Ý nghĩa thành đạo

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Ngược dòng lịch sử, cách đây 2534 năm, trên thế gian xuất hiện một bậc giác ngộ vẹn toàn trong khu rừng Uruvela xứ Maghada thuộc nước Ấn Độ, dưới cây cổ thụ Assatha. Kỷ niệm ngày Thành đạo chính là tưởng niệm lại sự xuất hiện ấy của đức Phật Bổn sư. Hôm nay là dịp chúng ta hãy cùng nhau trầm tư về ý nghĩa cao cả, thiêng liêng của sự kiện một con người đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.


Ngày Phật Thành đạo được kỷ niệm không kém phần nghiêm trang như ngày Phật Đản sanh và Phật Niết-bàn. Điều đó chứng tỏ sự kiện giác ngộ vĩ đại của Sa-môn Gautama mang ý nghĩa vô cùng to lớn. Việc chứng quả vị Phật của Bồ-tát Gautama không chỉ ảnh hưởng lớn trong quá khứ mà còn lưu truyền mãi đến tương lai; không chỉ có ý nghĩa riêng đối với bản thân Ngài, với giáo pháp, với Tăng đoàn của Ngài mà còn tác động sâu sắc đến lịch sử tư tưởng triết học nhân loại, đến chúng sanh ba cõi, thậm chí đến cả truyền thống chư Phật trong quá hiện vị lai nữa.

1. Ý nghĩa đối với bản thân Ngài

Sau khi đản sanh, Thái tử Siddattha được tiên đoán rằng: tương lai Ngài không thành một vị Chuyển luân Thánh vương thì cũng sẽ thành một đức Phật. Lời tiên đoán đó đã thành sự thật. Thái tử đã thành Phật. Năm 35 tuổi, sau khi chứng ngộ Vô thượng Bồ-đề, Sa-môn Gautama trở thành một vị Phật, bậc Giác ngộ, tỉnh thức vẹn toàn. Trước khi thành đạo, Ngài là một tu sĩ như bao tu sĩ Bà-la-môn khác, không được gọi là bậc Giác ngộ. Trải qua muôn vạn kiếp tu hành, công viên quả mãn, Ngài đã bước lên ngôi vị của một bậc Phước Trí Vẹn Toàn. Một con người siêu phàm, giáo chủ của một tư tưởng mới, Ngài hoàn toàn xứng đáng sở hữu, và cũng là hiện thân sống động mười đức hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ý nghĩa mười đức hiệu này bao trùm ý nghĩa của sự Thành đạo. Giây phút giác ngộ chưa đến, những đức tính cao quý nhất ấy chưa thật sự có mặt trong Ngài.

Thành đạo, giác ngộ, đạt đạo hay chứng ngộ quả vị Phật có nghĩa Ngài giải thoát hoàn toàn sự trói buộc của sinh tử. “Sanh dĩ tận, Phạm hạnh dĩ thành”. Từ đây Ngài hoàn toàn tự do, tự do một cách tuyệt đối với thời gian lẫn không gian. Nói cách khác, Ngài đã chiến thắng oanh liệt nội ma ngoại chướng. Sau khi thành đạo, Ngài đã sở hữu một kho tàng trí tuệ và phước đức không ai sánh bằng. Nội ma chính là những năng lực vô minh đen tối, bao gồm vô số phiền não, kiến hoặc, tư hoặc, làm nguyên nhân dẫn đến khổ đau trường kỳ trong dòng chảy sanh tử. Ngoại chướng là đội quân thiên ma, là sự cám dỗ của vật dục thế gian. Tất cả những thế lực ấy, nội ma và ngoại chướng, đều bị sự kiện Giác ngộ của Ngài chuyển hóa, khuất phục triệt để. Từ nay không còn một thế lực nào, bên trong hay bên ngoài, bên trên hay bên dưới, có thể lay chuyển được tâm trí Ngài nữa. Chuyển hóa hoàn toàn vô minh, giải mở tất cả trói buộc, Ngài thực sự trở thành bậc Vô úy, Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi.

