Cuộc hội thoại giữa 3 anh chị em huynh trưởng trẻ với đề tài Hạnh nguyện Quán Thế Âm.(PLO)
Kính thưa quí vị và các bạn!
Như chúng ta đã biết, Phật tử trẻ tuổi hôm nay ở trong nước cũng như hải ngoại, học Phật pháp không chỉ với tín tâm và tự tìm tòi như lớp đàn anh của họ ngày xưa, mà bao giờ cũng tìm hiểu thật kỹ qua những câu hỏi có thể và có khi rất ngây ngô khờ khạo, với kiến thức ít ỏi, nông cạn, vốn liếng chữ Hán lại không có… nhưng các em vẫn đạt được mục đích là có thể biết được nhiều hơn đàn anh của họ ngày xưa ở tuổi đó, vì họ dám hỏi; không như ngày xưa, không dám hỏi “lôi thôi” nên cái biết nhiều khi không rõ ràng và rất lúng túng khi phải trả lời cho đàn em của mình. Hôm nay chúng tôi xin mời qúi vị và các bạn tham dự cuộc hội thoại bỏ túi giữa 3 anh chị em huynh trưởng trẻ với đề tài Hạnh nguyện Quán Thế Âm để thấy rõ đặc điểm này. Ngoài ra, xin quí vị và các bạn chỉ điểm thêm cho những sai sót hay thiếu sót về những luận bàn, giải thích... trong những cuộc hội thoại này. Xin chân thành cảm ơn.
A: Chào các em, hôm nay các em lại có câu hỏi gì nữa đây?
B: Dạ chúng em muốn hỏi anh có phải trong 5 hạnh, Từ bi, Trí tuệ, Thanh tịnh, Tinh tấn, Hỷ xả, đức Quán Thế Âm tượng trưng cho hạnh Từ bi phải không anh?
A: Phải đó! Ngài thường được thế gian gọi là “mẹ hiền Quan Âm”.
C: Thế nhưng tại sao sau khi mình đọc kinh Phổ Môn, lại có 12 lời nguyện của Ngài, trong đó, có cả Thanh tịnh, Hỷ xả… nữa hả anh?? Và còn có “hàng tà ma trừ yêu quái” nữa:
Nam mô hàng tà ma trừ yêu quái Quán Âm Như Lai năng trừ nguy hiểm nguyện.
B: Dạ, đúng vậy, các em thiếu nam của em thắc mắc tại sao Phật giáo không mê tín dị đoan mà còn có “hàng tà ma, trừ yêu quái”.
A: Có vậy mà các em không trả lời được sao?
B: Dạ được chứ, nhưng không mạnh dạn và rõ ràng lắm anh ạ!:) :)!!
A: Thật ra, trong những bài học Phật pháp, chúng ta “phân định” các biểu tượng của 5 hạnh như đức Phật Thích-ca tượng trưng cho hạnh Tinh tấn, đức Phật A-di-đà hạnh Thanh-tịnh, đức Quán Thế Âm Bồ tát hạnh Từ bi, để cho các em dễ nhớ, điều đó không có nghĩa đức Phật Thích-ca không từ bi hay đức Quán Thế Âm Bồ-tát không tinh tấn…; nói chung 5 hạnh là đặc trưng của chư Phật, chư Bồ tát, đó là chưa nói các em cũng đã biết 10 đức tính của Như Lai (Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu v.v…) rồi mà! Trở lại câu hỏi của các em: các em có biết “tà ma” là gì và ở đâu không?
C: Dạ, chúng em biết chứ! “Tà” là trái nghĩa với “chính” và ma là ngũ ấm ma, ma ở ngay trong lòng mình, như ma sân si, ma thèm khát, ma ham ăn ham ngủ, ma nghi kỵ, ma ganh tị v.v... phải không anh?
