Chia tay

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tôi bỏ dạy hai tiết cuối khi nhận được điện thoại của người bạn anh báo anh đã nhập viện. Vội quá, không kịp báo cả với văn phòng, tôi lao xe nhanh đến bệnh viện. Vì quên hỏi số phòng nên loay hoay một lúc tôi mới tìm ra được phòng anh nằm. Chị Thủy, vợ anh, nhìn thấy tôi bước vào thì đứng dậy nhường ghế bảo tôi ngồi. Tôi cố giữ bình tĩnh và khẻ ngồi xuống chiếc ghế đặt cận bên giường anh. Anh nằm im, khẽ rên vì cơn đau, người rạc hẳn đi. Nghe có tiếng động, anh mở mắt. Thấy tôi, anh khẽ gật đầu, rồi rất cố gắng anh nói với tôi bằng một giọng yếu và đứt quãng:


- Sơn mới đến à?
- Dạ, em vừa mới đến.
- Sơn này, bệnh của anh chắc là không qua khỏi đâu… Anh bị ung thư giai đoạn cuối. Em có thể xin bác sĩ để đưa anh về nhà được không?
- Bệnh anh đã đến nỗi nào đâu mà anh nói vậy. Anh đừng bi quan chớ, điều trị chắc sẽ sớm qua khỏi thôi.
- Anh không bi quan đâu. Anh biết bệnh tình của mình và anh muốn có những ngày sau cùng ở nhà…

Nói được đến đó thì anh quặn người lại vì đau. Cơn đau đã khiến anh co rúm toàn thân, trông rất tội nghiệp. Chị Thủy vội đến lấy thuốc cho anh uống. Một lúc thì cơn đau dịu dần nhưng anh lại lả người đi vì mệt.

* * *

Tôi có một tuổi thơ khá yên ổn vì may mắn được sinh vào một gia đình dù không mấy giàu có nhưng cũng không đến nỗi thiếu thốn. Ba mẹ tôi có quầy buôn bán nhỏ và nhờ khéo tính toán nên kinh tế gia đình khá ổn định và anh em tôi không vất vả như bao đứa trẻ cùng lứa trong làng. Nhưng điều ấy đôi khi lại tạo nên sự ganh tị trong đám bạn bè và tôi rất lấy làm khó chịu với chuyện ấy. Thuở nhỏ tôi không có nhiều bạn bè, nhưng anh Ba tôi thì ngược lại, có lẽ do tính tình anh vui vẻ hoạt bát lại có khiếu văn nghệ. Nhưng trong số bạn bè anh Ba chỉ thân có mỗi anh Danh. Anh Danh thường đến nhà tôi mỗi khi có thời gian rỗi. Cũng như hoàn cảnh của bao nhiêu gia đình khác trong làng, nhà anh Danh không mấy được sung túc. Anh sống cùng với mẹ và hai người em gái. Ba của anh đi lính và tử trận trước năm 75. Từ lúc còn nhỏ anh đã biết phụ giúp mẹ mọi việc, từ việc trong nhà cho đến việc đồng áng, dù gì thì anh cũng là người con trai duy nhất trong nhà. Anh sống có hiếu với mẹ và có tình nghĩa với những người xung quanh.

Anh em tôi từ nhỏ đã tham gia sinh hoạt trong Gia đình Phật tử vì ba tôi là một huynh trưởng. Thấy anh sống có vẻ lặng lẽ nên có lần tôi rủ anh cùng vào tham gia sinh hoạt, nhưng rồi anh chỉ cười. Lần khác thì anh nói bận việc. Và lần thứ ba khi nghe tôi đặt lại lời đề nghị đó thì anh nói: “Anh chưa có niềm tin với Phật lắm. Sơn đừng đề nghị điều này với anh nữa nghe”. Nghe anh nói vậy, từ đó tôi không bao giờ nói đến chuyện ấy nữa.

