Quỷ tử mẫu qui y Phật

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Mấy ngày liền trong thành Xá-vệ phủ màu tang tóc, nhân dân kinh tởm lo sợ, một ngày trôi qua là có một người bị giết. Tên cướp Ương-quật-ma giết người man rợ, giết người cắt ngón tay xâu thành chuỗi đeo.

 

Dẫn nhập:

Mấy ngày liền trong thành Xá-vệ phủ màu tang tóc, nhân dân kinh tởm lo sợ, một ngày trôi qua là có một người bị giết. Tên cướp Ương-quật-ma giết người man rợ, giết người cắt ngón tay xâu thành chuỗi đeo.

Vua Ba-tư-nặc liền tập họp binh lính đi đánh dẹp Ương-quật-ma. Trước khi đi, ông đến thỉnh ý Thế Tôn. Thế Tôn hỏi: “Đại vương đi đâu mà thân thể đầy bụi bặm vậy?”

Vua Ba-tư-nặc bạch: “Trong nước con có giặc cướp tên Ương-quật-ma hết sức hung bạo, không có lòng từ đối với hết thảy chúng sanh. Đất nước hoang vắng, nhân dân lưu tán đều do tên tặc này. Nó bắt người giết đi, lấy ngón tay xâu thành chuỗi. Đó là quỷ dữ, chẳng phải là người. Nay con muốn bắt người này giết đi.”

Thế Tôn bảo: “Nếu Đại vương thấy Ương-quật-ma với lòng tin kiên cố đã xuất gia học đạo, thì sẽ làm sao?”

Vua bạch Phật rằng: “Còn biết làm gì hơn, là cung kính, cúng dường, tùy thời lễ bái! Nhưng, bạch Thế Tôn, nó là người ác, không có một mảy may thiện, thường giết hại, thì có tâm xuất gia học đạo này chăng? Hoàn toàn không thể có việc ấy!”

Lúc ấy, Ương-quật-ma đang ngồi kiết già cách Thế Tôn không xa, chánh thân, chánh ý, buộc niệm trước mặt. Bấy giờ, Thế Tôn đưa tay phải chỉ và nói với vua: “Đó là tên cướp Ương-quật-ma.”

Vua nghe những lời này, trong lòng kinh sợ, lông tóc đều dựng đứng.

Dù là tên tướng cướp hay loài quỷ dữ thì chủng tánh Phật vẫn luôn tồn tại trong người họ, nên tướng cướp Ương-quật-ma có thể ngộ đạo, thì mẹ của loài quỷ (Quỷ tử mẫu) ăn thịt con nít qui y cửa Phật cũng không có gì lạ.

Chuyện “Quỷ tử mẫu qui y Phật” (Quỷ tử mẫu mất con “Quỷ tử mẫu thất tử duyên 鬼子母失子緣”) trong kinh Tạp bảo tạng quyển 9, trang 492a13, tạng Đại Chánh 4, số hiệu 203, là chuyện kinh chúng tôi giới thiệu kỳ này.

Toát yếu nội dung chuyện:

Quỷ tử mẫu là vợ của vua quỷ thần Bát-xà-ca, có một vạn người con, chúng đều có sức mạnh của đại lực sĩ. Người con út tên là Tần-già-la.

Quỷ tử mẫu rất hung ác, yêu nghiệt và tàn bạo, thường giết con nít của người ta ăn thịt. Nhân dân bị nó gây tai họa, họ mới đến bạch Phật, mong Ngài cứu nạn.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bắt đứa con út của bà là Tần-già-la bỏ dưới bình bát của Ngài. Khi ấy, Quỷ tử mẫu đi khắp thiên hạ tìm con, đi suốt bảy ngày mà chẳng tìm thấy, bà đau đớn buồn khổ. Bà nghe người ta nói: “Đức Thế Tôn có nhất thiết trí”, bà vội đến chỗ đức Phật hỏi thăm hiện nay con bà ở đâu. Lúc này đức Phật mới bảo rằng:
- Ngươi có tới một vạn người con, mới chỉ mất một đứa, cớ sao ưu sầu, khổ não tìm kiếm như vậy? Còn người dân ở thế gian, chỉ có một đứa, hoặc có ba đứa, năm đứa mà ngươi đành đoạn giết hại, họ sẽ khổ sở như thế nào?
Quỷ tử mẫu bạch Phật:
- Nếu tìm được Tần-già-la, con thề suốt đời không giết hại con của người khác nữa!
Đức Phật liền cho Quỷ tử mẫu thấy Tần-già-la ở dưới đáy bình bát của Ngài. Bà dùng hết sức lực nhưng không thể đem con ra được, bà cầu xin đức Phật, Phật dạy:
- Nếu hôm nay ngươi chịu thọ tam qui, ngũ giới, suốt đời không sát sanh, Ta sẽ trả con lại cho ngươi.
Quỷ tử mẫu vâng lời Phật dạy, bà thọ tam qui và giữ năm giới. Khi bà thọ trì xong, đức Phật liền trả con lại cho bà. Đức Phật dạy:
- Ngươi hãy khéo thọ trì giới. Vào thời đức Phật Ca-diếp, ngươi là đứa con út thứ bảy của vua Yết-nị, có tạo công đức lớn, nhưng vì không trì giới mới thọ thân hình quỷ như vậy.

