Tín thọ giáo lý Nghiệp như thế nào?

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trước đây, chúng ta đã có dịp bàn về giáo lý Nghiệp trong bài Tìm hiểu về Nghiệp (Pháp luân số 7).

Tiếp theo đây, người viết xin bàn đến thái độ cần thiết đối với việc tiếp nhận giáo lý Nghiệp trong Phật giáo.

1. Nghiệp trong quan niệm của Dân gian

Có thể nói rằng nếu loại bỏ tất cả những gì có nguồn gốc từ Phật giáo hay chỉ liên quan mà thôi thì nền văn hóa của người Việt chúng ta chẳng khác gì một bộ xương khô, hay như một đứa trẻ lên ba muốn nói mà không biết lấy ngôn từ gì để diễn tả cái nó muốn nói, thậm chí chúng ta cũng không còn đủ biểu tượng để suy tư lý luận những vấn đề đơn giản nhất của cuộc sống ngày thường. Phật giáo đã thực sự bám sâu gốc rễ trong lòng văn hóa các dân tộc Đông Á nói chung và dân tộc Việt nói riêng, Nó đã thấm sâu vào tiềm thức của mọi người đến nỗi nhiều lúc chúng ta không còn nhận ra đâu là cái mới học được hôm nay và đâu là cái đã có bắt đầu từ khi mới chào đời hay trước đó nữa.

Vừa lọt lòng, đứa con đã nghe bằng trạng thái vô thức câu nói cửa miệng của người mẹ “Lạy Trời lạy Phật cho con tôi siêng ăn siêng chơi”. Lớn lên thì cầu trời cầu Phật cho duyên may duyên tốt: “Tóc ngôi dài, tóc mai cụt; Cầu trời khấn Bụt cho tóc mai dài; Bao giờ tóc chấm ngang vai; Thì ta kết ngãi làm hai vợ chồng”. Nghĩ đến mẹ cha thì     cầu “Chí tâm niệm Phật đêm ngày, cầu cho cha mẹ sống tày non cao” hay “Dốc lòng niệm Phật không lơi, cầu cho cha mẹ thác thời siêu sinh”. Nói chung, trong tư duy của giới bình dân, hình ảnh chùa, Phật trở nên quá quen thuộc, nó đã thấm sâu vào dòng máu của mọi người từ nhiều đời nhiều kiếp mà như Vũ Hoàng Chương đã từng nói “Trang sử Phật cũng là trang sử Việt”[1]. Trong đó, về mặt đạo lý, phải nói rằng tư tưởng “nghiệp báo luân hồi” là cái đã có ảnh hưởng sâu đậm nhất. Tuy nhiên, quan niệm nghiệp báo trong dân gian không hoàn toàn giống như giáo lý nghiệp mà đức Phật dạy. Điều đó là một hiện tượng tất nhiên trong quá trình lưu truyền và dung hợp của mọi hình thái tư tưởng khi đi vào quần chúng.

Nghiệp vốn là một khái niệm chỉ cho hành vi có ý thức của chúng ta, bất kể là thiện hay ác, mà hành vi thì phải có kết quả đi liền theo, cho nên nói cho cùng, nghiệp chính là sự tích lũy của hành vi thiện ác trong hiện tại và cả từ quá khứ. Thế nhưng, dân gian mỗi khi nói đến nghiệp là đã mang sẵn ý niệm cái gì đó xấu ác, ngang trái, tội lỗi; nói chung là mang ý nghĩa tiêu cực, thậm chí có khi trở thành thuyết thiên định, số mệnh. Như khi thấy một người gặp chuyện chẳng lành thì ta thốt lên “tội nghiệp quá”, hay “đúng là oan khiên nghiệp chướng”… để bày tỏ sự thông cảm hay trách móc. Nghiệp được quan niệm như thế đã trở thành một đối cực của phước (nghiệp báo – phước báo) mà thực chất phước báo cũng chỉ là một dạng của nghiệp báo nhưng là nghiệp báo lành (quả lành)[2]. Có lẽ đó là hình thức quần chúng hóa cái chuẩn mực, cái quan niệm chuẩn thường bị tha hóa theo hướng của khía cạnh ưu trội bởi vì đó là phạm vi mà quần chúng va chạm và ưu tư nhiều hơn. Không những trong giới bình dân, mà trong văn học thành văn của giới văn nhân, tình trạng đó cũng gần như tương tự bởi họ là những người thiên về lối suy tư cảm tính, nhờ vào đó mà tình cảm của họ dễ tuôn trào thành cảm xúc. Trong truyện Quan Âm Thị Kính, khi nói về hai nỗi oan ức của Kính Tâm, tác giả khuyết danh đã biện luận bằng tình cảm của mình:

“Tiền sinh nghiệp chướng có dày
Cho nên trời bắt đem đày nhân gian”.

