Những vấn đề của Ni trong tăng đoàn

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

1. Bát kỉnh pháp và vấn đề thời đại

Có thể nói đức Thế Tôn là một nhà cách mạng tuyệt vời. Bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ là vấn đề đã được đức Phật thực hiện cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ, nhưng mãi đến thế kỷ XX thế giới mới bắt đầu nhận thấy. Với tuệ giác của mình, đức Thế Tôn đã thấy được vai trò và khả năng của người phụ nữ.

Bằng nhiều cách khác nhau, người ta có thể đi đến cùng một mục đích. Nam giới bằng năng lực và cá tính mạnh mẽ của mình để hướng đến mục đích thì nữ giới cũng bằng năng lực và bản chất dẻo dai, họ đạt được mục đích của họ. Bỏ qua phương cách, con đường mà nhìn về mục đích thì mọi người bình đẳng như nhau. Cái nhìn trí tuệ của đức Như Lai thấy được điều đó. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khắt khe của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ cũng như xu hướng của các thời đại đã tạo cho Ngài một sức ép khi quyết định cho đoàn thể nữ giới xuất gia vào đạo giải thoát. Ba lần đức A-nan thỉnh cầu Ngài đều từ chối. Ngài đã từng dạy rằng, giáo lý giải thoát, giác ngộ của Ngài không giới hạn đối với bất cứ thành phần nào, tất cả đều có thể tu tập và giác ngộ. Điều làm cho Ngài e ngại đó là lực cản thành kiến của quần chúng xã hội. Trong khi người ta chỉ xem nữ giới chỉ như là một sản phẩm cung cấp con người, chỉ có năng lực sinh sản và phục tùng mà bỗng nhiên trở thành một thành phần cao quý trong xã hội, là học trò nối gót đức Đạo sư, có thể chứng Thánh, đắc quả thì thật là khó chấp nhận được. Thành kiến xã hội là một hàng rào vô cùng khắt khe. Vì vậy, dù thấy được năng lực tâm linh của phụ nữ, đức Thế Tôn cũng không thể làm ngơ trước thành kiến này. Với vai trò của bậc Đạo sư, Ngài phải phương tiện dùng thế gian pháp, đưa ra Tám pháp cung kính trọn đời (Bát kỉnh pháp) mà vị Tỳ-kheo-ni phải tu tập, xem như là một điều kiện để thách thức Bồ-đề tâm của các vị ấy. 

1. Tỳ-kheo-ni 100 tuổi hạ thấy Tỳ-kheo mới thọ giới phải đứng dậy xá chào, hỏi han, mời ngồi.

2. Không được mắng nhiếc Tỳ-kheo.

3. Không được nêu tội Tỳ-kheo, Tỳ-kheo được nêu tội Tỳ-kheo-ni.

4. Thọ đại giới phải cầu đủ đại Tăng.

5. Nếu phạm Tăng tàn phải hành sám Ma-na-đỏa giữa hai bộ đại Tăng.

6. Mỗi nửa tháng đến trong Tăng cầu giáo thọ.

7. Không được ở chỗ không có Tỳ-kheo mà an cư.

8. An cư xong phải đến trong Tăng cầu ba việc thấy, nghe, nghi.

Sau khi cung kính lãnh thọ Bát kỉnh pháp này, bà Mahapajapati và năm trăm cung nữ xuất gia trở thành đệ tử Phật và giáo đoàn Tỳ-kheo-ni bắt đầu từ đó.