Năm học lớp mười, anh Ba tôi lâm bạo bệnh và rồi qua đời. Điều đó khiến cho mẹ tôi đau khổ nhiều. Hiểu được nỗi đau đó nên anh thường đến nhà tôi nhiều hơn để trò chuyện cho mẹ tôi khuây khỏa. Ba mẹ tôi coi anh như một thành viên trong gia đình; biết hoàn cảnh anh khó khăn, muốn giúp đỡ anh nhưng anh luôn từ chối. Tuy anh nói chưa có niềm tin vào Phật, nhưng trong suốt 49 ngày sau khi anh Ba mất, đêm nào anh cũng có mặt ở nhà tôi để tụng kinh với các Phật tử trong Đạo tràng. Anh đọc kinh rất chí thành, có lẽ vì thương anh Ba nên anh thành tâm như vậy.

Anh học xong Phổ thông trung học và thi đỗ Đại học kinh tế ngay năm đầu tiên. Thời điểm đó ở làng tôi những người học đại học vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. Việc anh đậu đại học khiến mẹ anh rất mừng nhưng kèm theo đó là nỗi lo lắng. Ba mẹ tôi muốn giúp đỡ cho anh nhưng anh vẫn một mực từ chối. Nhưng chỉ năm đầu anh nhận tiền từ gia đình, còn qua năm hai anh bắt đầu vừa đi học vừa đi làm thêm, rồi còn đi dạy kèm nữa, và số tiền anh kiếm được đã lo đủ cho anh ăn học. Thời gian học đại học, anh ít khi về nhà, nhưng lâu lâu tôi thấy anh gửi thư về cho ba mẹ tôi. Năm cuối đại học của anh là năm tôi tốt nghiệp phổ thông trung học. Trái ngược với các anh em trong nhà, tôi không phải là đứa học giỏi nên đã rớt đại học vào năm đầu. Rõ ràng điều đó không làm cho ba mẹ tôi vui. Năm hai tôi lại rớt, đến năm thứ ba mới đỗ được vào ngành sư phạm. Ba mẹ tôi rất vui mừng vì điều đó và dành đủ mọi điều kiện thuận lợi cho tôi ăn học. Học ra trường, với tấm bằng hạng trung bình, tôi trở về quê và suốt một năm vẫn không xin được việc. Suốt ngày cứ ở nhà, thấy chán nản nên tôi đã xin ba mẹ vào Sài Gòn tìm việc làm.

 Ngày đầu tiên vào Sài Gòn tôi đến chỗ nhà trọ của đứa bạn thời trung học. Nó đang làm công cho một công ty nhỏ, tiền lương đủ trả tiền phòng và tiền ăn mỗi tháng. Trước khi vào tôi có báo cho nó biết, nó bảo “mày cứ vào đây tao sẽ cố gắng giúp”, nhưng khi thấy hoàn cảnh của nó thì tôi biết chắc rằng là nó sẽ không thể giúp gì được cho tôi. Sự có mặt của tôi đã gây thêm sự khó khăn cho nó, nhưng đã vào thế này tôi không còn biết xoay xở ra làm sao. Bạn học cũ của tôi ở Sài Gòn có hai đứa, nhưng chẳng có đứa nào khá gì, cùng là hạng công nhân phổ thông. Tiến, đứa bạn tôi, đã điện báo cho thằng bạn kia về việc tôi đã vào Sài Gòn. Nhưng điều đó đã tạo ra một sự đổ vỡ khi tiếng thằng bạn ở phía bên kia phát ra ở máy bên này quá lớn: “Mày đừng đưa thằng Sơn qua chỗ tao nha. Tao chẳng giúp gì được cho nó đâu”. Tiến vội vàng tắt máy, nhưng mọi sự cũng đã rồi. Tôi nghe lồng ngực tưng tức, nhưng cũng cố tỏ ra bình tĩnh. Tiến nói với tôi:
- Tao xin lỗi mày Sơn ạ. Thằng Tâm tệ quá.
- Ấy, có gì đâu mà mày xin lỗi. Hoàn cảnh của Tâm cũng khó khăn. Tao không muốn làm phiền nó.
- Thì tao đã nhờ gì nó đâu, chỉ mới nói chuyện mày vào đây thôi mà.
- Không sao đâu Tiến à. Quên chuyện đó đi.

