Thiền Ba-la-mật

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Người tu tập thiền định khéo thâu nhiếp lòng mình, hết thảy loạn tưởng không cho quấy động.(TNTT)

Thế nào là tu tập thiền định?

Tu tập thiền định, nếu vì tự lợi, lợi tha và tự tha đều lợi, thiền định như thế mới trang nghiêm được đạo Bồ-đề. Bồ-tát sở dĩ tu tập thiền định là vì muốn điều phục chúng sanh, khiến chúng sanh xa lìa khổ não. Người tu tập thiền định khéo thâu nhiếp lòng mình, hết thảy loạn tưởng không cho quấy động. Đi đứng nằm ngồi, luôn luôn giữ gìn chánh niệm, ngược xuôi quán sát, từ đầu đến cổ, xương sống, cánh tay, ngực, bụng, hông, rún, bàng quang, bắp vế, đầu ống chân, gối, bàn chân, hơi thở ra vào, tuần tự rõ ràng không còn chao động. Như vậy gọi là Bồ-tát bắt đầu tu tập định tâm.

Nhờ tu định tâm nên không thọ các điều ác, mà tâm thì được thường vui vẻ; như vậy gọi là tự lợi. Giáo hóa chúng sanh, khiến chúng sanh tu tập chánh niệm; như vậy gọi là lợi tha. Đem pháp tam muội thanh tịnh đã lìa khỏi ác giác ác quán của mình đã tu tập được mà hóa độ chúng sanh, khiến chúng sanh cũng đồng được lợi như mình; như vậy gọi là tự tha đều lợi.

Nhân tu thiền định, thu hoạch được tám món giải thoát, cho đến Thủ lăng nghiêm, Kim cang tam muội; như vậy gọi là trang nghiêm đạo Bồ-đề.

Thiền định sanh ra là nhờ có ba pháp: một là văn huệ, hai là tư huệ, ba là tu huệ. Nhờ thực hành ba pháp ấy mà lần lần phát sanh hết thảy tam muội.

Thế nào gọi là Văn huệ?

Như đối với giáo pháp đã được nghe sanh tâm ưa thích. Lại phải như thế này: Tất cả các Phật pháp như vô ngại, giải thoát v.v... cần phải nghe nhiều mới được thành tựu. Có được quan niệm như thế thời bất cứ lúc nào cũng học chánh pháp, lòng mình cũng càng thêm tinh tấn, ngày đêm thường thích nghe chánh pháp, không khi nào nhàm chán. Như vậy gọi là Văn huệ.

Thế nào gọi là Tư huệ?

Suy nghĩ quan sát hết thảy các pháp đúng như thật tướng. Đúng như thật tướng nghĩa là các pháp hữu vi đều vô thường, khổ, không, vô ngã và bất tịnh. Chúng vốn niệm niệm sanh diệt, tồn tại không lâu và rất chóng hư hoại. Chúng sanh không biết như thế để lòng bị trói buộc trong yêu ghét cầu lo theo các pháp ấy, chỉ vì lửa tham, sân, si thiêu đốt khiến tăng trưởng thêm nhiều khổ não, chồng chất cho kiếp sống vị lai. Nếu biết được rằng các pháp hữu vi chỉ là huyễn hóa không có thật tánh, thời đối với bất cứ pháp hữu vi nào, lòng mình cũng sanh nhàm chán, xa lìa càng thêm tinh tấn và xu hướng về trí huệ Phật. Xu hướng về trí huệ Phật bằng cách tư duy: trí huệ ấy bất khả tư nghì không thể đo lường, trí huệ ấy có một đại thế lực không ai hơn nổi. Nhờ tư duy như thế mà tự xây dựng được cho mình một thành trì an ổn lớn lao, khiến tâm không lo sợ, không thối chuyển, lại cứu độ được vô lượng chúng sanh khổ não. Biết và thấy trí huệ Phật vô lượng như thế, thấy các pháp hữu vi vô lượng như thế, chí nguyện cầu vô thượng đại thừa mới càng phấn chấn thêm lên. Như vậy gọi là Tư huệ.

Thế nào gọi là Tu huệ?

Từ khi bắt đầu quán sát cho đến khi đạt được quả vị A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề , gọi là Tu huệ .

1. Bắt đầu xa lìa các pháp bất thiện về dục giới, còn có giác, có quán ly sanh hỷ lạc, đi vào định sơ thiền.

2. Diệt hết giác và quán, bên trong được tâm thanh tịnh duy nhất, không còn giác và quán nữa nhờ thiền định và hỷ lạc, tức đi vào định nhị thiền.

3. Muốn xa lìa tâm hỷ lạc thô trọng nên tu hành xả; thân tâm an hưởng niềm vui tế nhị không thể mô tả, các bậc Hiền thánh có nói ra cũng xả bỏ. Thường niệm thọ lạc, tức đi vào định tam thiền.

4. Đoạn hết khổ và lạc, trước hết phải diệt sạch niệm mừng và lo, không còn khổ, không còn lạc, tu theo niệm hành xả được thanh tịnh, tức đi vào định tứ thiền.

5. Vượt qua hết thảy sắc tướng; diệt trừ hết thảy các tướng đối đãi; không nhớ nghĩ hết thảy các tướng sai biệt; thấy được hư không vô biên, tức đi vào định sắc vô hư không.

