Chương trình Luật Tỳ-kheo này sẽ trải dài trong bốn năm, chia làm hai phần: Yết-ma và Giới bổn.
Theo thông lệ mùa an cư, học luật để duy trì trật tự đời sống trong Tăng đoàn. Vì vậy, chúng ta không nghiên cứu sâu mà chỉ nói những vấn đề lan man bên ngoài. Ngoài ở đây không phải sự đời, mà ngoài ở đây là nằm trong phạm vi của Luật, như việc dẫn Kinh, dẫn một vài sự tích hơi dài dòng một chút mà không thể cô đọng được.
Mục đích học luật
Cơ bản nhất, chúng ta phải hiểu rằng Tăng là gì? Tổ chức Tăng-già là gì? Hoặc khi người ta nói cộng đồng Tăng lữ, Giáo đoàn Tăng – đệ tử của Phật, thì chúng ta phải hiểu đó là một tổ chức như thế nào? Thí dụ, Phật có bốn chúng đệ tử chia làm hai chúng: Tại gia và xuất gia. Tại gia, chúng ta không nói đến tổ chức, nhưng xuất gia là một tập thể Tăng lữ thì phải có tổ chức. Quy tắc để tổ chức đó là Luật. Tất nhiên, luật là đặt ra cho phàm phu chứ không phải đặt ra cho bậc Thánh. Điều này được nói rất rõ trong kinh điển, nhất là trong các A-hàm và Nikaya.
Ý nghĩa chế luật
Sau khi Phật thành đạo, lần đầu tiên thuyết pháp cho năm vị Tỳ-kheo, Ngài không nói tới luật, cho đến khi độ các anh em Ya-xá cũng không nói tới luật. Phải một thời gian sau, khi chúng Tỳ-kheo đã đông, lúc đó mới bắt đầu có luật. Vì sao? Tại sao khi Phật chưa chế luật, thì chúng Tăng thanh tịnh hòa hợp và không có người phạm giới, nhưng càng đặt luật thì số người vi phạm càng đông? Phật nói rõ: Khi mà Chánh pháp được truyền bá rộng rãi, khi mà Quốc vương, Đại thần và các cư sĩ phú gia biết tới Phật pháp thì hữu lậu bắt đầu xen vào, nhiều người xuất gia vì mục đích y thực chứ không vì giải thoát. Song với ý nghĩa từ bi, Phật không bỏ ai cả, mà chỉ với điều kiện là khi xuất gia phải chấp hành đúng những gì Phật dạy, rồi từ đó huấn luyện. Luật được quy định để điều phục hạng người như vậy.
Nếu xét về tư cách của một tổ chức, khi gia nhập tổ chức mà không đúng với mục đích thì người đó không bao giờ được tổ chức chấp nhận cả. Nhưng vì ở đây, tất cả đều là phàm phu, chúng ta không biết ai là phàm, ai là Thánh, ai là thật, ai là giả, nhưng tin rằng giáo lý Phật cao siêu và thích hợp, nên người nào bước chân vào Thánh đạo chắc chắn sẽ được thay đổi; nếu không thay đổi được người xấu thành người tốt thì Phật pháp không có giá trị thiết thực. Cũng giống như người vào bệnh viện; với bất cứ bệnh gì, nếu bệnh viện giỏi thì thảy đều trị được. Tất nhiên cũng có người bệnh hết phương chữa trị, bệnh viện phải trả về. Trong đạo Phật cũng vậy, có những người không thể chấp trì giới luật xuất gia thì cũng phải đuổi về đời, không cho ở trong Tăng đoàn nữa. Vào bệnh viện mà bệnh không chữa trị được, hoặc bệnh nhẹ trở thành bệnh nặng, người không bệnh cũng thành bệnh luôn thì đó không phải là bệnh viện, bệnh viện đó không thể tồn tại. Phật pháp cũng vậy. Đây là điểm mà chúng ta phải lưu ý.