Tiến ngồi trầm ngâm một lát thì bảo tôi đi tắm rửa. Tôi đứng dậy làm theo lời đề nghị của nó như một cái máy. Đầu óc thấy lùng bùng. Sau khi tôi tắm rửa xong Tiến bảo tôi đi ăn tối với nó, vì ở nhà chẳng có cái gì để mà ăn. Nó chở tôi đi qua mấy con phố rồi dừng lại trước một tiệm ăn bình dân. Suốt cả một ngày một đêm ngồi trên xe không ăn uống được gì, nhưng không hiểu sao khi ngồi trước bàn ăn tôi lại không muốn ăn uống gì cả. Tiến hỏi tôi:
- Mày thích ăn gì Sơn?
- Mày ăn gì thì tao ăn đó.
- Sao bây giờ mày dễ tính vậy? Hồi trước mày kén ăn lắm mà?
- Hồi trước khác bây giờ khác. Mà ăn gì đơn giản thôi Tiến ạ. Tao không đói lắm đâu.
- Mày buồn phải không? Mọi việc rồi sẽ ổn thôi. Ngày mai chủ nhật, tao sẽ đưa mày đi chơi một ngày. Thứ hai tao xin nghỉ việc để đi tìm việc giúp mày. Thú thật thì tao cũng chả quen biết gì nhiều ở cái Sài Gòn này. Nhưng cứ thử xem sao.

Tôi cố nuốt cho xong tô phở. Ăn xong Tiến bảo chở tôi đi chơi nhưng tôi lấy cớ mệt bảo về nghỉ. Đêm hôm đó tôi nằm trằn trọc một đêm không sao ngủ được. Phần thì thấy buồn, phần thì ray rứt khi thấy hoàn cảnh của Tiến thế này lại phải gánh thêm mình nữa. Hồi chiều khi nghe lời Tâm nói qua điện thoại, lúc đó thấy giận nó nhưng nghĩ lại thì cũng không thể trách nó được. Hoàn cảnh khó khăn đã làm thay đổi các mối quan hệ. Bản thân mình luôn sống trong những điều kiện thuận lợi nhưng rồi có bao giờ giúp được cho ai điều gì đâu. Suốt những năm tháng ở nhà, chỉ có biết học và chơi, chẳng hề giúp đỡ gì được ba mẹ, ngay cả đi sinh hoạt ở chùa cũng phải đợi ba mẹ nhắc nhở. Dù không thuộc hạng quậy phá gì, nhưng với bản tính lì lợm cũng đủ làm cho nhiều người bực mình. Có được vài chút tài vặt, nhưng khi các anh chị trong Gia đình Phật tử nhờ đến cũng chẳng bao giờ chịu làm, tham gia vào tổ chức mà sống hờ hững, cứ nghĩ ba mình là huynh trưởng nên luôn có thái độ ỷ lại và bất cần.

Hơn nửa tháng trôi qua nhưng tôi vẫn không xin được việc làm. Số tiền ba mẹ cho trước khi đi bắt đầu cạn dần. Nỗi lo lắng chiếm lấy tôi. Nhưng tôi vẫn không thể quay về lại được. Suốt một năm thất nghiệp ở nhà đã cho tôi cái cảm giác chán nản thế nào. Đến nước này tôi chỉ còn một cách duy nhất là cầu cứu đến anh Danh thôi.