A: Phải rồi! “Tà ma” và “yêu quái” là những năng lượng tiêu cực bên ngoài hay chính bên trong (nội tâm) của chúng ta; vì vậy muốn trừ tà ma, trước hết là trừ tà ma ngay trong lòng mình, B hãy cho anh biết làm sao để trừ “tà” đây?
B: Dạ, muốn trừ “tà” thì phải lấy “chính” mà đối trị, muốn “chính” thì phải lấy giới mà phòng hộ, như mình đã học:
Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần
Ðem ý thức tinh chuyên phòng hộ.
Nghĩa là phải lấy giới làm đầu, giữ cho tâm mình được chính thì “tà” ở ngoài không xâm nhập vào được, không xô ngã được.
A: C có nhớ tại sao nói “mắt là biển lớn mà chúng ta phải vượt qua” hay không?
C: Dạ nhớ! Vì khi mắt tiếp xúc với sắc thì ham muốn có thể nổi dậy, thèm khát cũng có thể nổi dậy, tham sân cũng có thể nổi dậy… tạo thành những đợt sóng lớn hay sóng ngầm, những trận cuồng phong, những con quái vật, mà tâm ta như một chiếc thuyền ở giữa đại dương đó; nếu ta không vững tay chèo, không có chiếc la bàn của Giới thì nhất định sẽ bị lạc hướng và bị nhận chìm trong biển phiền não khổ đau.
A: Chính vì thế, đức Quán Thế Âm có lời nguyện, nếu trong cơn nguy hiểm, sắp bị tà ma yêu quái hay bị nước cuốn trôi, nhận chìm… mà ta niệm danh hiệu Ngài thì Ngài sẽ “hàng tà ma trừ yêu quái” giùm cho ta; nói cách khác, niệm danh hiệu Ngài có năng lực giúp ta tỉnh thức, nhận ra mình đang làm gì để có thể thoát ra khỏi “tà ma” và “yêu quái” sắp làm hại cuộc đời tu tập của mình, kéo mình ra khỏi biển lớn của giận dữ, thù hận, nghi kỵ v.v...
B: Tà ma trong mình và bên ngoài đều có thể hại mình hết, có phải không anh?
A: Đúng vậy, tà ma nói chung là những sự việc, những lời nói và việc làm… có thể làm khơi dậy “ma tính” trong chúng ta hay cho người khác, ví dụ những lời nói khích, lời nói chia rẽ, nói sai sự thật, lời nói gây nghi ngờ... ví dụ như những lời của Ma vương nói với thái tử Tất-đạt-đa trước khi Ngài thành đạo...
C: Nhưng Ngài đâu có bị dụ dỗ hay nổi ma tính lên đâu?
B: Đó là tại vì Ngài có đạo lực vững mạnh, giới đức thâm hậu, phải không anh?
A: Phải rồi! Các em có nhớ 10 đạo quân của Ma vương là những gì không?
C: Dạ nhớ! Đó là: 1. Tham dục (Kãmã), 2. Bất mãn với đời sống thánh thiện (Arati), 3. Ðói và khát (Khuppĩpãsã), 4. Ái dục (Tanhã), 5. Hôn trầm và Dã dượi (Thĩna-middha), 6. Sợ hãi (Bhĩru), 7. Hoài nghi (Vicikicchã), 8. Phỉ báng và cố chấp (Makkha-thambha), 9. Lợi lộc (Lãbha), Khen tặng (Siloka), Vinh dự (Sakkãra), Thanh danh bất chính (Yasa) và 10. Tự đại và khinh người (tự đánh giá mình quá cao và khinh rẻ người khác-Attukkamsanapara-vambhana)
A: Ðúng rồi! Như vậy, bất kỳ khi nào và ở đâu mà trong chúng ta xuất hiện 1 trong 10 thứ trên đây thì ta phải biết đó chính là tà ma hay yêu quái chứ không ở đâu xa hết!