Nhìn chung, tám pháp này thể hiện lên tinh thần đoàn kết hòa hợp của đạo Phật. Ni là một bộ phận trong hàng ngũ Tăng-già, là một cá thể trong cùng một thực thể chung. Điều thứ nhất trong tám pháp cung kính nói lên tinh thần khiêm hạ mà mọi thành viên trong Tăng cần phải có, bởi lẽ nói đến Tăng-già của Phật giáo là nói đến đoàn thể sống vô ngã, một vị Tỳ-kheo-ni 100 tuổi hạ xá chào và mời Tỳ-kheo một hạ ngồi là một nét đẹp đặc sắc để tất cả ai nhìn vào cũng cảm động và dễ dàng được cảm hóa bởi hành động này. Và dĩ nhiên theo thói thường, một người trẻ tuổi không thể không cung kính người lớn hơn mình, nói gì đến bậc Ni trưởng, cả hai đều cung kính nhau, nhường nhịn nhau, một sự giao tiếp mang đậm màu sắc khiêm hạ, nhún mình, đó là bản sắc văn hóa giao tiếp đặc trưng của nhà Phật. Kỉnh pháp thứ hai và thứ ba là tinh thần, là bản thể thanh tịnh, hòa hợp của Tăng. Một đoàn thể hòa hợp gọi là Tăng thì dù ở trong trường hợp nào cũng không được lên tiếng mắng nhiếc, nêu lỗi của người huống gì là đối với Tăng, với bạn hữu, đại huynh, sư trưởng của mình. Từ kỉnh pháp thứ tư đến kỉnh pháp thứ tám là thủ tục tác thành Ni sự. Tỳ-kheo-ni phải tỏ ra đúng vai trò khất sĩ, cầu pháp của mình, để dẹp bỏ lòng kiêu mạn, để bào mòn cái tự ngã vốn dĩ rất ngông nghênh. Hơn nữa, vào thời đó, giáo đoàn Ni thành lập sau khi Phật thành đạo năm năm, mà khi đạo Phật có mặt cũng chính là khi giáo đoàn Đại Tăng có mặt. Bởi sự non trẻ của Ni đoàn nên dĩ nhiên là phải đến Đại Tăng cầu Ni sự .

Xét về lịch sử hình thành Bát kỉnh pháp, đức Thế Tôn đã nhìn thấu suốt được vấn đề, bên cạnh lí do một bối cảnh xã hội trọng nam khinh nữ, thân phận của bà Di Mẫu, Da-du, các công chúa, tiểu thư hoàng tộc, cung phi mỹ nữ thân thích của Phật cũng là một lý do, họ là những người con vua cháu chúa, xuất thân từ dòng hào kiệt trâm anh, họ đã từng là mẹ, là dì, là vợ của thái tử, họ đã từng đóng vai trò chỉ dạy, bảo ban, có công với thái tử Siddhatta, thì họ không lý gì mà không làm như vậy với đệ tử của Phật, cả đến những vị đã đắc thánh quả. Nhưng “tứ chúng xuất gia đồng quy Thích thị”, đạo của đức Thế Tôn không phân biệt thân sơ, giáo đoàn của Ngài có đầy đủ bốn giai cấp từ Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Phệ-xá, Thủ-đà-la tất cả khi đến với đạo của Ngài đều trở nên bình đẳng. Bát kỉnh pháp này là giới luật, là hàng rào để quý bà tiến tu, giữ mình đúng mức của dòng Thích nữ tìm cầu đạo giải thoát, bỏ lại ngoài cổng tam quan của ni viện những thói quen mang tính thiên chức trước đây. Bên cạnh đó, bậc Thầy vĩ đại của chúng ta đã tinh tế nhận ra một vấn đề thuộc về Tâm lý học, Ngài muốn có sự cách biệt trong hòa khí giữa Tăng bộ và Ni bộ, nữ giới hay thiên về sự quá đà, thân quá sinh lờn và ỷ lại; và sơ quá sinh kiêu ngạo, tự phụ, tự tung tự tác, coi ta đây độc lập không cần ai dắt dẫn. Tăng-già là một đoàn thể hòa hợp, các thành viên trong Tăng là thành viên của gia đình lớn, cần phải khích lệ, hỗ trợ, bổ túc cho nhau, nếp sống dù ở môi trường nào cũng không ngoài quy luật duyên sinh của tục đế. Một lý do khác nữa là, dẫu thế nào đi nữa về mặt xã hội, phụ nữ ở thời đại nào cũng chịu sự chi phối của thành kiến, vì là “phái yếu” nên việc sinh hoạt độc lập một mình trong một xã hội luôn xem phái yếu là món hàng, là trò chơi của đàn ông thì thật là bất tiện. Cho nên, để duy trì nếp sống phạm hạnh, Ni cần có sự ngoại hộ của Tăng, đó cũng là một lý do mà Phật đưa ra Bát kỉnh pháp này.

