Các hình thức nhập thế của đạo Phật

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tôn giáo trong ý nghĩa cơ bản nhất nó được sinh ra từ nhu cầu tâm linh của con người. Nói cách khác, chỉ khi nào con người cần một nơi để hướng tâm linh về thì tôn giáo mới có mặt.


Nếu cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ, khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, đức Thích-ca Mâu-ni không nhận lời cầu thỉnh của Phạm Thiên, không nghĩ đến việc khai thị Phật tri kiến cho muôn loài thì sẽ không có bài kinh Chuyển pháp luân gióng lên một cách hùng lực ở vườn Lộc Uyển, sẽ không có Thánh chúng đầu tiên để hình thành nên ngôi Tam bảo tại thế gian và dĩ nhiên sẽ không có đạo Phật xuất hiện nơi thế gian này. Động cơ hình thành là để khai thị và cũng vì khai thị mà đạo Phật được truyền trì hơn hai mươi lăm thế kỷ qua. Đi suốt theo dòng đời, gắn liền với từng dân tộc, từng đất nước, hòa mình vào cùng với tín ngưỡng, phong tục của từng quốc gia cũng vì đạo Phật là đạo của con người. Với hình thức và phương tiện thì tùy duyên nhưng tôn chỉ khai thị Phật tri kiến thì bất biến, bởi tùy duyên mà bất biến nên nó mềm mại như dòng nước trôi chảy trên dòng sông, khúc eo thì thu mình lại, khúc rộng thì dang mình ra. Bởi là đạo của con người nên nó thích nghi theo từng tập quán, tùy thuộc vào từng căn cơ và do vậy mà có đạo Phật của Ấn Độ, Trung Hoa, Mã Lai, Triều Tiên, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Miến Điện, Cam-Pốt, v.v…

Vì nhu cầu của cuộc đời mà có đạo Phật và vì vậy đạo Phật đến với con người cũng bằng tất cả con đường nào thích hợp nhất. Nói đúng hơn, nhập thế là đặc tính của đạo Phật và vì vậy nhập thế chẳng có gì mới mẻ đối với đạo Phật mà có chăng thì chỉ có sự thay đổi khi thời đại xã hội thay đổi. Một vài hình thức nhập thế, hay nói khác hơn những hình thức mà đạo Phật đến với con người tiêu biểu mà ta có thể thấy đó là tín ngưỡng thờ cúng, lễ hội, các văn hóa phẩm, văn nghệ, điện ảnh, âm nhạc, các chương trình từ thiện xã hội, các đạo tràng tu tập, v.v…

TÍN NGƯỠNG KHOA NGHI
Con người Việt Nam, con người Đông phương hay Tây phương đi nữa, bước đầu tiên hướng về cội nguồn tâm linh, ít ai nghĩ đó là khi mình quay về bên trong để tìm kiếm một tánh Phật, một bản thể chân như diệu hoặc gì đó, mà người ta bắt đầu bằng những cảm xúc nương tựa về một chốn bình an, một nơi chốn yên bình nhất cho tâm hồn, nơi đó có một đức Phật với nhân cách chói sáng, đủ năng lực che chở cứu vớt họ trở về nương tựa, gửi gắm, nghỉ ngơi. Người ta hướng đến tôn giáo như để xoa dịu một nỗi đau mà những cố gắng đời thường không thể làm họ hài lòng được. Và vì vậy, Phật giáo có mặt với đời cũng như những tôn giáo khác, không thể thiếu sự thờ phượng và khoa nghi cúng bái, nhất là với những xã hội có truyền thống thờ phượng lâu đời như xã hội Đông phương, vì vậy mà nghi thức thờ phượng, khoa nghi cầu an, cầu siêu… có mặt. Tình cảm tâm linh con người luôn có những lý lẽ riêng của nó, có trường hợp người ta vẫn biết rằng sự cầu nguyện và thờ cúng cũng không thể được ban cho khi nhân duyên thiện nghiệp của chúng ta chưa trổ quả. Thế nhưng, tâm người cầu không mong được quả mà mong được giải bày lòng khao khát ngưỡng vọng tôn thờ mà họ đang thổn thức nơi tâm linh. Bày tỏ một tâm thành chí thiết đến một đấng tự tại để cho lòng mình như trở về với chốn bình an, để như mình có một miền liên hệ cảm giao với đối tượng lễ bái thì sao lại không đúng, không xứng đáng để chúng ta có thể phát huy? Thực tế, Phật tử Việt Nam, những người đến với đạo Phật và gắn liền tình cảm tâm linh của mình với tôn giáo này bắt đầu bằng con đường khoa nghi cầu cúng không phải là con số ít. Hình ảnh một vị Tăng, một vị Ni đến với gia đình họ khi gia đình có việc như cầu an, cầu siêu, tang chế… đã thuyết phục một cách hiệu quả tình cảm tôn giáo của các thành viên trong gia đình không chỉ bằng lời kinh câu kệ mà bằng cả ngôn hành, dung nghi và nhất là lòng lân mẫn, tận tình vô điều kiện của mình. Đã từng có những gia đình không có truyền thống Phật giáo nhưng sau một tai nạn gì đó người ta đã gắn bó một cách keo sơn với đạo Phật, đó không thể chỉ là kết quả của một niềm tin, hay một sự tri ân sau khi thọ nhận lòng lân mẫn từ phía Phật giáo, mà sau khi đến với đạo Phật, tự bản thân tôn giáo với những giáo lý, những chất liệu, những hữu ích mà họ tìm thấy được đã kiện toàn niềm tin của họ với tôn giáo này. Chính vì vậy, đối với các xã hội có truyền thống  tín ngưỡng hữu thần như xã hội Đông phương thì hình thức khoa nghi và thờ phượng là điều không thể thiếu.

