(phỏng lược lời giảng của Pháp sư Đạo Chứng)
Lễ Phật là sự tôn kính tột bậc của nguời Phật tử đối với đức Thế Tôn. Đó không phải là một cử chỉ, một thói quen, một sự sùng bái mù quáng mà lễ Phật chính là để bồi dưỡng năng lực “hồi quan phản chiếu” khiến cho giác tánh đươc phát khởi và lắng đọng niềm tin trong chánh pháp. Vì thế, chúng ta luôn luôn quán chiếu từng động tác, từng ý niệm trong khi lạy.
Phương pháp lễ Phật gồm có 7 cách:
1. Chắp tay chánh niệm:
Hai tay chắp ngang ngực (vai và cánh tay phải thư giãn), nhưng không áp lên ngực, nên đặt cách xa ngực chừng một phân. Các ngón tay áp sát vào nhau ngay ngắn và cùng hướng thẳng lên trên, tâm không tán loạn. Hít thở sâu, vai thả lỏng, đừng áp sát tay vào nách, giữ tư thế đoan chánh nhưng thư giãn, sung mãn. Thâu nhiếp ánh mắt, chú mục nơi chính giữa hai tay. Ở mức cao hơn thì quán sát hơi thở ra nơi mũi.
2. Đứng ngay ngắn thong dong
Hai chân đứng theo thế “tiền bát hậu nhị” (hai mũi chận cách nhau tám phân, hai gót chân cách nhau hai phân). Đầu ngay thẳng, dùng gót chân chịu lực, hít thở sâu, toàn thân buông lỏng.
Gáy chạm vào cổ áo, xương cổ thẳng góc với xương ngực. Từ điểm giữa hai chân qua cột sống lên đến giữa đỉnh đầu dường như cùng nằm trên một đường thẳng. Các khớp nơi hàm dưới, lưỡi, vòm họng, yết hầu để thư giãn. Như vậy, khí mạch sẽ dễ thông, đầu nhẹ nhõm, dễ giữ gìn chánh niệm, không hôn trầm, không tán loạn.
3. Cúi đầu, khom mình
Đầu giống như nhánh lúa ươm ngã xuống cho đến khi cằm chạm vào ngực, mềm mại cúi đầu xuống kính lễ. Cổ hoàn toàn buông lỏng, đừng dùng sức, lâu ngày sẽ quen, đầu tự nhiên gục xướng dễ dàng. Lễ Phật là tu tập “tịnh trong động”, dù trong khi lễ lạy cảnh vật trước mặt luôn thay đổi nhưng ánh mắt vẫn lưu nơi chính mình.
Khom mình là hướng tâm (giữ trọng tâm nơi gót chân), hai gót chân vẫn đứng yên, chứ không phải gập lưng ngã về trước khiến trọng tâm rơi vào đầu ngón chân. Chẳng hạn như đang nằm ngữa, muốn ngồi dậy phải dùng sức của bụng eo, đùi, gối; khi cúi mình phải đẩy xương sống ra sau, có thể thót bụng lại chừng một phân, nhưng hai tay phải giữ mềm mại, bất động.
4. Quỳ gối sát đất, cong thân hạ mình xuống:
Khi đầu ngón tay vừa chạm đất, nhấc ngón chân lên khỏi mặt đất, châm gối xuống đất, quỳ xuống. Duỗi bàn chân và các ngón chân ra phía sau khi vừa quỳ xuống. Sau đó, đầu các ngón tay áp đất sao cho ngang với đầu gối. Khi đầu gối chạm đất, hai tay liền buông lỏng, từ đầu đến cuối giữ tâm ở nguyên một chỗ.
5. Duỗi tay đón Phật, ngũ thể đầu địa
Ngồi vững vàng, trọng tâm đặt phía sau gót chân, thả lỏng chân, vẫn cúi đầu, hai tay mềm mại hướng ra chính giữa phía trước, duỗi thẳng và thư thả.
Quỳ thẳng, dùng đầu ngón tay giữa làm điểm tựa chống xuống đất, hai khuỷu tay hướng ra ngoài, đặt hướng về trước sao cho nằm ngang với hai lỗ tai. Giãn hai vai ra, phía sau vai vẫn giữ thăng bằng và không bị giật cục. Ngón tay và lòng bàn tay đều áp sát đất, nằm mọp xuống, phần giữa hai chân mày hướng xuống dưới áp lên đất và hướng ra phía trước, làm như vậy giúp cho ta hô hấp triệt để. Đãnh đầu, lưng và điểm chính giữa hai gót chân phải nằm trên cùng một đường thẳng.
6. Lật ngửa bàn tay đón Phật, tâm-Phật-chúng sanh cảm ứng nhau
Lật nghiên bàn tay lên nhẹ nhàng, từ từ chuyển lòng bàn tay ngửa lên trên như đóa sen nở, các ngón tay nhẹ nhàng như những cánh sen, thành kính dâng lên cúng dường đức Phật. Dùng bàn tay sen ấy tiếp lấy chân đức Phật, hai bàn tay đặt cách đầu khoảng một nắm tay, hai ngón tay giữa cách nhau chừng 4cm. Các ngón tay tuy thả lỏng nhưng vẫn giữ cho chỉnh tề nhu nhuyến.
Lúc ngửa tay tiếp đón đức Phật, quán tưởng đức Phật đang đứng trên bàn tay sen của mình tiếp nhận sự lễ kính. Ngay lúc ấy tâm mình và tâm Phật hòa nhập, đức Phật mỉm cười phóng hào quang chiếu sáng vào đỉnh đầu, sung mãn toàn thân tâm. Bấy giờ niềm an lạc tự nhiên hiện khởi, đó chính là sự cảm ứng mầu nhiệm của đức Phật và tâm chúng sanh.
7. Khôi phục tư thế đứng
Dựa vào hơi thở ra và hít vào tự nhiên, giống như con rối gỗ bị dây kéo lên. Cũng vậy, ta được đức Phật kéo theo đường thẳng chính giữa thân đứng lên rất nhẹ nhàng linh hoạt trong khoảnh khắc đã khôi phục tư thế đứng. Từ đầu đến cuối, luôn giữ ở đầu vị trí cao nhất, chúng ta cần phải dụng tâm thể hội điểm trọng yếu này, dùng sức nhấc đầu lên, chẳng bận tâm đến các bộ vị khác của thân thể.
Tóm lại, lễ Phật hoặc khi gặp nhau thường chấp tay vái chào, tượng trưng cho việc “lấy diện mục chân thành để gặp gỡ nhau” tiêu trừ sự ngăn cách, vướng mắc, đối lập trong nội tâm. Tâm mình và tâm người hòa quyện lẫn nhau. Hơn nữa, chấp tay kính lễ biểu thị sự tôn kính, phát xuất từ cội nguồn Phật tánh và thâu nhiếp loạn tâm, chuyên chú nhất tâm hướng đến tâm Phật, ngay lúc đó, tâm quán chiếu trọn mười phương và cũng là cảnh tỉnh tinh tấn tu hành đạt được giác ngộ giải thoát. ■
Nguồn: Tập san Pháp Luân 26, tr.88, 2006