Giải thích hệ thống tượng Phật ở trong chùa

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

LTS: Việc thờ cúng tổ tiên từ lâu đã trở thành truyền thống văn hóa của người dân Việt cổ. Là đất nước đa dân tộc, đa văn hóa, Việt Nam đã mặc nhiên hình thành một hệ thống thờ phượng với nhiều dáng vẻ khác nhau.

Từ khoảng thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, Phật giáo đã du nhập vào nước ta.Với tinh thần tùy duyên mà bất biến, Phật giáo đã hòa nhập vào từng phong tục lãnh thổ và đã hình thành nên sự phong phú, đa dạng trong cách thờ phượng của Phật giáo. Phật giáo phân thân để hòa nhập nhưng nguyên thể không hai. Nói cách khác, phương pháp thờ Phật mọi miền tuy khác nhau nhưng biểu tượng và nghĩa lý không khác.

Miền Bắc từng được xem là nơi đón nhận Phật giáo sớm nhất và hiện nay vẫn còn lưu giữ được những mô hình thờ cúng cổ nhất. Thông qua bài viết của tác giả Tuệ Minh Đạo, quý độc giả sẽ có dịp hiểu được phần nào cách thờ cúng ấy. Tập san Pháp Luân xin trân trọng giới thiệu.

Ở Việt Nam ta, các chùa đều thờ Phật, thờ Tổ, có nơi còn thờ thêm Thánh. Nhờ Phật độ nên mỗi năm tôi về Việt Nam một lần, mà lần nào tôi cũng đi từ Nam ra Bắc. Hầu hết thời gian tôi đều dành cho việc đi tham quan các chùa, do đó tôi thấy cách bài trí các tượng Phật, Bồ-tát luôn luôn có công thức và ý nghĩa rõ ràng. Thế nhưng, vì xưa nay không có sách vở nào ghi chép cho tinh tường, do đó người ta mỗi khi bước chân vào chùa thì không phân biệt được pho tượng nào biểu trưng cho vị nào. Nay ta muốn biết rõ, trước hết phải phân biệt tượng thờ chư Phật, tượng thờ chư Bồ-tát. Dưới đây tôi chỉ giải thích vấn đề nêu trên, không giải thích về sự thờ Thánh của một số chùa ở Việt Nam.

Trong chánh điện thờ Phật, triết lý vô thường của Phật giáo được đặt lên hàng đầu thể hiện qua tam thân Phật là Pháp thân, Báo thân và Ứng thân. Cách bài trí các tượng Phật ở chánh điện theo đúng ý nghĩa ấy, cho nên ở lớp trên cùng là thờ Pháp thân Phật, tức là thờ thường trụ Phật ở trong vũ trụ. Ở lớp thứ hai thờ Báo thân Phật, tức là thờ thọ dụng trí tuệ Phật ở cõi Cực Lạc. Ở lớp thứ ba là thờ Ứng thân Phật, tức là thờ Phật đã hoá hiện ra xác thân ở trần thế. Lớp thứ 4 là lớp tượng Di lặc Bồ-tát và hai vị Phổ Hiền Bồ-tát và Văn thù Bồ-tát đứng hai bên, thường gọi là bộ tượng Di Đà Tam tôn. Lớp thứ năm trở xuống thường có tượng đức Phật tu khổ hạnh ở chân núi Tuyết Sơn, tượng đức Phật nhập Niết bàn và đức Phật đản sanh.

Vậy cách bài trí các tượng ở chánh điện từ trên xuống dưới theo thứ tự sau đây:

A) Tượng Tam thế Phật: Lớp trên cùng, ở chỗ giáp vách phía trong, có ba pho tượng để ngang một dãy, hình dáng giống nhau, tức là tượng “Thường trụ tam thế diệu pháp thân", người ta thường gọi tắt là tượng Tam thế Phật; nghĩa là Phật thường trụ, trong thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai.

B) Tượng Di-Đà tam tôn: Lớp thứ hai có ba pho tượng lớn, pho tượng ngồi giữa là pho tượng đức A Di Đà Phật, tức là Thọ dụng trí tuệ thân, pho tượng đứng bên tả là tượng đức Quan Thế Âm Bồ-tát, pho tượng đứng bên hữu là tượng đức Đại Thế Chí Bồ-tát. Đức Phật và hai Bồ-tát ấy ở Tây phương Cực Lạc, chủ việc cứu độ chúng sinh ở cõi Sa-bà qua cõi Cực Lạc.

C) Tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh: Lớp thứ ba có ba pho tượng lớn, pho tượng lớn ngồi giữa là tượng Thích-ca Mâu-ni Phật, tức là Ứng thân hay là biến hóa thân, giáng sinh xuống trần thế, tu thành chính quả và thuyết pháp độ chúng. Pho tượng ở bên phải, hoặc đứng trên tòa sen, hoặc ngồi trên con sư tử xanh là tượng Đức Văn-Thù Bồ-tát; pho tượng ở bên hữu, hoặc đứng trên tòa sen, hoặc ngồi trên con voi trắng là tượng Đức Phổ-Hiền Bồ-tát, theo thuyết nói trong Hoa Nghiêm kinh.