CÁC HÌNH THỨC LỄ HỘI
Một hình thức nhập thế phù hợp với tâm hồn và tín ngưỡng Á Đông đó là lễ hội. Với một tôn giáo có nguồn gốc truyền thừa đến Việt Nam hơn hai ngàn năm, đã cùng với lịch sử nước nhà thăng trầm bao phen cùng thời cuộc, Phật giáo đã ăn vào máu thịt, vào hồn thiêng của dân tộc, của đất nước, của con người Việt Nam, vì vậy hình thức tín ngưỡng của dân tộc cũng không thể không mang màu sắc và hơi hưởng của Phật giáo.

Hình thức lễ hội là cách thuận tiện nhất để tạo sự tập trung chú ý của tín đồ, là cách dễ nhất để tiếp cận người dân, nhất là người dân Việt Nam. Thực tế các lễ hội Việt Nam mà ngày nay còn được giữ gìn rất nhiều lễ hội thuộc về Phật giáo, rất nhiều lễ hội mang âm hưởng Phật giáo và rất nhiều lễ hội mang tầm vóc quốc gia được xuất phát và được gìn giữ ở ngay trong ngôi chùa Phật giáo. Người dân Việt Nam từ rất xa xưa đã có thói quen chỉ đến chùa, chỉ gần Phật vào những ngày lễ hội, có lẽ, nếu chỉ đến chùa lễ Phật, cầu nguyện thôi thì đơn điệu quá, cuộc sống xô bồ lắm hình thức bên ngoài khiến người ta nghĩ đến sự cầu nguyện và lòng tín thành chỉ được chứng cho chỉ khi tham gia vào các buổi lễ lớn, hội hè linh đình, trịnh trọng. Sự thật số lượng Phật tử thuần thành đến chùa thường xuyên chỉ là con số ít, nhưng số lượng khách hành hương hướng về chùa Phật trong các lễ hội là con số gấp nhiều lần. Dù con số đó không phải là Phật tử, nhưng ai có thể cho rằng đó không là tín đồ Phật giáo? Sử dụng hình thức lễ hội để gần gũi tín đồ, để người ta đến với đạo Phật, và khi đã kết được chút nhân duyên này với Phật giáo rồi thì việc giới thiệu Phật giáo đến với họ là một việc làm khá dễ trong khả năng chủ động của phía Phật giáo.