Khi ngài Xá-lợi-phất hỏi về tính cách tồn tại của Pháp và tại sao phải đặt luật thì được Phật trả lời: Phật pháp cũng giống như những đóa hoa rải rác, nếu không có luật xâu nó lại, chỉ cần một ngọn gió nhẹ cũng có thể thổi bay hết. Và Ngài đã kể chuyện về sáu vị Phật trong quá khứ; có những vị vừa thuyết pháp và vừa giảng cả luật để ràng buộc đời sống Tăng chúng nên cộng đồng Tăng lữ sống có trật tự, sau khi đức Phật ấy nhập Niết-bàn thì Chánh pháp tồn tại được lâu dài. Còn các vị Như Lai chỉ thuyết pháp mà không đặt luật nên Chánh pháp tồn tại không được bao lâu sau khi Phật nhập Niết-bàn. Xá-lợi-phất thỉnh cầu Như Lai chế luật, đức Phật trả lời rằng: “Hãy chờ! Như Lai sẽ biết thời.” Tức là Phật sẽ chế luật khi thích hợp. Đó là ý nghĩa và nguyên tắc chế luật: tùy phạm tùy chế.
Nguyên nhân chế luật
Trước khi hỏi rằng: “Luật là gì?” chúng ta đặt câu hỏi: “Tại sao có luật?”
Quan điểm phổ thông nhất là khi con người thành hình xã hội do một sự cố nào đó, hoặc là do đấu tranh với thiên nhiên, hoặc là tập hợp thành một cộng đồng để chống lại thú dữ, chống lại nạn lũ lụt; hay vì bất cứ một lý do gì để bảo vệ nhau mà con người cần phải hợp quần lại thành một khối hoặc 10 người, hoặc 20 người…, tức là gồm nhiều gia đình hợp lại. Khi tập hợp như vậy thì bắt buộc phải có những giao ước như ai làm việc gì và phải làm như thế nào, v.v…, gọi là phân công giao ước. Sự giao ước như vậy là cơ sở để hình thành chế độ luật pháp. Những giao ước xã hội nguyên thủy có thể nói là những hợp đồng giữa thần linh và loài người. Trong đó, thần linh có nhiệm vụ bảo vệ con người; đối lại, con người phải dâng phẩm vật hiến tế thần linh theo quy định. Nếu con người vi phạm hợp đồng thì thần linh trừng phạt. Trong những giai đoạn như vậy, khi hợp quần, bắt buộc phải có luật, và bầu cử người làm thủ lãnh để điều hành. Đây là khái niệm cơ bản nhất về sự xuất hiện của luật. Luật như vậy, chia làm hai phần: 1.-luật do tự nhiên hay do tập tục và 2.-luật thành văn.
1.- Luật do tự nhiên, do tập tục.
Trong thời kỳ săn bắt hái lượm, một nhóm người sống gần nhau, từng gia đình một, do huyết thống tạo thành một tập quán săn bắt hái lượm quan hệ với nhau; mối quan hệ này tạo thành một tập quán, và tập quán này tạo thành luật. Cộng đồng ngày càng một mở rộng ra thì tập quán ngày càng được củng cố và càng thêm chi tiết cho phù hợp với sự phát triển của cộng đồng. Luật này gọi là luật tập quán.
Chúng ta thấy rõ ngay hiện tại, một đám trẻ con chơi với nhau một lúc, rồi tự nhiên chúng đặt thành luật cho trò chơi. Nếu có người nào gian dối tức là vi phạm luật thì lúc đó có luật xử trị. Đây gọi là vi phạm luật cộng đồng, luật tập quán.
2.- Luật thành văn
Đây là luật do tập thể quy định. Thí dụ, do sự cố, đoàn người tập hợp lại để chống kẻ thù. Khi bầu người lên làm chỉ huy thì họ sẽ áp đặt luật lệ, nghĩa là, người lãnh đạo, chỉ huy sẽ đưa ra những nguyên tắc và mọi người phải tuân thủ những nguyên tắc đó, như sai người đi tới đâu, trấn thủ chỗ nào để chống lại kẻ thù, và trong tập thể mọi người phải quan hệ với nhau như thế nào. Có những luật đặt ra nhiều khi có tính cách tạm thời, tức là hết giai đoạn của người lãnh đạo này thì người khác lên thay và họ lại đặt ra luật lệ khác. Đây là luật thành văn trong từng quốc gia và thay đổi tùy theo triều đại hay chế độ. Luật tập quán, tức luật theo truyền thống, nhiều khi kéo dài cả mấy nghìn năm.
Quan hệ giữa người với người tạo thành một tập hợp văn minh. Xã hội tập hợp tạo thành nền văn minh thì bao giờ cũng có luật. Đó là những điểm cơ bản trong luật. Vị nào học chuyên luật thì nên đi sâu vào. Còn chúng ta mượn những khái niệm như vậy để hiểu luật của Phật.