Anh Danh sau khi tốt nghiệp đại học đã ở lại làm cho một công ty ở thành phố. Tiền lương kiếm được anh đủ trang trải cuộc sống và vài tháng dành dụm gửi về cho mẹ một lần. Làm được một vài năm thì anh cưới vợ. Vợ anh người Sài Gòn. Gia đình bên vợ khá giả nên đã hỗ trợ vốn cho anh thành lập một công ty nhỏ. Sở dĩ lúc vào Sài Gòn tôi không muốn tìm đến anh vì nghe anh mới cưới vợ, sợ sự có mặt của mình gây phiền hà cho anh. Khi nghe tôi gọi điện thoại nói mình đang ở Sài Gòn, anh lập tức đến đưa tôi về nhà, nói:
- Anh hồi giờ có đối xử tệ với Sơn đâu mà giờ tránh anh dữ vậy?
- Em cũng biết vậy, nhưng…
- Sợ phiền anh chứ gì? Nói vậy là không được với anh rồi.
- Giờ Sơn muốn xin làm gì?
- Em tốt nghiệp sư phạm ngành văn, nhưng em cũng có thể làm những việc khác.
- Anh vợ của anh đang làm hiệu trưởng một trường cấp hai. Sơn cứ ở lại nhà anh. Để anh hỏi anh ấy thử.

Rồi tôi được nhận vào dạy hợp đồng tại ngôi trường do người anh vợ của anh Danh làm hiệu trưởng. Vì không muốn làm phiền anh nên tôi chuyển về ở chung với Tiến. Căn phòng trọ chỉ có mặt đầy đủ hai thằng vào buổi tối, còn lại suốt ngày mỗi đứa mỗi công việc khác nhau, lầm lũi với công cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn. Tiền dạy học của tôi chỉ vừa đủ nuôi tôi với một lối sống phải biết tiết kiệm. Nhưng dù vậy thì điều đó cũng đủ làm cho ba mẹ tôi vui, vì cuối cùng thì tôi không còn là một thằng ăn bám nữa.

Anh Danh từ khi lập công ty thì trở nên rất bận rộn. Còn tôi thì dạy ngày dạy đêm nên ít khi đến nhà anh, các cuộc nói chuyện hầu như chỉ qua điện thoại. Một lần anh điện hỏi thăm tôi về vấn đề chỗ ở. Thấy ở trọ không được ổn định anh đề nghị tôi mua đất làm nhà và hứa sẽ giúp đỡ. Tôi điện về nhà thưa với ba mẹ chuyện đó nhưng ba mẹ tôi bảo không được làm phiền anh. Nhưng cũng không thể không lo cho thằng con trai út của mình, còn bao nhiều tiền của, ba mẹ tôi đã gửi vào cho tôi mua đất làm nhà. Cũng không đủ, tôi phải vay thêm tiền quỹ của nhà trường.

Căn nhà cấp bốn được hình thành trên mảnh đất bề ngang ba mét, bề dài mười mét. Nhưng dù nhà nhỏ thì đó cũng là nhà của mình, và ít ra mình ở mà đến tháng không phải tính chuyện trả tiền nhà, không sợ cảnh tăng giá và có thể bị mời đi bất cứ khi nào nếu sống không vừa lòng chủ. Ngày làm nhà xong tôi điện về quê báo cho ba mẹ biết. Ba mẹ tôi khăn gói lặn lội từ quê vào để mừng tân gia con trai. Thấy căn nhà trống trơn, ba tôi đề nghị:
- Phải đi mua ngay một cái tủ thờ. Nhà mà không có bàn thờ là không được.
- Con nó còn khó khăn. Chuyện tủ thờ để từ từ rồi tính. Mẹ tôi nói.
- Từ từ là khi nào? Phải mua ngay bây giờ. Thằng Sơn mà đợi nó hết khó khăn thì phải năm mươi năm sau.

