Ba học

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

II- ĐỊNH, Sanskrit gọi là Samādhi (Pāli: Samādhi), dịch âm là tam-ma-địa, có nghĩa là thiền định, tức là chuyên tâm chăm chú vào một đối tượng nào đó mà tinh thần chúng ta không bị chi phối bởi bất cứ một tác động nào khác ngoài đối tượng đó, hoặc là chỉ cho trạng thái ngưng đọng tĩnh lặng.

Ngược lại với những trạng thái này thì chúng ta gọi là tâm bị tán loạn hay gọi là định tán. Theo Câu Xá tông và Duy thức tông thì định là một trong những tâm sở. Câu Xá tông lấy nó làm một trong mười đại địa pháp, còn Duy thức tông lấy nó làm một trong năm biệt cảnh. Đây là một trạng thái tinh thần đặc thù có được khi hành giả tu hành khiến tâm không bị tán loạn, mà chúng ta khi tiến đến cảnh này theo tuần tự có những sai biệt, nhưng dù có sự sai biệt theo sự ổn định của tâm, chúng vẫn được gọi chung là định. Lại nữa nhờ vào chỉ (śamathā = xà-ma-địa), quán (vipaśyanā = Tỳ-bà-xá-na), hành giả cũng có thể tuần tự đạt được những cảnh giới tùy theo căn cơ và lực định nhiều hay ít mà theo đó có những kết quả sai biệt như tứ thiền, tứ vô sắc, nhị vô tâm định, v.v… hoặc gọi chung là thiền định, hoặc dùng nghĩa của tâm một tánh cảnh mà gọi là samādhi (tam-ma-địa), hoặc còn gọi là tam-muội. Ở đây, định được coi như là một phạm trù trong ba phạm trù ba học giới-định-tuệ, là đại cương của phương pháp học thực tiễn của Phật giáo. Hơn nữa, định cũng được gọi là Thiền định, hay Thiền-na (dhyāna), Tịnh lự. Theo Chánh định trong Bát thánh đạo hay trong các pháp trợ đạo thì nó là một trong Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi.

Về ý nghĩa của định thì có rất nhiều thuyết khác nhau, căn cứ vào Trí độ luận 28 thì Thiền định và tứ Thiền, cả hai đều gọi là định hay tam-muội, nhưng theo Thập trụ Tỳ-bà-sa luận thì Thiền chỉ cho Tứ thiền, còn định chỉ cho Tứ vô sắc định, Tứ vô lượng tâm, v.v… Thành duy thức luận liễu nghĩa đăng 5 cho biết, định có những tên khác nhau và được chia ra làm bảy loại: 

Một,Tam-ma-hứ-đa (samāhida), nghĩa là đẳng dẫn. Đẳng có nghĩa là xa lìa tâm trôi nổi của trạo cử, hôn trầm mà bảo trì bình đẳng đến khi nào cả hai thân và tâm đều ở trạng thái an ổn dẫn, có nghĩa là do tự lực mỗi cá nhân mà dẫn khởi phát sinh mọi công đức. Hành giả nào thường tu định này thì lìa được các phiền não và đưa đến sự phát sinh các thứ công đức thù thắng vi diệu. Đẳng dẫn này thông cả hai tâm định hữu và vô, nhưng nó không thông cho tán loạn. 

Hai, Tam-ma-địa, hay tam-muội (samādhi), có nghĩa là đẳng trì, còn gọi là chánh tân hành xứ. Hành giả nào thường tu định này thì tâm sẽ đoan trực, an trụ bất động vào một cảnh, có nghĩa là tâm bình đẳng nhiếp trì, thông với định, tán (loạn), nhưng rất ít hạn chế đối với hữu tâm, song sẽ không thông với vô tâm là bản thể của định.

Ba,Tam-ma-bát-để (samāpatti), dịch là đẳng chí. Hành giả nào thường tu định (chánh thọ) này thì định sẽ hiện tiền, sẽ phát ánh sáng lớn, vui mừng thù thắng, nơi nhiễm không bị nhiễm, không bị thối chuyển, có nghĩa là thân tâm bình đẳng. Đối với cả hai định hữu tâm và vô tâm ít thông suốt, cũng không thông với tán vị là tự tướng của định.

Bốn là Đà-na-diễn-na (dhyāna), Trung Hoa dịch là tịnh lự, còn gọi là thiền, nghĩa là ngưng thần xét nghĩ, chuyên nghĩ tưởng lặng yên, tức là trấn tĩnh nhớ nghĩ, thông cho cả hữu tâm, vô tâm, hữu lậu vô lậu, nhưng chúng chỉ giới hạn định của sắc giới, không thông cho định của vô sắc.

Năm, Chất-đa-ế-ca-a-yết-la-đa (cittaikāgratā), Trung Hoa dịch là tâm một tánh cảnh, khích lệ siêng năng là chính trong việc thực hành tu tập, ý nói đem tâm hành giả tập trung vào một đối tượng là tự tánh của định.

Sáu, Xà-ma-tha (śamatha), dịch là chỉ, là chánh thọ, là đình chỉ tất cả các căn ác pháp bất thiện thì có thể diệt hết tất cả mọi thứ phiền não tán loạn, tức là tưởng nhớ đến lìa tà loạn, có ý là chúng ta đình chỉ thì tâm tịch tĩnh, rất ít có giới hạn đối với tịnh định của hữu tâm.