TỪ THIỆN XÃ HỘI
Đây là mảng Phật sự mà ngày nay được chú ý đến nhiều nhất. Một số học giả khi bàn về vấn đề Phật giáo nhập thế, đa số đã hướng đến mảng này mà quên rằng nhập thế vốn là đặc tính và động cơ để Phật giáo tồn tại. Chúng ta đã bàn về đặc tính của đạo Phật trong thế gian này, đạo Phật có mặt là do nhu cầu của thế gian, thì không lý do gì đạo Phật tách ly khỏi thế gian. Do vậy, nhập thế không chỉ là một hiện tượng mà đến thời hiện đại Phật giáo mới làm. Nhờ sự hài hòa và uyển chuyển vốn có, từ đầu thế kỷ XX, khi thế giới có nhiều biến động, xảy ra cuộc giao thoa kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng… dòng chảy hợp lưu đó làm thay đổi đi nhiều hình thái xã hội, trong đà đó, các nhân sỹ Phật giáo đương thời phát động phong trào chấn hưng hướng đến một mục đích chính đó là xây dựng một xã hội theo tôn chỉ đạo đức Phật giáo. Dần dần, thuật ngữ Phật giáo nhập thế được các học giả nhấn mạnh nhiều hơn với sự quan sát và đánh giá qua các phong trào xã hội, chia sẻ với người dân miếng cơm manh áo, cứu trợ các vùng thiên tai, tham gia các công tác tình nguyện xã hội như giúp người tàn tật, cơ nhỡ, HIV… Những phong trào này phát triển theo tinh thần từ bi lân mẫn, phù hợp với lòng lân mẫn của chư Phật tử nên nhận được nhiều sự ủng hộ. Sự phát triển một cách tích cực và nổi cộm lên trên các hình thức khác thuộc Phật giáo đã không thể không làm một số nhà học giả băn khoăn, liệu có phải phong trào này phát triển một cách thuận buồm xuôi gió là do đà xã hội vật chất thúc đẩy? Và liệu sự đầu tư này có đáp ứng đúng tôn chỉ mục đích của một tôn giáo tâm linh là Phật giáo hay không? và câu trả lời được tinh thần Phật giáo chấp nhận khi và chỉ khi người ta xem sự thiện nguyện này là phương tiện để đem ánh sáng Phật-đà đến gần chúng sanh. Bởi lẽ những chia sẻ vật chất dù có to lớn như thế nào đi nữa cũng không làm vơi đi nỗi khổ thiếu thốn của loài người khi tự thân những người ấy không nỗ lực hoàn thiện đời sống họ. Chia sẻ chỉ làm con người xích lại gần nhau, nuôi lớn lòng từ bi và thể hiện lòng lân mẫn, tình yêu thương của con người. Dĩ nhiên, sự tình nguyện, dấn thân trong các phong trào thiện nguyện xã hội là cách làm đúng theo tinh thần tứ nhiếp, là cách làm đắc nhân tâm, đúng nhu cầu xã hội. Nhưng để tựu thành được mục đích chính đáng của Phật giáo sẽ còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng hơn cả vẫn là các sứ giả Như lai, những người trực tiếp hướng dẫn điều hành.

CÁC THỂ TÀI VĂN HÓA
Một hình thức nữa mà Phật giáo đến với con người đó là các thể tài văn hóa, trong đó bao gồm cả sách, báo, băng, đĩa, v.v... viết về Phật giáo, loại hình này là cách thức truyền trì giáo lí đạo Phật từ xưa đến nay và cũng là cách thức để Phật giáo đến với quần chúng một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, các hình thức âm nhạc, điện ảnh, văn nghệ, v.v… là những loại hình văn hóa có tiềm năng ảnh hưởng cao đến chư Phật tử nói riêng và quần chúng thuộc mọi tầng lớp nói chung. Tất nhiên với Việt Nam, loại hình văn hóa này đối với Phật giáo được xem là mới, bởi lẽ xuất phát từ những nhu cầu trong xã hội ngày nay. Khi thế giới bên ngoài sôi động với bao loại hình giải trí, giới thiệu một loại hình giải trí lành mạnh mang tinh thần Phật giáo đậm đà bản sắc dân tộc là một việc mà Phật giáo cần làm và đã làm. Âm nhạc, một loại hình nghệ thuật với nhiều cung bậc của nó sẽ làm con người khám phá được nét đẹp tinh túy trong ngõ ngách tâm hồn, làm thăng hoa tâm hồn khi tần sóng họ bắt nhịp được với cung bậc của âm nhạc, và Phật giáo, một tôn giáo tâm linh ắt hẳn sẽ rất thành công khi đến với con người bằng loại hình này. Vấn đề chỉ còn là chủ quan ở chỗ cần có những nhạc sỹ thấm đượm tinh chất Phật giáo, sống trong suối nguồn mầu nhiệm tâm linh của Phật giáo để chuyển tải vào tác phẩm âm nhạc của mình những chất liệu tinh hoa cho con người.

Bên cạnh âm nhạc là loại hình giải trí bậc cao còn có những loại hình giải trí rất có tiềm năng chuyển tải đạo lý Phật giáo một cách dễ dàng đến con người đó là điện ảnh và văn nghệ. Các loại hình nghệ thuật này mang tính tác động phong trào, tác động tinh thần của giới trẻ, tác động đến số đông quần chúng và dễ dàng nhận được cảm tình của con người.