Nói rồi ba bảo tôi chở ngay đến cửa hàng bán tủ, chọn một cái và gọi xe chở về. Khi kê tủ xong, ba lục túi xách lấy ra một bức tượng Phật và một cái bát nhang. Thấy vậy, tôi nói:
- Trong này người ta bán tượng Phật thiếu gì mà ba phải đem ngoài đó vào.
- Tượng Phật này là của nhà chú Lượng.
- Sao tượng của nhà chú Lượng mà ba lại đem vào?
- Chú Lượng bây giờ bỏ chùa, bỏ Phật rồi. Chú ấy đã theo đạo Tin Lành. Tội nghiệp, cũng chỉ tại hoàn cảnh cả. Gia đình thiếu trước hụt sau, con cái thì không có tiền đóng học phí, được mấy người bên đạo Tin Lành giúp đỡ và hứa sẽ cấp học bổng cho tụi nhỏ ăn học, chẳng đặng đừng, chú ấy đã theo họ. Tượng Phật vì không nỡ đập bỏ nên mới đem qua nhà mình gửi thờ giúp.

Ba tôi nói xong thì thở dài thườn thượt. Nghe tiếng ba thở dài mà tôi thấy xốn xang. Tôi hỏi:
- Chùa chiền ngoài quê sinh hoạt ra sao ba?
- Không còn như trước đây nữa. Lớp người kì cựu thì lần lượt ra đi. Lớp trẻ thì thấy chẳng có ai. Tụi nhỏ thì học lên, vào đại học, ra xin việc là coi như quên đạo.

Ngừng một lát ba tôi hỏi:
- Con có thường đi chùa không Sơn?

Tôi im lặng giả vờ như không nghe tiếng ba hỏi. Thú thực từ ngày vào thành phố đến giờ tôi có còn biết đến chùa chiền là gì đâu. Ban đầu thì ngày rằm, ba mươi còn đến chùa lễ Phật, sau phần vì công việc phần vì làm biếng nên quên hết cả chùa chiền. Hồi còn ở với ba mẹ mỗi tháng còn ăn chay được bốn ngày, vào trong này chẳng còn biết chay lạt gì nữa. Thấy tôi làm thinh, mẹ tôi đứng gần đó nói:
- Ối, thằng Sơn mà ông hỏi thường đi chùa không. Vào trong này ai nhắc mà đi. Tủ thờ này không chừng lại không được quét nữa đây.
- Gia đình mình truyền thống xưa nay đều theo Phật. Con cũng nên như vậy nghe Sơn. Ba tôi nói.
- Dạ. Tôi đáp lí nhí cho xong chuyện.

Dù nhà nhỏ, nhưng đã là nhà mới thì cũng phải mừng tân gia. Ở Sài Gòn tôi chẳng quen biết ai nhiều để mời, chỉ có mấy thầy cô ở trường, anh Danh và thằng Tiến, gom đi gom lại cũng được hai chục. Biết hoàn cảnh của tôi, mấy thầy cô rất thực tế, cùng góp tiền lại bỏ bì thư gửi tôi. Thằng Tiến mua cho tôi một chiếc đồng hồ treo tường, loại nhập từ Trung Quốc. Anh Danh tặng một bức tranh, gói bọc kỹ càng, nói:
- Anh biết Sơn khó khăn, nhưng chuyện đó anh em mình sẽ nói sau. Đây là bức thư pháp anh rất thích. Anh muốn tặng Sơn để có cái mà treo ở phòng khách và chắc Sơn cũng sẽ thích.

Tôi dạ dạ cám ơn anh, nhưng thú thật ba cái chuyện thư pháp thì thật sự không thích lắm. Lý do đơn giản là nó khó đọc và đôi lúc khó hiểu nữa. Tính tôi xưa nay lười suy nghĩ, để đọc một hai câu thơ thư pháp mà nhiều khi mất hết mấy phút là tôi không kiên nhẫn được. Chưa nói đến thư pháp chữ Hán là thứ chữ mà tôi nhìn cũng như xem, bó tay không hiểu được chút ý nghĩa nào.