B: Em hiểu rồi, như vậy câu chuyện cái “kính chiếu yêu” của các đạo sĩ ngày xưa là nói về yêu ma trong con người mình anh hở?
C: Cái gì? Kính chiếu yêu? Anh kể em nghe đi!
A: Đây là nói về ngôn ngữ biểu tượng (symbolic) - có nhiều khi “ma tính” trong người mình nổi lên làm cho ngay cả mình cũng không còn nhận ra được mình nữa, đó chính là lúc mình trở thành con ma của ái dục, con cọp của giận dữ, hung thần của khủng bố v.v… B hãy kể cho C nghe chuyện cái kính chiếu yêu mà ông thầy cho đệ tử trong “Cửa tùng đôi cánh gài” đi!
B: Dạ! Đó là câu chuyện của một chàng dũng sĩ tu luyện công phu với sư phụ của mình trên núi; một hôm chàng nóng lòng muốn xuống núi cứu đời. Sư phụ thấy đệ tử mình còn non, sợ anh ta sa ngã nên khuyên can nhiều lần nhưng anh ta cứ quyết chí xuống núi cứu nhân độ thế. Bất đắc dĩ, sư phụ để anh ta đi nhưng cho anh ta một cái kính (gương soi) bảo rằng hằng ngày hãy soi vào để biết mình như thế nào, nếu thấy mặt mình “xấu” đi thì phải biết mà quay về. Lúc đầu, anh ta sống và làm việc rất tốt, siêng năng soi gương để “thấy rõ” con người mình nhưng sau 7 năm anh ta gặp nhiều “ma chướng,” rồi gặp thất bại, anh ta buồn chán, cô đơn, và cảm thấy mệt mỏi không còn hăng hái như buổi ban đầu, anh cũng nhác soi gương nên cũng không biết mặt mũi mình bây giờ ra sao… Một hôm đi ngang qua vùng núi của Sư phụ, anh bỗng nhớ người và trở về chùa thăm nhưng cánh cửa chùa đã khép lại, anh dùng sức đẩy nhưng cánh cửa vẫn trơ trơ…
C: Ủa, tại sao lạ vậy? Anh ta đẩy không được cửa để vào thì Phật tử làm sao đẩy ra?
B: Ừ, đây là ý nói sư phụ đã làm phép không cho người xấu vào mà!!
C: Vậy rồi làm sao? Anh ta bỏ đi hả?
B: Không, anh ta đành buồn bã ngồi suốt đêm bên ngoài chờ người sư đệ đi lấy nước buổi sáng sớm hôm sau; khi gặp sư đệ, anh hỏi thăm mọi người còn người sư đệ thì nhắc đến cái gương sư phụ cho anh khi xuống núi, bảo anh lấy ra để 2 anh em soi chung… Nhìn vào gương, anh hét lên một tiếng rồi bất tỉnh vì ảnh của sư đệ hiện lên trong gương là một thiên thần, còn anh lại là một ác quỷ, có nanh vuốt dễ sợ lắm; anh không nhận ra được chính mình nữa! Người sư đệ vốc nước suối phả lên mặt anh để anh tỉnh lại, rồi nói: “Không ngờ phố phường dưới đó đã tàn hại cuộc đời của đại sư huynh như vậy”… câu chuyện này em đọc đã lâu rồi nên không nhớ chính xác nhưng đại khái cái kính chiếu yêu là vậy!
A: Câu chuyện này mục đích khuyên chúng ta khi giới luật chưa vững vàng thì phải hết sức cẩn trọng tu tập, giữ giới, không nên “xông pha” vào những nơi buông lung phóng đãng, nhất định sẽ bị “ma quái” - ma trong lòng mình họp với ma ngoài xã hội phong lưu, kéo ta ra ngoài biển, nhận chìm chúng ta đến nỗi chúng ta không ngóc đầu lên được. Trở lại với 12 lời nguyện của đức Quán Thế Âm, các em còn có chỗ nào thắc mắc nữa không?