Nguồn gốc Luật theo Phật giáo
Trong quan điểm của Phật giáo, luật có từ lúc nào và tại sao có luật? Trong các kinh điển khi nói về nguồn gốc của loài người và sự tiến hóa của loài người, có kinh Aggaññaa Sutta (Pali), Hán dịch tương đương là Khởi thế nhân bổn kinh (起世因本經). Kinh này nhiều bản dịch, nhiều tên khác nhau, ở đây không thể nói hết. Pali gọi là Aggañña, có chữ Agga là đệ nhứt, là tối sơ. Khởi thế nhân bổn là nói về nguồn gốc con người và xã hội con người.
Nói chung, tôn giáo nào cũng nói tới khởi nguyên của vũ trụ. Chúa sáng tạo ra vũ trụ bằng cách nào? Phật không nói đến khởi nguyên tối sơ của vũ trụ, vì tri thức hữu lậu hạn chế của chúng sanh không thể nhận thức được bản tế tối sơ của sanh tử. Nhưng khởi thủy của từng chu kỳ thì có. Đó là chu kỳ thành, trụ, hoại, không. Chuyện mà Kinh kể đây chỉ trong một chu kỳ nhỏ của một tiểu thế giới, chưa phải là một tiểu thiên thế giới. Nói cụ thể, đó là khởi thủy của quả đất này và sinh vật trong đó.
Chúng ta bắt đầu từ chỗ thế giới mới thành hình, không có gì cả, không có một sinh vật nào, chỉ là thế giới trống rỗng. Bấy giờ, có một chúng sanh trong cõi Quang Âm thiên, phi hành trong ánh sáng và sống bằng hỷ lạc. Sống trong ánh sáng và phi hành theo tốc độ ánh sáng, đó có thể là một loại vi sinh vật. Loại chúng sanh này khi bay ngang qua trái đất, bị mùi vị của trái đất hấp dẫn, nên đã nếm thử. Sau khi nếm mùi vị trái đất thì thân thể phì đại ra, không bay được nữa. Nghĩa là từ một vật thể gì đó ngoài trái đất, đã kết hợp với mùi vị của trái đất và từ đó sự sống bắt đầu phát sinh.
Sinh vật từ cõi Quang Âm thiên, sau khi bị hấp dẫn bởi mùi vị của trái đất, bị rớt xuống trái đất, rồi thân thể phì đại ra, trong này chưa nói thân thể nam hay nữ. Qua một thời gian sau, chúng sanh nào tham quá ăn nhiều, thân thể to lớn nhiều trở nên xấu hơn, còn người ăn ít thì thân thể đẹp, lúc bấy giờ sinh ra chuyện đố kỵ người này đẹp người kia xấu, và tự nhiên tham ái từ đó phát sinh.
Khi sinh vật sinh ra rồi tiêu thụ một “lớp đất”, mà Hán dịch gọi là “địa bính”, là bánh đất. Nhưng theo nghĩa Pali thì đây như là loại bánh được làm bằng sữa trộn với bột. Có thể nó là lớp vi khuẩn, hay lớp men gì đó của trái đất. Sau khi sinh vật này ăn rồi bài tiết ra; do quá trình phản ứng hóa học hay phản ứng sinh học đã tạo ra một loại mới. Về sau khi sinh vật phát triển nhiều, nó ăn hết lớp này rồi ăn qua lớp khác, cuối cùng cây cối bắt đầu phát sinh; đây là quá trình sinh trưởng hệ sinh vật và thực vật. Tới một giai đoạn nào đó thì loài người xuất hiện. Loài người sống riêng lẻ, hoặc từng nhóm nhỏ. Điểm này, trong Kinh có hạn chế, vì theo kiến thức phổ thông ngày nay khởi thủy của xã hội loài người từ săn bắt hái lượm, qua giai đoạn du mục, rồi tới định cư nông nghiệp, nhưng trong kinh Phật thì bắt đầu từ giai đoạn nông nghiệp là con người sống có lúa gạo liền.
