Trầm tư về chữ A trong Phạn văn

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Cây có cội mới đâm chồi nảy lộc
Nước có nguồn mới chảy khắp rạch sông


Cũng vậy, tất cả ngôn ngữ trên thế giới này được thành lập đều có cội nguồn của nó. Cội nguồn của nó chính là bảng Mẫu âm (alphabet) và chuỗi âm tố được phát sinh từ những âm cái (svara – vowel) trong bảng Tổng phổ này (alphabet). Hầu hết, không phải là tuyệt đối, bảng tổng phổ của âm thanh nhân loại đều bắt đầu hay khởi thủy từ chữ A. Phạn âm cũng không ngoài thông lệ ấy. Tuy nhiên âm cái (svara) của Phạn âm đặc biệt hơn các ngôn âm khác đó là chữ A (अ)  của nó chứa đựng một huyền nghĩa sâu xa vi diệu mà các loại ngôn âm khác, tức là các loại ngôn ngữ khác khó mà sánh được.

Thật vậy, trong Phạn âm, âm cái A (अ)  là âm cái đứng đầu và là cội nguồn sinh ra các âm tố (sound) khác – âm tố hình thành ngôn ngữ - trong tư duy của chúng ta. Kinh Đại Nhật Nghĩa Sớ, ở cuốn 7 có ghi rằng: “Âm tố hay chữ A (अ) là căn bản của mọi giáo pháp. Phàm phu khi mở miệng phát âm hay thành ngôn, âm khai khẩu đầu tiên đều là âm A. Nếu tách âm này ra thì không có âm thanh lời nói, nên nó là mẹ, bậc Mẫu nghi của các âm tố khác.” Bộ Lý Thú cũng nói: “Chữ A (अ) là nghĩa Bồ-đề tâm, đứng đầu trong tất cả các chữ.” Hơn nữa, theo giáo nghĩa căn bản của Mật giáo, thì chữ A (अ) có nghĩa là “Vốn không sinh”. “Vốn không sinh” tức là, từ trước vốn không, nay mới sinh, thực nghĩa của chữ A (अ) là vậy. Vì sao mà nói như thế? Bởi vì, “Vốn không sinh”, ở đây chính là bản tính của nó vốn có. Vì bản tính nó vốn có, nên tợ hồ do duyên sinh mà thật bất sinh, không phải tự sinh, tha sinh, cộng sinh và cũng không phải vô nhân sinh. Vì nghĩa đó, nên kinh Đại Nhật quyển II, đức Phật có dạy: “Căn bản của giáo pháp mà chân ngôn là chữ A (अ), nghĩa rằng nhất thiết pháp vốn Bất sinh.” Và, để mọi chúng sinh biết được cái nghĩa thú này, chư Phật đã dùng chữ A để biểu thị công năng của nó – như là một chủng tử thuần khiết chứa trong Tạng thức của mọi chúng sinh, hữu tình cũng như vô tình – Vì, “Vốn không sinh” nên dập tắt mọi tai ương; vì vốn không sinh nên tất cả công đức đều viên mãn; vì vốn không sinh nên vô số lỗi lầm đều được diệt trừ triệt để; vì vốn không sinh nên không một pháp nào nảy sinh từ cái “vốn không sinh” này. Do nghĩa của nó vi diệu như thế, nên hệ thống phụ âm (sparśa) kể cả hệ thống nguyên âm (svara) của Phạn văn được hình thành và tồn tại chính nhờ ở nó, tức chữ A (अ) này. Chẳng hạn, nếu chỉ là क् (k) không thôi, mà không có âm tố A (अ), thì क (ka) không thể thành tựu (k + a = क् + अ = क). Như vậy, tính năng của A, là tính năng của không gian ba chiều hay hơn thế nữa; bởi vì, nó thành tựu vạn hữu và có thể hủy diệt vạn hữu. Nếu như nó đặt trước một Tính ngữ hay một Danh ngữ nào đó, thì hiện tượng đó liền bị phủ định và ngược lại. Điều này diễn ra trong hầu hết cấu trúc của Phạn văn. Chẳng hạn, để chỉ cho các bậc thánh vô lậu, thì Phật giáo dùng chữ ārya – thánh giả - Vậy thì, như ta nói, chính âm tố A này, chứa trong nó bản thể bất sinh. Do bất sinh nên các pháp được tựu thành, do bất sinh nên phiền ưu bị diệt, do bất sinh nên khi quán tưởng và xưng tụng âm A (अ), ta có thể được chứng nghiệm Niết-bàn. Do quán tưởng và xưng tụng âm A (अ), ta cộng sinh cùng “chủng tử vô lậu” vốn bất sinh trong ta. Đây là ý nghĩa tuyệt cùng của âm tố này và nó là cơ sở của “tụng đọc kinh điển đại thừa”. Khi quan sát chữ A (अ), ta thấy nó tồn tại như chính là những “làn sóng tâm’ của ta – “nhất thiết duy tâm tạo”, vì làn sóng tâm này chấp chặt vào các hiện tượng, hút lấy các hiện tượng và các đối thể, cho nên vô minh cộng khởi, luân hồi cộng sinh; hình thành tính đa dạng của ba cõi sáu đường, luân lưu bất tận - mặt này A (अ) là Tục đế khởi duyên, mặt kia là chữ A (अ) Chân đế vô duyên. Đức Phật “chế” ra 84.000 pháp môn cũng không ngoài mục đích khiến ta trở về được cái “vốn không sinh mà sinh này”; cái “vốn bất diệt mà diệt độ” này; cái “vốn tính không” mà từ đó phát sinh “đại bi”. Tất cả rồi sẽ trở về với lẽ vô thường, bởi bản tính như thị của nó. Chân nghĩa của chữ hay âm A (अ) là thế - nó tồn tại như là sự dẫn đầu của các pháp, nhưng cũng chính nó kết thúc các pháp bằng “vô thường, không, vô ngã” – làn sóng tâm sinh diệt trở về với tự tính bất sinh bất diệt của mình - thế gian ly sinh diệt là nghĩa như thế, là Niết-bàn tịch tịnh vô sinh. Như kinh Lăng-già đã dạy.

Các bậc hiền triết cổ đại Ấn Độ thật vô cùng thông thái, nhất là các thánh giả Phật giáo, họ chỉ sử dụng một thứ ngôn ngữ siêu tuyệt, đến độ chỉ dùng một âm cái thôi mà có thể nói lên sự hình thành và kết thúc vạn pháp. Đây chính là nét độc đáo mà chỉ riêng Phạn ngữ mới có mà thôi, còn các loại ngôn ngữ khác là không thể có. Chẳng hạn, trong tiếng Anh, mãi cho đến âm B, ta mới thấy to be xuất hiện, còn trong Phạn văn, ngay từ đầu căn tố √as đã có mặt rồi. Nghĩa là, đây là tất cả những gì mà âm A muốn nói. Ta nói “âm A अ” và không nói chữ A – xét như là biểu đồ tâm trí với sóng âm, sóng ánh sáng và các hạt toán học nối liền nhau như vòng quay hình học bất tận của vũ trụ này và, thật vậy, ngôn ngữ chỉ là trò chơi bất tận của sóng-hình-ánh sáng âm mà thôi. Do đó, trong Phật giáo mới có hạn từ Bồ-tát vui chơi ba cõi, lấy trí bi làm phương tiện giáo hoá tánh không cho tất cả chúng sinh.

Thích Nữ Diệu Lạc
[Tập san Pháp Luân - số 63, tr63, 2009]