Chứng ngộ Phật quả có nghĩa Bồ-tát Gautama kết thúc quá trình tìm kiếm giải thoát cho riêng mình. Đó chính là cứu cánh, mục đích mà trong bao kiếp xa xưa Ngài dốc hết sức mình mong ước đạt cho được thông qua sự nghiệp tu tập thực hành lục độ vạn hạnh. Lúc thành đạo, Ngài thấu triệt tất cả chân lý, dù tương đối hay tuyệt đối, hiện tại hay tương lai. Giây phút giác ngộ khi sao mai vừa mọc đánh dấu chấm dứt quá trình hành Bồ-tát hạnh suốt ba A tăng kỳ kiếp của Ngài. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của Ngài. Ước nguyện xưa thành tựu, lời thọ ký của chư Phật được chứng minh, năng lực giác ngộ trong con người được thể hiện, hết thảy đều được đền đáp thỏa đáng bởi sự Thành đạo của Ngài.

Truyền thuyết kể rằng, lúc Ngài thành đạo lục chủng chấn động, mưa hoa cúng dường, chư thiên tấu nhạc ca dương. Phải chăng huyền thoại ấy để chúc mừng chiến thắng vẻ vang của Ngài? Chắc chắn như vậy. Thành đạo tức là tự chiến thắng mình một cách hoàn hảo. Chinh phục và chiến thắng bản thân là việc làm khó nhất, gian nan nhất, không ai làm được hoàn toàn, chỉ có chư Phật mà thôi. Hơn bất cứ ai, sau khi chứng quả vị tối thượng, Ngài hiểu rõ mình và người một cách tường tận.

Đức hiệu Như Lai và Thiện Thệ cho chúng ta thấy ý nghĩa Thành đạo là một sự trở về. Nghĩa là trở về với Chân Như  của vạn pháp, với Chân Lý muôn thuở, với Chân Tâm thanh tịnh, với Như Lai Tạng. Trở về không thôi chưa đủ mà còn phải sống với. Thành đạo là hiện thân của chân lý. Đây vốn là ý nghĩa sâu xa nhất của giây phút giác ngộ. Sau khi thành đạo, Ngài lấy chân lý làm thân. Tất cả chúng ta đã và đang trở về nhưng chưa đến đích. Ngài đã đến đích, đã vượt tới bờ bến bên kia thông qua sự thành đạo. Đức Phật trở về và nhìn thấy rõ ngôi nhà Vô minh cùng cột kèo đòn tay đã đổ nát:

“Này hỡi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi,
Từ nay ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa.
Tất cả sườn nhà đều bị gãy, cây đòn dong của ngươi dựng lên cũng bị phá tan,
Như Lai đã chứng quả Vô Sanh bất diệt. Như Lai tận diệt mọi ái dục.”

2. Ý nghĩa đối với chánh pháp

Đạt được mục tiêu nghĩa là phương pháp hành động của mình đúng. Sau khi thành đạo, đức Phật quyết định chuyển vận bánh xe chánh pháp. Chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đã khơi nguồn phát sinh một trường phái tư tưởng mới, một tôn giáo mới ra đời mà ngày nay phát triển khắp năm châu bốn biển - Phật giáo. Nếu không giác ngộ, tất cả phương pháp tu tập của Ngài không được kiểm chứng. Vì vậy, sau khi thành đạo, nội dung chánh pháp được xác lập.

Nội dung giác ngộ của đức Phật đã thể hiện phần nào qua nội dung chánh pháp mà Ngài đã giảng dạy. Nội dung ấy lấy Giới-Định-Tuệ làm cương lãnh, rồi triển khai rộng ra thành giáo lý Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên... mà tư tưởng Duyên sinh Vô ngã được xem là đặc sắc nhất, xuyên suốt trong tất cả di huấn của Ngài.

Qua kinh nghiệm thành đạo của đức Phật, thiền định rõ ràng là bước đi không thể thiếu để chứng nhập chân lý. Bên cạnh đó, giác ngộ đặc biệt phải nhờ vào trí tuệ sắc bén. Ngay lúc thành đạo, Ngài đã vận dụng và phát huy tận cùng nguồn trí giác trong mình. Nhất thiết trí, hay Nhất thiết chủng trí, là hoa trái ngọt ngào nhất mà giây phút thành đạo mang đến cho Ngài. Nhờ vậy đạo Phật gọi là đạo trí tuệ. Chỉ có trí tuệ mới diệt trừ được vô minh, mới đưa ta tới Chân lý.