Buổi mừng tân gia kết thúc một cách gọn nhẹ, không có cảnh say sưa như thường thấy ở các buổi tiệc vì tôi đã biết áp dụng tối đa hai chữ tiết kiệm. Mọi người ra về vui vẻ (hoặc giả vờ vui vẻ). Tối hôm đó, sau khi nói chuyện với ba mẹ xong, tôi nhớ đến bức tranh anh Danh tặng hồi chiều nên mở ra xem. Một bức thư pháp đúng như anh nói. Trên đó ghi một chữ Hán khá lớn, với một bài thơ cũng bằng chữ Hán, nhưng ghi về một bên và chữ nhỏ hơn. Ba tôi thấy bức thư pháp thì khen đẹp và bảo đó là chữ Tâm, nhưng bài thơ ghi bên dưới thì ông cũng không biết.

Vì là bức tranh duy nhất, mà lại của anh nữa nên tôi đã chọn một nơi thích hợp ở căn phòng khách bé nhỏ để treo nó lên. Không hiểu chữ Tâm và bài thơ kia nói gì nhưng tự dưng tôi thấy cũng hay hay. Tối hôm sau, khi ở công ty về, anh Danh tạt qua nhà tôi, mục đích là để gặp ba mẹ tôi vì biết ông bà tôi sắp về lại quê. Nói chuyện một hồi, nhìn thấy bức thư pháp treo ở phòng khách, anh cười và hỏi tôi:
- Thích không Sơn?
- Dạ thích (vì không thể nói không thích). Tôi đáp.
- Hiểu gì không mà thích?
- Hiểu chứ. Đó là chữ tâm phải không anh?
- Đúng rồi. Nhưng còn bài thơ nhỏ ở dưới nữa?
- Bài thơ đó thì em bó tay.
- Vậy mà cũng nói hiểu.

Nói rồi anh đọc:
Tam điểm như tinh tượng
Hoành câu tợ nguyệt tà
Phi mao tùng thử đắc
Tố Phật dã do tha.

Đọc xong anh giải thích ý nghĩa của chữ Tâm và cả bài thơ. Tôi hỏi:
- Anh học chữ Hán hồi nào vậy?
- Anh đâu có biết chữ Hán. Bức thư pháp này của một nhà sư viết. Trước khi mua anh đã hỏi kỹ càng về chữ nghĩa của nó, thấy hay nên mới mua tặng đó chớ.
- Anh cái gì cũng đâu ra đó. Em không biết bao giờ mới được như anh.
- Ối, thằng Sơn mà muốn bằng anh Danh thì chắc phải đợi đến kiếp sau. Ba tôi nói.

Ba mẹ tôi ở thêm một ngày nữa thì về lại quê. Trước khi về ba mẹ dặn tôi đủ chuyện, nào là nhớ quét và thắp nhang bàn Phật, nhớ đi chùa, nhớ ăn chay; nào là nhớ tắt điện trước khi ngủ kẻo hại mắt, nhớ khóa cửa cẩn thận trước khi ra khỏi nhà.v.v... Tôi dạ dạ vâng vâng và nói “ba mẹ đừng quá lo lắng, con bây giờ lớn rồi mà”.

