Ba học

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

3. Mười giới: Đây là giới dành cho nam và nữ xuất gia, ra khỏi nhà thế tục, từ biệt những người thân, cắt đứt mọi liên hệ tình cảm (ái) đối với người thân, tuổi không quá hai mươi, còn gọi là mười giới Sa-di, Sa-di-ni, hay còn gọi là Cần sách luật nghi (cho nam) và Cần sách nữ luật nghi (cho nữ). Về nội dung của mười giới này được liệt kê như sau: 1/ Không giết hại sinh mạng. 2/ Không trộm cắp. 3/ Không dâm dục. 4/ Không nói dối. 5/ Không uống rượu. 6/ Không thoa hương, trang sức tràng hoa. 7/ Không ca múa xem nghe. 8/ Không ngồi nằm giường cao rộng lớn. 9/ Không ăn phi thời. 10/ Không chứa của báu vàng bạc. 

Trong mười giới này, đặc biệt là năm giới sau dành riêng cho Sa-di và Sa-di-ni, còn năm giới đầu cũng giống như năm giới của nam nữ cư sĩ tại gia. Mười giới này cũng giống như Bát trai giới, năm giới đầu tất cả đều giống nhau, dành chung cho cả xuất gia và tại gia, nhưng đặc biệt ở giới thứ ba trong năm giới thì giới này khác nhau. Tại gia thì chỉ giới hạn trong việc vợ chồng không cho vượt qua giới hạn nên gọi là không tà dâm, trong khi giới này dành cho Bát trai giới và nam nữ xuất gia thì hoàn toàn nghiêm cấm không cho phạm phải vào giới dâm dục cho nên được gọi là Không được dâm dục.

4. Lục pháp giới: Giới sáu pháp này chỉ đặc biệt dành riêng cho các vị Sa-di-ni trước khi thọ giới Cụ túc (giới Tỳ-kheo-ni), thời gian phải tuân giữ sáu pháp này là hai năm, nên còn gọi là học pháp nữ, học giới nữ, chánh học nữ, được dịch nghĩa từ Śikṣamāṇā tiếng Phạn, dịch âm là Thức-xoa-ma-na. Một vị Thức-xoa-ma-na, ngoài bốn giới trọng căn bản là giới dâm, giới sát, giới đạo (trộm cắp) và giới đại vọng ngữ ra, còn cần phải vâng giữ sáu pháp. Theo Tứ phần luật 27, thì nội dung của sáu pháp được ghi như sau: 1/ Giới nhiễm tâm tương xúc (Không vì tâm ái dục mà xúc chạm vào thân người nam). 2/ Giới đạo nhơn tứ tiền (Không được trộm bốn tiền của người trở xuống, trộm bốn tiền trở xuống là giới khuyết rất nặng đối với người mới thọ giới; nếu trộm năm tiền trở lên thì sẽ bị mặc tẫn (bị trục xuất). 3/ Giới đoạn súc sinh mạng (tức là không được giết hại mạng sống của các loài vật). 4/ Giới tiểu vọng ngữ (Không được nói dối về tất cả mọi việc đối với mọi người, không phải là đại vọng ngữ). 5/ Giới phi thời thực (Không được ăn không đúng giờ). 6/ Giới ẩm tửu (Không được uống rượu). Đây là sáu pháp theo luật Tứ phần. Nhưng theo Thập tụng luật thì sáu pháp được liệt kê như sau: dâm dục, thâu đoạt (trộm cướp), sát sinh, vọng ngữ, ma xúc nam tử khỏa thân (đụng chạm rờ mó thân trần của nữ, nam), tróc nam tử chi thủ dữ y nhi cộng ngữ (nắm tay và áo người nam cùng nói chuyện). Về mặt nội dung ý nghĩa thì không có sự sai khác, nhưng về mặt hình thức sắp xếp và thuật ngữ thì có sự sai khác. Riêng theo Ma-ha Tăng-kỳ luật thì ghi có mười tám việc (Thập bát sự) chứ không ghi là sáu pháp giới như các bộ khác như ở trên cũng như luật của Hữu bộ.

