Dẫn vào Lịch sử Phật giáo §5. Lược sử Phật giáo Ấn Độ (2)

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Khoảng thế kỷ thứ I trước Tây lịch, có một chủng loại Phật giáo gọi là Phật giáo Đại thừa được xuất hiện, khác biệt với Phật giáo được giữ gìn và truyền thừa bởi các giáo đoàn bộ phái ở trên. 

Dẫn vào Lịch sử Phật giáo

Bài thứ năm: Lược sử Phật giáo Ấn Độ (2)

3. Phật giáo Đại thừa

Khoảng thế kỷ thứ I trước Tây lịch, có một chủng loại Phật giáo gọi là Phật giáo Đại thừa được xuất hiện, khác biệt với Phật giáo được giữ gìn và truyền thừa bởi các giáo đoàn bộ phái ở trên. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng Phật giáo đại thừa dù là vận động cải cách Phật giáo, nhưng thời kỳ đầu không có giới luật riêng, không phải là một giáo đoàn độc lập với các bộ phái đương thời.

Tu hành giả Đại thừa bước theo con đường thành Phật gọi là Bodhisattva (bồ-tát). Từ ngữ “Bồ-tát” vốn đã có từ rất sớm, nhưng trong Phật giáo đại thừa thì rất được coi trọng. Và, Phật giáo vốn dĩ được duy trì chính là bởi người xuất gia, và đặc biệt coi trọng việc thoát ly cái khổ của luân hồi bởi việc xuất gia tu hành, thì đối lại, trong Phật giáo đại thừa cho rằng, bất kể là xuất gia hay tại gia, tất cả đều có thể đi theo con đường của bồ-tát và có thể đạt được giác ngộ như đức Phật. Đại thừa có nghĩa là “cổ xe lớn”, nhưng nó có nguồn gốc là tất cả đều có thể đi trên con đường của bồ-tát này, và do đó cũng gọi đại thừa này là bồ-tát thừa.

Và khác với việc Phật giáo thời sơ kỳ và Phật giáo bộ phái chỉ được phát triển bởi việc chỉnh lý và giải thích về ngôn hành của đức Thích Tôn, trong Phật giáo Đại thừa, đa số kinh điển được thành lập theo cách: hành giả là bồ tát tiếp nhận được lời Phật dạy trong thiền định, rồi xem những lời dạy ấy là ngôn thuyết của Phật đà, và ghi lại thành kinh điển. Kinh điển đại thừa được hình thành xuyên suốt trải dài cũng hơn một ngàn năm, bắt đầu từ kinh Bát Nhã, bao gồm cả Bát Nhã Tâm Kinh mà chúng ta thường được biết. Kinh Bát Nhã nói đến việc tu hành của bồ-tát với sáu pháp ba-la-mật, đặc biệt trong đó có nói đến việc nhờ tu hành Bát-nhã ba-la-mật mà đạt được trí tuệ hiểu rằng hết thảy là không (không có bản chất thật nơi sự vật). Tiếp theo sau Kinh Bát Nhã là sự xuất hiện của Kinh Duy Ma, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Vô Lượng Thọ, v.v…

***

Cùng với cuộc vận động hình thành kinh điển đại thừa thì có những nhân vật như Nāgārjuna (Long Thọ) v.v… hệ thống hoá tư tưởng của Phật giáo Đại thừa. Long Thọ là người của thế kỷ thứ II, hay thứ III sau Tây lịch, xuất thân ở Nam Ấn, trước tác các văn bản như Trung Luận Tụng, v.v… Ông cho rằng, chính thuyết không vô tự tánh được nói trong kinh Bát Nhã mới là duyên khởi mà Phật-đà đã giảng dạy, và phê phán tư tưởng “yếu tố thật tại luận” do Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ đề xướng. “Trung” của Trung Luận Tụng là trung đạo, lìa khỏi những cực đoan như tồn tại - không tồn tại v.v…, và đó là chỉ cho duyên khởi. Với tư tưởng ấy làm trung tâm, đã có học phái gọi là phái Trung Quán hình thành, học phái này phê phán tư tưởng của Du Già Hành Duy Thức sẽ nói ở sau. Phái Trung Quán được cho rằng đã bị chia thành hai phái là phái Tự Lập Luận Chứng và phái Quy Mậu Luận Chứng. Phái Ge-lug (དགེ་ལུགས་པ), giáo phái đại biểu cho Phật giáo Tibet hiện nay tự nói là thuộc lập trường của phái Quy Mậu Luận Chứng này.

***

Khoảng thế kỷ thứ V, tư tưởng của phái Du Già Hành được hệ thống hoá bởi hai anh em Vô Trước (Asaṅga) và Thế Thân (Vasubandhu). Vô Trước tạo ra Nhiếp Đại Thừa Luận v.v… Thế Thân tạo ra Duy Thức Nhị Thập Tụng, Duy Thức Tam Thập Tụng, v.v… Phái Du Già Hành vốn dĩ có mối quan hệ sâu đậm với Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, một trong những khởi nguyên của tư tưởng Du Già Hành là từ tư tưởng của những nhà sư tu hành thiền định. Họ tiếp nhận tư tưởng không của đại thừa, giải thích các ảnh tượng xuất hiện trong thiền định chẳng qua chỉ là ảnh tượng của tâm, tất cả những sự vật được nhận thức thông thường chẳng qua cũng chỉ là ảnh tượng mà tâm đã tạo tác, lập nên lập trường duy thức như thế. Và họ tiến sâu vào sự phân tích tâm, từ tầng bề ngoài đến tầng bề sâu, họ phát hiện thức ālaya, gọi là ý thức tiềm tại, chủ trương có niết-bàn của đại thừa do sự chuyển hoán (chuyển y) của thức ālaya này. Nhân vật Tam Tạng Huyền Trang trong Tây Du Ký đơn độc đi Ấn Độ ở thế kỷ thứ V là để tìm điển tịch của phái Du Già Hành này.