Nói tóm lại, đành rằng theo lời di huấn của đức Đạo sư, nếu sau khi Ngài diệt độ những pháp và luật nào không còn phù hợp với căn cơ, phong tục tập quán của địa phương, làm phương hại đến mục đích truyền trì chánh pháp thì chúng đệ tử có thể ngồi lại hội ý mà bỏ đi. Một giá trị cần phải thay đổi khi và chỉ khi nó không còn tác dụng nữa và thay bằng một cái khác có giá trị hơn, nếu không được như vậy thì không có lý do gì để từ bỏ nó. Với những lý do và ý nghĩa đã bàn ở trên, dẫu ở thời đại nào, hoàn cảnh nào, Bát kỉnh pháp và Ni đoàn vẫn luôn đồng hành. Nói đúng hơn, Bát kỉnh pháp không thể, chưa thể, và sẽ không bao giờ có thể là bất hợp lý, lỗi thời đối với hàng đệ tử sống đúng con đường của đạo Phật, sống đúng với tinh thần vô ngã, vị tha, hòa hợp hiếu kính. Tự thân của Bát kỉnh pháp không hề có khiếm khuyết, tỳ vết gì cho nên việc đòi bỏ Bát kỉnh pháp không thể và không bao giờ thành công được. 

Tuy nhiên, một số vị Tỳ-kheo-ni dấy lên phong trào đòi bỏ Bát kỉnh pháp tại nước ngoài, đấy là một tiếng chuông cảnh báo trong Tăng-già. Thứ nhất, đó là do chưa thấu hiểu hết được nội dung và ý nghĩa của Bát kỉnh pháp, chưa nhận chân được ý hướng của đức Phật về các pháp này. Thứ hai, đó là dấu hiệu cho thấy nếp sống của một số thành viên trong Tăng-già có vấn đề, vấn đề đó là sự thiếu tôn trọng lẫn nhau, không muốn tôn trọng người mà chỉ muốn người tôn trọng mình, không thấy được đức tính 

khiêm cung, nhũn nhặn là một nét đẹp, một pháp tu. Thêm vào đó, một số cá nhân các vị Tỳ-kheo tỏ ra thiếu tôn trọng Tỳ-kheo-ni, tự xem mình là đối tượng mà các Tỳ-kheo-ni tất nhiên phải cung kính, mà quên rằng bản thân mình cũng phải tự dẹp bỏ cái tự ngã chật hẹp, ích kỷ của mình, quên đi một quy luật tất yếu rằng, nếu muốn được người khác tôn kính thì trước tiên cần phải biết tôn trọng người. Là thành viên trong một tổ chức, là anh em trong một gia đình mà chưa đả thông được cho nhau, chưa tôn trọng, hòa ái với nhau thì làm sao dám tin đó là một đoàn thể hòa hợp, làm sao dám tin người đó có thể ứng xử tốt với người ngoài, làm sao thấy được cuộc sống trong Tăng, thấy đoàn thể tăng là từ hòa hiếu kính theo đúng phương châm của đạo Phật. Một gia đình trên không yêu thương dưới, không tôn trọng dưới, dưới không yêu kính trên thì đó là dấu hiệu của sự tan rã, là kém gia phong, và dĩ nhiên không có lý do gì mà thắng được các thế lực ngoại đạo khi họ rắp tâm xen vào quấy phá.