Chúng ta bỏ qua xã hội du mục, xã hội tiền nguyên thủy, nói tới giai đoạn định cư. Tức là, Kinh bắt đầu từ chỗ lấy xã hội nông nghiệp định cư làm thí dụ. Trong này, thực sự khi từ thời kỳ du mục qua định cư định canh thì cơ bản có một hình thức tổ chức làng xóm đơn giản, thành xã hội rồi, nhưng đây là nối liền giữa hai thời kỳ tiền nguyên thủy và nguyên thủy; thành ra chúng ta hiểu là du canh, du cư cũng được, du mục cũng được, mà nông nghiệp cũng được. Kinh mô tả có tính cách gợi ý, như là mẫu quan sát, chứ không phải ghi chép hiện thực. Đại khái là giai đoạn này loài người sống chưa có tài sản gì hết và có một loại lúa gọi là lúa tự nhiên, không do cày xới, gieo trồng. Đây là loại thực vật gì chúng ta chưa thể xác định, được diễn tả rằng trong giai đoạn đầu con người không có tư hữu mà chỉ có cây cối trên rừng và con người tự hái lượm lấy mà ăn. Thực phẩm chỉ chung ở đây được diễn tả là lúa.
Một thời gian sau, có một chúng sanh nghĩ rằng: “Mỗi ngày mình đều đi cắt lúa về ăn, vậy tại sao, hôm nay mình không cắt gấp đôi, để hôm sau nghĩ được một ngày.” Như vậy, đầu tiên ý niệm tích lũy xuất hiện.
Tích lũy là gì? Có nghĩa là tăng gia sản phẩm để cất chứa, dùng cho ngày mai. Do quỹ thời gian con người có giới hạn, phân phối thế nào để bớt thời giờ lao động, có thêm thời giờ nhàn rỗi. Tóm lại, xã hội đầu tiên vốn chưa có tư hữu; tới một giai đoạn nào đó con người mới nghĩ tới tích lũy; từ tích lũy mà có ý niệm tư hữu. Từ ý niệm tư hữu dẫn đến cạnh tranh tranh nhau để chiếm hữu. Vì rằng tài sản thiên nhiên có giới hạn; mà chi tiêu của con người thì vô cùng. Do hạn chế đó, do sự giành giựt nhau, nên lúc bấy giờ mọi người thỏa thuận, quyết định phân chia vạch định giới hạn, cái này của anh, cái kia của tôi… Vậy là lần đầu tiên phân chia ranh giới và tư hữu bắt đầu xuất hiện: ruộng của tôi, vườn của tôi, tài sản của tôi. Có thỏa thuận, có giao ước, đó là nguồn gốc của luật.
Thời gian sau khi phân chia tư hữu thì ruộng ai nấy làm, đất ai nấy gieo, vì lúc bấy giờ lúa cũng không còn mọc tự nhiên nữa. Bấy giờ, có một số hoặc do làm biếng, hoặc do khả năng kém nên dù ruộng đất có rồi mà lúa thóc vẫn thiếu, không đủ sống nên bỏ sang chỗ khác lấy trộm; vậy là tội trộm cắp bắt đầu phát sinh. Từ đó, càng lúc càng phát sinh nhiều sự xấu khác. Bấy giờ, mọi người mới họp lại bàn cách phân xử bằng cách bầu ra một người đứng đầu để phân xử mà Pāli gọi là Mahāsammato (Mahāsammatarājā, Hán: Đại bình đẳng vương) tức người do đại chúng bầu. Mọi người đồng ý trích một phần thâu hoạch của mình để cho ông này dùng, không phải làm gì cả mà chỉ đi giám sát và phân xử những vụ tranh chấp. Đó là hình thức chính quyền đầu tiên, và cũng là hình thức nạp thuế đầu tiên, kể từ khi loài người tập quần thành xã hội. Người này về sau được gọi là “Vua” mà Pāli gọi là rājā, và được định nghĩa là dhammena pare rājeñti, “làm vui lòng những người khác một cách như pháp.” Vậy ông vua là người làm vui lòng. Vua chỉ là một trọng tài hòa giải, vì người được bầu là để hòa giải những tranh chấp xã hội.
Trong này có hai điểm: Thứ nhất là bầu lên chính quyền. Thứ hai là đóng thuế. Nói rõ hơn, đầu tiên vua là người dân thuê lên để phân xử chứ không phải làm chủ, nhưng về sau khi có quyền lực, có tiền của do tích lũy, bấy giờ chiếm hữu, xem tất cả đều là sở hữu của vua.
Như vậy, rõ ràng, trong Phật giáo từ đâu có luật? Đó là từ khi có xã hội loài người, có tích lũy, có tư hữu, thì có cạnh tranh và dẫn đến là có luật. Ý nghĩa mà Phật chế cho Tỳ-kheo - tổ chức Tăng-già, cũng cần được hiểu theo nguồn gốc lịch sử này.
(còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân 28, tr.28, 2006]