Tôi lại tiếp tục công việc của mình, rời nhà từ lúc sáng sớm và trở về vào lúc chiều tối. Nhà cửa chẳng mấy khi quét dọn lau chùi, bếp núc thì chẳng mấy khi đỏ lửa vì các bữa ăn sáng chiều tối tôi đều thực hiện ở các quán ăn. Về đến nhà đã mệt lử người nên nằm xuống là ngủ liền. Một tuần chỉ rảnh được một buổi chiều chủ nhật, và đó là thời gian tôi lại dành để nghe nhạc. Đang nằm nghe mấy bản nhạc Trịnh thì anh Danh đến.
- Chủ nhật không đi chơi đâu hả Sơn? Anh hỏi.
- Cũng chẳng biết đi chơi đâu hết anh à. Em đang nghe đĩa nhạc mua tuần trước.
- Chán pop, rock rồi hay sao mà lại chuyển qua nghe nhạc này. Sáng chủ nhật tới đến nhà anh, anh sẽ cho nghe một loại nhạc mới.
- Sáng chủ nhật em bận dạy thêm rồi. Nhạc gì vậy anh?
- Nghỉ một buổi không được à? Nhạc gì đến nghe mới biết được.
- Công ty của anh dạo này thế nào rồi? Tôi chuyển qua chuyện khác.
- Vẫn hoạt động bình thường. Nhưng anh dạo này sức khỏe không được tốt nên giao hết công việc cho bà xã và cậu em vợ.
- Anh bị bệnh gì à?
- Chỉ là bệnh vặt thôi, nhưng anh cần nghỉ ngơi.

Anh ngồi chơi một lát thì về, và trước khi về anh còn dặn tôi phải đến nhà anh vào sáng chủ nhật tới. Không thể từ chối và cũng đã lâu chưa đến nhà anh nên tôi đã nhận lời. Anh về rồi tôi chợt giật mình khi nhìn lên bàn thờ Phật: mạng nhện đã giăng quanh bức tượng, bình hoa mà tôi cắm hơn một tháng trước nay đang héo queo lại, còn mặt tủ thì đóng đầy bụi. Ôi, hơn một tháng nay rồi tôi đã không hề thắp một cây nhang nào lên bàn Phật.

Giữ lời hứa, sáng chủ nhật tôi đến nhà anh. Bé Thảo, con gái của anh bập bẹ nói “ba con đang đợi chú Sơn trên lầu”. Tuy đã đến nhà anh nhiều lần nhưng chưa một lần tôi bước lên tầng thượng của nhà anh, thì ra tầng trên cùng anh dành để thờ phượng. Anh trang trí và bố trí cách thờ phượng khá đẹp. Anh ngồi đợi tôi bên một chiếc bàn nhỏ kê trước hiên, có đặt một bộ tách trà nhỏ ở trên. Anh bảo tôi ngồi và pha trà. Cách pha trà của anh thấy là lạ, có vẻ hơi kiểu cách nhưng cũng hay hay. Pha trà xong, anh nói:
- Mình nghe nhạc đi. Nhạc này khá lạ. Anh đã đặt mua qua mạng.

Anh nói và đưa hai đĩa nhạc cho tôi xem. Tôi cầm lấy và đọc qua dòng tựa. Một đĩa có tựa Meditations for Pianor và một Zen Garden. Tôi đưa đĩa nhạc lại cho anh. Anh bỏ đĩa vào đầu đọc và tiếng nhạc bắt đầu cất lên. Tiếng đệm pianor chậm rãi được phối thêm tiếng nước chảy và tiếng chim kêu tạo nên một thứ nhạc khá lạ với tôi. Như tựa đề ghi ở bên ngoài, đây là nhạc Thiền. Thiền, tôi có đọc một số sách và cơ bản có hiểu, nhưng để đọc một bài thơ và nghe một bản nhạc mà nhận ra được chất thiền thì thú thật tôi chịu. Nhưng dù không hiểu được chất thiền trong những giai điệu này thì tôi vẫn thấy thích nó. Anh hỏi tôi:
- Sơn dạo này có thường đi chùa không?
- Em bận việc quá nên cũng ít khi đi anh à?
- Tối nay đi chùa với anh không?
- Anh bây giờ cũng đi chùa à?
- Anh đi đã mấy năm nay rồi. Lúc đầu chỉ đi cùng bà xã vào những dịp lễ lớn. Bây giờ có thời gian rảnh nên đi nhiều hơn… Hồi trước Sơn rủ anh tham gia Gia đình Phật tử nhưng anh từ chối vì sợ tham gia vào mà không hết lòng vì đạo thì không được. Tính anh Sơn biết rồi, đã làm gì là phải làm cho hết lòng, còn không sẽ không làm. Theo Phật mà không biết Phật là gì thì thật không phải.