Lời kết:

Nếu chúng ta hoài niệm về quá khứ xa xưa của bất cứ một dân tộc nào đều thấy ở đó, những nhân vật thần thoại hoang đường, những chuyện cổ tích thần kỳ huyễn hoặc, và các truyền thuyết thiên tình sử ma-người quái dị, v.v… nhất là một đất nước có nhiều chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, đời sống tâm linh và bản sắc văn hóa đa dạng như Ấn Độ lại càng mênh mông, đầy những câu chuyện kể, mà đạo Phật bắt rễ từ đấy, cho nên đọc trong kinh Phật, chúng ta cũng thấy không ngoại lệ.

Song, chính những truyền thuyết thần thoại đó mới phản chiếu được phần nào về sự thật lịch sử cho dân tộc mình. Và tư tưởng Ấn Độ cũng như tư tưởng Phật giáo đều đi đến một điểm chung, là giải quyết vấn đề nhân sinh, tìm ra chỗ qui hướng của kiếp người, với phương châm thực tiễn quyết định cho lẽ sống.

Do vậy mà văn kinh nói đến Quỷ tử mẫu (mẹ của quỷ) cũng là một con người, khi mất con cũng đớn đau như bao người mẹ khác. Đã là một người bình thường thì đầy đủ những yếu tố giận hờn, bạo động, kì thị… chất chứa trong con người bà. Bà đã nguyền rủa xã hội, nguyền rủa con người, nguyền rủa hoàn cảnh; bà trở thành quỷ dữ của ngày hôm nay vì bà là nạn nhân của quá khứ. Trong “Căn bản nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự” 31, tr. 362c11, T24n1451 ghi lại thời tiền kiếp của bà: “Xưa ở thành Vương Xá, có vị Độc Giác ra đời, mở đại hội 500 người, ai nấy trang sức đẹp đẽ cùng đến khu Vườn thơm. Giữa đường gặp cô gái chăn trâu đang có thai cầm bình sữa, mọi người khuyên cô cùng đi đến khu vườn. Cô vui mừng nhảy múa bị sẩy thai, mọi người bỏ cô ở lại. Cô buồn rầu bèn đem sữa đổi lấy 500 quả xoài; lúc ấy vị Phật Độc Giác tới bên cô, cô đảnh lễ cúng dường đức Phật, rồi buông ra một lời nguyền độc ác: Ta muốn kiếp sau, sinh ra ở thành Vương Xá, ăn thịt hết con của mọi người…”

Đối với những con người cực ác như vậy xã hội không cho phép họ tồn tại, phải xử tử hay tiêu diệt họ, với hình thức này hay hình thức khác. Nhưng hình thức tiêu diệt của đạo Phật thì không như thế, không tiêu diệt họ bằng họng súng, hay lưỡi gươm mà bằng thanh kiếm trí tuệ, chém chết con người cũ, tái sanh lại một người mới, nâng đỡ những con người lầm lỡ ngã quị, giúp họ tìm lại hạt giống giác ngộ bị vùi lấp quá sâu trong tâm thức. Chúng ta hãy nhìn lại họ: Hôm qua là quỷ dữ, hôm nay là người hiền thiện, quá khứ gây đau khổ, hiện tại làm lợi ích, đó là sự thật của kẻ giác ngộ.

Trong kinh Quỷ tử mẫu (1 quyển), tr.289, T21n1262 nói: Sau khi nghe Phật dạy, Quỷ tử mẫu ăn năn sám hối, xin quy y Phật, lập thệ nguyện làm thần hộ trì về sự sinh sản được bình an và bảo vệ những đứa trẻ thơ. Còn trong Nam hải ký qui truyện 1, tr.209b19, T54n2125 ghi: Các chùa ở Ấn Độ đều có thờ Quỷ tử mẫu. Ở cửa nhà hoặc bên cạnh bếp, đắp vẽ hình người mẹ ôm một đứa con, dưới gối thì có năm hoặc ba đứa, tượng trưng cho Quỷ tử mẫu. Hằng ngày cúng thức ăn trước hình tượng, nếu người bị bệnh hoặc không có con, xin thức ăn ấy về ăn thì được toại nguyện. Hình tượng Quỷ tử mẫu là hình thiên nữ, tay cầm quả cát tường.

Chú Thích:
1. Tăng nhất a-hàm 31, tr. 720b27, T2n125.

Thích Tâm Nhãn
[Tập san Pháp Luân - số 63, tr32, 2009]