Thọ năm giới

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

(PLO) Sau khi đã nhận lãnh Tam quy y, người Phật tử tại gia nên thọ năm giới mà đức Phật đã phương tiện chế ra.

Sau khi người Phật tử tại gia đã nhận lãnh Tam quy y rồi, tất nhiên sau đó phải lãnh thọ năm điều giới cấm mà đức Phật đã phương tiện chế ra cho những người nam, nữ tại gia thọ trì để trở thành một vị Cư sĩ nam (Ưu-bà-tắc) và Cư sĩ nữ (Ưu-bà-di) của đức Phật.

Năm giới tiếng Sanskrit gọi là Pañca Śīlāni, chỉ cho năm giới điều cấm chế dành cho các nam nữ tại gia, hoàn thành chức năng làm một cận sự nam, cận sự nữ tại gia của Phật, trong việc giải thoát khổ sinh tử đạt đến an vui Niết-bàn. Chúng ta có thể phân ra làm ba loại:

I - Năm điều giới cấm, còn gọi Ưu-bà-tắc ngũ giới, hay là Ưu-bà-tắc giới, dành cho các nam nữ tại gia thọ trì, theo các kinh: Tạp A Hàm 33, Tăng Nhất A Hàm 20, Tỳ-ni Mẫu 1, Nhân vương Hộ quốc Bát-nhã sớ 2, và các luận Đại Trí Độ 13, Tát-bà-đa Tỳ-bà-sa 1, Câu Xá 14, cùng phần thượng của Ma-ha Chỉ quán 6 thì có:

1/ Sát sinh,
2/ Trộm cắp (không cho mà lấy),
3/ Tà dâm (phạm vào chức năng làm vợ làm chồng của mình),
4/ Vọng ngữ (lời nói hư dối),
5/ Uống rượu.

Theo Kinh lượng bộ Tiểu thừa thì, chỉ cần thọ Tam quy y tức thành Ưu-bà-tắc, và cho phép các vị nam nữ tại gia tùy theo khả năng của mỗi người mà có thể phân biệt năm giới và, theo khả năng đó mà phát nguyện thọ trì; còn theo Nhất thiết hữu bộ thì, trước hết cần phải thọ Tam quy y, sau đó mới thọ đủ năm giới mới gọi là Ưu-bà-tắc, cho nên không cho phép phân chia năm giới ra và theo khả năng của mỗi người mà nhận lãnh giới mình có thể phát nguyện thọ trì.

Trong năm giới thì, bốn giới trước thuộc về tánh giới (giới này dù Phật có ra đời hay không ra đời, có chế giới hay không chế giới thì, giới này vẫn có giá trị phổ quát, ai làm tức là phạm), còn một giới sau thuộc về giá giới (Giới này là giới chế ra để ngăm cấm những người đã phát nguyện thọ trì nó, nếu ai làm thì phạm, còn ai không phát nguyện thọ trì thì không chịu sự lệ thuộc của giới này, và không phạm). Và cũng trong năm giới này ba giới đầu dùng để phòng thân, giới thứ tư dùng phòng khẩu (miệng), giới thứ năm thông cho việc phòng thân và khẩu.

II – Năm điều giới cấm, cũng dành cho nam nữ tại gia thọ trì theo các kinh Quán đảnh 1, Ưu-bà-tắc Ngũ giới Oai nghi kinh, cùng Tứ Thiên vương kinh thì có:

1/ Sát sinh,
2/ Trộm cắp,
3/ Tà dâm,
4/ Lưỡng thiệt, Ác khẩu, Vọng ngôn, Ỷ ngữ.
5/ Uống rượu.

Trong năm giới này, giới thứ tư gồm thâu mọi ác nghiệp của miệng (khẩu) rút ra từ trong thuyết thập ác.

III - Năm điều giới cấm, dành cho Bồ-tát tại gia thọ trì theo các kinh Đại Nhựt 6, Thọ phương tiện học xứ, Đại Nhựt kinh sớ 18, thì hoàn toàn cấm tuyệt gồm có:

1/ Đoạt sinh mạng,
2/ Không cho mà lấy,
3/ Nói lời hư dối,
4/ Dục tà hạnh,
5/ Tà kiến.

Đối với năm giới trên, bốn giới đầu theo vị trí sắp xếp thì giới 3 và 4 có sự hoán cải nhau vị trí, nhưng về ý nghĩa giới điều không có gì chống trái, chỉ trừ giới thứ 5 là uống rượu ở đây thay vào giới tà kiến. Tham chiếu thêm các kinh Tạp A Hàm 31, Tăng Nhất A Hàm 7, Ưu-bà-tắc giới 6, Ưu-bà-tắc ngũ giới tướng, và luận Du-già Sư Địa 54.

Đó là ba loại được các kinh các bộ luận đề cập về Ngũ giới. Về hai loại trên tuy trên mặt hình thức giới thứ 4 là vọng ngữ thuộc về miệng; nhưng dù có thêm vào ác khẩu, lưỡng thiệt, ỷ ngữ hay vọng ngôn đi nữa, thì chúng cũng không ngoài ý nghĩa của nói dối. Do đó không có gì sai biệt trong ý tưởng. Chỉ có loại thứ ba của giới thứ năm thì, hai loại trên cùng là uống rượu; ở đây thay vào đó là tà kiến. Có lẽ ở đây chúng được thay vào như vậy là do đối tượng thọ trì là Cư sĩ Bồ-tát chứ không phải cư sĩ thường nên sự thay đổi này không làm mất đi nền tảng đưa đến giải thoát của những hành giả thọ trì. Hơn nữa giới thứ năm chỉ là giá giới, chứ không phải tánh giới thuộc về giới nền tảng, nên việc thay đổi ở đây không có gì phạm sai lầm, mà chỉ thay đổi theo đối tượng thọ trì trong chức năng đối trị căn cơ hành giả mà thôi.

Tóm lại, chúng ta ai muốn trở thành một Phật tử đúng nghĩa của nó, có nghĩa là chúng ta muốn đạt được địa vị như Ngài thì, cũng phải giải thoát cái khổ của thế gian để đạt an vui Niết-bàn tự tại như Ngài. Đó là con đường từ phàm lên Thánh, con đường từ khổ đến vui, chúng được trang bị nền tảng bằng ba vô lậu học Giới-Định-Tuệ. Vì Tam bảo có liên hệ đến căn nguyên thoát khổ của con người nên, người đời muốn thoát khổ thì phải quay về nương tựa nơi Tam bảo và thọ trì năm điều cấm giới để nhờ đó mà chúng ta có định sinh ra và, nhờ có định mà chúng ta phát sinh trí tuệ chứng đắc Niết-bàn an vui giải thoát như đức Phật.

Thích Đức Thắng.
[Tập san Pháp Luân - số 3]