Thành đạo làm đức Phật trở nên một chứng nhân cao quý, một bậc thầy tối thượng của chánh pháp. Ngài là hiện thân sống động của giáo lý, là tấm gương vĩ đại soi rọi ánh sáng dẫn đường cho chúng ta thực hành Phật pháp. Nếu không chứng ngộ, Ngài không thể nào chuyển vận chánh pháp, không thể làm Thiên Nhân Chi Đạo Sư. Cho nên, ý nghĩa Thành đạo chứng minh Ngài là hiện thân chân thật và sáng ngời nhất của chánh pháp mà ngày nay chúng ta đang tôn thờ, thực hành. Thành tựu quả vị Phật đà, vì vậy, là mục đích hướng đến của chánh pháp. Thành đạo là mục tiêu, là điểm đến cuối cùng của sự thực hành giáo pháp. Vô thượng Bồ-đề, quả vị mà Phật đạt được sau khi thành đạo, là cứu cánh của chánh pháp. Với ý nghĩa này, sự Thành đạo được xem như là kết quả mà nguyên nhân là quá trình thực hành chánh pháp.

Ngoài ra, việc bước lên ngôi vị Phật của Ngài chứng tỏ Niết-bàn hoàn toàn có thể thực nghiệm ngay trong hiện tại bằng con đường Trung đạo. Bồ-tát Gautama, vào giai đoạn cuối của tiến trình tu tập, đã đi theo con đường ấy, đã thành công và hiển nhiên trở thành một Bậc giác ngộ hoàn toàn. Thành đạo chứng minh tính chất chân chánh của giáo lý. Chánh pháp ấy thực sự có khả năng giúp chúng sanh giải thoát khổ đau, chứng ngộ Niết-bàn. Đức Thế Tôn là người đầu tiên thể hiện khả năng ấy thành công bằng cách sống theo tinh thần Trung đạo, xa lìa hai cực đoan khổ hạnh ép xác và phóng túng theo dục lạc:

“Từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai đã chứng ngộ con đường Trung đạo, con đường đem lại nhãn quan và tri kiến; đưa đến trí tuệ cao siêu và chứng ngộ Niết-bàn.”

3. Ý nghĩa đối với hàng ngũ Phật tử tại gia, xuất gia

Tứ chúng đệ tử của đức Phật là thế hệ truyền nhân trực tiếp duy trì chánh pháp do đức Thế Tôn chứng ngộ dưới cội Bồ-đề. Cho nên ngày Thành đạo khơi nguồn cảm hứng bất tận cho tất cả Phật tử chúng ta. Ngày ấy thực sự khích lệ mạnh mẽ tinh thần tu tập cho những ai tình nguyện thực hành lời dạy của Ngài. Sự giác ngộ của Ngài trở thành niềm tự hào của toàn thể Phật tử, nhất là chư Tăng, bởi vì đoàn thể Tăng già trong hiện tại vẫn đang tiếp nối, lưu truyền thông điệp cứu khổ của Ngài đến với cuộc đời. Giác ngộ Vô thượng Bồ-đề là lý tưởng tu hành của tất cả những người con Phật. Nó cũng là chí nguyện nhất quán chung cho toàn thể tín đồ đạo Phật.

Sau đêm Thành đạo, đức Phật trở thành bậc Thầy tối thượng hướng dẫn Tăng đoàn tu tập. Dù lúc còn sanh tiền hay khi đã nhập diệt, Ngài luôn làm thiện tri thức cho chúng ta. Ngài là người cha, người thầy vĩ đại của tất cả Phật tử, bất kể họ  theo hệ phái nào, tu pháp môn gì. Tư duy và chiêm nghiệm tổng thể tiến trình thành đạo của đức Thế Tôn, người đệ tử Phật sẽ nhận thức rõ bổn phận và trách nhiệm của mình. Từ nhận thức ấy, họ sẽ tự biết mình phải làm gì và làm như thế nào. Tăng-già cần noi gương Ngài, đi theo chỉ dẫn của Ngài mới có thể làm tròn bổn phận lãnh đạo, trách nhiệm duy trì chánh pháp. Tất cả sự hướng dẫn ấy phát xuất từ nguồn tuệ giác mà Ngài đạt được dưới cội Bồ-đề trong đêm Thành đạo, vì vậy, chứng ngộ Phật quả là thành tích cuối cùng mà tất cả những người đệ tử của Ngài phải đạt cho bằng được.

