Phật giáo Việt Nam đóng góp vào sự thống nhất đất nước trong lịch sử

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trong bài đề cập đến sự kiện các lực lượng ly khai gây ra khủng hoảng tôn giáo ở miền Nam Thái Lan, tác giả bài viết có nêu lên vấn đề đường phân giới địa lý tôn giáo và đường biên giới quốc gia. Rất tiếc là do giới hạn trong phạm vi đề tài bài viết, trường hợp Việt Nam chỉ được đề cập thoáng qua.


Do vậy, chúng tôi thấy cần phải đóng góp một số ý kiến về vai trò của Phật giáo Việt Nam trong việc bảo vệ sự thống nhất của đất nước trong lịch sử.

Một đất nước thống nhất trên nền tảng một tôn giáo

Chúng ta đều biết tình trạng cát cứ ly khai đã diễn ra nhiều lần trong lịch sử Việt Nam: sự kiện Thập Nhị Sứ Quân, sự kiện Lê – Trịnh, Trịnh – Nguyễn…

Hầu như những lần chia cắt đất nước có liên hệ đến chế độ phong kiến tại Việt Nam đều xuất phát từ quyền lợi của các lực lượng phong kiến. Những đường phân giới chia cắt tạm thời đất nước xuất hiện trên cơ sở những vùng ảnh hưởng của những lực lượng cầm quyền phong kiến.

Đó là những đường phân giới tạm thời và rốt cuộc đều đã được xóa bỏ vì Việt Nam vẫn là một đất nước thống nhất về dân tộc, văn hóa và tôn giáo.

Sự thống nhất về tôn giáo thể hiện qua một đạo Phật xuyên suốt bề dày lịch sử đất nước.

Bên cạnh những yếu tố khác, sự thống nhất về tôn giáo đã giữ một vai trò quan trọng trong sự thống nhất nước nhà. Lãnh chúa Nguyễn Hoàng tuy cát cứ ở phương Nam nhưng vẫn giữ lòng sùng mộ đạo Phật qua công trình chùa Linh Mụ còn đến hôm nay. Tuy các lực lượng phong kiến có tạo được những lát cắt trên thân thể đất nước, nhưng Phật giáo là một yếu tố hạn chế những tác động tiêu cực của các lát cắt đó. Đã không hề có một đường phân giới về tôn giáo trong suốt lịch sử của chế độ phong kiến Việt Nam cho đến khi rơi vào sự cai trị của người Pháp.

Từ 1885 đến 1945, cho dù đã có một tôn giáo mới xuất hiện tại Việt Nam bên cạnh đạo Phật, và đất nước bị chia làm ba kỳ dưới  ba hình thức cai trị khác nhau, nhưng sự thống nhất về dân tộc, văn hóa và tôn giáo vẫn được gìn giữ. Những người dân Việt, dù ở “Kỳ” nào, vẫn thấy mình cùng chung dân tộc, văn hóa và tôn giáo. Tôn giáo đó là đạo Phật. Sự hiện diện của một đạo Phật xuyên suốt từ Bắc chí Nam đã là một yếu tố đối kháng với việc chia cắt đất nước để cai trị theo chủ trương người Pháp.

Những lãnh địa tôn giáo tại Việt Nam trong thế kỷ XX

Cụm từ “Ốc đảo tôn giáo” đã được sử dụng nhưng theo chúng tôi, thêm vào đó, còn nên sử dụng cụm từ “lãnh địa tôn giáo”. “Lãnh địa tôn giáo” là một cấp độ cao hơn của “ốc đảo tôn giáo”.

Từ trước thể kỷ XIX, tại Việt Nam, những làng Thiên Chúa giáo La Mã đã xuất hiện. Đó là những Ốc đảo tôn giáo đầu tiên. Nhưng chưa có một đường phân giới rõ rệt về mặt hành chính.

Tuy nhiên, từ sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ 19/12/1946 thì đã bắt đầu manh nha xuất hiện các lãnh địa tôn giáo, với các lực lượng vũ trang riêng, tự trị trong lãnh địa mà họ muốn chiếm giữ.

Ở miền Bắc, có những lãnh địa đặt dưới sự kiểm soát của tự vệ Công giáo, vùng Phát Diệm, Bùi Chu.

Ở miền Nam, có những lãnh địa đặt dưới sự kiểm soát của quân đội các giáo phái như Cao Đài ở Tây Ninh, Hòa Hảo ở miền Tây Nam Bộ…

Từ năm 1955, nhà cầm quyền ở miền Nam, trong sự xác lập quyền cai trị thu về một mối, cũng đã nhức đầu với vấn đề các lãnh địa tôn giáo. Đã có những cuộc xung đột vũ trang. Sau đó, chính quyền Thiên Chúa giáo La Mã ở miền Nam lại có ý đồ Công giáo hóa miền Nam, khơi sâu sự chia cắt bằng yếu tố tôn giáo.

