Vệ tinh truyền thông Việt Nam phóng đúng vào dịp Phật đản 2008 dương lịch: Cơ hội cho Phật giáo

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trung tuần tháng 4/2008, Vinasat, một vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh đầu tiên của Việt Nam, phục vụ viễn thông truyền hình và phát thanh, do hãng hàng không vũ trụ Lockheed Martin (Mỹ) chế tạo, sẽ được phóng lên không gian bằng hỏa tiễn đẩy Asuane 5 của hãng Ariane Space (Châu Âu). Đây là một sự kiện lớn trong hoạt động thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình của nước nhà. Đây cũng là dự án được trù tính từ 20 năm qua, đến nay mới trở thành hiện thực.



Vinasat 1, sau thời gian được hãng sản xuất trắc nghiệm, kiểm tra, sẽ được bàn giao cho phía Việt Nam để chính thức đưa vào sử dụng vào hạ tuần tháng 5/2008, cũng vào khoảng thời gian diễn ra Vesak 2008.

Việc phóng một vệ tinh truyền thông và Phật giáo, một tôn giáo hướng nội, xem ra, chẳng có một chút liên hệ gì. Còn việc trùng hợp ngẫu nhiên của ngày phóng đối với dịp lễ, dường như, có một sự khiên cưỡng khi đề cập đến. Nói đến việc phóng vệ tinh trong dịp Phật đản phải chăng là một câu chuyện lạc đề? Để trả lời, trước tiên xin lưu ý hai sự kiện đã xảy ra như sau:
- Tại Đông Á, Đông Nam Á, tiến trình hoằng pháp tại các quốc gia, vùng lãnh thổ sở hữu vệ tinh truyền thông, với phương tiện vệ tinh truyền thông, các kênh truyền hình Phật giáo phát sóng toàn khu vực và toàn thế giới đã tiếp nhau ra đời và đóng góp ngày càng nhiều cho tiến trình hoằng pháp lợi sinh. Có thể kể đến là đài BLTV (Giáo hội Phật quang sơn, Đài Loan), Đài truyền hình Đại Ái (Đài Loan), Đài truyền hình Pháp Bảo (Thái Lan)… Mới đây, Phật giáo Sri Lanka cũng mới triển khai kênh truyền hình Phật giáo nói tiếng Anh, phủ sóng Châu Âu, Bắc Mỹ, nhằm mục tiêu truyền bá Phật pháp ở khu vực này. Tại nhiều nước trên thế giới, việc xem các kênh truyền hình vệ tinh Phật giáo là sinh hoạt tinh thần không thể thiếu được trong sinh hoạt tu hành của Tăng, Ni, Phật tử. Thậm chí, để phục vụ hoạt động hoằng pháp, có kênh truyền hình vệ tinh Phật giáo được phát lại trên hệ thống truyền hình quảng bá mặt đất bằng kỹ thuật analog thông dụng (tivi nào cũng thu được, không cần bổ sung phương tiện kỹ thuật đắt tiền) và được dịch ra ngôn ngữ bản địa, như kênh truyền hình Đại Ái do Ni sư Chứng Nghiêm chủ trì.
- Tại Việt Nam, trên phạm vi cả nước, một số kênh truyền hình có tính chất tôn giáo đã được phát trên các hệ thống truyền hình công nghệ mới, như truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất (DVB-T)… Chẳng hạn như kênh RAI (Truyền hình quốc gia Ý) thường xuyên trực tiếp truyền hình và tường thuật các sinh hoạt tôn giáo tại Roma, kênh Al Zajeera là một kênh truyền hình của thế giới Hồi giáo, chú trọng đến các hoạt động tôn giáo của đạo Hồi trên phạm vi toàn thế giới.

Có thể so sánh như sự kiện phóng lên không gian vệ tinh truyền thông Vinasat 1 với việc phổ biến kỹ thuật ghi âm trên băng cassette vào thập niên 80-90 thế kỉ trước, kỹ thuật ghi hình trên băng video cassette và sau đó là dĩa Vcd cuối thế kỉ 20 đầu thế kỉ 21, kỹ thuật ghi âm Mp3 vào đầu những năm 2000, v.v… Tất cả những kỹ thuật truyền thông này khi du nhập và phổ biến tại Việt Nam đều đã đóng góp hết sức tích cực vào công cuộc hoằng pháp và sinh hoạt Phật giáo tại Việt Nam. Có thể ước lượng Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam nghe, xem thuyết pháp qua các phương tiện kỹ thuật nghe nhìn hiện đại kể trên lên đến con số ngàn triệu lượt. Nghe thuyết pháp qua băng, qua dĩa đã là một công việc thường xuyên hàng ngày của Tăng Ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam.

Và đến bây giờ, khi nhà nước đầu tư hàng trăm triệu Usd để chủ động triển khai rộng khắp công nghệ truyền thông vệ tinh trên toàn lãnh thổ Việt Nam thì đó chắc chắn cũng là cơ hội cho hoạt động hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam.