C: Dạ còn, lời nguyện thứ 5 là…
“Nam mô thanh tịnh bình thùy dương liễu Quán Âm Như Lai cam lộ sái tâm nguyện”
Em không hiểu mấy chữ “thùy” “cam lộ” hay “cam lồ” và “sái tâm” nghĩa là gì nên không dịch ra tiếng Việt để hiểu rõ ràng được, chỉ hiểu sơ sơ thôi!J J!!
A: Chắc là B hiểu chứ? Em thử giải thích coi!
B: Dạ, “thùy” là rũ xuống, buông xuống, còn “sái” là rải xuống, rưới xuống phải không anh?
A: Đúng rồi! Lời nguyện thứ 5 nói đức Quán-thế-âm có một cái bình Thanh tịnh, trong đó đựng một loại nước cam lồ (hay cam lộ cũng vậy) nghĩa là giọt sương cung cấp vị ngọt, mát mẻ… đó là giọt nước điều chế từ chất liệu Từ bi và Trí tuệ của đức Quán Thế Âm, mà khi Ngài dùng cành dương liễu nhúng vào đó, rảy xuống, rưới xuống cõi lòng đau khổ, phiền não, nặng trĩu của chúng ta thì sẽ làm trái tim chúng ta rộng mở ra, dập tắt được lửa phiền não, lửa giận hờn, lửa nghi kỵ… trong ta, làm cho tâm ta trở nên tươi mát, nhẹ nhàng, an vui…
C: Thì ra đó là ngôn ngữ biểu tượng; thật là hay quá! Vậy thì đức Quán Thế Âm ngàn mắt ngàn tay là như thế nào hở anh?
A: Nếu anh chị em chúng ta cũng có hạnh nguyện “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ” và đã thực hành được điều đó thì có phải mỗi người chúng ta là một “tiểu Bồ-tát Quán Thế Âm” không? Nói cách khác mỗi người chúng ta là một cánh tay, một con mắt của Ngài, cùng có hạnh nguyện từ bi đem vui cứu khổ cho mọi loài chúng sanh. Các em có thấy như vậy không? Em nào có thể cho anh một ví dụ cụ thể không?
B: Dạ, ví dụ như những sư cô, những ma soeur… lượm trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi, hay trẻ mồ côi… đem về nuôi dạy các em nên người, hay làm việc thiện nguyện trong những bệnh viện phong cùi, lao, tâm thần, trong những trung tâm người già, bệnh tật, hay khuyết tật… họ đều là những cánh tay, con mắt của Bồ-tát Quán Thế Âm.
C: Hay những người lính cứu hỏa, hy sinh thân mạng mình để cứu dân chúng, hay trong những thiên tai, bão lụt, rất nhiều người quên thân mình, đã xả thân cứu được nhiều người thoát chết.
A: Đúng vậy, như thánh Gandhi, mẹ Thérésa, đức Ðạt-lai Lạt-ma thứ XIV… chúng ta đều có thể xem họ là hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm.
C: Dạ, em hiểu rồi, bây giờ qua nguyện thứ 6 chữ nào em cũng hiểu nghĩa hết nhưng em không hiểu toàn thể nói cái gì anh giảng giùm cho em nha!
“Nam mô đại từ bi, năng hỷ xả Quán Âm Như Lai thường hành bình đẳng nguyện”.
B: Em cũng vậy đó anh! Em chưa hiểu rõ nguyện “thường hành bình đẳng” là nguyện như thế nào?