Nếu hiểu đúng theo Phật học, “nghiệp chướng” vốn là một trong ba chướng: nghiệp chướng, báo chướng và phiền não chướng, là những chướng ngại làm cản trở con đường giải thoát. Thế nhưng, “nghiệp chướng” ở trong hai câu thơ trên đơn thuần chỉ để ám chỉ cho nguyên nhân ngang trái của kiếp trước, là cái đem lại hậu quả oan nghiệt của hiện tại. Tất nhiên ý nghĩa ấy không sai, chỉ có điều khái niệm nghiệp vẫn chịu xu hướng nghiêng về khía cạnh “không ưng ý” – phi phước nghiệp, ám chỉ nguyên nhân không tốt. Đến như câu thơ nổi tiếng của cụ Nguyễn Du "Ðã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” cũng vẫn chưa thoát khỏi xu hướng ấy. “Nghiệp báo được quan niệm như một định mệnh khắt khe và mù quáng”[3] theo kiểu: “Thôi thôi ngoảnh mặt làm thinh, thử xem con tạo gieo mình nơi nao?” của Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc.

2. Nhận thức đúng về giáo lý Nghiệp

Để có nhận thức đúng đắn về giáo lý nghiệp trong đạo Phật, trước hết chúng ta cần phải ý thức rằng đức Phật tuyên giảng giáo lý về nghiệp không phải để an ủi con người hay khuyên họ an phận, cam chịu mà là để mọi người dù thuộc hoàn cảnh nào cũng đều có niềm tin vươn lên. Giáo lý nghiệp như là niềm xác tín cho một tương lai tươi sáng hơn đang nằm trong đôi tay sáng tạo của họ.

Có thể nói giáo lý nghiệp là giáo lý dạy về hành động nhưng là hành động hướng tới “duy tác” (kriyā), tức là hành động trong sự vắng lặng của vô ngã. Còn nếu như hành động với sự chấp thủ của ngã và ngã sở thì đó là con đường dẫn đến trầm luân trong các nẻo đường sinh tử.

Nên biết, hành động hay quá trình tạo nghiệp của chúng ta, bất kể thiện hay ác, đều bao gồm 3 giai đoạn: gia hành, căn bản và hậu khởi. Giải thích ý nghĩa của 3 giai đoạn này, Câu-xá luận tụng sớ luận bổn, quyển 16, mượn ví dụ người mổ dê như sau[4]: Người thợ mổ dê trước khi giết dê phải khởi lên tâm giết, rồi cầm tiền đi đến chợ mua dê mang về, sau đó đánh đập cho đến lúc dê sắp chết, tất cả quá trình đó đều thuộc gia hành của nghiệp sát sanh. Do những việc làm như thế dẫn đến con dê bị chết, ngay khoảnh khắc con dê chết, căn bản nghiệp sát được hình thành, gồm cả biểu và vô biểu. Với sự thành tựu hai giai đoạn gia hành và căn bản nên bắt đầu từ sát-na sau khi con vật chết, vô biểu nghiệp cứ theo đó mà chuyển biến không ngừng, đó là hậu khởi của nghiệp sát thuộc vô biểu; còn các việc như đem thịt bán, kho nấu v.v… chính là hậu khởi của nghiệp sát thuộc biểu nghiệp. Đấy là 3 giai đoạn của quá trình tạo nghiệp.

Lại nữa, bản chất của mỗi hành động có sự khác nhau giữa các khoảng thời gian cho nên Hiển dương Thánh giáo luận phân nghiệp thành 3 vị: tác dụng vị, tập khí vị và dữ quả vị[5]. 1- Tác dụng vị là quá trình chọn lựa phương thức hành động dựa trên mục đích đã được hình thành sẵn trong tâm. 2- Bất kỳ hành động nào, sau khi hoàn thành nhưng chưa lập tức có quả báo, tức là căn bản nghiệp đạo đã được hình thành, thì lúc bấy giờ năng lực của nghiệp tồn tại dưới dạng tiềm tàng trong tâm (thức A-lại-da), đó gọi là tập khí vị. Đây chính là chủng tử đã được huân tập trong thức A-lại-da. 3- Chủng tử hay tập khí đã được huân tập trong thức A-lại-da khi hội đủ duyên sẽ phát hiện thành quả, nghĩa là nó tiềm tàng khả năng chiêu cảm quả báo tốt xấu trong tương lai, đó gọi là dữ quả vị. Luận Đại thừa thành nghiệp nói về sự chiêu cảm quả báo này như sau:

“Tâm dữ vô biên chủng
Câu tương tục hằng lưu
Ngộ các biệt huân duyên
Tâm chủng tiện tăng thịnh
Chủng lực tiệm thứ thục
Duyên hợp thời dữ quả”[6].
(Tâm và vô số chủng tử cùng nhau tuôn chảy liên tục không ngừng, khi gặp các duyên khác xông ướp thêm thì chủng tử trong tâm liền phát triển mạnh lên. Năng lực của chủng tử dần dần chín muồi, gặp khi hội hợp đủ điều kiện thì cho ra quả).