5. Cụ túc giới: Phạn ngữ gọi là upasaṃpanna hay upasaṃpadā, theo nguyên ngữ của nó là chỉ cho những người thân cận ở bên chân Thế Tôn, hoặc những ai tham gia vào giáo đoàn, trở thành đệ tử của Ngài trong khoảng thời gian năm năm đầu.  Upasaṃpanna dịch sát nghĩa là tiến đến chỗ hoàn toàn, hay gần tròn đầy, nên cũng được giải thích là “Cận Niết-bàn”. Nhưng về sau, khi giáo đoàn đông, sinh ra nhiều “hữu sự” phức tạp, Ngài mới bắt đầu chế giới để cho các đệ tử của Ngài thọ trì, làm thanh tịnh hóa ba nghiệp tùy theo căn cơ hoàn cảnh mà có năm giới, mười giới chưa đầy đủ và hoàn chỉnh cho vấn đề giải thoát, chỉ dành cho tại gia và những ai tập sự xuất gia chưa chính thức vào Tăng đoàn. Để chính thức gia nhập Tăng đoàn lúc này những vị xuất gia theo Ngài cần phải thọ trì giới cấm đầy đủ hơn, viên mãn hơn nên Ngài đã theo tướng phạm hữu sự của các nam nữ xuất gia mà chế ra Cụ túc giới. Giới cụ túc này còn gọi là Cụ giới, Tiến cụ giới, Cận viên giới, Đại giới. Đây là giới dành riêng cho nam nữ xuất gia sau khi đã tác pháp yết-ma lãnh thọ giới Tỳ-kheo (Tỳ-kheo luật nghi) và Tỳ-kheo-ni (Tỳ-kheo-ni luật nghi). Giới cụ túc được phân ra thành hai, tùy thuộc vào giới tính của nam và nữ nên giới điều theo đó mà có phần khác nhau trong số giới điều. Nhưng trên đại thể, Tánh giới và Giá giới vẫn giống nhau dành cho Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Về nội dung của giới điều thì Tỳ-kheo có 250 giới và Tỳ-kheo-ni có 348 giới. Sự chênh lệch số giới điều ở đây tùy thuộc vào giới tính đã thể hiện trong cuộc sống của vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni nên đức Phật căn cứ vào tướng phạm của họ mà chế giới. Do đó, chúng ta không thể căn cứ vào giới tướng nhiều và ít này mà kết luận rằng đức Phật đã thiên vị, hay không công bằng giữa nam và nữ. 

Theo Tứ phần luật thì 250 giới tướng Tỳ-kheo và 348 giới tướng Tỳ-kheo-ni này được chia ra là Năm thiên Bảy tụ: 

Năm thiên gồm: Một, Ba-la-di thiên. Hai, Tăng tàn thiên. Ba, Ba-dật-đề thiên. Bốn, Ba-la-đề-đề-xá-ni thiên. Năm, Đột-kiết-la thiên. Trong năm thiên này thêm Thâu-lan-giá thì gọi là lục tụ. Thâu-lan-giá là tội làm chướng ngại rất lớn đối với con đường đưa đến thiện đạo; tức là giữa hai tội Ba-la-di và Tăng tàn, nhưng chúng chưa hội đủ điều kiện để phạm vào hai tội này, nên đức Đạo sư liệt kê vào Thâu-lan-giá. Và cũng trong năm thiên trên, trong thiên thứ năm là Đột-kiết-la phát sinh ra tội Ác thuyết nên gọi nó là Tụ thứ bảy. Vì tội Đột-kiết-la chỉ được giới hạn do thân tạo ra nên gọi là Ác tác, còn lời nói tạo ra tội thì chưa được đề cập đến nên tội do lời nói tạo ra thì được thêm vào và gọi nó là Ác thuyết. Như vậy, Thất tụ có được chỉ là một sự bổ túc thêm từ sự khiếm khuyết của năm thiên mà ra. Vậy, Năm thiên này chúng ta cũng có thể gọi là năm Tụ cũng được.