Trở lại vấn đề nam, nữ giới và việc bình đẳng, bất bình đẳng. Chúng ta từng biết, đứng về phương diện vật chất cũng như tinh thần, trong sự phân biệt tương đối của thế gian, hễ có một người no tất nhiên phải có người khác đói, có kẻ được gọi là giàu ắt có kẻ được gọi là nghèo, một người tài giỏi thông minh ắt có người khác vụng về, kém thông minh, có sự chiến thắng vinh quang ắt có sự thất bại ê chề, có cái gọi là vui thì tất nhiên có cái buồn ngược lại. Nói chung, đó là những cặp phạm trù tất yếu đối lập của thế gian. Tuy nhiên, đứng về phương diện tâm linh, người viết muốn nói đến địa hạt chứng ngộ, thì không có sự tương đối, không có những mặt trái thuộc thế gian, niềm vui hạnh phúc thuộc phương diện tâm linh không thiết lập, không dựa trên nỗi thống khổ của người khác, đó là niềm vui tuyệt đối cả cho mình và cho người chung quanh. Vâng, chỉ có ở địa hạt tâm linh con người mới có được sự tuyệt đối. Đạo Phật là tôn giáo đưa người đến địa hạt tâm linh, ở đó không có luật thay thế, luật bù trừ, không phải một đoàn thể này mạnh lên để lấn lướt, đè bẹp đoàn thể khác lụi tàn mà mỗi thành viên của thực thể đều phải biết tự nỗ lực để bước vào địa hạt tâm linh, phải tự hoàn thiện để cùng nhau gánh vác công việc cho ngôi nhà chung, làm cho đạo pháp ngày một trở nên hưng thịnh, đoàn thể Ni hưng thịnh điều đó không có nghĩa là Đại Tăng do vậy mà yếu đi, lu mờ, cũng như Đại Tăng vững mạnh không có nghĩa là Ni phải bị lu mờ, mà đó là tín hiệu vui, là dấu hiệu báo cho biết rằng đạo pháp vững mạnh.

2. Khả tính tâm linh của phụ nữ và vị trí của Ni trong Giáo hội Tăng già

Cũng như khoa học phát minh rằng, chỉ số IQ của phụ nữ bằng nam giới, cách đây hai mươi lăm thế kỷ, đức Thế Tôn cũng đã từng thấy được rằng, đạo mà Ngài đã chứng được dưới gốc cây Bồ-đề thì phụ nữ cũng có thể chứng đắc được, những vần thơ sau đây được trích ra từ Trưởng lão Ni kệ của nữ tôn giả Somà thốt lên khi hàng phục được ác ma và chứng đắc Thánh quả, là những minh chứng rõ ràng về điều này: 

“Nữ tánh chướng ngại gì
Khi tâm khéo thiền định
Khi trí tuệ triển khai
Chánh quán pháp vi diệu 
Ở tất cả mọi nơi
Hỷ lạc được đoạn tận 
Khối tối tăm mù mịt
Đã bị làm tan nát
Hỡi này kẻ ác ma
Người đã bị bại trận.”

Hay vần kệ của nữ Tôn giả Vimalà:

“Mọi khổ ách đoạn tận
Cả cõi trời cõi người
Quăng bỏ mọi lậu hoặc
Ta mát lạnh tịch tịnh.”

Còn có rất nhiều, rất nhiều những vần thơ khí phách, hùng hồn, chiến thắng vinh hiển các ác ma để bước vào Thánh quả được ghi chép rất nhiều trong Trưởng Lão Ni Kệ thuộc Tiểu bộ kinh để nói lên sự thật rằng, giáo lý giác ngộ giải thoát của đức Phật không ngoại trừ bất cứ chúng sanh nào, tất cả đều tùy theo căn cơ mà lãnh hội, và cũng để thể hiện rõ bản chất rằng, giáo lý ấy là một giáo lý khế lý khế cơ. Một kỹ nữ, một bà quả phụ mất chồng mất con… hay một hoàng hậu, hoàng phi, công chúa, tiểu thư… đến với Phật giáo cũng nhận được nguồn pháp tâm linh cao quý. Giáo đoàn Ni chúng không phải là những phụ nữ mong muốn thoát ly gánh nặng gia đình và đời sống phục vụ cam go mà vì họ nhận được nơi đạo Phật dòng chảy tâm linh gần gũi với bản chất họ. Họ là những phụ nữ dám bỏ cái bình thường của nhi nữ để đến với cái phi thường của đại trượng phu, bỏ đi cái yếu tính ủy mị, nặng tình để dõng mãnh một con đường chí khí cô thân, và chỉ có mục đích tâm linh tối thượng mới thôi thúc họ dám từ bỏ tất cả và nuôi dưỡng họ sống trọn đời mình trong nếp sống phạm hạnh thanh bần. Lịch sử đã chứng minh cho thấy được điều đó: không phải đoàn thể Ni là gồm những người đau khổ tuyệt vọng, hay trắc trở tình duyên như cô Lan, nàng Kiều… tìm đến một niềm an ủi của đoàn thể, mà ở đó là có những phụ nữ rất có khả năng về mặt tâm linh, như Bhaddha Kundalakerin trước kia là môn đệ của Kỳ-na giáo, luôn đi khắp nơi để tranh biện ủng hộ cho giáo phái này, bà đã gặp Xá-lợi-phất và sau đó gặp Phật, với nhân cách chói sáng của ngài, Phật đã độ cho bà đắc quả A-la-hán khi bà vẫn còn là một nữ cư sĩ, đức Thế Tôn đã trực tiếp làm phép nhập đạo cho bà như phép truyền thống cho một vị Tỳ-kheo: “Thiện lai, Tỳ-kheo-ni”. Trường hợp bà Bhaddhà kàpilàni, một phụ nữ dám từ bỏ đời sống gia đình đang hạnh phúc, dám xoay mối tình chồng vợ thành tình pháp lữ, nàng đã cùng chồng là 