Phân tích nghiệp thành 3 giai đoạn: gia hành, căn bản, hậu khởi hay 3 vị: tác dụng, tập khí, dữ quả như trên là để cho chúng ta thấy rằng nghiệp không phải là một cái gì tiêu cực bị động, cũng không phải là một thứ định mệnh không thể cải đổi chỉ còn biết tuân theo. Nghiệp là hành vi hiện tiền của chúng ta, tùy ý chúng ta mà có nghiệp như thế này hay thế khác để từ đó có kết quả (nghiệp báo) tương ứng. Học tập giáo lý nghiệp là học cách ứng dụng nguyên lý sáng tạo cho bản thân, mọi người tự xây dựng cuộc đời của chính mình bằng vào những hành vi trong hiện tại. Con người được trả lại cho chính con người từ những thế lực huyễn hoặc, không còn phải lo sợ hay bám víu vào thần quyền hay số mệnh.

Hành vi trong hiện tại là nghiệp, là sự sáng tạo tự do của chúng ta; kết quả từ nghiệp ấy gọi là nghiệp dị thục (Skt. karma-vipāka), cũng gọi là nghiệp báo hay là nghiệp quả (karma-phala), là kết quả chúng ta đang thọ nhận hay sẽ thọ nhận trong vị lai. Nghiệp và nghiệp dị thục cần phải được nhận thức rõ như sau:

“Kẻ trí thấy hành động,
Như thật là như vậy.  
Thấy rõ lý duyên khởi,  
Biết rõ nghiệp dị thục”.[7]

Nghiệp là cái năng động còn nghiệp dị thục mới là cái bị động bởi nó là kết quả đã được định hình, chúng ta thường có sự lẫn lộn giữa nghiệp và nghiệp dị thục cho nên mới xem nghiệp như là định mệnh, một tư tưởng buông xuôi lười biếng.

Cuối cùng, để có nhận thức đúng đắn nhất về giáo lý nghiệp, chúng ta hãy dẫn chính lời của đức Phật trong kinh Tăng chi bộ: “Cần phải biết nghiệp. Cần phải biết duyên khởi của nghiệp. Cần phải biết tính đa dạng của nghiệp (nghiệp sai biệt). Cần phải biết kết quả của nghiệp (nghiệp dị thục). Cần phải biết sự đoạn diệt của nghiệp. Cần phải biết con đường đưa đến sự đoạn diệt của nghiệp”8. Con đường ấy, chính là con đường Thánh có tám ngành (Bát Thánh đạo) mà đức Phật đã chỉ bày.

Chú thích:
(1) Vũ Hoàng Chương, trong bài thơ Bánh Xe Diệu Pháp.
(2) Xem “phước nghiệp, phi phước nghiệp, và bất động nghiệp” trong phần Phân loại của nghiệp.
(3) Lời của Hòa thượng Trí Thủ, Toàn tập Tâm Như Trí Thủ, nxb TP. Hồ Chí Minh, 2002, tập I, tr.651.
(4) Câu-xá luận tụng sớ luận bổn, quyển 16: Đại 41, số 1823, tr.0908a04-13.
(5) Hiển dương Thánh giáo luận, q.19: Đại 31, số 1602, tr.0573c19.
(6) 心與無邊種, 俱相續恒流, 遇各別熏緣, 心種便增盛, 種力漸次熟, 緣合時與果. (Đại thừa thành nghiệp luận: Đại 31, số 1609, tr.0784c20-22).
(7) HT. Thích Minh Châu, Kinh Trung bộ II, Kinh Vāsettha (Vāsettha sutta), tr.790.
(8) Anguttara Nikāya VI.63, Nibbedhika Sutta (Penetrative), by Thanissaro Bhikkhu: “Kamma should be known. The cause by which kamma comes into play should be known. The diversity in kamma should be known. The result of kamma should be known. The cessation of kamma should be known. The path of practice for the cessation of kamma should be known”. Cf. HT. Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ III, tr.218-219.

[Tập san Pháp Luân - số 15, tr.29, 2005]