Ngày Thành đạo còn tạo một niềm tin trong sáng, kiên cố vào Tam bảo cho mỗi Phật tử, khiến họ luôn hướng đến sự phát huy trọn vẹn Phật tánh bên trong. Nó giúp tín đồ Phật giáo hoàn toàn an tâm khi thực hành chánh pháp. Người Phật tử tin tưởng rằng chư Phật là bậc giác ngộ thực sự, Pháp là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc tuyệt đối, Tăng là những người thay Phật hoằng truyền chánh pháp. Niềm tin có được từ sự Thành đạo của đức Phật sẽ thắp sáng ngọn đèn tự giác trong mỗi người. Rồi qua thời gian tu tập hun đúc, nhờ sức mạnh tự giác ấy, họ mới có thể giác tha để hoàn thành giác ngộ viên mãn. Nhờ có đêm Thành đạo, Phật tử triệt để tin tưởng rằng thực hành chánh pháp chắc chắn sẽ giác ngộ như Phật. Hơn nữa, họ còn thâm tín cái khả tính giác ngộ (Phật tính) vốn có trong họ. Đạo sĩ Gautama thành tựu chánh giác với tư cách con người, chúng ta cũng có thể giác ngộ như Ngài. Không ai không có khả năng thành đạo, người Phật tử tin tưởng đinh ninh như thế.

Không có đêm Thành đạo, chúng ta mãi mãi chìm đắm trong bóng tối vô minh. Không có giây phút giác ngộ thiêng liêng ấy, chư Tăng không có phương pháp thực hành. Bồ-tát Hộ Minh không bước lên đạo quả Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác, chúng ta nương tựa vào ai? Vì những ý nghĩa ấy, giây phút Thành đạo là nguồn mạch tâm linh nuôi dưỡng tinh thần cho các thế hệ Phật tử tại gia cũng như xuất gia.

Người Phật tử, bất luận tại gia hay xuất gia, phải luôn ghi nhớ lời cảnh giác sách tấn đầy tâm huyết của thiền sư Quy Sơn: “Đạo nghiệp mà không chịu nỗ lực thực hành thì đạo quả sẽ không có nhân tố thành tựu” hay “Nếu đời đời không thoái chuyển thì quả vị Phật đà quyết chắc có thể kỳ vọng”.

4. Ý nghĩa đối với chư Phật quá khứ và tương lai

Theo như kinh điển mô tả, trong vô số kiếp trước, khi đang thực hành Bồ-tát hạnh, Ngài đã được đức Phật Nhiên Đăng thọ ký. Tại kiếp cuối cùng, Ngài thị hiện xuống cõi Ta bà này để hoàn thành quá trình giác ngộ. Sau khi chứng nhập đạo quả Vô thượng Bồ-đề, Ngài trở thành một thành viên ưu tú của đại gia đình chư Phật. Ngài xứng đáng được đứng vào hàng ngũ truyền thống giác ngộ như những vị Phật khác. Theo thứ tự, đức Thích-ca Mâu-ni là vị Phật thứ bảy trong hàng dọc của một ngàn đức Phật xuất hiện tại Hiền kiếp này. Đứng trước ngài là Phật Ca-diếp và tiếp theo sau ngài là Phật Di Lặc. Như vậy, với đêm Thành đạo, đức Phật Bổn sư của chúng ta trở thành người tiếp nối và phát triển truyền thống giác ngộ của mười phương chư Phật.

Ngoài ra, sự giác ngộ dưới cội Bồ-đề chứng tỏ Ngài đã hoàn thành trách nhiệm chư Phật giao phó: “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Bên cạnh đó, nó còn chứng minh sự thọ ký của chư Phật hoàn toàn chính xác, đồng thời giúp Ngài đủ khả năng thọ ký cho Bồ-tát Di Lặc thành Phật trong tương lai.

Nhờ sự thành đạo, đức Phật thực sự đã nối dài cánh tay mang thông điệp cứu khổ của chư Phật đến với tất cả chúng sanh. Không phải dễ dàng sử dụng thông điệp ấy hướng dẫn chúng sanh nếu người truyền đạt chưa giác ngộ hoàn toàn. Cho nên, trước và sau khi thành đạo, đức Phật vẫn luôn luôn không mệt mỏi sử dụng mọi cách hóa độ những người hữu duyên. Thời gian lâu lắm mới có Phật ra đời. Hy hữu lắm mới sanh cùng thời với Phật. Và, hạnh phúc vô cùng mới gặp được chánh pháp của Ngài. Chúng ta phải luôn ý thức như vậy để sẵn sàng tiếp nhận và thi hành bức thông điệp, mà vất vả vô cùng tận Ngài mới đủ điều kiện tuyên bố.

