Cháo mùng tám tháng Chạp

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Mùng tám tháng chạp âm lịch hằng năm là ngày vía đức Thích-ca thành đạo dưới cội Bồ-đề (bodhi)



Mùng tám tháng chạp âm lịch hằng năm là ngày vía đức Thích-ca thành đạo dưới cội Bồ-đề (bodhi), người Trung Quốc kết hợp truyền thống văn hóa dân tộc và sự tích nữ thí chủ Tu-sà-đa (Sujata) cúng dường bát cháo sữa (milk-rice) để tổ chức ngày lễ nấu cháo cúng Phật, hiệp kỵ tổ tiên, tế thần, thiết đãi họ hàng, thân hữu, xóm làng và bố thí cho người nghèo. Cho nên cháo này được gọi là “cháo mùng tám tháng chạp” (臘八粥).

Ngoài tên gọi chính đó ra, cháo ngày này còn có các tên gọi khác như cháo Phật, cháo thất bảo, cháo ngũ vị, cháo phước thọ, cháo phước đức, v.v… Vì vậy, lai lịch cháo này có rất nhiều truyền thuyết và cứ liệu đề cập đến, mỗi vùng nói mỗi khác. Song, tập tục cúng cháo này có nguồn gốc liên qua đến ngày kỷ niệm đức Thích-ca thành đạo được tuyên truyền rất sớm.

Ngày xưa, sau khi Thái tử Tất-đạt-đa (Siddharta) trải qua sáu năm khổ hạnh tại núi Tuyết sơn với nhiều phương pháp tu hết sức khổ cực như nghiến răng, đè lưỡi, tập trung cắt đứt tư tưởng, nín thở, nhịn ăn, v.v... khiến cho thân thể ngày càng hao gầy, chỉ còn xương bọc da, sức lực hao mòn, nhưng Ngài nhận thấy, “những sự đau khổ này thực là tối thượng, không gì có thể hơn nữa. Nhưng với sự khổ hạnh khốc liệt như thế, Ta vẫn không chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh.” Vì vậy, Ngài quyết định đổi phương pháp tu, nhận bát cháo sữa của nữ thí chủ tên Tu-sà-đa cúng dường; dùng xong, sức khỏe của Ngài lần lần hồi phục, tinh thần minh mẫn. Ngài xuống tắm dưới sông Ni-liên-thiền (Niranjana), rồi sau đó trải cỏ cát tường làm tòa ngồi thiền dưới cây tất-bát-la (assatha), nay gọi là cây Bồ-đề và phát nguyện: “Nếu ta ngồi đây mà không tìm ra đạo lý nhiệm mầu, không tìm ra lẽ huyền vi của vũ trụ vạn pháp thì dù thịt nát, xương tan, ta quyết không rời bỏ chỗ này.” Suốt 49 ngày đêm ngồi thiền định, đến đêm cuối cùng, khi sao mai vừa tỏ, Ngài đã chứng ngộ đạo quả, thành Phật nhằm vào đêm trăng tròn tháng Tithakhu (Ấn Độ) tức mùng 8 tháng Chạp (Tàu).

Sau khi thành đạo, đức Phật du hóa khắp Ấn-độ để truyền bá đạo quả giải thoát mà Ngài đã chứng ngộ được. Vì vậy, giáo pháp của Ngài được lưu truyền rộng rãi, và nhờ đó mà có vô số chúng sanh hưởng được đạo quả giải thoát, chuyển phàm thành Thánh. Ngày thành đạo của Phật trở thành ngày lịch sử trọng đại của người Phật tử nói riêng và nhân loại nói chung. Vì vậy, người Phật tử khắp nơi trên thế giới thường tổ chức lễ cúng dường, bố thí hằng năm vào ngày thành đạo theo văn hóa riêng của mỗi dân tộc và dần dần hình thành nét văn hóa Phật giáo của quốc gia dân tộc đó.

Riêng Phật giáo Trung Quốc, đạo Phật du nhập vào nước này khoảng từ thời Hán Minh Đế. Tập tục làm lễ trai tăng cúng dường, bố thí, v.v… của người Ấn-độ vào ngày Phật thành đạo đã được người dân Trung Quốc tiếp thu và kết hợp với truyền thống văn hóa  bản địa làm cho ý nghĩa của nó càng trở nên phong phú hơn và hình thức tổ chức cũng đa dạng hơn. Ngoài ý nghĩa ca tụng sự giác ngộ thành Phật của đức Bổn sư, ngày lễ này của người Trung Quốc còn có ý nghĩa tạo mối giao hảo giữa vua tôi, thân hữu, làng xóm, và đặc biệt là thành phần trong phẩm vật cúng dường, bố thí có nhiều dược liệu, có tác dụng bổ dưỡng cho cơ thể rất cao.

