Ba học

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Hành giả học Phật điều kiện đủ là phải học qua ba học Giới-Định-Tuệ để từ đó hiểu được cốt lõi của sự thực hành tu tập phải đặt nền tảng căn bản từ đâu mà thanh tịnh hóa ba nghiệp thân-khẩu-ý, đưa đến giải thoát tất cả phiền não và đạt an vui tịch tĩnh trong cuộc sống? Ba học này còn gọi là ba thắng học; vì nếu hành giả áp dụng ba học này trong tu tập thì chúng sẽ thắng tất cả phiền não nghiệp có được từ trong vô lượng kiếp chúng ta đã tạo ra nhờ vào việc áp dụng ba học này.

- Cái học thứ nhất về Giới cho chúng ta biết rằng, Giới có khả năng ngăn ngừa, phòng bị, đình chỉ các tác nghiệp ác do thân-khẩu-ý sinh ra và nó cũng có khả năng làm tăng trưởng nghiệp thiện cho hành giả trong khi tu tập Giới. Vì vậy cho nên, đức Đạo sư gọi giới là giới học, Tăng giới học (adhiśīla) hay còn gọi là tăng thượng giới học. 

- Cái học thứ hai về Định cho chúng ta biết rằng, Định có khả năng thâu nhiếp mọi tán loạn, lắng sạch tinh thần, loại trừ các tạp niệm; nhờ đó mà hành giả thấy thật tánh ngộ đạo. Vì vậy nên, đức Đạo sư gọi là Định học, hay tăng Tâm học (adhicitta), còn gọi Định là tăng ý học, tăng thượng ý học, hay tăng thượng tâm học. 

- Cái học thứ ba về Tuệ, cho chúng ta biết rằng, Tuệ có khả năng hiển bày bản tánh, đoạn trừ phiền não, thấy được thật tướng của chư Phật. Vì vậy nên đức Đạo sư gọi Tuệ là tăng Tuệ học (adhiprajñā), hay còn gọi là tăng thượng Tuệ học. 

Tiếp theo, chúng tôi sẽ y cứ vào kinh luận để lý giải nội dung cùng ý nghĩa của ba học Giới-Định-Tuệ. Tùy thuộc vào thuộc tính của từng đối tượng mà sự giải thích từng phạm trù của chúng một cách rõ ràng hơn.

I – GIỚI, Sanskrit gọi là Śīla (Pāli: Sīla) dịch âm là Thi-la; ý chỉ cho hành vi, tập quán, tánh cách, đạo đức, cung kính, là một trong Ba học, là một trong Sáu Ba-la-mật hay, là một trong Mười Ba-la-mật. Đó là ý nghĩa được tóm lược ngắn gọn, giúp cho hành giả chúng ta dễ nắm bắt. Còn đứng về mặt ý nghĩa rộng, thì mọi thói quen tập quán thiện ác, đều được gọi là Giới cả, như thói quen tập quán tốt thì gọi là thiện giới hay còn gọi là luật nghi thiện, còn thói quen tập quán đưa đến phá hoại thì gọi là ác giới hay còn gọi là luật nghi ác. Ở đây, thiện giới còn gọi là tịnh giới, đặc chỉ cho giới qui được chế định cho hai giới xuất gia và tại gia đệ tử của đức Đạo sư. Với công dụng và mục đích của giới quy chế định này là đề phòng những điều phi pháp, đình chỉ những tạo tác ác của thân-khẩu-ý. Theo Bồ-đề tư lương luận 1 thì Thi-la cũng có sự tiếp cận với mười nghĩa như bản tánh, thanh lương, an ổn, an tịnh, tịch diệt, đoan nghiêm, tịnh khiết và tán thán. Trong mười nghĩa này, từ thanh lương trở xuống, là giải thích trở lại tịnh giới. Giới là cơ sở thực tiễn của đạo Phật, nên nó kết hợp với Định học, Tuệ học gọi là Ba học. Hơn nữa, Giới là một trong năm phần pháp thân (giới thân, định thân, tuệ thân, giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân); ở đây gọi là Giới thân, giới phẩm, hay giới uẩn (tức chỉ cho nghiệp thân-khẩu vô lậu). Đồng thời theo Phật giáo Đại thừa, Giới cũng là một trong Sáu Ba-la-mật, Mười Ba-la-mật, gọi là Giới Ba-la-mật. 

Trong thời kỳ đức Đạo sư còn tại thế, Giới chỉ được đem áp dụng tu tập sau khi Ngài thành đạo năm năm; tức là năm năm đầu của thời kỳ hoằng hóa khi mà các đệ tử xuất gia cũng như tại gia của Ngài càng ngày càng trở nên đông đảo, mọi sinh hoạt được biểu hiện qua thân-khẩu của các vị đệ tử nhất là phái xuất gia trở nên phức tạp, khi đó Ngài mới bắt đầu căn cứ vào những tùy phạm mà chế ra Giới, theo thuật ngữ chuyên môn gọi là “Tùy phạm tùy chế”. Còn trước đó, trong vòng năm năm đầu, Tăng chưa đông lắm, hơn nữa thời gian này Tăng sống theo nếp sống “vô sự”, mọi tác nghiệp ác chưa xảy ra nên vấn đề chế giới không được đức Đạo sư đặt ra. Tăng lúc này chỉ sống theo một bài kệ được đức Đạo sư giáo giới với tinh thần khuyến khích nhắc nhở nỗ lực cá nhân trong việc thực hành:

“Các điều ác chớ làm
Các điều lành nên làm
Tự trong sạch ý mình
Đó lời chư Phật dạy.”
(Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo).

