Bát Nhã Tâm Kinh - Đối chiếu phiên dịch

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Bản phiên dịch Phạn Việt này được tạo thành cho lớp bồi dưỡng tiếng Phạn tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM khoảng vào năm 2018. Phần Sanskrit vốn là dựa vào thủ bản được cất giữ tại ngôi chùa cổ Hōryuji ở thành phố Nara Nhật Bản, được hiệu chính lần đầu bởi cố học giả Nakamura Hajime1.

Về bản Sanskrit của Bát Nhã Tâm Kinh này, hiện có hai loại là bản ngắn và bản dài, bản dài còn được gọi là bản Nepal, bản này khác với bản ngắn ở chỗ có thêm phần tựa đầu và phần sau cuối. Bát Nhã Tâm Kinh chữ Hán mà Phật giáo đồ ở các nước có nền văn hoá chữ Hán thường trì tụng là bản Hán dịch của bản ngắn. Thủ bản Sanskrit của bản ngắn này hiện còn là bản được lưu giữ ở Hōryuji, ngoài đây ra thì hiện không được tìm thấy ở đâu khác. Thủ bản của Hōryuji được viết trên lá bối2, các chuyên gia suy đoán là được viết vào khoảng thế kỷ thứ VIII, còn bản Hán dịch sớm nhất của kinh này thì đã tồn tại trước thời Huyền Trang3.

Về nội dung bản kinh này, vốn là tinh tuý của tư tưởng Bát-nhã, cũng có thể hiểu đó là tư tưởng vô chấp. Các pháp ở thế gian này vốn có đặc tướng là không, nổi tiếng với câu “sắc tức là không, không tức là sắc”, không tánh chi phối cả năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, các chi phần duyên khởi, tứ đế, v.v… Và cho biết, trí tuệ ba-la-mật nhìn thấy tánh không ấy là phương tiện y cứ của ba đời chư Phật. Cuối cùng giới thiệu thần chú Bát-nhã có khả năng dứt trừ khổ ách.

Phần nguyên điển Sanskrit dưới đây sẽ được thể hiện bằng chữ Roman hoá, tiếp theo sau đó là phần dịch Việt. Phiên dịch ở đây sẽ theo cách trực dịch, các biến cách của Phạn ngữ đều được thể hiện nơi tiếng Việt. Để đối chiếu, hai phần Phạn - Việt này sẽ được đặt liền nhau, cùng với đó, bản Hán dịch mà chùa Việt thường trì tụng cũng sẽ được đính kèm, và sẽ được đặt bên trên chữ Phạn, thứ tự này chỉ là để cho tiện tham chiếu.


Prajñā Pāramitā Hṛdaya Sūtra 般若波羅蜜多心經 (Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang dịch, Taisho. 0251.08.0848c04-)

Namaḥ Sarva-jñāya
Kính lễ đấng nhất thiết trí

觀自在菩薩行深般若波羅蜜多時, 照見五蘊皆空。度一切苦厄4
āryāvalokiteśvaro bodhi-sattvo gambhīrāyāṃ prajñā-pāramitāyāṃ caryāṃ caramāṇo vyavalokayati sma, pañca skandhāḥ, tāṃś ca svābhava-śūnyān paśyati sma.
Thánh Quán Tự Tại Bồ Tát khi thực hành pháp hành về Bát Nhã Ba La Mật Đa thậm thâm, đã quán chiếu rằng, có năm uẩn, và đã nhìn thấy chúng không tự tánh.

舍利子, 色不異空, 空不異色。色即是空, 空即是色。受想行識亦復如是。
iha Śāriputra rūpaṃ śūnyatā, śūnyataiva rūpaṃ; rūpān na pṛthak śūnyatā, śūnyatāyā na pṛthag rūpaṃ; yad rūpaṃ sā śūnyatā; yā śūnyatā tad rūpaṃ. evam eva vedanā-saṃjñā saṃskāra-vijñānāni.
Này Xá-lợi-phất, ở đây, sắc là cái không, chính tánh không là sắc; tánh không chẳng khác sắc, sắc chẳng khác với tánh không; cái gì là sắc thì cái đó không tánh, cái gì không tánh thì cái đó là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng hoàn toàn giống như thế.

舍利子, 是諸法空相, 不生不滅, 不垢不淨, 不増不減。
iha Śāriputra sarva-dharmāḥ śūnyatā-lakṣaṇā anutpannā aniruddhā amalâvimalā, nonā na paripūrṇāḥ.
Này Xá-lợi-phất, ở đây, nhất thiết pháp có đặc tướng là không tánh, không sanh, không diệt, không cấu, không vô cấu, không giảm, không tăng.

是故空中, 無色無受想行識。
tasmāc Chāriputra śūnyatāyāṃ na rūpaṃ na vedanā na saṃjñā na saṃskārā na vijñānaṃ,
Cho nên, này Xá-lợi-phất, nơi [lãnh vực] không tánh thì không có sắc, không có thọ, không có tưởng, không có hành, không có thức.