HÌNH THỨC GIÁO DỤC
Đây không phải là hình thức mới mẻ gì bởi giáo dục dù dưới hình thức nào, đơn giản hay quy mô thì nó cũng là công cụ để truyền tải kiến thức, kinh nghiệm. Do vậy, Phật giáo truyền trì được hơn hai mươi lăm thế kỉ qua hẳn nhiên đã có sự đóng góp của phương pháp này. Riêng ở Việt Nam, từ rất xa xưa, khi Phật giáo mới bắt đầu du nhập, chùa Phật đóng vai trò là trường học dạy chữ cả dạy kinh Phật là một sự thật lịch sử. Bởi lẽ, nhà chùa muốn người ta đọc kinh Phật trong khi người dân không có chữ thì bắt buộc chùa phải dạy chữ là điều tất yếu, trong khi dạy chữ là dạy kinh, là dạy đạo đức và cũng dạy cho pháp môn tu tập, đó là hình thức giáo dục xưa cũ khi dân trí ta còn nằm trong nhiều sự ràng buộc và cuộc sống lắm điều khó khăn. Trong thời đại mới, khi phong trào Phật giáo chấn hưng để bắt kịp theo trào lưu xã hội, nhu cầu giáo dục được hưởng ứng và đáp ứng triệt để, đại học Vạn Hạnh ra đời gây được tiếng vang lớn, nhiều trường mẫu giáo, tiểu học, trung học được hình thành dưới mô thức trường Bồ-đề phân bổ cùng khắp mọi miền đất nước, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, nhất là các con em Phật tử. Trường học dù là của Phật giáo cũng là trường dạy học đúng theo tiêu chuẩn giáo dục hiện thời, tuy nhiên nếu đã có trường học trực thuộc Phật giáo thì dĩ nhiên sẽ có tầm ảnh hưởng nhất định nào đó. Học sinh, sinh viên vốn đã có truyền thống tín ngưỡng là Phật giáo, được học tập trong môi trường Phật giáo, được gần gũi và chịu ảnh hưởng các giáo thuyết nhà Phật thì chuyện thấm nhuần đạo đức Phật giáo là khả năng rất cao.

Bên cạnh đó, khi thời đại dân trí đã phát triển, việc chuyển tải đạo lý nhà Phật không còn là cách xưa cũ nữa, mà người ta bắt đầu bước đến với đạo Phật bằng những tri thức bài bản theo như thời đại khoa học của họ, và vì vậy hình thức giáo dục để chuyển tải đến người học tri thức và phương pháp tu tập là điều thiết yếu theo nhu cầu của xã hội.

Và một điều nữa, đào tạo đội ngũ kế thừa để truyền trì Phật pháp đến với xã hội là một nhu cầu không thể thiếu. Từ phương pháp giáo dục cổ xưa theo phương thức thầy truyền trò, người học trò sẽ học theo cách thức của thầy là có thể truyền đạo được, đến khi xã hội thay đổi thì phương pháp giáo dục này cũng được thay thế bằng trường lớp và hệ thống giáo dục bài bản hơn để đáp ứng được với đà chung của xã hội, bởi lẽ truyền đạo là truyền dạy cho con người trong xã hội này.

Nói chung hình thức giáo dục là hình thức không thể thiếu, đồng hành cùng với Phật giáo theo đà chuyển biến của lịch sử xã hội, dù dưới nhiều hình thức khác nhau. Và dù hình thức nào đi nữa, phương pháp này cũng phải là cách thức ưu tiên nhất để Phật giáo hoằng truyền Phật pháp cả về chiều rộng và chiều sâu đến với xã hội, nhất là xã hội ngày nay.