Bài kệ này được gọi là Giới Kinh. Các Tỳ-kheo vô sự chỉ nỗ lực thực hành đúng bài kệ này thì coi như ba nghiệp thân-khẩu-ý thanh tịnh, cộng với nếp sống theo pháp Lục hòa nữa nên cuộc sống của Tăng đoàn vào lúc đó luôn thể hiện được mọi sự an lạc trong cuộc sống hay còn gọi là nếp sống “Vô sự”. Đó là nếp sống không có Giới và chưa có luật lệ nào quy định ràng buộc Tăng đoàn. Vì vậy trong thời gian này, giới và luật không được đức Đạo sư đặt thành vấn đề cho cuộc sống. Nhưng kể từ khi chúng xuất gia của Ngài càng ngày càng đông, nếp sống sinh hoạt Tăng chúng trở nên phức tạp, Tăng đoàn Tỳ-kheo bắt đầu phát sinh nếp sống “hữu sự” hay còn gọi là “đa sự”, pháp hữu lậu hiện hữu thì lúc ấy, pháp tùy phạm tùy chế bắt đầu có mặt trong cuộc sống của Tăng đoàn cho cá nhân và tập thể hoàn thiện việc thanh tịnh ba nghiệp thân-khẩu-ý của mình. Đây là giai đoạn bắt đầu cho sự xuất hiện sự khác nhau giữa Giới và Luật được thể hiện qua nếp sống cá nhân và cộng đồng. Giới bảo vệ mọi hành vi cá nhân do thân-khẩu lúc nào cũng trở nên trong sạch trong việc hoàn thiện ba nghiệp cho mỗi người, trong khi Luật là những phép tắc quy định trong việc xử trị và điều hòa cuộc sống sinh hoạt tập thể của chúng Tăng theo một quy củ được đặt ra như các phương pháp Yết-ma, An cư, Bố-tát, Tự tứ, thuyết giới, trị phạt… mà mục đích của nó là làm nhân duyên để hoàn thiện cuộc sống sinh hoạt của tập thể chúng Tăng đem lại an vui lợi lạc cho tập thể. 

Theo các nhà Tiểu thừa, có sự khác nhau về giới nam, nữ dành cho hai hàng xuất gia và tại gia như đức Phật đã chế định ra năm giới, tám giới, mười giới, cụ túc giới dành cho hai hàng xuất và tại gia thuộc Tiểu thừa. Còn bên các nhà Đại thừa tuy vẫn áp dụng giới luật của Tiểu thừa trong sinh hoạt tu tập của mình, có cộng thêm Giới Bồ-tát của riêng họ, nhưng giới luật của Tiểu thừa vẫn là pháp tu chính cho các nhà Đại thừa về Luật tạng. Trong phần Giới, đức Đạo sư chia ra làm hai loại: Một là Tánh giới, hai là Già giới. Về Tánh giới, Ngài y cứ vào bản chất của tội nếu là tội ác thì cái tội đó thuộc về Tánh tội và để đối trị lại Tánh tội này đức Phật dùng Tánh giới để ngăn ngừa; ngược lại nếu bản chất của nó chẳng phải là tội ác, nhưng chúng khiến cho mọi người bài báng, hoặc khiến cho tánh tội người khác khởi lên thì gọi là già giới. Còn nếu ai phạm vào tội ác của già giới thì cũng gọi là già tội.

Như vậy, Tánh giới và Già giới theo sự phân chia của năm giới, tám giới, mười giới, hai trăm năm mươi giới của Tỳ-kheo và ba trăm bốn mươi tám giới của Tỳ-kheo Ni thì giới của bảy chúng đệ tử đức Phật đều có mặt của bốn giới thuộc về Tánh giới đó là: Giới sát sinh, giới trộm cắp, giới dâm dật (tà dâm), giới vọng ngữ, đều thuộc về Tánh giới. Ngoài bốn giới này ra tất cả đều thuộc Già giới. Ở đây chỉ có giới của Tỳ-kheo-ni lên đến Tám giới thuộc về Tánh giới và Bồ-tát giới có mười Tánh giới và 48 Già giới. Nhưng nói chung, bảy chúng đệ tử của đức Phật đều có chung cơ bản bốn giới này. Bốn giới này theo đức Đạo sư thì dù Phật ra đời có chế giới hay không chế giới, chúng luôn luôn vẫn là Tánh giới hay còn gọi là trọng giới, hay chủ giới. 

(còn nữa)

[Tập San Pháp Luân.31.Tr,3.2006]