Nếu trước đây, việc xem truyền hình bằng các phương tiện thu tín hiệu từ vệ tinh có phần hạn chế do việc phải đi thuê vệ tinh của nước ngoài, thì nay, với vệ tinh riêng của Việt Nam, chắc chắn khán giả truyền hình sẽ được khuyến khích sử dụng công nghệ truyền hình vệ tinh. Nếu không, dung lượng của vệ tinh Vinasat 1 sẽ không được khai thác hiệu quả, vệ tinh vận hành rỗng, 200 triệu Usd đầu tư để đặt mua và phóng vệ tinh sẽ không đem lại lợi ích gì. Điều cực kì lãng phí đó chắc chắn sẽ không có. Ở các nước Đông nam Á sở hữu vệ tinh riêng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin… anten parabol thu sóng vệ tinh mọc lên như rừng trên các mái nhà thành phố, thay thế loại anten xương cá cổ lỗ và đường cáp chằng chịt làm mất mỹ quan thành phố và hạn chế số kênh truyền hình phát sóng. Công nghệ truyền hình Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ tương tự như thế với việc phóng vệ tinh Vinasat 1. Hệ thống anten thu truyền hình từ vệ tinh sẽ trở nên quen thuộc và phổ biến đối với khán giả truyền hình Việt Nam.

Trước sự phát triển đó, Phật giáo Việt Nam có các cơ hội gì?

Đầu tiên, Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam có thể thu xem các chương trình truyền hình Phật giáo phát qua vệ tinh từ Đài Loan, Thái Lan, Sri Lanka… Bên cạnh đó, với sự cho phép tất nhiên của các đài truyền hình Phật giáo hoạt động hoằng pháp, các chương trình từ các kênh truyền hình Phật giáo khắp thế giới có thể được thu lại, phiên dịch và xin phép xuất bản, phát hành bằng băng dĩa đến Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam.

Thứ hai, nếu có sự hợp tác, hỗ trợ từ các đài truyền hình Phật giáo lớn, có thể phiên dịch bằng hình thức phụ đề tiếng Việt ngay từ đài phát sóng, thuê vệ tinh Vinasat 1 của Việt Nam để phát sóng các kênh truyền hình Phật giáo có phụ đề tiếng Việt xuống lãnh thổ Việt Nam. Việc thuê vệ tinh Vinasat 1 là điều mà chính phủ Việt Nam khuyến khích, ủng hộ và ưu đãi (xem lời phát biểu của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, phụ trách ban chỉ đạo quốc gia dự án Vinasat đăng trên báo Tuổi Trẻ, thứ 4 ngày 20/02/2008). Nếu làm được việc này, Tăng Ni Phật tử Việt Nam có thể dễ dàng xem các kênh truyền hình Phật giáo quốc tế, không còn trở ngại vì khác biệt ngôn ngữ. Được biết Đài truyền hình Phật giáo Đại Ái đã hỗ trợ làm điều này tại Indonesia.

Hiện nay, chính phủ Việt Nam đang khuyến khích báo chí trong nước xây dựng thành những tập đoàn truyền thông hiện đại với nhiều loại hình phương thức báo chí khác nhau (một tờ báo vừa có thể có bản in giấy, báo online trên internet, kênh truyền hình…). Trong thực tế đã có nhiều tờ báo đa phương tiện như vậy. Một công ty, như Tổng công ty đa phương tiện Việt Nam VTC đã có đến 11 kênh truyền hình và sẽ tiếp tục gia tăng mạnh, Đài tiếng nói Việt Nam cũng sẽ phát sóng truyền hình… Trước đà phát triển chung của báo chí trong nước như thế, các cơ quan truyền thông Phật giáo đã đến lúc có thể nghĩ đến một tập đoàn truyền thông đa phương tiện gồm cả truyền hình vệ tinh. Vệ tinh Vinasat 1 của Việt Nam là một vệ tinh hạng trung, có thể cho thuê để phát sóng đến vài trăm kênh truyền hình (quy đổi) không có giới hạn chỉ ở mức vài chục kênh như công nghệ phát sóng truyền hình cũ trên mặt đất đang dùng, khiến cho việc thành lập các kênh truyền hình mới không thể thực hiện được. Việc xây dựng một kênh truyền hình hiện nay đã rất dễ dàng về mặt thiết bị và nhân sự, mức đầu tư thấp. Nếu sớm kết hợp với sự kiện Vinasat 1, hưởng ứng sự ưu đãi của nhà nước về việc thuê kênh trên Vinasat 1, Phật giáo Việt Nam sẽ có thêm một phương tiện hoằng pháp mới, tiến kịp bước tiến của công nghệ và thời đại.

Các chùa Việt Nam ở nước ngoài cũng có thể nghĩ đến khả năng thuê vệ tinh Vinasat 1 trong sự ưu đãi của nhà nước Việt Nam để truyền các chương trình truyền hình hoằng pháp đi khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Những vệ tinh phủ sóng lãnh thổ Việt Nam đều có thể thuê được, nhưng thuê Vinasat 1, vệ tinh truyền thông đầu tiên của nước nhà là góp phần cho sự phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế của quê hương, bên cạnh những đóng góp vào sự nghiệp hoằng pháp độ sinh.

Vệ tinh truyền thông Vinasat 1, một cánh cửa mới cho hoạt động hoằng pháp sẽ mở ngay trong dịp Đại lễ Phật đản năm dương lịch 2008. Nếu Phật giáo Việt Nam chúng ta nhanh chóng nắm bắt cơ hội này, thì cái ngày mà Tăng, Ni, Phật tử trong cả nước bật tivi lên là xem được, nghe được 24/24 những buổi thuyết pháp của chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni truyền đến khắp mọi miền đất nước và cho cả kiều bào ở nước ngoài không còn xa nữa.

Hồ Phước Vinh
[Tập san Pháp Luân - số 49, tr.15, 2007]