“Bà lão nghèo ngộ pháp Duyên khởi” là bản kinh chúng tôi giới thiệu kỳ này. Nguyên tác “Phật thuyết lão nữ nhơn kinh 佛說老女人經 (Vṛiddhastrī-sūtra)”, 1 quyển, Cư sĩ Chi Khiêm người nước Nguyệt Thị (Kuṣana – là chủng tộc sống khoảng thế kỷ 3 trước TL đến thế kỷ 5 TL, vị trí ở các vùng Tây bắc Trung Quốc, Tây Vực…) dịch thời Ngô – A.D. 222-280, Đại Chánh 14, số hiệu 559, tr. 911.
Dẫn nhập:
Ví dụ, ta vẽ một hình Tam giác đều ABC, rồi kẻ một đường trung tuyến AH, điểm H nằm trên cạnh BC, là ta có thêm hai Tam giác vuông ABH và ACH. Hai Tam giác này đều có chung một cạnh AH, tức Tam giác ABH có cạnh AH của Tam giác ACH và ngược lại. Vậy, nếu nói đến Tam giác này thì có sự ẩn tàng của Tam giác kia, nghĩa là chúng có mặt trong tương giao, hiện khởi qua nương tựa — “Cái này có thì cái kia có; cái này sanh thì cái kia sanh. Cái này không thì cái kia không; cái này diệt thì cái kia diệt”, lý ấy gọi là Duyên khởi.
“Bà lão nghèo ngộ pháp Duyên khởi” là bản kinh chúng tôi giới thiệu kỳ này. Nguyên tác “Phật thuyết lão nữ nhơn kinh 佛說老女人經 (Vṛiddhastrī-sūtra)”, 1 quyển, Cư sĩ Chi Khiêm người nước Nguyệt Thị (Kuṣana – là chủng tộc sống khoảng thế kỷ 3 trước TL đến thế kỷ 5 TL, vị trí ở các vùng Tây bắc Trung Quốc, Tây Vực…) dịch thời Ngô – A.D. 222-280, Đại Chánh 14, số hiệu 559, tr. 911.
Bản kinh này cùng nội dung với kinh Lão bà Lục Anh (Phật thuyết lão mẫu nữ Lục Anh kinh 佛說老母女六英經 - Vṛiddhamātṛi-ṣaṭpuṣpā-sūtra), 1 quyển, ngài Cầu-na-bạt-đà-la dịch thời Lưu Tống và kinh Bà lão (Phật thuyết lão mẫu kinh 佛說老母經 - Vṛiddhamātṛi-sūtra)”, 1 quyển, khuyết tên người dịch, Đại Chánh 14, số hiệu 560, 561, tr. 912.
Toát yếu nội dung kinh:
Khi đức Phật đang giảng pháp tại trú xứ Lạc-âm nước Tỳ-xá-ly (Vaiśāli), thì có một bà lão nghèo đến chỗ đức Phật đảnh lễ sát đất, bạch Phật:
- Thưa Thế Tôn! Con có điều muốn hỏi.
- Lành thay! Bà cứ hỏi.
- Sanh từ đâu đến và đi về đâu? Già, bệnh, chết từ đâu đến và đi về đâu?…
Đức Phật bảo: “Hay thay! Hỏi như vậy rất hay. Sanh không từ đâu đến và cũng không đi về đâu. Già, bệnh, chết không từ đâu đến cũng không đi về đâu... Các pháp đều như vậy. Ví như hai thanh cây cọ xát vào nhau phát ra lửa, lửa lại đốt hai thanh cây. Cây cháy hết lửa cũng tắt.”
Đức Phật hỏi lại bà lão:
- Ngọn lửa từ đâu đến và đi về đâu?
Bà lão thưa:
- Nhân duyên hòa hợp được lửa, nhân duyên ly tán thì lửa cũng mất.
Phật dạy:
- Các pháp cũng như vậy. Nhân duyên hòa hợp mới thành, nhân duyên ly tán tức diệt. Pháp không chỗ đến và không chỗ đi… Ví như cái trống không phải do một thứ mà thành. Khi khởi sự muốn thành phải có da, có cây, người cầm dùi đánh vào trống thì trống mới có âm thanh… Âm thanh đó không phải từ da, không phải từ cây, không phải từ dùi trống của người cầm, phải hợp các thứ lại mới thành tiếng trống. Âm thanh từ chỗ không, nên cuối cùng là không. Vạn vật đều như vậy, vốn thanh tịnh không có nhân tạo ra pháp, pháp cũng không có sở hữu… Các pháp không chỗ đến và không chỗ đi… Sanh tử cũng vậy, mỗi thứ tùy theo sự hoạt động của nó mà thành. Như tai họa, đọa vào địa ngục, sinh lên trời hay làm người thế gian cũng thế... không phải tự nhiên mà có.
Bà lão nghe rồi vui mừng hớn hở nói:
- Nhờ hồng ân của đức Thế Tôn con đắc được pháp nhãn, tuy thân thể già yếu cũng được khai ngộ.
A-nan chỉnh y phục quỳ gối bạch Phật:
- Thưa Thế Tôn! Vì sao bà lão có trí tuệ như vậy, vừa mới nghe Phật thuyết liền khai ngộ?