無眼耳鼻舌身意。無色聲香味觸法。
na cakṣuḥ-śrotra-ghrāṇa-jihvā-kāya-manāṃsi, na rūpa-śabda-gandha-rasa-spraṣṭavaya-dharmāḥ,
không có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp;

無眼界, 乃至無意識界。
na cakṣur-dhātur yāvan na manovijñāna-dhātuḥ.
Không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới;

無無明, 亦無無明盡。乃至無老死, 亦無老死盡。無苦集滅道。無智亦無得。
na vidyā nāvidyā na vidyākṣayo nāvidyākṣayo yāvan na jarā-maraṇam na jarā-maraṇa-kṣayo na duḥkha-samudaya-nirodha-mārgā[ḥ,] na jñānaṃ, na prāptir.
Không có minh, không có vô minh, không có sự diệt mất của minh, không có sự diệt mất của vô minh; cho đến không có già chết, không có sự diệt tận của già chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí tuệ, không có sự chứng đắc.

以無所得故, 菩提薩埵, 依般若波羅蜜多故心無罣礙, 無罣礙故無有恐怖, 遠離顛倒夢想, 究竟涅槃。
tasmād aprāptitvād bodhisattvānāṃ prajñāpāramitām āśritya viharaty acittāvaraṇaḥ. cittāvaraṇa-nāstitvād atrasto viparyāsa-atikrānto niṣṭhā-nirvāṇaḥ.
Do đó, vì không có sự chứng đắc, nên đối với vị bồ-tát, nương trụ vào bát-nhã ba-la-mật-đa thì không có tâm chướng ngại, vì tâm không có sự chướng ngại nên không có sự lo sợ, vượt khỏi sự điên đảo, và có được niết-bàn cứu cánh.

三世諸佛,依般若波羅蜜多故,得阿耨多羅三藐三菩提。
try-adhva-vyavasthitāḥ sarva-buddhāḥ prajñā-pāramitām āśrityān-uttarāṃ samyak-sambodhim abhisambuddhāḥ.
Tất cả chư Phật ở trong ba đời đã nương vào bát-nhã ba-la-mật-đa mà giác ngộ hoàn toàn hiện tiền vô thượng chánh đẳng chánh giác.

故知般若波羅蜜多是大神咒,是大明咒,是無上咒,是無等等咒。能除一切苦。眞實不虚故。説般若波羅蜜多咒, 即説咒曰:掲帝掲帝般羅掲帝般羅僧掲帝菩提僧莎訶.
tasmāj jñātavyam prajñā-pāramitā mahā-mantro mahā-vidyā-mantro ‘nuttara-mantro ‘samasamamantraḥ, sarva-duḥkha-praśamanaḥ, satyam amithyatvāt. prajñā-pāramitāyām ukto mantraḥ tad yathā: gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā.
Do đó cần phải biết rằng, Bát-nhã ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô tỷ đẳng chú, là làm tịnh diệt tất cả khổ, là [ngôn từ] chân thật, vì không hư dối. Nơi bát-nhã ba-la-mật-đa có thần chú được nói ra, đó là như vầy5: Hỡi đấng đã vượt qua, đã vượt qua, đã vượt qua bên kia, đã hoàn toàn vượt qua bên kia, hỡi đấng giác ngộ6.

般若波羅蜜多心經[終]
iti prajñāpāramitā hṛdayam samāptam.
Xong Tâm [kinh] bát-nhã ba-la-mật-đa.

 

Thích Nữ Thanh Trì


Chú thích:

1. Hiệu chính cho bản kinh này có nhiều, đầu tiên và không thể không nhắc đến là bản của hai cố học giả Nakamura Hajime và Kino Kazuyoshi (『般若心経金剛般若経』中村元, 紀野一義訳註、岩波書店, 1960, rep. 1999, pp. 7-38). Về sau cũng còn có nhiều nghiên cứu hiệu chính từ nhiều góc độ khác nhau, trong đó nếu nêu ra một bản cho tiện tham khảo thì có bản hiệu chính của Harada Waso, có tóm tắt khá đầy đủ các nghiên cứu trước và tham chiếu các kinh văn tương tợ từ trong các hệ kinh điển Bát Nhã khác (cf. 原田和宗2002「梵文『小本・般若心経』和訳」『密教文化』No. 209).
2. Bản Hōryuji Bát Nhã Tâm Kinh được viết cùng với Tôn Thắng Đà la Ni. Thủ bản này được xem là văn hoá tài trọng yếu, còn gọi là quốc bảo của Nhật, hiện tại, ảnh chụp của bản này đã được công khai ở website: e国宝 (http://emuseum.nich.go.jp/detail?langId=ja&webView=null&content_base_id=100625&content_part_id=001&content_pict_id=004).
3. cf. 『大蔵経全解説事典』雄山閣出版 1998, pp.72-73.
4. Câu "độ nhất thiết khổ ách" này không có trong văn Sanskrit tương ứng, nhưng việc Bát-nhã ba-la-mật có hiệu năng "dứt trừ khổ ách" thì gần cuối kinh này cũng có đề cập.

5. “Tad yathā” này có nơi xem là một phần của câu mantra. Chi tiết được tóm tắt ở luận văn Harada Waso 2002, chú 72. Tuy nhiên, truyền thống của các nước cùng văn hoá Hán tự đều xem câu thần chú bắt đầu từ “gate…”.
6. Trong câu này, bắt đầu từ “gate”, các từ đều được thể hiện là hô cách số ít, ngoại trừ từ bodhi, nếu bodhi là hô cách nữ tánh thì phải là bodhe, nếu chủ cách thì phải là bodhiḥ. Nên bodhi ở đây được xem là hô cách của một loại phương ngữ Ấn Độ xưa.