A: Câu này có nghĩa là đức Quán Thế Âm Bồ-tát có 4 tâm vô lượng Ðại Từ (great Loving Kindness-Mettã), Ðại Bi (Great compassion-Karunã), Ðại Hỷ (Great Joy-Muditã), Ðại Xả (Great Equanimity-Upekkhã); với sự trang bị của 4 tâm vô lượng này, Ngài cứu độ chúng sanh một cách bình đẳng; nghĩa là chỉ cần nghe tiếng kêu đau thương là Ngài cứu không phân biệt người xấu hay người tốt, người da đen, da trắng hay da vàng, người theo Phật hay không theo Phật, người hiền triết hay người ngu si, người thường nhớ nghĩ đến Phật hay không bao giờ nghĩ đến Phật v.v... đó gọi là “thường hành bình đẳng”, không có tâm phân biệt. Chúng ta phải hiểu rõ nghĩa của Từ, Bi, Hỷ, Xả của bốn vô lượng tâm mới hiểu được chữ bình đẳng. Các em còn nhớ đặc tính của bốn tâm vô lượng này không?
C: Dạ nhớ: kinh nói tâm Từ (mettã) là cái gì làm cho lòng ta êm dịu; tâm Từ phải được rải khắp đồng đều cho mọi chúng sanh, phải bao trùm vạn vật, phải sâu rộng và đậm đà như tình mẫu tử trong khi bảo vệ cho đứa con một của mình, dù hy sinh tính mạng cũng vui lòng. Nhưng tâm Từ không phải chỉ dừng lại ở tình mẫu tử ích kỷ chỉ lo cho con mình, hay tình bạn, tình đồng chí, đồng bào, đồng loại… trong nghĩa hẹp, mà phải vượt lên trên, không phân biệt thân sơ, bạn thù, chủng tộc v.v... mới được. Nghịch nghĩa với tâm Từ là thù hận, oán ghét, sợ hãi, đối phó,… khi những tình cảm này có mặt thì không thể nào có tâm Từ.
B: Đúng vậy, đức Phật còn nói về năng lực của tâm Từ như sau: “Như Lai sống trên một ngọn núi giữa đám sư tử, cọp, beo, hươu, nai… các thứ giữa rừng rậm cỏ hoang. Không một con vật nào sợ Như Lai và Như Lai cũng không sợ con vật nào. Chính nhờ oai lực của tâm Từ nâng đỡ, bảo vệ và giúp Như Lai sống yên ổn”.
Tâm Bi là động lực làm cho tâm rung động trước sự đau khổ của người khác và muốn giúp người ấy thoát cảnh khổ; tâm Bi bao trùm tất cả chúng sanh đau khổ. Kẻ thù gián tiếp của tâm Bi là ưu sầu, phiền muộn.
A: Các em đều nhớ được đặc tính của tâm Từ và tâm Bi; còn tâm Hỷ và tâm Xả thì như thế này:
Hỷ là tâm vui trước hạnh phúc và thành công của người khác. Hỷ là niềm vui làm tiêu tan lòng ganh tị. Vì vậy nên mới nói kẻ thù của Hỷ là lòng ganh tị. Tâm Xả là tâm vô tư trong sáng trong cái thấy, nhận xét và lý luận nghĩa là thấy mọi sự vật, hiện tượng... như-nó-đang-là (as-it-is) không để cho yêu-ghét, lấy-bỏ xen vào. Vì Hỷ-Upeckkhã = “Upa”+ “ikkhã”; upa là đúng đắn, chân chính, vô tư; ikkhã là trông thấy, nhận định, suy luận.
B: Dạ, như vậy em hiểu rồi, với tứ vô lượng tâm, đức Quán Thế Âm Bồ-tát rõ ràng là “thường hành bình đẳng” đối với muôn loài chúng sanh. Nói cách khác, Ngài thường rải tâm Từ, tâm Bi… đến mọi người, mọi loài, ở mọi cảnh giới, không phải chỉ riêng ở cõi Ta-bà của chúng ta thôi đâu, phải không anh?