Sự Thành đạo của đức Phật còn có ý nghĩa tạo nhiều phương tiện giúp chư Phật quá khứ vị lai trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần hóa độ chúng sanh trong mười phương thế giới. Không có việc đăng quang lên ngôi vị toàn giác của Phật Thích-ca, chúng ta không biết đến cõi Tịnh độ phương Đông của Phật A-súc, của Phật Dược Sư; không nghe đến hồng danh đức Phật A-di-đà ở cõi Cực Lạc phương Tây; hoặc không bao giờ biết đến công hạnh của chư vị đại Bồ-tát Quan Thế Âm, Phổ Hiền, Địa Tạng. Nhờ sự  hiện diện của đức Bổn sư mà chư Phật mười phương mới có thể truyền thông, liên lạc dễ dàng với thế giới Ta-bà. Từ đó, sự nghiệp lưu truyền, phổ biến thông điệp cứu khổ thực hiện thuận tiện hơn, phong phú hơn. Đọc tụng, nghiên cứu kinh Pháp Hoa, kinh Di-đà, chúng ta dễ dàng nhận ra ý nghĩa này của sự Thành đạo. Như vậy, sau khi thành đạo, đức Phật Thích-ca Mâu-ni là một gạch nối, một mắt xích quan trọng trong truyền thống cứu khổ chúng sanh của các đức Như Lai.

5. Ý nghĩa đối với con người

Đức Phật là một đấng giáo chủ có lịch sử rõ ràng nhất trong các giáo chủ tôn giáo lớn nhất trên thế giới. Ngài là một con người, dù trước hay sau khi thành đạo. Khi chưa giác ngộ, Ngài là con người còn bị vô minh che khuất. Lúc thành đạo, Ngài là người tỉnh thức hoàn toàn, có trí tuệ siêu việt. Trước và sau giác ngộ, Ngài vẫn mang dáng vóc con người, vẫn sống hoạt động như bao người khác.

Đạo sĩ Gautama - một con người đúng theo danh từ của nó - thành Phật cho thấy nhân loại là loài hữu tình sở hữu khả tính giác ngộ cao nhất. Bồ-tát Hộ Minh đầu thai làm người để hoàn thành công hạnh tu tập cuối cùng của mình, bởi vì con người và hoàn cảnh sống của nó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình chứng ngộ. Con người là loại hữu tình có đầy đủ ý thức sắc bén để phát huy nguồn lực trí tuệ chuyển hóa vô minh. Cảnh giới nhân loại không quá khổ cũng không quá sướng so với tam đồ hoặc thiên giới. Chư Phật ba đời thành tựu Bồ-đề đều mang hình dáng con người. Bất cứ ai cũng có thể thành Phật, sự Thành đạo của Ngài nói lên điều đó.

Ngày đức Thế Tôn thành đạo mang lại niềm khích lệ lớn lao cho tất cả loài người, đặc biệt đối với Phật tử chúng ta. Nó tạo một niềm tin trong sáng, kiên cố vào Phật-Pháp-Tăng. Nó giúp con người tự tin vào chính mình trong vấn đề giải thoát khổ đau. Nó cho biết trong con người luôn tồn tại một khả năng siêu việt bên cạnh những ham muốn thấp hèn. Nó thúc giục chúng ta nỗ lực vận dụng mọi phẩm tính cao quý, như từ bi, nhẫn nhịn… để thiết lập hạnh phúc. Đêm Thành đạo đã khai sáng ra con đường Bất tử, Vô sanh cho chúng sanh. Cửa Vô sanh đã mở, từ nay nhân loại có hướng đi tươi sáng. Bằng vào nỗ lực tự thân, cộng với tinh thần tu tập đúng pháp, con người hoàn toàn có thể giác ngộ ngay trong hiện tại và ngay ở đây, ngay tại thế giới luôn biến động này. Đức Phật cùng những đại đệ tử của Ngài đã chứng minh điều đó.