NHU CẦU TU TẬP TÂM LINH
Có thể nói đây là nhu cầu then chốt quyết định sự sống còn của đạo Phật. Bởi mục đích hướng đến của tôn giáo này là sự tu tập tâm linh. Tất cả các hoạt động mang dáng dấp của đạo Phật đều nhằm dẫn dắt con người hướng đến con đường này, vì đó là con đường duy nhất để giải khổ sau khi đã tìm ra cái khổ và nguyên nhân của nó, là mục đích cao cả để đạo Phật xuất hiện nơi thế gian. Bởi tính thiết yếu của nó quyết định đến sinh mạng của tôn giáo này như vậy cho nên thời kỳ mà chư thánh chúng tu tập và đắc đạo nhiều nhất đó gọi là thời kỳ chánh pháp của đạo Phật, là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của Phật giáo, là thời kỳ tạo nên nhiều hoa trái làm rạng rỡ thế gian, là thời kỳ phát triển huy hoàng đúng như tinh thần và mục đích của đạo Phật. Sau thời kỳ đó là đến thời kỳ tượng pháp, tức chỉ tương tợ và mạt pháp là phân chia ra ngọn ngành nhỏ yếu không còn là sự cường tráng nữa, việc chứng đắc cũng không còn nhiều và con người đến với đạo để tu tập tâm linh cũng thiên hình vạn trạng, cũng nhiều lệch lạc và điều kiện nhân duyên để đạt đến mục đích cuối cùng của sự tu tập cũng không được trọn vẹn như ban đầu.

Hoạt động tu tập tâm linh là những hoạt động nhắm cho những đối tượng mà niềm tin và con đường tu học đã được xác định rõ ràng, không phải là bước dìu dắt vào đạo, vì vậy tổ chức những hình thức đáp ứng cho nhu cầu này cần đến sự chuyên môn và Phật giáo có những tông phái là thể hiện cho sự chuyên môn này, để tùy sự giao cảm thích hợp mà người ta có thể bước vào bằng những con đường tu tập khác nhau.

Những hoạt động như là tổ chức các khóa tu tập về thiền, về pháp môn niệm Phật, đạo tràng bát quan trai giới như các chùa vẫn thường làm là cách hướng dẫn tín đồ tu tập nhu cầu tâm linh. Nội lực làm lớn mạnh cho Phật giáo, một tôn giáo hướng nội lấy sự thăng hoa của tâm linh làm cứu cánh là tùy thuộc vào sự tu tập này. Khi một người tự xưng mình là Phật tử mà không trải qua sự tu tập, chắc chắn người đó không thể là một Phật tử chân chánh, và những việc làm của anh ta dù có nhiệt tình cũng trở thành cuồng tín và đi vào ma đạo. Một người Phật tử chân chánh cống hiến trọn đời mình cho tôn giáo và sự phát triển của tôn giáo khi và chỉ khi anh ta cảm nhận được nguồn pháp vị tâm linh nhờ vào sự tự tu tập và hành trì của mình.

Tóm lại, nhập thế, một ngôn từ được xem là mới mẻ xuất hiện từ đầu thế kỷ hai mươi nhưng nội dung của nó đối với Phật giáo không có gì là mới, bởi nhập thế là đặc tính của đạo Phật, là động cơ xuất hiện của đạo Phật tại thế gian. Tự thân đức Phật thị hiện chân lý tuyệt đối nhưng khi đạo Phật là của con người thì chân lý tuyệt đối ấy chỉ được xem là mục đích hướng tới. Phật giáo được thiết lập nên bởi nỗi khổ chúng sanh, xây dựng bằng những giáo thuyết mềm mại như dòng nước thanh lương làm dịu mát con người chứ không phải là những giáo điều mà bắt buộc con người phải luôn luôn tuân thủ. Con người có sự lựa chọn hạnh phúc và khổ đau, con người tự quyết định giá trị nào cần gìn giữ và giá trị nào cần phải sàng lọc, chọn lựa. Do vậy mà lịch sử Phật giáo Việt Nam có một Phật giáo đời Trần, một phong cách đặc trưng của Phật giáo vị nhân sinh, mà ở đó người Phật tử được xem là thành thục nhất đã phạm trọng giới để bảo vệ non sông, bởi non sông đó là máu, là thịt, là hồn thiêng của cá nhân và của cả dân tộc.

Suốt 49 năm thuyết pháp tại thế gian để hình thành nên giáo chỉ của đạo Phật, kho tàng để lại là 3 tạng kinh, luật, luận mà trong đó chứa đựng tám vạn bốn ngàn pháp môn. Dù dưới bất cứ hình thức nào để hướng dẫn con người vào với đạo Phật, để đạo Phật tỏa bóng mát đến từng ngóc ngách của thế gian, tất cả nó đều là cửa ngõ để bước vào một ngôi nhà chung là Phật giáo. Một diện mạo Phật giáo như thế nào, một cơ thể Phật giáo như thế nào là tùy thuộc vào từng chi phần của nó, liệu các chi phần có đủ sức để kiện toàn một cơ thể khỏe mạnh hay không, đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta, những người con tiếp nối gia phong nhà Phật.

Khải Tuệ
[Tập san Pháp Luân - số 49, tr.38, 2007]