(PLO) Câu chuyện Rùa chỉ vì nghe lời bàn tán, không biết giữ gìn miệng lưỡi khi cần phải giữ gìn nên đã bị mất mạng.
Trong một lần trú tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), đức Thế Tôn đã kể câu chuyện này nhân sự kiện Câu-ca-lợi (Kokālika) gặp nạn do vì vấn đề nói năng gây ra.
***
Thuở xưa, khi vua Phạm Dự (Brahmadatta) trị vì Ba-la-nại (Benares), Bồ-tát thọ sanh làm con trai một vị đại thần. Đến tuổi trưởng thành, Ngài trở thành người cố vấn của vua trong mọi việc từ thế sự cho đến tâm linh. Bấy giờ, vị vua này là một người rất lắm lời. Mỗi khi ông đã nói thì không một người nào có cơ may mở miệng. Bồ-tát vì muốn ngăn chặn căn bệnh nói nhiều của vua nên luôn canh tìm một cơ hội.
Bấy giờ, ở vùng Tuyết sơn, có một con rùa sống tại một hồ nước nọ. Hai chàng ngỗng hoang trong khi đi kiếm thức ăn đã làm quen với rùa và rồi trở thành những người bạn thân thiết với nhau. Một ngày nọ, hai chàng ngỗng nói với rùa:
– Này bạn rùa, chúng tôi có một ngôi nhà xinh xắn nằm trong một cái hang Vàng ở trên cao nguyên Tâm Phong (Cittakūta) tại rặng Tuyết sơn! Bạn đến đó với chúng tôi nhé?
– Trời đất, làm sao tôi có thể đến đó được chứ? Rùa nói.
– Không sao cả! Chúng tôi sẽ đưa bạn đi, chỉ cần bạn ngậm miệng lại và đừng nói gì với ai cả.
– Vâng, tôi có thể làm được điều đó, xin hãy đưa tôi đi. Rùa nói.
Vậy là hai chàng ngỗng cho rùa ngậm chặt cây gậy giữa răng, còn chính chúng dùng miệng giữ hai đầu gậy và bay vào không trung.
Bọn trẻ trong làng nhìn thấy cảnh tượng này thì kêu lên:
– Xem kìa, có hai con ngỗng trời đang dùng một cây gậy để mang một con rùa!
(Vào lúc này, hai con ngỗng vì bay nhanh nên đã bay đến địa phận phía trên hoàng cung trong thành Ba-la-nại). Rùa muốn la lớn lên: “Thế đấy, nếu bạn của ta có mang ta đi thì việc đó có đá động gì đến tụi bây không hả lũ ranh con hèn hạ?” Rùa vừa nhả cây gậy ra định nói thì liền bị rơi xuống sân trống và vỡ thành hai mảnh. Người ta thấy vậy thì ồn ào lên:
– Hãy xem kìa, một con rùa rơi xuống sân và vỡ ra làm hai!
Nhà vua cùng với Bồ-tát và tất cả các triều thần đi đến nơi ấy. Và khi nhìn thấy con rùa, vua hỏi Bồ-tát:
– Thưa bậc hiền trí, tại sao con rùa này lại rơi xuống đây?
Bồ-tát nghĩ, “Bấy lâu nay ta muốn tìm cách khuyên bảo nhà vua nhưng không tìm được cơ hội, nay cơ hội đã đến. Không hồ nghi gì nữa, con rùa này và hai con ngỗng kết bạn thân với nhau. Ngỗng muốn mang rùa đến Tuyết sơn nên cho rùa cắn chặt cây gậy giữa răng và mang nó bay vào không trung. Sau đó, chắc rùa nghe một vài lời bàn tán gì đó, không thể giữ im miệng được, nó muốn nói nên tự nhả cây gậy ra, vì thế đã rơi từ trên không trung xuống và chịu chết như vậy.” Nghĩ vậy, Bồ-tát nói với nhà vua:
– Tâu đại vương, những ai lắm lời đến độ không giới hạn được việc nói năng của mình đều luôn dẫn đến tai họa như vậy.
Rồi Bồ-tát đọc lên những vần kệ sau:
Rùa kia muốn nói lớn
Dù cắn gậy giữa răng,
Bất chấp, nó vẫn nói
Chết không kịp trối trăng.