Với sự Thành đạo, đức Phật là người đầu tiên mở ra cánh cửa Niết-bàn- hạnh phúc tuyệt đối- mà trước đây chưa ai khai phá. Thành đạo giải phóng con người thoát khỏi ngục tù vô minh tham ái chấp thủ. Thế có nghĩa nó nâng con người lên tiếp cận, sống với thế giới cao quý, thanh tịnh.

Phật thành đạo chứng minh tất cả chúng sanh đều có khả tính giác ngộ như Ngài. Khả tính ấy - Phật tánh - có bình đẳng trong hết thảy chúng sanh. Ngài nhiều lần tuyên bố, Như Lai là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Do đó, ngày Thành đạo nhắc nhở chúng ta nỗ lực phát huy không ngừng khả tính ấy.

Chúng ta luôn luôn ý thức một điều rằng, theo đuổi để đạt được Phật quả là một nhiệm vụ khó khăn nhất cho con người trên toàn thế gian này, như K.Sridhammananda từng nói. Không bao giờ hai đức Phật cùng xuất hiện tại một thời gian một địa điểm. Vẫn biết rằng mỗi người là một vị Phật sẽ thành, song cái tương lai “sẽ” ấy hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng thực hành, phát huy Giới-Định-Tuệ của mỗi người. Kỷ niệm ngày Thành đạo, người Phật tử cảm thấy càng thâm tín Phật tánh trong mình. Nhờ niềm tin ấy và tấm gương vĩ đại sáng chói của đức Thế Tôn, chúng ta nỗ lực tu trì chánh pháp theo con đường Trung đạo dẫn đến Niết-bàn. Lễ Thành đạo là cơ hội cho chúng ta nhìn lại sự tu tập của mình suốt thời gian qua. Tự quán sát bản thân rồi quy chiếu vào cuộc đời của đức Bổn sư, nhất là sự Thành đạo của Ngài, chúng ta không thể không tự hào phấn khởi.

Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói rằng: “Hành vô hành hành, tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng”. Kinh Pháp Hoa cũng chép chuyện đức Thế Tôn thành Phật từ vô lượng vô biên kiếp trước. Đức Phật của chúng ta thành đạo từ lâu rồi chứ không phải thành đạo tại thế giới này vào năm 528 trước Dương lịch. Tất cả cho thấy, trên bình diện tuyệt đối, “thành mà chẳng thành gì cả, ngộ mà thực ra chẳng ngộ gì hết”. Thành đạo chỉ là một sự trở về hoàn hảo. Đức Phật sau khi thành đạo vẫn sống bình thường, vẫn xâu kim cho bà già, vẫn chăm sóc cho các Tỳ-kheo bệnh nặng... Phải chăng, chân lý ở ngay nơi cuộc sống, hiện tại và ở đây? Giác ngộ không tách rời cuộc sống. Cho nên, để tưởng niệm, tri ân và báo ân đức Phật nhân lễ Thành đạo, chúng ta hãy cố gắng hoàn thành những công việc bé nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Thành tựu trọn vẹn những việc làm bé nhỏ là phẩm vật có ý nghĩa to lớn dâng lên đấng Từ phụ của chúng ta trong suốt lộ trình tu học.

Chú Thích:
1. Cách tính: 2006 + 528 = 2534. Bài viết dựa theo thuyết của H. W. Shumann trong Đức Phật Lịch Sử, Trần Phương Lan dịch,  Nxb Tp. HCM, 2000, tr.144. Phật thành đạo năm 528 trước tây lịch, lúc ngài 35 tuổi.
2. Cây được tôn xưng là Thánh thọ Bồ-đề. Sđd tr.151
3. Narada Thera, Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh dịch, Nxb Tp.HCM, 1998, tr. 66.
4. Sđd, tr. 94.
5. Thích Trí Quang, Sa Di và Sa Di Ni giới tập 1, Nxb Tp.HCM, 1996, tr.109, 114.
6. Thiền sư Tịnh Không: “Trí nhân vô ngộ đạo, ngộ đạo tức ngu nhân.” Xem Thơ Văn Lý Trần, Viện văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 479. “Như Lai đối với Vô thượng Bồ-đề không có chút gì gọi là đạt được, nên được gọi là Vô thượng Bồ-đề.” Thích Trí Quang, Bái sám theo kinh Kim-cương, Nxb TG, 2006, tr. 129.

Thích Chánh Trí
[Tập san Pháp Luân - số 58, tr.10, 2009]