Kassapa xuất gia để cả hai cùng nhau xả bỏ tất cả để hướng mình vào đời sống Chánh đạo. Một trường hợp khác nữa là bà Dhammadinnà vợ của Visàkha, một Ưu-bà-tắc đệ tử Phật, cũng là một bằng chứng về một bậc ni lưu với ý chí hùng lực kiên định, đầy khả năng tâm linh và năng lực hoằng hóa. Sau khi được chồng đưa đến Ni viện để xuất gia theo chân Phật, bà đã nỗ lực tu tập ngày đêm và đã chứng đắc A-la-hán quả. Về sau, bà đã trở về thuyết pháp, tranh biện với chồng về những vấn đề Phật học, nội dung cuộc tranh biện này đến tai đức Phật, Thế Tôn bảo với Vissakha rằng, nếu vấn đề đó ông đem hỏi Ngài thì Ngài cũng trả lời như bà đã nói. Lời của Tỳ-kheo-ni Dhammadinna được xem như chính lời đức Phật, và được liệt vào Phật ngôn (Bhuddhavacana), sự kiện rất thường xảy ra khi một vị Trưởng lão nào đó thuyết pháp mà lời ấy được đức Phật tán thán và chuẩn duyệt. Đây không phải là trường hợp duy nhất lời nói của một Tỳ-kheo-ni được xem là Phật ngôn.

Quay lại vấn đề khả Tính tâm linh của người phụ nữ được đặt ra ở trước không ai không công nhận. Chính kim khẩu đức Thế Tôn thừa nhận người phụ nữ có đầy đủ khả tính về mặt tâm linh, có thể chứng Thánh, đắc quả mà các ví dụ trên là những gương sáng làm minh chứng hùng hồn cho điều này, bởi một chân lý bất di bất dịch là “Phật tánh không phân chia Nam Bắc” nói như cách nói của Lục tổ Huệ Năng, hay: “Tất cả chúng sanh đều có thể làm Phật” như tinh thần của kinh điển Đại thừa.