Phật bảo A-nan:
- Bà lão này tiền thân đời trước là mẹ của ta. Bà có phát tâm học đạo.
A-nan lại hỏi:
- Là mẹ tại sao bần cùng khốn khổ thế?
Phật bảo: “Thuở quá khứ, vào thời đức Phật Câu-lưu-tần. Ta muốn làm Sa-môn nhưng Từ mẫu thương mến không cho ta đi, ta buồn rầu bỏ ăn một ngày. Vì thế, năm trăm đời bà sanh ở thế gian bị nghèo khổ. Đời này thọ mạng hết, bà lão sẽ sanh về cõi Phật A-di-đà, trải qua sáu mươi tám kiếp mới thành Phật, hiệu là Ba-kiền. Nước đó gọi là Hóa Hoa.”
Đức Phật nói kinh xong, bà lão, A-nan, các vị Bồ-tát, Tỳ-kheo Tăng… đều vui mừng đảnh lễ thối lui.
Phật thuyết kinh bà lão nghèo ngộ pháp Duyên khởi.
Lời kết:
Vào mùa hè, nghe tiếng ve sầu kêu râm ran, nhìn các sân trường hoa phượng nở rộ, cảnh trí ấy càng gợi nhớ nhiều về tuổi học trò. Rồi Thu sang, Đông đến, tiếng ve im bặt, phượng vĩ thay lá, tuổi học trò qua đi, có mấy ai tự thắc mắc thế giới hiện tượng xung quanh: những chú ve kia đi đâu lúc đổi mùa, và lẽ nào màu phượng đỏ chỉ có khi hè về?
Song, cách đây gần ba ngàn năm, có người tư duy về thế giới hiện tượng ấy: “Do đâu mà có già, chết?... Do sanh mà có già, có chết… Không sanh thì không già, không chết, sanh diệt thì già, chết diệt”. Đó là lý Duyên khởi mà đức Thế Tôn tư duy, chứng ngộ dưới cội Bồ-đề.
Tất cả sự vật trong thế giới hiện tượng đều do những điều kiện nhân duyên mà có đến, có đi, có sanh, có diệt; khi đủ điều kiện nhân duyên thì chúng biểu hiện, nhân duyên vắng mặt thì chúng rút lui. Bản chất thực tại của chúng không đến, không đi, không sanh, không diệt. Cho nên đức Phật giải thích, sanh, già, bệnh, chết, không từ đâu đến cũng không đi về đâu. Lửa cháy trong cây, âm thanh tiếng trống cũng thế; đọa vào địa ngục hay sanh lên trời, làm người thế gian… cũng thế, do vô minh duyên hành (tạo nghiệp thiện hay bất thiện) mà có như vậy.
Thuyết Duyên khởi trên là tư tưởng đặc hữu của đức Phật chứng ngộ, về sau các Luận sư lấy đó làm giáo lý căn bản, phát triển thành các giáo thuyết thuộc hệ thống Duyên khởi luận, như: Nghiệp cảm duyên khởi, tức do sức nghiệp thiện hoặc ác mà có quả báo thiện hoặc ác. A-lại-da duyên khởi, là do chủng tử (hạt giống) tích chứa trong A-lại-da thức (tàng thức), gặp duyên thì hiện hành, từ hiện hành huân lại chủng tử, như thế làm nhân làm quả xoay vần. Do đó mà bà lão tuy già, nghèo khổ nhưng hạt giống học đạo tiền kiếp của bà không mất, khi nghe Phật giảng liền giác ngộ. Và do đời trước lúc làm mẹ gây cái nhân không cho đức Phật xuất gia mà chịu cái quả nghèo khổ nhiều kiếp.
Bà lão thương mến ngăn cản Phật xuất gia bị nghèo khổ là hình ảnh ẩn dụ giống chuyện thí dụ trong kinh Pháp hoa (phẩm Thọ ký 500 vị đệ tử): Một người nghèo có viên ngọc quý (Phật tính) trong chéo áo mà không hề hay biết, cứ sống đời bần hàn. Mười lăm năm sau, người nghèo kia gặp lại bạn thân mách bảo, có viên ngọc trong áo, mới hết nghèo khổ, trở thành giàu sang. Cũng thế, con của bà lão là vị Phật tương lai, tức Phật tính trong người bà, bà lại ngăn cản, như đánh mất Phật tính (viên ngọc) của bà, nên bị khổ năm trăm kiếp, rồi được Phật khai thị, thọ ký đời sau thành Phật. Ý kinh ở đây là nói đến Chân như duyên khởi, Như lai tạng duyên khởi, tức hết thảy chúng sanh đều có Phật tính, vì duyên nhiễm tịnh mà sinh các pháp, nhưng Phật tính không mất.
Năm xưa, đức Thế Tôn giảng lí Duyên khởi cho bà lão ngộ. Nay chúng tôi vay mượn văn tự diễn đạt cho mọi người hiểu. Song chúng ta muốn hiểu và ngộ phải vượt thoát khỏi phạm trù ý niệm ngôn ngữ, thể nghiệm qua đời sống thực tại, sống với cái muôn đời của cuộc sống, trước sự sống-chết, vui-buồn, còn-mất, thắng-thua, có-không… tịch tĩnh, vắng lặng.
Thích Tâm Nhãn
[Tập san Pháp Luân - số 54, tr.54 2008]