Bàn về thân giáo trong đạo Phật từ vấn đề nêu ra qua bài Cõi vĩnh hằng và các bài liên quan

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trên Tập san Pháp Luân, tôi đã được đọc bài Cõi vĩnh hằng của tác giả Tâm Minh, cho thấy hoạt động truyền đạo mạnh mẽ từ tín đồ các tôn giáo phương Tây. Sau đó, tôi cũng được đọc bài của tác giả Đức Vinh: Suy nghĩ nhân đọc bài Cõi vĩnh hằng, phải chăng vấn đề từ chính Phật giáo?


Trước đó qua Pháp Luân, tôi cũng đã được biết những thông tin về việc các tôn giáo phương Tây đã đầu tư rất nhiều vào việc khai thác các phương tiện truyền thông hiện đại như phát thanh, truyền hình, Internet… vào việc truyền đạo qua loạt bài về truyền thông của tác giả Minh Thạnh.

Qua nội dung những bài như vậy đăng trên Pháp luân, chúng tôi xin được nêu ra một số vấn đề để chúng ta cùng suy nghĩ, bàn bạc:

- Tại sao các tôn giáo phương Tây như Tin Lành, Thiên Chúa giáo, mặc dù đã khai thác các phương tiện truyền thông hiện đại, có sức tác động mạnh mẽ, nhưng vẫn chú trọng đến phương thức truyền đạo người với người, cá nhân đến với cá nhân?
- Phương thức truyền đạo cá nhân đến cá nhân còn có vai trò như thế nào trong kỷ nguyên truyền thông hiện đại?
- Đối với Phật giáo, chúng ta cần nhìn nhận ra sao đối với phương thức truyền đạo từ cá nhân tín đồ đến cá nhân?

Dưới đây, chúng tôi xin phép nêu một số suy nghĩ của mình về những vấn đề nói trên.

Qua bài viết của tác giả Tâm Minh, rõ ràng, các tôn giáo phương Tây, mặc dù triệt để khai thác truyền đạo bằng những phương tiện truyền thông hiện đại, nhưng vẫn hết sức chú trọng đến hoạt động cá nhân tín đồ trong việc truyền đạo, một hoạt động truyền thống cổ xưa. Điều này cho thấy các tôn giáo đó vẫn đánh giá cao phương thức truyền thông này. Họ vẫn nhấn mạnh nó như một hoạt động sống đạo, hành đạo, không thể tách rời, lãng quên ở mỗi cá nhân tín đồ. Triển khai các phương thức truyền đạo sử dụng kỹ thuật điện tử và công nghệ thông tin tiên tiến, tác động đến đồng thời nhiều người, các tôn giáo phương Tây vẫn không hề lơi lỏng, bỏ qua hay xem nhẹ cách thức truyền đạo này. Tại sao?

Trước hết, vì đây vẫn là phương thức hiệu quả. Nếu không hiệu quả, họ sẽ không dùng, không quan tâm đến nữa, mà thay vào đó chỉ sử dụng tập trung những phương thức thế mạnh của họ, thích hợp với những tôn giáo có điều kiện tài chính giồi dào. Chúng ta không có trong tay những thống kê cho thấy hiệu quả của phương thức truyền thống này so với những phương thức truyền đạo hiện đại, nhưng cứ đọc bài của tác giả Tâm Minh thì vẫn có thể hình dung ra phần nào vấn đề. Bài báo ghi nhận một trong 3 người đến truyền đạo là anh thanh niên tên N, con trai chị H. Tác giả bài báo cho biết “tôi chợt nhớ lại là chàng thanh niên từ đầu đến cuối không hề nói một tiếng nào…” Cũng thật là hay! Chỉ gật đầu chào hai lần, khi bước vào nhà và khi ra khỏi nhà, nên không biết anh ta nói tiếng gì. Chắc khi về nhà anh ta sẽ nói với mẹ “đàn bà thật lắm lời, nghe ba người thay phiên nhau nói, con buồn ngủ quá chừng!” Theo tôi, thì có lẽ anh thanh niên sẽ không nói như vậy, anh ta đi theo không phải là thừa, vì anh ta đang đi học truyền đạo, đi “kiến tập”   truyền đạo, để sau đó “thực tập” truyền đạo, rồi tháp tùng, tham gia truyền đạo, để rồi sau hết dẫn đầu truyền đạo như mẹ anh ta đã làm. Xem thế, thì thấy phương thức truyền đạo cá nhân vẫn được các tôn giáo phương Tây tổ chức thực hiện một cách bài bản có kỹ thuật, và rất hiện đại trong phương pháp. Tự thân kiểu tổ chức như vậy cũng đã nói lên tính hiệu quả của phương thức truyền đạo cá nhân đến cá nhân, dù nó được tiến hành trong thời đại thông tin điện tử.

