Kham nhẫn là những phép lạ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Sống kham nhẫn giữa những người ăn nói bận rộn, để nói cho họ những lợi ích do ăn nói không bận rộn đem lại là một phép lạ.


Sống kham nhẫn giữa những người ăn nói thô lỗ, để nói lợi ích của những lời nói dễ thương cho họ là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người ăn nói dối trá, để nói lợi ích của những lời nói chân thực cho họ là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người ăn nói chia rẽ, để nói lợi ích cho họ của những lời nói hòa hợp là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người ưa tranh cãi, để nóí cho họ những lợi ích của ít nói và im lặng là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người ưa giết hại, mà nói cho họ lợi ích và giá trị của sự sống ở nơi mọi người và mọi loài cần phải được tôn trọng và bảo vệ là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người trộm cắp, mà nói cho họ lợi ích về sự tôn trọng và bảo vệ tài sản của những kẻ khác là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người không thủ tiết mà nói lợi ích của tiết hạnh cho họ là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người tham lam, ích kỷ mà nói cho họ về lợi ích của hạnh thí xả là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người đầy thù hận mà nói lợi ích của hạnh từ bi là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người cố chấp vô trí mà nói lợi ích của hạnh trí tuệ cho họ là một phép lạ.

Phép lạ của con người không phải là đi gió về mây, vì đi gió về mây, thì ta sẽ thua mây và gió; phép lạ của con người không phải nhảy cao, đá lẹ, vì nhảy cao đá lẹ, ta không bằng sư tử và mèo; phép lạ của con người không phải là lặn sâu dưới nước, vì lặn sâu dưới nước ta không bằng cá; và phép lạ của con người không phải bay cao trên trời, vì bay cao trên trời, ta không thể bằng chim.

Phép lạ của con người là sống giữa những may mắn mà không sanh tâm kiêu ngạo, sống giữa những khó khăn mà không nản lòng và sống với những người bất hạnh mà kham nhẫn giúp họ với tâm hạnh không mong cầu. Và phép lạ cao nhất, mầu nhiệm nhất là sống giữa những sự sanh của cuộc đời, mà tâm không hề sanh sự.

Thích Thái Hòa
[Tập san Pháp Luân - số 56, tr.66, 2009]