Sở dĩ ngày thành đạo có nhiều ý nghĩa như vậy là vì người Trung Quốc kết hợp tập tục cúng gia tiên, tế thần linh cùng với sự tích cúng dường bát cháo sữa của nàng Tu-sà-đa. Thời Tống, Ngô Tự Mục soạn Mộng Lương Lục có đoạn: “Ngày mùng 8 tháng 12, các tự viện gọi đó là mùng 8 tháng Chạp. Tất cả các tự viện lớn đều chưng bày cháo ngũ vị gọi là cháo mùng 8 tháng Chạp, cũng gọi là cháo Phật. Ngày lễ này còn được gọi là ngày lễ Pháp bảo vì có nhiều nghi thức được thực hiện trong ngày trọng đại này. Trong Bách Trượng Thanh quy có ghi: “Ngày mùng 8 tháng Chạp, đón mừng ngày đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni thành đạo, tập hợp chúng Tỳ-kheo, chưng đầy đủ hoa, hương, đèn, đuốc, trà, quả, thức ăn để cúng dường.”

Món cháo này thịnh hành nhất vào thời nhà Thanh. Trước ngày lễ này, Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng tử, v.v… đều ban món cháo này cho văn võ đại thần, tùy tùng, cung nữ, v.v… và cúng dường lương thực, thực phẩm, hoa quả, v.v… cho các tự viện nấu cháo cúng dường chư Tăng; còn các tự viện thì tổ chức lễ tụng kinh, kỷ niệm ngày đức Thích-ca thành đạo. Dân chúng tụ hợp gia đình bà con cùng ăn chung, hoặc mang cho bạn bè làng xóm.

Vào dịp lễ này, người dân thường dùng nồi lớn để nấu cháo thật nhiều, đủ loại vật liệu và hương vị thơm ngon với mong cầu năm nào cũng được của cải dư dật. Và tùy theo thời đại, hoàn cảnh mà thành phần của cháo được nấu có khác nhau. Từ đơn giản, cháo chỉ là nấu bằng gạo nếp với đậu đỏ cho đến đủ các thứ bổ dưỡng với hơn 20 nguyên liệu khác nhau trong đó. Tất cả đều là những vị có dinh dưỡng và dược liệu cao như hồng táo, bạch quả, dĩ nhân, v.v…

Vào thời nhà Thanh, chuyên gia về dinh dưỡng Tào Yên Sơn soạn ra Chúc phổ đã  ghi rõ về thành phần và giá trị dinh dưỡng của cháo này. Nó có công năng làm cho thân thể khỏe mạnh, tinh thần sáng suốt. Thức ăn nhẹ dễ tiêu, có tác dụng điều hòa dạ dày, bổ lá lách, dưỡng tim, lọc phổi, ích thận, lợi gan, giải khát, sáng mắt, thông tiện, an thần.  Cháo này được nấu nhuyễn nên ăn dễ tiêu hóa, rất thích hợp cho người già, trẻ con, người bệnh ăn; đồng thời còn có công hiệu làm cho dạ dày khỏe mạnh, nuôi máu, bổ khí, an thần, v.v… và nó còn làm ấm cơ thể, không bị lạnh và khỏe mạnh sống lâu.

Như vậy, người Trung Quốc xưa kia, từ cung đình cho đến các tự viện, từ vua quan cho đến bách tánh, trải qua các triều đại, đã kết hợp hài hòa giữa sự kiện lịch sử Phật giáo và văn hóa dân tộc, làm cho lễ thành đạo mùng 8 tháng Chạp trở thành văn hóa Phật giáo mang nét riêng của Trung Quốc với tên gọi cháo mùng 8 tháng Chạp thiêng liêng. Đồng thời, ngày lễ này còn có ý nghĩa trong việc tạo cho các mối quan hệ xã hội trở nên tốt đẹp, giúp đỡ người khốn khó, v.v… Ngoài ra, cháo mùng 8 tháng Chạp rất có tác dụng bổ dưỡng cơ thể và phù hợp với thời tiết lạnh lẽo mùa Đông.

Hương Sơn
[Tập san Pháp Luân - số 22, tr.57, 2006]