Về những trọng nghiệp làm chướng ngại Thánh đạo, đã là con người trong chốn bụi hồng ai chẳng có những tính xấu, chẳng hạn như tham, sân, si. Nếu nam giới có vẻ nặng về sân thì nữ giới nặng về si vậy. Và những thiện nghiệp để đến gần Thánh đạo thì hai giới cũng sở hữu các yếu tính tương ứng khác hẳn nhau. Nếu trí tuệ, từ bi luôn song hành trong đạo Phật, trí tuệ được đề cao ở nam giới thì bên cạnh yếu tố trí tuệ đó, đức tính từ bi hướng về nữ giới, bởi vậy mà về mặt lấy tình thương nhiếp hóa chúng sanh của đạo Phật, hình tượng Bồ-tát Quán-thế-âm biểu hiện đức tính từ bi và được tượng trưng bằng hình ảnh người phụ nữ. Và bên cạnh tính can đảm, ý chí mạnh mẽ của nam giới thì phụ nữ có đức tính nhẫn nại, nhu hòa, bao dung, tha thứ. Bên cạnh đức uy nghiêm, khí phách của nam giới thì nữ giới có tính nhũn nhặn, khiêm cung... Nói chung, bởi vì vũ trụ vạn vật bắt đầu bằng lưỡng nghi, đã có nam ắt phải có nữ, không có thế giới chỉ có nam hay chỉ có nữ (mà có chăng là một thế giới không có sự phân biệt nam nữ), mỗi giới có lĩnh vực riêng, phận sự riêng, và cả hai cùng có những mặt trái như nhau. Bởi vậy, mặt trái của lòng thương yêu nơi người phụ nữ là tính si ái, ủy mị; ngược với sự nhẫn nhục, nhu hòa là phiền não, cố chấp khư khư; mặt trái của sự khiêm tốn là thái độ nhút nhát ỷ lại, cố xem mình là phải cần lệ thuộc dựa dẫm vào một người nào khác mới sống nổi… chính những điểm này đã nhốt phụ nữ vào một góc riêng của cuộc sống trong mọi thời đại, nó đã kéo phụ nữ trì trệ, hạ đẳng như những thành kiến mà lịch sử xã hội đã từng dành cho, và cũng chính những yếu tính này mà tôn giáo nghi ngờ khả năng tâm linh của họ (nam giới cũng có những mặt trái dành riêng cho nam giới). Tuy nhiên, chỉ cần một chữ xả của đạo Phật sẽ đoạn tận các nhược điểm trên của phụ nữ và thay vào đó là những khả năng đầy hứa hẹn về tâm linh. 

Vâng, bậc Thầy tâm linh của chúng ta đã thấy rõ được điều này, và bên cạnh đó, đạo của Ngài, tôn giáo của Ngài được thiết lập ra cho và vì bốn chúng đệ tử, thuộc cả hai giới xuất gia và tại gia, bốn chúng nầy là sứ mệnh, là rường cột để gánh vác trọng trách trong việc giữ gìn ngôi nhà chung, truyền trì chánh pháp luân lưu trong thế gian. Vai trò trực tiếp của Ni trong vấn đề này là tận dụng hết những chức năng thiên bẩm của mình để góp sức vào mục đích chung bên cạnh phần tự độ.

Phàm đã là người xuất gia lìa bỏ gia đình để cất bước đến chân trời cao rộng, thay gấm vóc lụa là bằng mảnh áo nâu sồng, thay niềm hạnh phúc cá nhân, gia đình bằng ý hướng tìm cầu trí tuệ giải thoát, tâm ý và hình nghi khác người thế tục và mục đích phận sự duy nhất là “thiệu long Phật chủng”. Ni là một thành phần trong giáo hội Tăng-già dĩ nhiên cũng có một phận sự không ngoài phận sự chung của người xuất gia. 

Bàn về vấn đề Ni không phải chỉ hạn hẹp trong vài dòng như trên là đủ. Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ xin đưa ra hai điều trên, tuy không phải là vấn đề căn bản nhưng là đề tài rất đáng chú ý gần đây, đặc biệt là vấn đề Bát kỉnh pháp. Đức Thế Tôn đã từng dạy, tất cả chúng sanh đều là chủ nhân của chính mình, chúng sanh nào tự gieo nhân thì chúng sanh ấy tự hưởng quả, không có một quyền lực nào có thể ban phước giáng họa, không ai có thể sắp đặt số phận cho mình. Tất cả chúng sanh đều phải tự quyết định lấy đời mình, là phàm hay là Thánh, là cao thượng hay là hạ liệt… tất cả đều cần phải bắt đầu từ những hành động, những nghiệp nhân của chính họ. Vị Tỳ-kheo-ni trong giáo đoàn Ni Phật giáo cũng vậy, không cần phải lên tiếng để kêu gọi bình đẳng đến với mình, mà cần phải bắt đầu từ những hành động, những nghiệp nhân của chính mình, chấm dứt tất cả những tệ đoan của một nhi nữ thường tình để vươn lên, chứng minh cho xã hội thấy được năng lực của mình, hiến trọn đời mình vào sự nghiệp giải thoát tâm linh và hoằng dương chánh pháp. Một khi đã hoàn toàn là những đại trượng phu xứng đáng giữa trời người thì ngần ấy vị trí tự đến một cách tương ứng. ■

[Tập san Pháp Luân - số 27, tr.22, 2006]