Bàng bạc khắp trong kinh điển Phật giáo kể cả hệ Nam truyền lẫn Bắc truyền, đức Phật đã chỉ bày cặn kẽ, cội nguồn của đau khổ là do dục vọng mà ra.
Dục vọng theo nghĩa thông thường là lòng ham muốn về những gì mà mình cảm thấy không thỏa mãn. Thuật ngữ Kama, có nghĩa là ham muốn. Duy thức luận quyển 5: “Thế nào gọi là dục? Đó là lạc cảnh ham muốn thành tính, bám riết thành nghiệp”. Tạp A-hàm: “Dục sinh ra mọi phiền não, dục là cái gốc sinh ra khổ.” (Từ điển Phật học Hán Việt, tr. 348)
Đời người có nhiều ham muốn mạnh mẽ. Con người có cơ thể, có tính sinh lý nên sinh ra ham muốn về những nhu cầu như ăn, uống, vui chơi. Con người lại có lĩnh vực tinh thần nên sinh ra những khát vọng để theo đuổi như nghệ thuật hội họa, âm nhạc, thi ca... Con người sau khi kết thành xã hội lại sanh ra khát vọng như tài sản, địa vị, quyền thế, danh dự…
Làm thế nào để hiểu được bộ mặt thật của dục vọng?
Trong kinh Pháp Cú đức Phật có dạy: “Đánh thắng vạn quân không bằng tự thắng lòng mình”. Vì sao thế? Thắng vạn quân thì dễ, vì trận tuyến quân địch là đối tượng rõ ràng, ta có thể khách quan xem xét ưu khuyết điểm để tận dụng kỹ thuật tác chiến mà giành phần thắng lợi. Hơn nữa, trong trận tuyến ta không bị ràng buộc về tình cảm, đồng thời ta có nhiều binh sĩ giúp đỡ, những phương tiện để ứng dụng đối phó. Còn chiến đấu với kẻ thù ngay trong bản thân ta mới thật khó. Cái thói hư tật xấu về dục vọng thì muôn vàn khó khăn để nhận thấy và thường do lòng vị kỷ tự ái che đậy bởi những mặt giả tạo nên trận tuyến thì không rõ ràng. Đặc biệt, ta phải đơn độc đấu tranh, trong khi kẻ thù lại dẻo dai luôn theo sát và chờ cơ hội chểnh mảng mà tự do đột kích hoành hành làm ta luôn vất vả khó khăn vượt thoát đau khổ. Các Tôn giáo đã từng nhấn mạnh vào công trình đấu tranh nội tâm, như hình ảnh đức Phật bị ma ba tuần cám dỗ một cách dồn dập ngay thời điểm tìm ra con đường cứu khổ cho chúng sanh, chúa Jesu bị ma quỷ cám dỗ trước ngày dâng mình chuộc tội cho loài người. Vậy, ta có thể thấy bộ mặt thật của dục vọng là sự thấp hèn, làm cản trở bước tiến của con người trong xã hội nói chung và làm cản trở cho tiến trình tu tập của hành giả nói riêng hầu thể nhập dòng suối nguồn uyên nguyên giải thoát, thể chứng tâm linh mà đức Phật đã cố công dẫn dắt chỉ bày.
Dục vọng qua cái nhìn của thế gian.
Người ta nói chung đều cho rằng, trong đời người nếu thỏa mãn được một phần mong muốn cũng sẽ có thể được sung sướng một phần. Nếu người ta thỏa mãn hoàn toàn ham muốn đương nhiên sẽ được tất cả sung sướng. Theo người viết, có rất nhiều mong muốn và chúng thay đổi giá trị và tầm quan trọng theo thời gian. Có những ham muốn trường cửu, có những ham muốn thoáng qua. Một ham muốn của ngày hôm nay có thể tan biến vào ngày hôm sau, hoặc trở nên mãnh liệt hơn. Đối tượng của ham muốn có thể thay đổi khi chúng ta trưởng thành. Song, nó vẫn còn đó, sự thỏa mãn hay nỗi thất vọng vẫn luôn ở trong môi trường sống của chúng ta. Trên thực tế, có mấy ai bằng lòng với mong muốn của mình, có mấy ai bằng lòng với khát vọng của mình. Quan sát tỉ mỉ, con người trong thế gian, người ta thỏa mãn càng nhiều so với ham muốn của mình, lập tức có thể sanh ra ham muốn mới. Niềm sung sướng vừa nhận được rất nhanh chóng liền bị nhấn chìm bởi nỗi đau khổ sanh ra do ham muốn không đạt được, để rồi từng chuỗi đau thương chạy dài trên những chuỗi đau thương để đưa nhau về với bến bờ vô vọng. Hơn nữa, sự ham muốn của con người là vô hạn, bất kể lúc nào, nơi đâu trên thực tế đều không có khả năng thỏa mãn hoàn toàn, đời người vì thế trở thành đau khổ trong sự hành hạ, dày vò của ham muốn.
Phương pháp thiết thực nhằm thoát khỏi khổ đau do dục vọng dẫn đầu.
Schopenhauer nói với người đời rằng: “Hãy học tập Phật giáo, đức Phật dạy: Người sanh đau khổ, người lớn lên đau khổ, người chết cũng đau khổ. Nguyên nhân dẫn đến những khổ đau này của người đời là ở cái tham, cái giận, cái ngu, dục vọng tham lam quá mạnh, tính tình giận dữ cộc cằn, si mê không biết nghĩa tinh túy của thế gian. Do đó, muốn thoát khỏi khổ đau của đời người cần phải xem dục vọng là nước lũ, là thú dữ, trước hãy kiềm chế nó, sau bóp chết nó, khiến cho nó không còn đường đi lối về”. Để làm được điều đó hãy học tập kinh điển một cách thấu triệt, tu tập chuyển hóa, tuệ tri tận cùng tánh tướng của sự vật, hầu chặt đứt mọi ham muốn là động cơ bất thiện có thể dẫn đến đau khổ do ham muốn không đạt được. Suy cho cùng, sự ham muốn của con người không thể đem lại niềm vui và hạnh phúc chân chính mà là gây ra đau khổ.
Tóm lại, việc duy nhất mà những người học Phật có thể làm là phát huy năng lực lý tính vô ngã nơi tự thân, xem xét kỹ hoàn cảnh và môi trường mình đang sống, ước đoán mọi khả năng và điều kiện năng lực của bản thân, dùng phương pháp đúng đắn, tìm được sự thỏa mãn, những ham muốn của mình một cách hợp lý không vượt quá năng lực của mình và điều kiện xã hội cho phép. Chỉ có vậy đời người mới có thể thoát khỏi vấn vương của dục vọng, vượt qua đau khổ vươn tới an lạc, như kinh Pháp Cú 216, Phật dạy:
Dục ái sanh sầu ưu,
Dục ái sanh sợ hãi,
Ai thoát khỏi dục ái,
Không sầu, không sợ hãi.
Lam Yên.
[Tập san Pháp Luân - số 9]