A: Phải đó! Vậy là các em hiểu rõ ràng rành mạch hạnh nguyện thứ sáu này rồi chứ gì? Và áp dụng hẹp vào GÐPT chúng ta: chúng ta yêu mến và quan tâm các em của mình một cách đồng đều không phân biệt đối với các em; ví dụ như em nào ngoan thì mình thương, năng hỏi han chú ý, còn em nào bướng bỉnh nghịch ngợm trái tính trái nết thì mình bỏ mặc, không hỏi han đến chứ?
C: Dạ, không có đâu anh; em cũng đã hiểu rõ về hạnh nguyện này rồi nhưng còn hạnh nguyện thứ bảy nữa với mấy chữ “trú dạ tuần” và “thề diệt tam đồ” em không hiểu gì cả anh ạ!:) :)!!
Nam mô trú dạ tuần vô tổn hại Quán Âm Như Lai thề diệt tam đồ nguyện.
A: “Trú” là ngày, “dạ” là đêm, đọc kinh cầu an “trú dạ lục thời hằng cát tường” mà em quên rồi sao? “Tuần” là đi tuần tra, đi rảo, giống như anh chị em mình chia phiên trực ngày trực đêm trong sinh hoạt trại vậy đó; đi tuần để kiểm soát coi có gì có thể gây nguy hại cho trại sinh không? Có trại nào, trại sinh nào vi phạm kỷ luật không, ví dụ như giờ nghỉ rồi mà còn hát hò hay điện thoại v.v… hay quên dập tắt lửa trại, thắp nến đọc sách trong trại... có thể gây ra hỏa hoạn. Tương tự như trong các thiền đường, mỗi khi đại chúng ngồi thiền, có một vị Tăng cầm cái “bảng” đi “tuần tra” xem ai ngủ gật hay ngủ thì vị này sẽ đập vào vai cho người ngủ gật tỉnh lại, chú tâm vào việc thiền tập, khỏi bị “kỷ luật”
B: Dạ, còn “tam đồ” là nẻo về của 3 đường ác: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh phải không anh?
A: Đúng vậy, nguyện thứ 7 này nói đức Quán Thế Âm ngày đêm quán chiếu coi có cái gì làm tổn hại cho chúng sanh không để kịp thời ngăn cản, đừng để cho chúng sanh tạo nghiệp dữ mà phải rơi vào ba đường ác là súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục.
B: Như vậy, đức Quán Thế Âm nguyện “thề diệt tam đồ” là nguyện giúp chúng sanh khỏi rơi vào ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh bằng cách đi tuần tra ngày đêm để coi thử “everything” có “OK” hay không; nếu có ai phạm giới, hay có ác ý gây tổn hại cho Tăng thân tu học, cho cộng đồng chúng sanh hay ai đó có ý giết người… thì Ngài lập tức ngăn cản đừng để người ấy phạm tội phải rơi vào đường ác, phải không anh?
C: À như vậy, bây giờ thành dễ hiểu rồi! Và nếu chúng ta muốn làm một cánh tay hay một con mắt của đức Quán Thế Âm trong hạnh nguyện này thì ta cũng thường xuyên “tuần tra” anh em, để nhắc nhở và cho họ giật mình tỉnh thức trước khi bị phạm luật, phạm giới anh hở?
A: Phải rồi, nhưng điều quan trọng hơn là phải tự cảnh giác, tự “tuần tra” tâm mình trước khi lo cho mọi người đó nha!:) :)!! Có như vậy bản thân mình mới khỏi rơi vào ba đường ác. Ba đường ác không phải ở dưới lòng đất hay trên bầu trời đâu, nó ở ngay trong ta và chung quanh ta đó, các em biết không?
B: Dạ, chúng em biết rồi anh, địa ngục trong tâm thức của mỗi người mà!:) :)!!
A: Biết rồi thì tốt! Hôm nay đến đây tạm đủ nha, xin hẹn các em lần sau! Tạm biệt!
B và C: Dạ, xin cảm ơn anh, tạm biệt!
Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân - số 24, tr.71, 2006]