Rõ ràng anh nói vậy không phải ám chỉ tôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy xấu hổ trong lòng. Giống như ba tôi nói, còn rất lâu thì tôi mới có thể được như anh. Trước đây lúc còn ở với gia đình, anh đã hết lòng với mẹ với các em của mình. Sau này lập gia đình và mở công ty, anh lại tận tâm với vợ con và công việc của mình. Thời gian gần đây anh đi chùa, cuộc sống hàng ngày của anh hình như đều dành cho việc học hỏi và thực tập giáo lý, anh tụng kinh, tập ngồi thiền, đọc sách giáo lý, và ngay cả chuyện nghe nhạc anh cũng chỉ nghe những đĩa nhạc mang âm hưởng Phật giáo. Anh đã từng nói với tôi: “Đời người không dài lắm, ít nhất là đối với anh, nên mình phải cố gắng sống cho trọn vẹn”. Câu nói ấy đã hình thành nên lối sống của anh và cũng báo trước một điều là anh đã đến với cuộc đời này không được dài như bao người khác.

* * *

Bác sĩ nói với tôi về bệnh tình của anh và đồng ý cho gia đình đưa anh về nhà. Tôi lấy cớ bị bệnh, xin nghỉ lên lớp để được gần anh những ngày sau cuối. Từ khi về lại nhà, anh trở nên mê man và không còn ăn uống được gì nữa. Căn phòng khách được dọn hết bàn ghế và một chiếc giường được kê ở đó cho anh nằm, vì nơi ấy có cửa sổ thông thoáng. Những người thân trong gia đình đều nghỉ việc và có mặt ở nhà. Cuộc sống của anh chỉ còn tính bằng từng giờ từng phút. Không khí trong nhà chùng xuống và ngưng đọng. Mọi người không nói với nhau nhiều và tất cả đang để tâm về anh. Tôi ngồi bên anh, nhìn ra mảnh vườn nhỏ bên ngoài, mảnh vườn mà anh rất thích và bỏ nhiều thời gian chăm chút nó. Nắng tháng giêng rực rỡ, nhưng không có tiếng pianor cùng tiếng chim hót và tiếng nước chảy róc rách như trong Zen Garden mà anh từng cho tôi nghe. Một mảnh vườn nhỏ đầy nắng vàng và hoàn toàn yên lặng. Cũng có thể có một thứ âm thanh nơi đó nhưng tôi không đủ khả năng cảm nhận được. Tôi đang nghĩ về anh, một con người tôi thật sự quý mến và anh sắp từ giã cuộc đời này.

Anh đến cõi đời này trước tôi mấy năm và anh sắp phải chia tay nó để ra đi. Rồi một ngày nào đó tôi cũng phải ra đi. Cũng có thể bằng độ tuổi của anh, cũng có thế ngắn hơn hoặc dài hơn, rất khó biết được khi nào tôi sẽ rời xa cuộc đời này. Nhưng vấn đề không phải khi nào tôi sẽ từ giã nó, mà là những ngày tháng còn lại của mình tôi có sống trọn vẹn và hết lòng với nó hay không. Anh chỉ sống vài chục năm nhưng anh đã sống trọn vẹn với từng ấy thời gian. Còn tôi, tôi đã đi qua gần hết nửa cuộc đời mà đôi khi nhìn lại những tháng ngày của mình chỉ là những khoảng trống vô vị, nhạt nhẽo. Thì ra tôi vẫn chưa thực sống, dù đang tồn tại ở cuộc đời này.

Nguyên Hiệp
[Tập san Pháp Luân - số 44, tr.81, 2007]