Thứ hai, theo tôi, các phương tiện truyền thông hiện đại, dù có sức mạnh thế nào đi nữa, cũng không thể thay thế sự giao tiếp giữa con người với con người. Thông tin một chiều là hạn chế của truyền thông hiện đại như phát thanh truyền hình. Vì hạn chế đó, nên sự phát triển truyền thông hiện đại ngày nay đã hết sức chú trọng đến khía cạnh tương tác, giao lưu: truyền hình tương tác, Video On Demand, Webcam, chat, diễn đàn trên mạng… Nhưng dù có tương tác hai chiều thế nào đi nữa, thì nó vẫn có giới hạn vì sự gián tiếp, với sự ngăn cách của máy móc, không thể trọn vẹn như trường hợp một con người trực tiếp với một con người.

Thứ ba, các tôn giáo phương Tây coi truyền đạo, phát triển tín đồ là một phương thức hành đạo, sống đạo, nói theo từ ngữ của Phật giáo là “tu tập”, cho mỗi tín đồ. Đối với họ, nhiệm vụ hàng đầu và chủ yếu của tín đồ là truyền đạo. Không truyền đạo không phải tín đồ. Phát triển tín đồ, rao giảng được “tin mừng” là mục tiêu tối thượng. Họ có làm từ thiện, hoạt động xã hội gì gì đi nữa, thì cuối cùng cũng là để truyền đạo mà thôi. Cho nên, dù truyền thông hiện đại có phát triển thế nào đi nữa, thì vẫn phải truyền đạo từ cá nhân đến cá nhân, cho dù có thể bị xua đuổi, khinh khi, thậm chí bị hành hung bởi những người theo những tôn giáo cực đoan.

Như vậy, cho dù quan tâm, ra sức cổ súy cho các phương tiện truyền thông hiện đại, cũng không thể lãng quên vai trò của cá nhân đối với cá nhân. Đây không phải là phương cách truyền đạo của riêng các tôn giáo phương Tây mà là phương thức của chính Phật giáo chúng ta từ 25 thế kỷ trước. Bài viết của tác giả Đức Vinh có trích dẫn lời dạy của đức Phật khuyên các vị Tỳ-kheo lên đường hoằng pháp: “Mỗi người hãy đi một ngã. Hai người không cùng đi về một hướng…”. Tinh thần hoằng Pháp cao cả được thể hiện qua lời đối thoại của tôn giả Phú-lâu-na, khi tôn giả xin đức Phật đi hoằng pháp tại xứ Sunàparanta, một nơi mà các vị đệ tử khác của đức Phật không dám đến:

“Phật dạy, dân xứ đó rất thô ác hung bạo, nếu họ mắng nhiếc nhục mạ ông thì sao. Phú-lâu-na đáp: Con sẽ nghĩ rằng họ vẫn còn hiền, vì họ không dùng tay đánh đập con.

Nếu họ dùng tay đánh ông thì sao? Bạch Thế tôn, con sẽ nghĩ họ còn tốt, vì dùng tay đánh chứ không ném đất vào con.
Nếu họ lại ném đất vào ngươi? Dạ con sẽ nghĩ họ vẫn còn tốt vì không dùng gậy mà đánh con.
Nếu họ đánh cả gậy? Thì con sẽ nghĩ họ còn tốt vì chưa dùng dao mà đánh.
Nếu họ đánh con bằng dao? Thì con sẽ nghĩ họ vẫn còn tốt vì chỉ đánh chứ chưa dùng dao sắc để đoạt mạng con.
Nếu họ lấy dao sắc bén đoạt mạng con? Thì con sẽ nghĩ rằng có những đệ tử của Thế Tôn nhàm chán thân thể và sinh mạng nên đã tìm con dao tự sát. Nay con không cần tìm mà vẫn được con dao.