6. Vượt qua hết thảy các tướng hư không, đến một cõi không còn thức nữa, tức đi vào định thức vô sắc.

7. Vượt qua hết thảy thức tướng, đến một cõi không còn sở hữu nữa, tức đi vào định vô sắc vô sở hữu.

8. Vượt lên một tầng qua các cõi vô sở hữu, đến một cõi không còn tưởng hay phi tưởng; an ổn trong cõi ấy tức đi vào định phi tưởng phi phi tưởng.

Trải qua các giai đoạn tu định trên đây, hành giả chỉ tùy thuận tu hành theo các pháp, tâm không đắm trước sự an vui của thiền định mà chỉ quyết cầu nguyện đạt đến vô thượng thừa để hoàn thành quả tối chánh giác. Như vậy gọi là Tu huệ.

Bồ-tát theo ba pháp Văn huệ, Tư huệ và Tu huệ mà tinh tấn điều nhiếp lòng mình, thời thành tựu được “Thông minh tam muội” tức là Thiền Ba la mật.

Lại nữa, Bồ-tát tu định còn phải thực hành thêm mười pháp không chung với hàng Thanh văn và Bích Chi Phật. Mười pháp ấy là những pháp nào?

1. Tu thiền định vì muốn đủ các thiền định của Phật trước hết phải dẹp bỏ ngã chấp riêng biệt.

2. Tu thiền định vì muốn xả bỏ tâm ô nhiễm, không cầu vui riêng cho mình nên không say đắm cảnh vui trong thiền định.

3. Tu thiền định vì muốn biết tâm hạnh của chúng sanh nên đầy đủ các hạnh nghiệp thần thông.

4. Tu thiền định vì muốn độ thoát chúng sanh nên cần phải biết tâm niệm của chúng sanh.

5. Tu thiền định vì muốn dứt trừ sự phiền não ràng buộc cho chúng sanh nên phải tu hạnh đại bi.

6. Tu thiền định vì muốn thiện xảo thấy biết sự nhập định, xuất định vượt ngoài tam giới, nên phải tu hết các thiền tam muội.

7. Tu thiền định vì muốn đầy đủ tất cả các thiện pháp, nên thường được tự tại.

8. Tu thiền định vì muốn thắng hơn các thiền tam muội của nhị thừa nên tâm thường vắng lặng.

9. Tu thiền định vì muốn thoát ngoài thế gian đến bờ cứu cánh nên thường trau dồi trí huệ.

10. Tu thiền định vì muốn hưng thạnh Tam bảo khiến không đoạn tuyệt, nên thường tuyên dương chánh pháp.

Mười loại thiền định như vậy, không chung cùng với hàng Thanh văn và Bích Chi Phật.

Lại nữa, để biết tâm phiền não của hết thảy chúng sanh cho nên tu tập các pháp thiền định, giúp thành tâm an trú, khiến thiền định ấy an trú trong tâm bình đẳng; vì thế nên gọi là Định.

Các loại thiền định bình đẳng như thế, thời bình đẳng với không, vô tướng, vô nguyện, vô tác. Không, vô tướng, vô nguyện, vô tác bình đẳng thời chúng sanh bình đẳng. Chúng sanh bình đẳng thời các pháp bình đẳng. Vào trong chỗ bình đẳng như thế cho nên gọi là Định.

Lại nữa, Bồ-tát tuy hành động thiệp thế nhưng không nhiễm theo đời. Bồ-tát bỏ đời bước vào chánh pháp, cắt đứt sợi dây trói buộc, xa lìa những cảnh huyên náo, ưa thích nơi vắng lặng. Tu hành thiền định như vậy, nên tâm Bồ-tát an ổn bình lặng, luôn luôn xa lìa mọi tác động phiền não của thế gian.

Lại nữa, Bồ-tát thiền định, có đầy đủ thông trí và phương tiện huệ.

Thế nào gọi là thông trí?

Hoặc được thấy sắc tướng, hoặc nghe được âm thanh, hoặc biết được tha tâm, hoặc nhớ được quá khứ, hoặc soi khắp được các thế giới chư Phật, như vậy gọi là Thông. Còn nếu biết sắc tướng tức là pháp tánh, nếu biết rõ âm thanh là do tác động của tâm, nếu thấu suốt tánh tướng đều tịch diệt, ba đời thảy bình đẳng, nếu rõ các cõi Phật đồng với tướng hư không mà không bao giờ thiên về diệt tận; như vậy gọi là Trí.

Thế nào gọi là phương tiện huệ?

Khi vào thiền định, khởi đại từ bi, không xả bỏ thệ nguyện, tâm rắn như kim cương, quán sát thế giới chư Phật trang nghiêm Bồ-đề đạo tràng; như vậy gọi là Phương tiện. Bấy giờ, tâm ấy vĩnh viễn vắng lặng, không còn tướng ngã và tướng chúng sanh, tư duy các pháp bản tánh vốn bất loạn, thấy thế giới chư Phật đồng với hư không, quán đạo tràng đồng với trang nghiêm đồng với tịch diệt; như vậy gọi là Huệ.

Các pháp tu như thế gọi là pháp tu thiền định thông trí và phương tiện sai biệt của Bồ-tát. Thực hành một loạt tất cả bốn việc ấy, tức là đã gần được A-nậu-đa-la Tam-miệu-Tam-bồ-đề.

Bồ-tát tu hành thiền định, vận dụng pháp bất động nên không còn sót lại các tâm. Như vậy tức là đã hoàn thành đầy đủ các pháp Thiền-na Ba-la-mật.

Tâm Như Trí Thủ.
[Tập san Pháp Luân - số 13, tr.27, 2005]