hành giả không được khởi lên 4 tư tưởng chấp thủ này, nếu khởi lên 4 tư tưởng chấp thủ này thì vị ấy không phải là bồ-tát phát thú đại thừa. Bởi vì bồ-tát mà còn dùng con mắt hữu ngã, nhị nguyên để hành đạo thì đạo ấy không phải là đạo rốt ráo vượt ra ngoài sự đối đãi. Về ý nghĩa chấp trước vào một chủ thể được gọi là ngã này, Kinh Lăng Già cũng nói: “Đại Huệ! Lại có chúng sinh cầu chứng Niết Bàn, tự nói đã biết ngã, nhân, chúng sinh, dưỡng giả, thủ giả, cho đấy là Niết Bàn. … Đại Huệ! Những kẻ ấy không giải thoát, vì chưa thể thấy pháp vô ngã vậy” (Đại chính 16, tr. 597a).

Kinh Kim Cang quý ở chỗ vô tâm, ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (không nên khởi lên tâm trụ trước vào bất cứ đâu). Không những không khởi lên 4 tướng trên mà Bồ-tát còn cần phải không khởi lên bất kỳ tâm phân biệt nhị nguyên nào. Nếu khởi tâm phân biệt là Bồ-tát đang đứng trên quan điểm hữu ngã, là chướng ngại cái nhìn “hết thảy pháp vốn không” của thực tại. Bồ-tát không chấp trước vào ý niệm ngã, thể chứng tâm không, lìa bỏ tâm trụ trước, nhìn thế giới không phải là thế giới, thế nên thế giới mới thật là thế giới; độ thoát vô lượng chúng sinh, mà không thấy có chúng sanh nào được độ thoát. Đó cũng chính là Diệu Hữu được tác thành từ nghĩa Không, một đạo lý làm nền tảng cho con đường Bồ-tát hạnh.

Chú Thích:
1.  Trong bản dịch Đại Thừa Nhập Lăng Già Kinh, ngài Thật Xoa Nan Đà dịch chỉ có 5 tên: ngã, nhân, chúng sanh, dưỡng giả và thủ giả (我, 人, 眾生, 養者, 取者); còn bản dịch Nhập Lăng Già Kinh, ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch là: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tác giả, thụ giả và trượng phu (我, 人, 眾生, 壽命, 作者, 受者, 丈夫).
2.  TT. Tuệ Sỹ chú thích trong dịch phẩm Luận Thành Duy Thức: Đại phẩm bát-nhã 2 (La-thập, T8n223, tr.230c11), 16 biệt danh của ngã: chúng sinh , thọ giả , mạng giả, sinh giả, dưỡng dục giả, chúng số nhân , tác giả, sử tác giả, khởi giả , sử khởi giả, thọ giả, sử thọ giả, tri giả, kiến giả. Danh sách theo Huyền Trang, Đại bát nhã 406 (T7n220, tr.29a29): hữu tình, mạng giả, sinh giả, dưỡng giả, sĩ phu, bổ-đặc-già-la, ý sinh, nho đồng, tác giả, thọ giả, tri giả, kiến giả. Danh sách theo Mahāvyutpatti ccviii. tīrthakātma-paryāyāḥ (danh mục về tự ngã của ngoại đạo): ātma, sattva, jīva, jantu, poṣa, puruṣa, pudgala, manuja, mānava, kāraka, krāpaka, vedaka, jānaka, paśyaka, utthāpaka, samutthāpaka. Cf. Du-già 83 (tr.764b12).

Thích Thanh Hòa
[Tập san Pháp Luân - số 65, tr90, 2009]