Trong các dịp lễ Phật giáo, các cuộc lễ dành cho Tăng, Ni, Phật tử được tổ chức trang trọng ở các chùa, nhưng phần “hội” là phần dành cho đông đảo quần chúng vẫn ít được chú ý đến. Trừ các cuộc rước xe hoa, thuyền hoa nhân dịp lễ Phật đản, nhìn chung, việc thiếu vắng phần hội trong các dịp lễ Phật giáo là một vấn đề cần chú ý bổ sung.
“Hội” là yếu tố mở rộng của các ngày lễ Phật giáo. Nó góp phần tích cực đưa Phật giáo vào với cuộc sống văn hóa tinh thần của đông đảo người dân, gồm cả những người ngoài đạo Phật. Hội trong các dịp lễ Phật giáo có tác dụng biến ngày lễ của riêng Phật giáo thành ngày lễ của toàn xã hội. Công chúng tham dự các ngày hội nhân những dịp lễ Phật giáo sẽ có dịp đến gần Phật giáo hơn, hiểu hơn và có tình cảm nhiều hơn đối với Phật giáo. Hội trong các cuộc lễ Phật giáo là một công cụ hữu hiệu để Phật hóa xã hội.
Hội trong các dịp lễ hội chùa Hương, Yên Tử, v.v… theo chúng tôi, vẫn chưa phải là hội thật sự. Vì, nó cũng chỉ diễn ra trong không gian các chùa, cho dù đó là một không gian mở rộng ra cả một vùng núi. Yếu tố Hội ở đây chỉ có ở không khí nô nức của dòng người đổ về nơi tổ chức hành lễ. Một cuộc hội thật sự cần phải diễn ra trong thôn xóm ở vùng quê, trên đường phố quảng trường của thành thị, và ở trong mỗi căn nhà.
Trong bài viết này, chúng tôi đề xuất tổ chức các ngày hội phóng sinh trong các dịp lễ Phật giáo như Phật đản, Vu lan, Thành đạo, v.v… Người viết bài đã có dịp xem ngày hội phóng sinh tổ chức tại Đài Loan qua trực tiếp truyền hình trên các kênh của truyền hình Đài Loan và trên kênh BLTV của Giáo hội Phật giáo Phật Quang Sơn. Nay xin tường thuật lại và đề xuất tổ chức tại Việt Nam theo mô hình như vậy. Lễ hội phóng sanh nhằm vào bốn mục tiêu:
- Bảo vệ và hoàn thiện môi trường sống.
- Vì cuộc sống của chúng sinh muôn loài.
- Quảng bá tinh thần từ bi, hiếu sinh của đạo Phật đến với xã hội.
- Giáo dục thanh thiếu niên và mọi người ý thức bảo vệ môi trường sống, cân bằng sinh thái và sự sống của các loài động vật.
Do mục tiêu trên, lễ hội được toàn xã hội và chính quyền lãnh thổ Đài Loan ủng hộ. Các kênh truyền hình của nhà nước, xã hội, tổ chức và tư nhân đều trực tiếp truyền hình và tường thuật, phát sóng qua vệ tinh đến toàn thế giới. Từ nhiều tháng trước đó, việc cổ động cho lễ hội đã được các cơ quan truyền thông tiến hành, qua việc vận động mọi người đặt mua cá con, tôm con (không phóng sanh chim, cá lớn để phòng tránh việc săn bắt). Biểu ngữ, áp phích, pa-nô cổ động phóng sinh cá con các loại xuất hiện ở mọi nơi, trong thành phố, trên xa lộ… Cá con các loại được các cơ sở nuôi trồng thủy sản cho sinh sản và chăm sóc với số lượng lớn để cung cấp cho các tổ chức và cá nhân tham gia ngày hội phóng sinh. Trên các hồ cá nuôi có cắm bảng ghi rõ “cá cho sinh để phóng sinh”. Nhiều cơ quan, đơn vị của chính quyền Đài Loan cũng tham gia ngày hội với khẩu hiệu “bảo vệ môi trường”, “phát triển sinh thái”… Các cơ quan nghiên cứu khoa học chuẩn bị cho ngày hội phóng sanh các sinh vật dưới nước quý như các loài rùa, v.v…