Mãi đến những năm 1974, 1975, ở miền Nam vấn đề lãnh địa tôn giáo vẫn còn.

Nửa đầu thế kỷ XX cũng là thời gian mà Phật giáo tại Việt Nam suy yếu, trong khi các tôn giáo khác gồm cả những tôn giáo bản địa mới thành lập, phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo tín đồ trong một thời gian ngắn. Sự phát triển này rõ ràng đã gắn liền với sự kiện ra đời những lãnh địa tôn giáo.

Phật giáo Việt Nam vẫn là một yếu tố góp phần gìn giữ sự thống nhất đất nước.

Ở Việt Nam hiện nay, nhiều tôn giáo khác nhau đang cùng tồn tại và phát triển. Phật giáo cũng chỉ là một trong số nhiều tôn giáo đó.

Tuy nhiên, Phật giáo vẫn là tôn giáo có số lượng tín đồ đông đảo nhất ở Việt Nam và phân bố đều khắp từ Bắc đến Nam. Một số người Việt không tôn giáo vẫn chịu sự ảnh hưởng nhất định từ Phật giáo. Họ vẫn có thể đi chùa và trong gia đình vẫn tổ chức hiếu lễ theo nghi thức Phật giáo. Bề dày lịch sử Phật giáo Việt Nam vẫn sống trong số đông người dân Việt Nam.

Một số lễ hội của Phật giáo thực tế đã trở thành lễ hội của cả nước, giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần đối với người dân cả nước.

Sự thống nhất về mặt tinh thần là nền tảng quan trọng của sự thống nhất. Sự đóng góp của Phật giáo chính là ở chỗ này.

Trong tiến trình truyền bá Phật giáo tại Việt Nam, Phật giáo không bắt đầu từ một ốc đảo trong lòng dân tộc, cũng không hình thành bất kỳ lãnh địa Phật giáo nào. Sự tồn tại một phân giới nào đó chưa bao giờ bắt nguồn từ Phật giáo. Những sự phân giới về mặt chính trị hành chính tạm thời không tạo nên một sự phân giới đối với Phật giáo, mà ngược lại Phật giáo lại có tác động hóa giải những phân giới chia cắt tạm thời đó bằng sự thống nhất của mình.

Phật giáo luôn luôn là một cho dù có thể có nhiều hội đoàn. Điều đáng chú ý là Phật giáo cũng không hình thành các đơn vị tôn giáo riêng, tách biệt và tồn tại song song bên cạnh các đơn vị hành chính (tức không có những xứ, những họ, những giáo phận theo sự phân chia riêng từ những nhà lãnh đạo các tôn giáo, mà địa giới khác với tỉnh, huyện…) Các đơn vị của Phật giáo, nếu có, cũng dễ dàng biến thiên theo địa giới hành chính, nhưng tồn tại trong sự thống nhất của cả nước. Các đơn vị Phật giáo không hề tạo nên những vết hằn tôn giáo trên bản đồ đất nước. Phật giáo Việt Nam chỉ có một nước Việt Nam, ngoài ra không chịu sự tác động từ đâu hết. Yếu tố thống nhất cũng nằm ở chỗ đó.

Hiện nay, trong cộng đồng người Việt định cư ở nước ngoài, Phật giáo cũng giữ vai trò gắn kết. Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài càng phát triển thì sự gắn kết của cộng đồng người Việt càng nâng cao, vì đó là Phật-giáo-Việt-Nam, một cụm từ có thể coi là cố định.

Vấn đề rõ ràng là như vậy thì ở địa điểm nào, thời gian nào mà Phật giáo Việt Nam suy yếu, thì sự đóng góp của nó vào sự thống nhất đất nước cũng suy yếu theo. Đó là điều tất nhiên.

Về phía Phật giáo Việt Nam, cũng cần ý thức rằng, xây dựng đạo pháp cũng là góp phần gìn giữ sự thống nhất đất nước. Cần chú trọng việc hoằng hóa ở những vùng biên giới, hải đảo, vùng các dân tộc ít người anh em sinh sống, vùng đã hình thành các lãnh địa tôn giáo trong quá khứ…, tức là những chỗ yếu trong mắt xích thống nhất của đất nước.

Các chúa Nguyễn, dù chia cắt đất nước, nhưng những ngôi chùa mà họ xây dựng ở miền Nam, mà tiêu biểu là chùa Linh Mụ ở đất Phú Xuân xưa, vẫn thể hiện sự gắn kết của họ đối với một đất nước Việt Nam thống nhất trong tâm linh.

Sự thống nhất trong tinh thần, trong tâm linh là quan trọng hàng đầu và ở đó là sự đóng góp của Phật giáo Việt Nam.

Trần Văn Hiền
[Tập san Pháp Luân - số 62, tr79, 2009]