Như thế, tâu đại vương
Chứng cớ quá rõ ràng
Vậy hãy nói đúng thời
Vậy hãy nói khôn ngoan
Xem rùa kia lắm lời
Khiến phải bị mất mạng.
“Ông ta đang ám chỉ mình đấy!” Nhà vua nghĩ thầm rồi hỏi:
– Thưa bậc hiền trí, có phải khanh nói điều đó để ám chỉ trẫm không?
– Tâu Đại vương, dù đại vương hay là ai khác, nếu nói quá giới hạn đều phải chịu khổ đau như thế.
Bồ-tát đã trình bày vấn đề rõ ràng như vậy. Từ đó về sau, nhà vua kiềm chế việc nói năng của mình và trở thành một người ít lời.
***
Kết thúc pháp thoại, đức Thế Tôn nhận diện Tiền thân:
– Thuở đó, Câu-ca-lợi là con rùa, hai vị Tôn giả thượng thủ là hai chàng ngỗng rừng, A-nan là nhà vua, còn ta là người cố vấn của vua.
(Tiền thân Cacchapa, số 215, dịch từ bản tiếng Anh)
Lời bàn:
Lời nói giữ một vị trí quan trọng trong đời sống con người. Nhờ có lời nói, có ngôn ngữ mà vấn đề giao tiếp và thông tin của con người có được nhiều thuận tiện. Lời nói giúp người ta bày tỏ những suy nghĩ, hiểu biết, cảm xúc… của mình đối với người khác. Nó vừa là phương tiện để thông tin, nhưng cũng vừa là phương tiện để chia sẻ. Tuy nhiên, dù lời nói đóng một vai trò quan trọng như vậy trong đời sống, nhưng mỗi khi chúng ta lạm dụng nó, sử dụng nó không đúng lúc, không đúng cách thì nó có thể đem lại khổ đau, tai họa cho mình và cho người.
Câu chuyện Tiền thân trên đây cho ta thấy được điều đó. Rùa kia trong khi được hai chàng ngỗng đưa đến Tuyết sơn, chỉ vì nghe lời bàn tán của bọn trẻ, không biết giữ gìn miệng lưỡi khi cần phải giữ gìn nên đã bị mất mạng. Cũng như vua Ba-la-nại, chỉ vì quá lắm lời mà đã đem lại sự khó chịu cho người khác. Từ câu chuyện này, chúng ta suy rộng ra đời sống thực tế. Trong cuộc sống, có không ít trường hợp, chỉ vì lời nói mà đã đưa đến sự đỗ vỡ, đấu tranh, chỉ vì lời nói mà dẫn đến khổ đau phiền muộn. Theo Phật giáo, một lời nói đem lại an vui lợi ích là lời nói phải phát xuất từ tâm từ bi, lời nói phải luôn có sự kiểm soát của trí tuệ. Lời nói phát xuất từ tâm từ bi và có sự kiểm soát của trí tuệ sẽ không bao giờ là lời nói phi thời; không bao giờ là lời nói vô nghĩa, khoác lác, đại ngôn; không bao giờ là lời nói gây hận thù chia rẽ; không bao giờ là lời nói huyên thuyên bất chấp người nghe…
Vậy một người có hiểu biết, có trí tuệ là người luôn dùng lời chánh ngữ khi giao tiếp: chánh ngữ là lời nói chơn chánh, nói đúng sự thật, nói đúng lúc, nói hòa ái, nói điều đem lại lợi ích an vui cho mình và người. Ngoài thân và ý, miệng là một trong những cửa ngõ tạo ra nghiệp nhân. Chính vì vậy mà trong Đạo cũng như ngoài thế gian, khẩu ngữ luôn là điều được khuyến cáo là cần phải thận trọng, phải cân nhắc mỗi khi sử dụng, vì một lời phát ngôn không hợp lý, không đúng lúc… sẽ đưa đến những kết quả không tốt cho chính bản thân mình và cho người khác.
Câu chuyện với một nội dung đơn giản nhưng qua đó ta rút ra được bài học bổ ích: bài học về việc sử dụng lời nói.
Quang Sơn.
[Tập san Pháp Luân - số 15, tr.65, 2005]