Ở lớp thứ ba ấy, có nhiều chùa thờ tượng đức Thích-ca Mâu-ni ngồi cầm hoa sen, như khi Ngài thuyết pháp ở núi Linh Thứu; bên tả là tượng Ca-Diếp Tôn giả, vẻ mặt già, bên hữu là tượng A-Nan-Đà Tôn giả, vẻ măt trẻ, là hai đại đệ tử của Đức Thích-ca khi Ngài còn ở thế-gian. Tượng hai vị Tôn giả ấy đều tạc đứng, mang hình dáng hai thầy tỳ-kheo.

D) Tượng Di Lặc: Lớp thứ tư, ở giữa là tượng Bồ-tát Di Lặc,vị Phật tương lai. Hai bên (nếu có) là hai vị Đại Bồ-tát Văn Thù và Phổ Hiền. Trong trường hợp này, ở lớp thứ ba, hai bên tượng đức Bổn sư không phải là hai vị Bồ-tát Văn Thù và Phổ Hiền nữa mà là hai vị đại đệ tử Ca-diếp và A-nan-đà.

E) Tượng Cửu Long: Lớp thứ năm có pho tượng Cửu Long để giữa. Tượng này theo điển tích nói khi đức Thích-ca Mâu-ni mới giáng sinh, có chín con rồng xuống phun nước cho Ngài tắm, đoạn Ngài đi bảy bước, tay tả chỉ lên trời, tay hữu chỉ xuống đất mà nói rằng: “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn - Trên trời, dưới đất, chỉ có ta là quí hơn cả”. Bởi vậy tượng Cửu-long làm chín con rồng vây bọc chung quanh một pho tượng nhỏ đang chỉ một tay lên trời một tay xuống đất, đó là tượng Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật lúc sơ sanh. Bên tả tượng Cửu Long có tượng Đế Thích ngồi ngai, mặc áo đội mũ Hoàng Đế, bên hữu có tượng Đại Phạm Thiên cùng một kiểu như pho tượng Đế Thích, đó là theo điển nói hai vị Đại Thiên Vương này chủ tể ở cõi sa-bà thế-giới và lúc nào cũng hộ trì đức Thích Ca khi Ngài chưa thành Phật.

Hệ thống tượng như trên thường có mặt ở trong hầu hết các chùa có quy mô nhỏ và vừa. Những chùa có quy mô lớn, thường có kiểu mặt bằng nội công ngoại quốc thì được bày thêm các lớp tượng sau:

F) Tượng Tứ Thiên Vương: Ở ngoài tượng Cửu Long để bốn pho tượng Tứ Thiên Vương mặc Vương phục, bày làm hai dãy đối nhau, tức là bốn vị hộ thế gian.

G) Tượng tứ Bồ-tát: Có chùa bỏ tượng Tứ Thiên Vương mà bày tượng bốn vị Bồ-tát, tạc hình Thiên thần gọi là Ái Bồ-tát, tay cầm cái tên; Sách Bồ-tát, tay cầm cái cây; Ngũ Bồ-tát, tay cầm cái lưỡi; Quyền Bồ-tát tay nắm lại và để vào ngực.

H) Tượng Kim Cương bát bộ: Có nhiều chùa tạc 8 vị Kim Cương, là thần tướng trên trời, thường gọi là Bát Bộ Kim Cương, gồm có:

1) Thanh Trừ Tài Kim Cương.
2) Tích Độc Thần Kim Cương.
3) Hoàng Tuỳ Cầu Kim Cương.
4) Bạch Tĩnh Thủy Kim Cương.
5) Xích Thanh Hoả Kim Cương.
6) Định Trừ Tai Kim Cương.
7) Tử Hiền Kim Cương.
8) Đại Thần Lực Kim Cương.

Bốn vị Bồ-tát và Tám vị Kim Cương này, theo điển tích ở trong các kinh thì có nhiều thuyết khác nhau, xong đại ý là nói những bậc thần đã phát Bồ-đề Tâm, đem thần lực mà hộ trì Phật Pháp.

Tuy nhiên, cách bố trí các tượng thờ không phải nhất nhất theo đúng bố cục trên, thực tế mỗi chùa tuỳ theo hoàn cảnh mà có sự sai khác, đó là chưa nói đến sự khác nhau giữa các miền Bắc-Trung-Nam. Miền bắc thờ thêm nhiều Thánh, hệ thống tượng thờ vì thế trở nên phức tạp; miền Trung nói chung là rất đơn giản và thuần tuý; miền Nam thì có sự gặp gỡ giữa các miền.

Tuệ Minh Đạo.
[Tập san Pháp Luân - số 8]