Đến ngày hội phóng sinh, các xe tải trên cắm cờ Phật giáo, treo các băng rôn cổ động “phóng sanh”, “không giết hại sinh vật sông biển”, “bảo vệ môi trường sống của sinh vật sông biển” nối đuôi nhau chạy đến điểm phóng sinh trong tiếng loa phát các bài tụng kinh chú nguyện phóng sanh. Có cả xe con trên dán biểu ngữ cổ động làm công đức phóng sanh, đạo Phật là đạo từ bi, hiếu sinh. Trên các xe tải, xe con chứa đầy các thùng trong suốt chở cá con các loại, tôm con, rùa con, v.v… do các cơ sở nuôi trồng thủy sản và nghiên cứu khoa học cung cấp với mục tiêu thả vào môi trường sống tự nhiên theo đặt hàng từ các chùa, các tổ chức, cơ quan, cá nhân tham gia ngày hội phóng sinh. Có cả xe gắn máy với các thanh thiếu niên ôm những túi ni-lon đựng cá lớn mang đi phóng sinh. Trước giờ phóng sinh, các kênh truyền hình chiếu các đoạn phim cho thấy môi trường biển, sông bị hủy hoại do các sự cố tràn dầu, chìm tàu, cá tôm chết hàng loạt, các đoàn tàu săn bắt cá voi, cá heo, xẻ thịt cá một cách tàn nhẫn, cảnh săn bắt hải cẩu hàng loạt rất tàn ác… Tại điểm phóng sanh cũng tổ chức triển lãm những hình ảnh như vậy.
Hội phóng sanh tổ chức tại hai điểm, trên sông và cửa biển cho cả hai loại sinh vật sông và biển. Cờ Phật giáo và các biểu ngữ cổ động phóng sinh, phát triển sinh thái, bảo vệ môi trường rợp trời. Các sinh vật đang chờ được thả không phải chờ lâu. Sau một bài pháp ngắn về công đức và lợi ích của việc phóng sanh do vị hòa thượng chủ trì hội phóng sanh thuyết giảng, việc thả cá con, tôm con, rùa con được tiến hành ngay trong tiếng niệm Phật chú nguyện cho cuộc sống an bình của các sinh vật được thả từ hàng chục ngàn người rền vang. Hình ảnh trên TV cho thấy, để bảo đảm việc phóng sinh thành công tuyệt đối, người ta không thả cá con gần bờ mà chuyển xuống ca nô lần lượt thả ở giữa dòng và nơi xa bờ biển.
Ngày hội phóng sanh còn là ngày hội cổ động cho việc ăn chay, dẹp bỏ thú vui câu cá giải trí.
Chúng tôi không thấy Tăng, Ni, Phật tử lãnh thổ Đài Loan thiết trí bàn thờ Phật tại điểm tổ chức phóng sanh. Nhưng giá mà có bàn thờ Phật trang nghiêm thì cuộc hội phóng sanh càng thêm long trọng.
Sau hàng tiếng đồng hồ số lượng sinh vật thả vào môi trường tự nhiên mới được phóng sanh hết.
Chương trình trực tiếp truyền hình ngày hội phóng sanh cũng như các bản tin, hình ảnh tường thuật phát đi toàn thế giới đã tạo những ấn tượng hết sức tốt đẹp nơi con người lãnh thổ Đài Loan yêu cuộc sống sinh vật và môi trường, về Phật giáo Đài Loan nêu cao tinh thần từ bi, hiếu sinh. Nhiều Tăng, Ni, Phật tử Đài Loan vừa niệm Phật vừa nhìn thấy từng đoàn cá con được thả vào sông biển mà mắt ngấn lệ. Cảm xúc và sự khâm phục đức tính từ bi của Phật giáo cũng dâng lên ở nhiều người Tây phương chứng kiến ngày hội phóng sanh.
Kết thúc cuộc hội, ống kính truyền hình cho thấy nét mặt hân hoan, hỷ lạc của tất cả mọi người. Các công nhân thu dọn, những thùng nhựa trong suốt đựng cá tôm con phóng sanh trong suốt với lời hẹn: “để lại dùng lần sau!”, “tái kiến!”.
Thuật lại chương trình truyền hình ngày hội phóng sanh từ Truyền hình Đài Loan, chúng tôi vô cùng mong muốn một ngày hội “tốt đạo đẹp đời” như vậy sớm được tổ chức ở Việt Nam.
Hồ Phước Vinh
[Tập san Pháp Luân - số 61, tr89, 2009]