Phật dạy Phú-lâu-na, nếu có đầy đủ sự nhiếp phục và an tịnh ấy, tôn giả có thể đến sống tại xứ kia. Sau khi đến đấy chỉ trong một mùa an cư, tôn giả đã hóa độ cho nhiều cư dân và chứng ba minh.” 

Qua đó có thể thấy rằng, hoằng pháp đối với đạo Phật cũng chính là tu, là nhiệm vụ hàng đầu của người con Phật, bất kể chướng duyên. Đề cập đến việc mong muốn Phật tử chúng ta hoằng pháp từ cá nhân đến cá nhân, bất kể có duyên hay không có duyên, không phải là bắt chước cách truyền đạo của các tôn giáo phương Tây, mà là quay về chính lời dạy và hành động của đức Phật từ hàng ngàn năm trước, khi nhiều tôn giáo khác chưa ra đời. Đức Phật truyền đạt giáo pháp đến cho thân nhân của Ngài, đồng bào của Ngài, bạn đồng tu cũ của Ngài (năm anh em Kiều Trần Như), rồi mở rộng dần đối tượng hoạt động đến cá nhân hoặc thiểu số người, rồi tập thể đông đảo hơn ở các quốc gia lân cận. Phật tử ngày nay có hoằng pháp như vậy đối với những bạn bè, bà con, xóm giềng, đồng hương, đồng bào của mình, cũng chính là thực hiện lời Phật dạy “vì sự an lành và hạnh phúc của nhiều người, vì lòng bi mẫn đối với thế gian”. Nếu hiểu hoằng pháp theo kiểu cá nhân đến cá nhân như các tôn giáo phương Tây đang làm là bắt chước họ, thì chính người Phật tử chúng ta đã đánh mất hạt châu vô cùng quý giá mà đức Phật đã truyền lại.

Đặc biệt, trong Phật giáo chúng ta, còn có cái mà các tôn giáo khác không có, là “thân giáo”. Thân giáo là điều không thể thực hiện qua các phương tiện truyền thông hiện đại, qua máy móc điện tử, mà chỉ là từ con người đến con người. Tín đồ các tôn giáo khác truyền đạo trực tiếp đến những người họ tiếp xúc trên cơ sở đức tin. Họ tin và mong muốn làm cho mọi người cũng tin như vậy. Họ không có khái niệm thân giáo, không có khái niệm đạo hạnh, mà chỉ có lòng tin. Thân giáo không gì khác hơn là hoằng pháp từ cá nhân đến cá nhân bằng đạo lực, đạo hạnh của người trực tiếp hoằng pháp. Thân giáo không phải là khái niệm chỉ có ở tăng sĩ, mà có ở mọi người tu Phật. Thân giáo là nội lực của Phật giáo, tôn giáo không chỉ dựa trên lòng tin, mà chủ yếu dựa trên trí tuệ và sự tu trì. Nếu có sẵn đạo hạnh, thì việc hoằng pháp theo phương thức cá nhân đến cá nhân đang được nói đến ở đây sẽ vô cùng thuận lợi. Tu không chỉ là tu cho riêng mình, mà tu vì gia đình, gia tộc, làng xóm, quê hương… Đem đạo hạnh của mình ra để hóa độ thì chắc chắn là hơn hẳn việc chỉ dựa vào đức tin và tình cảm tôn giáo như các tôn giáo khác.

Như vậy, trong phương thức cá nhân đến cá nhân, cách hoằng pháp của Phật giáo chúng ta so với các tôn giáo phương Tây có sự tương đồng, nhưng không đồng nhất. Cái làm nên nét đặc thù và vượt trội của Phật giáo chúng ta là thân giáo. Đối với Phật tử đã giữ tròn 5 giới, tu tập Bát chánh đạo… nếu kết hợp được với chí nguyện hoằng pháp lợi sinh tích cực, thì hoạt động hóa độ theo phương thức từ cá nhân đến cá nhân chắc chắn sẽ có hiệu quả lớn lao.

Phước Cường
[Tập san Pháp Luân - số 54, tr.35 2008]