Tư tưởng có nhân duyên sâu đậm với Du Già Hành này là tư tưởng Như lai tàng. Đó là tư tưởng cho rằng, tâm con người vốn dĩ thanh tịnh, nên tất cả đều có khả năng thành Như Lai, tức thành Phật. Tư tưởng Như lai tàng được nói trong các kinh điển như Kinh Như Lai Tàng, Kinh Thắng Man, Kinh Niết Bàn, v.v…, và được thể hệ hoá bởi luận Bảo Tánh. Dựa vào tư tưởng này, Luận Đại Thừa Khởi Tín đã được trước tác và luận này đã có sức ảnh hưởng lớn ở vùng Đông Á.

***

4. Phái Phật giáo Luận Lý học và Mật giáo (Phật giáo Ấn Độ thời hậu kỳ)

Khi giáo đoàn đã được chỉnh bị, tăng lữ nắm được việc nghiên cứu các chủng loại học vấn với tư cách là người trí thức, thì những ngôi đại tự như chùa Nālandā, chùa Vikramaśīla được kiến lập đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu. Nơi những tự viện này, không chỉ những giáo nghĩa như đã nói ở trên, mà cả thanh minh (văn pháp học), nhân minh (luận lý học), y phương minh (y học), công xảo minh (công học, tạo hình học) cũng được học tập. Trong đó, nhân minh đã phát triển nhờ tiếp nhận sự thịnh hành luận tranh ở bên trong và bên ngoài Phật giáo ở Ấn Độ, xuất hiện những nhân vật cũng được gọi là phái Phật giáo Luận lý học. Việc đề cập đến luận lý học thì đã có từ xa xưa trong Phật giáo Ấn Độ, nhưng thể hệ của luận lý học được chỉnh sửa mới mẽ là bởi Dignāga ở thế kỷ thứ VI, và được đại tập thành đầy đủ bởi Dharmakīrti ở thế kỷ thứ VII. Họ thừa nhận rằng, trực tiếp tri giác và suy luận là hai phương pháp nhận thức đúng, và nỗ lực chứng minh rằng, đức Phật, người đã dựa vào những nhận thức đúng này mà dẫn dắt con người đến niết bàn, là minh chứng có quyền uy nhất.

***

Bên cạnh đó, một bộ phận Phật giáo đã tiếp nhận nghi lễ và kinh chú của Hindu giáo, đó là sự xuất hiện của Mật giáo, cho rằng, thế giới chính là Phật, và hành giả có khả năng tức thân thành Phật bằng việc nhất thể hoá với chính đức Phật ấy nhờ hành pháp nghi lễ. Vốn dĩ trong kinh điển của Phật giáo Đại thừa cũng đã có tiếp nhận Chân ngôn, Đà-la-ni, và chúng đã được tập hợp lại với sự thành lập các kinh như kinh Đại Nhật, Kinh Kim Cang Đảnh v.v… ở thế kỷ thứ VII. Ngoài ra còn có những văn bản mật giáo nổi tiếng là Kinh Lý Thú, Tantra Bí Mật Tập Hội, Hevajra-tantra, Kālacakra-tantra, v.v….

***

Trong Phật giáo Ấn Độ hậu kỳ, Luận lý học và Mật giáo là chính yếu, vừa phát triển một cách đa dạng và thâm sâu dần, và tiếp tục tồn tại ở những tự viện như Vikramaśīla v.v… Tuy nhiên, do vì ảnh hưởng của Hindu giáo nơi tín đồ tại gia đã lớn mạnh dần, khi tự viện Phật giáo bị phá hoại và tăng lữ bị xua đuổi bởi giáo đồ Hồi giáo, thì tín đồ tại gia còn ở lại đã bị giáo hoá bởi các tôn giáo khác như là Hindu giáo v.v…, và Phật giáo đã mất hẳn thế lực ở Ấn Độ. Khi ngôi tự viện Vikramaśīla bị phá hoại vào năm 1203, đó là thời điểm dấu mốc quyết định cho sự suy thoái này, thông thường xem rằng đó là năm Phật giáo Ấn Độ diệt vong. Phật giáo tồn tại ở Ấn Độ hiện nay là được phục hưng bởi Ambedkar và các cộng sự từ các cuộc vận động giải phóng khỏi chế độ nô lệ gần đây. Cho đến cuộc phục hưng này thì trước đó Phật giáo đã mất hẳn khỏi Ấn Độ, ngoại trừ một số khu vực ở vùng Bắc bộ và Đông bộ.

 

Thư mục Tham khảo:
平川彰『インド仏教史』上下、春秋社、1974-1979年
早島鏡正・高崎直道・原実・前田専学『インド思想史』東京大学出版会、1982年
早島鏡正監修『仏教・インド思想事典』春秋社、1987年
塚本啓祥・松長有慶・磯田熙文編著『梵語仏典の研究』密教経典篇、平楽寺書店、1989年
塚本啓祥・松長有慶・磯田熙文編著『梵語仏典の研究』論書篇、平楽寺書店、1990年
末木文美士監修『雑学三分間ビジュアル図解シリーズ 仏教』PHP研究所、2005年
菅沼晃博士古稀記念論文集刊行会編『インド哲学仏教学への誘い』大東出版社、2005年
奈良康明・下田正弘編『新アジア仏教史1 インドⅠ 仏教出現の背景』、佼成出版社、2010年

[一色大悟]