Bảy, Hiện pháp lạc trú (dṛṣṭa-dharma-sukha-vihara), có nghĩa là tu tập thiền định, lìa tất cả mọi vọng tưởng, thân tâm vắng lặng, hiện thọ cái vui của pháp hỷ mà an trụ không động, tức là đối với đời hiện tại chúng ta hưởng thọ pháp lạc của định, nhờ vào tịnh định, vô lậu định này, chúng chỉ giới hạn đối với bốn định căn bản của sắc giới thôi.

Định có hai loại: Một là sinh đắc định, là nếu ai sinh ở sắc giới, vô sắc giới, nhờ vào nghiệp lực đời trước tự nhiên có được định địa này (hai cõi này còn gọi là định địa). Hai, tu đắc định, tức là chúng sinh sinh vào cõi dục giới (nơi này gọi là tán địa), hành giả phải tu tập, định mới phát sinh. Hai định này hành giả ở trong định sắc giới thì gọi là sanh tịnh lự hay định tịnh lự, còn ở trong định vô sắc thì gọi là sanh vô sắc hay định vô sắc.

Giai đoạn mà hành giả nương vào nội dung của định để tu hành thì chúng ta có thể chia ra là nhiều loại. Câu Xá tông thì chia ra làm hai: Một là hữu tâm định, hai là vô tâm định. Hữu tâm định bao gồm cả bốn tịnh lự (tứ thiền, tứ sắc giới định) cùng với tứ vô sắc giới định hợp lại gọi là bát định hay còn gọi là bát đẳng chí. 

Tứ tịnh lự, tức chỉ cho sơ tịnh lự, đệ nhị tịnh lự, đệ tam tịnh lự, đệ tứ tịnh lự. Ở sơ tịnh lự, hành giả trừ được ngôn ngữ nói năng, đệ nhị tịnh lự trở lên hành giả dần dần trừ được tầm, tứ, ưu, khổ, hỷ, lạc cùng các thọ. Hơn nữa, khi hành giả ở trong sơ tịnh lự thì hai thức của mũi và lưỡi không còn nữa. Từ đệ nhị tịnh lự trở lên thì năm thức bắt đầu không còn nữa.

Tứ vô sắc giới định gồm có: Một, Không vô biên xứ định, ở đây, hành giả diệt trừ được sắc tưởng hữu đối (có đối tượng) có thể nhận thấy được do sự hòa hợp của nhãn thức cùng sắc tưởng hữu đối có thể nhận thấy nhờ vào sự hòa hợp của bốn thức tai, mũi, lưỡi, thân và cuối cùng là diệt trừ sắc tưởng vô đối (không có đối tượng, vô biểu sắc) không thể nhận thấy do sự hòa hợp của ý thức mà nhập vào tưởng hư không của vô biên. Hai, Thức vô biên xứ định, ở đây hành giả xả bỏ duyên không bên ngoài, chỉ còn duyên vào tâm thức để đi vào thức hành của vô biên. Ba, Vô sở hữu xứ định, ở đây hành giả chán ghét và lìa cái khổ của tất cả mọi duyên rộng lớn của thức xứ, diệt trừ luôn thức tưởng, tạo lập hành tướng vô sở hữu. Bốn, Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, còn gọi là phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ định. Ở đây hành giả lìa bỏ luôn hành tướng vô sở hữu, tri kiến được đặt về một hướng duy nhất là phi tưởng (không còn tưởng thô nữa) và cứ như vậy tiến lên đến lúc xả bỏ hành tướng của phi tưởng nữa luôn, để đạt được phi phi tưởng, ở đây chỉ còn có tưởng vi tế mà thôi.

Trong bát định thì giai đoạn hành giả đã nhập vào định cùng giai đoạn chuẩn bị tiếp cận định thì thời gian nhập vào định gọi là căn bản định hay còn gọi là căn bản đẳng chí, giai đoạn chuẩn bị tiếp cận gọi là giai đoạn cận phận định. Song, giai đoạn trước sơ tịnh lự thì không thể gọi là giai đoạn cận phận định (gần phần định) được mà được gọi là vị chí định (chưa đến được định), nên có ít nhất là bảy cận phận định. Hơn nữa, giai đoạn trung gian cận phận định giữa sơ tịnh lự và đệ nhị tịnh lự được gọi là trung gian định, hay là trung gian tịnh lự, nếu như tu tập định này (định trung gian), tức là sẽ sinh về cõi trời Đại Phạm. Trong đệ tứ tịnh lự từ hạ hạ phẩm cho đến thượng thượng phẩm. Trong cửu phẩm, thượng thượng phẩm, là định tối cao trong sắc giới định, được gọi là biên tế định.

Các định bát căn bản, bảy cận phận, trung gian và vị chí đã nêu lên ở trên chỉ hữu vô của tầm, tứ, v.v… phân lại thành ba loại Tam-ma-địa. Tầm, là chỉ cho tầm cầu lựa chọn, nhưng tác dụng tinh thần vẫn còn thô tạp; trong khi, Tứ chỉ cho quán sát tư duy, nên tác dụng tinh thần của nó là vi tế sâu xa. Ba loại tam-ma-địa là: Một, tam-ma-địa có tầm, có tứ của vị chí định cùng sơ tịnh lự, tức là định có giác, có quán. Hai, Tam-ma-địa không tầm, không tứ của trung gian định, tức là định không giác, không quán. Ba, tam-ma-địa không tầm không tứ của đệ nhị tịnh lự cận phận trở lên, tức là định không giác không quán. Đó gọi là ba loại định, hoặc gọi là ba tam-ma-địa, hay ba tam-muội.

(còn tiếp)

[Tập San Pháp Luân.35.Tr,03.2006]