Như vậy, đức Phật chế giới nhằm vào hai mục đích là phòng phi chỉ ác (cấm kị những việc làm phi pháp và đình chỉ, không tạo ra các việc ác) và, nỗ lực hành thiện, như ý nghĩa nội dung bài kệ thông Giới kinh “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành…” mà bảy đức Phật quá khứ đã từng dạy và nay đức Đạo sư cũng đem dạy lại cho các Tỳ-kheo vô sự của mình, sau khi Ngài thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bài kệ thông Giới kinh này được áp dụng trong vòng năm năm đầu khi Ngài chưa chế giới. Căn cứ theo đó, chúng ta có hai cách giải thích về giới: Một là ‘chỉ trì giới’. Ở đây theo nghĩa tiêu cực mà nói thì giới có nghĩa là phòng ác. Hai là ‘tác trì giới’. Ở đây theo nghĩa tích cực mà nói thì giới có nghĩa là hành thiện. Theo Quảng luật (chỉ cho tất cả các bộ Luật trong Luật tạng) mà nói thì năm thiên, bảy tụ thuộc chỉ trì giới, còn các phần Kiền độ thì thuộc phần tác trì giới. 

Ngoài ra, luận Du-già Sư Địa 40 đề cập thì có ba tụ tịnh giới có thể đại biểu cho Đại thừa Bồ-tát giới, đó là: Một, Nhiếp luật nghi giới, tức là tuân thủ những gì Phật đã chế về việc phòng chỉ mọi lỗi lầm. Hai, Nhiếp thiện pháp giới, chỉ có sự tấn tu trong việc hành thiện cho mình. Ba, Nhiêu ích hữu tình giới hay còn gọi là nhiếp chúng sanh giới, đây là việc làm lợi người như giáo hóa chúng sanh khiến cho họ được nhiều lợi ích. Nhưng theo Đồng luận 42 thì Bồ-tát giữ sáu loại giới: Hồi hướng giới, Quảng bác giới, Vô tội hoan hỷ xứ giới, Hằng thường giới, Kiên cố giới, Thi-la trang nghiêm cụ tướng giới. Đó là Bồ-tát giới của Đại thừa giáo, còn gọi là Trì giới Ba-la-mật. 

Ngoài những giới dành cho tại gia, xuất gia chưa chính thức vào Tăng đoàn của Sa-di, Sa-di-ni và Thức-xoa-ma-na ra thì giới của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni thuộc giới Thinh Văn của Tiểu thừa giáo và giới Bồ-tát thuộc Đại thừa giáo có sự đồng dị trên mặt ý nghĩa của chúng. Theo giới luật của Thinh văn thì ý nghĩa của nó không ngoài thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý cho chính bản thân mỗi cá nhân trong vấn đề tự lợi còn vấn đề lợi tha họ không để ý đến; trong khi giới Bồ-tát kể cả xuất gia và tại gia, cả hai đều được áp dụng một cách đồng loạt trong việc tự lợi và lợi tha. Đó là nét đặc trưng của Đại thừa giới. Thật ra, đây cũng chỉ là để phù hợp và thích ứng căn cơ, nguyện lực của hành giả mà thôi. Như Đại trí độ luận 46 nói thì Giới Ba-la-mật là tổng nhiếp tất cả các pháp, mà Thập thiện là giới tổng tướng (tánh giới), còn tất cả vô lượng giới khác đều là giới biệt tướng (Giá giới). Theo kinh Phạm Võng, luật điển của Đại thừa thì năm mươi tám giới của Bồ-tát: Mười giới trọng đầu gọi là mười trọng cấm thuộc tánh giới, còn gọi là mười trọng cấm giới, mười vô tận giới, hay mười trọng Ba-la-đề-mộc-xoa, hay mười Ba-la-di, mười giới không thể hối và bốn mươi tám giới khinh sau cùng gọi là      khinh giới, thuộc khinh tội của giá giới dành chung cho các vị nam nữ tại gia và xuất gia. 

(còn tiếp)

[Tập San Pháp Luân.33.Tr,3.2006]