Ba học

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times


Theo Thiên Thai tông chủ trương thì giới có thể phân ra làm hai loại Quyền giới và Thật giới. Theo Pháp Hoa huyền nghĩa 4 thì tất cả những giới được đức Phật chế ra từ năm giới cho đến cụ túc giới của Tiểu thừa, cùng Du-già sư Địa luận, Bồ-tát thiện giới kinh, v.v… của Đại thừa là quyền giới, cộng thông cho cả ba thừa, nhưng đặc biệt đại giới của Phạm Võng thời thuộc Thật giới của tương đối. Song, theo Pháp Hoa Viên giáo thì “Khai tam Hội nhất”, mở là nói Quyền giáo ba thừa, nhưng hội quy về Thật giáo nhất thừa. Còn Pháp Hoa thì tất cả giới luật đều quy hướng về Thật giới tuyệt đối.

Ngoài những cách giải thích về giới tướng được nêu ra ở trên, theo Ma-ha chỉ quán 4 phần đầu, Giới được chia ra làm hai phần: Sự giới và lý giới. Sự giới chỉ cho những giới tướng mang hình thức cụ thể, được qui ra thành những giới điều như: Năm giới, sáu giới, tám giới, mười giới, hai trăm năm mươi giới, ba trăm bốn mươi tám giới, hay năm mươi tám giới. Đó là những giới điều mang hình thức giới tướng thuộc về phần sự giới. Lý giới chỉ cho những giới tướng của sự giới qua ba cách quán hiện quán “không-giả-trung”, gọi là lý giới hay còn gọi là ly tướng giới. 

Các nhà Thiên Thai tông Trung Quốc chủ trương lấy diệu giới hay lý giới của đốn giáo tuyệt đối với tất cả giới. Cùng giới này, nhưng sang Phật giáo Nhật Bản, cách giải thích có tiến bộ hơn một bước. Tối Trừng, một Tăng nhơn Nhật Bản đã y cứ vào kinh Pháp Hoa chủ trương lập trường “khai hiển”, dùng mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh của kinh Phạm Võng liên hệ với những gì Phật Tỳ-lô-xá-na đã nói về giới, lấy lợi người làm căn bản. Theo đó, giới thể một khi đã đắc thì vĩnh viễn không mất và giới cảnh là pháp giới vô biên, không bị giới hạn đối với ba nghìn đại thiên thế giới; còn giới tướng chính là ba tụ tịnh giới. Người trì giới và phạm giới đều không có một nguyên tắc nào nhất định. Việc truyền trao giới cũng không giới hạn cho cả thông và biệt. Truyền giới thông cho tất cả xuất gia và tại gia, cùng một luật lấy ba tụ tịnh giới tác pháp truyền chung thì gọi là thông thọ. Trong khi truyền trao riêng, giới sư y cứ vào Nhất bách tam yết-ma, hay pháp tam quy truyền riêng cá biệt cho mỗi người thì đó gọi là biệt thọ. Loại giới này đặc xưng là Viên đốn giới, hay còn gọi là Phạm võng Bồ-tát giới, hay Thiên Thai Viên giáo Bồ-tát giới, Bồ-tát Kim cương thật giới, Nhất thừa giới, Nhất thừa Viên giới, Nhất tâm giới, Nhất tâm Kim cương giới, Đại thừa Viên đốn giới, Viên đốn Bồ-tát giới, Viên đốn vô tác giới, Viên giới, Đại giới.

Chân ngôn tông nói về tam-muội-da giới tức ý chỉ cho giới bình đẳng, thì giới chỉ cho thân, khẩu, ý của Phật cùng chúng sanh ba mật bình đẳng tuyệt đối theo lý.  Một chân ngôn bí mật, giới này lấy tâm Bồ-đề thanh tịnh, vốn đầy đủ của chúng sanh làm giới thể và lấy muôn đức vô lượng pháp giới làm hành tướng. Đại Nhật kinh nói về bốn trọng cấm hay còn gọi là bốn trọng giới: Một, giới không nên bỏ Chánh pháp. Hai, giới không nên lìa bỏ tâm Bồ-đề. Ba, giới đối với tất cả pháp không nên bủn xỉn. Bốn, giới đối với tất cả chúng sanh không nên không tạo hạnh nhiêu ích. Lại, không thối tâm Bồ-đề, không hủy báng Tam bảo, không sinh lòng nghi ngờ, không khiến thối lui tâm Bồ-đề, không khiến phát tâm nhị thừa, không vội nói Đại thừa thâm diệu, không khởi tà kiến, không nói ta có đầy đủ vô thượng đạo giới, bỏ tất cả những việc không lợi ích, đó là mười giới trọng. 

Ngoài ý nghĩa cùng những giới tướng từ những thuộc tính đưa đến những sự tướng có được của giới ra, chúng ta còn có nghi thức để lãnh thọ giới pháp (giới đàn pháp) được chúng tôi liệt kê theo đây để cho mọi người cùng biết: 

Tiếp nhận giới pháp thì gọi là nhận (thọ) giới.
Giới sư truyền cho giới pháp gọi là truyền giới.
Trì giữ giới pháp gọi là trì giới.
Truyền giới có một nghi thức nhất định gọi là giới nghi.

Lễ truyền giới, có Hòa thượng truyền giới (đầy đủ phải tam sư thất chứng), hoặc là truyền giới sư (Thiên Thai tông Nhật Bản khi truyền Viên đốn giới, lấy Thế Tôn làm Hòa thượng truyền giới, còn hiện tiền những vị sư truyền giới thì gọi là truyền giới sư) làm giới sư.

Thọ giới có nhiều hình thức, như thọ chung cùng thọ riêng, tự nguyện thọ (nhận) cùng thọ (nhận) từ người khác, thọ một phần cùng thọ toàn phần. Ở đây, thọ tự nguyện là không cần những hình thức tam sư thất chứng, duy chỉ tự mình đối trước Phật thệ nguyện rằng mình xin nhận giới, còn nhận giới từ người khác tức là theo hình thức phải có tam sư thất chứng từ người khác mà nhận giới.

Giới thể có hai, khi hành vi của thân, ngữ chúng ta kinh qua nghi thức thọ giới thì hành vi làm việc này gọi là biểu nghiệp, lúc mới bắt đầu thọ giới thì gọi là tác giới hay là giáo giới. Tác giới hay giáo giới không mang tính liên tục mà chỉ được giới hạn trong thời gian bắt đầu tác pháp giáo giới để đưa đến yết-ma thọ giới, thời gian này mang hình thức thể hiện của thân và ngữ nghiệp được biểu hiện nên được gọi là biểu nghiệp. Sau khi nhận tác pháp yết-ma thọ giới được thể hiện qua thân hành và ngữ hành xong, chúng ta đắc được giới thể. Sau khi chúng ta đắc được giới thể, từ đó trở về sau, giới thể này tương tục luôn luôn; chúng có tác dụng bảo trì giới một cách liên tục vô hình trung, nên được gọi là vô tác giới, hay còn gọi là vô biểu nghiệp; chúng sẽ mất khi thân và ngữ của chúng ta biểu hiện làm cho người đối diện biết rằng mình muốn xa lìa giới hay xả giới thì giới liền mất.

Vấn đề đắc giới thể hay mất giới thể, theo Câu-xá luận 14 & 15 giải thích như sau: Biệt giải thoát luật nghi cần phải dùng đến các duyên tam sư thất chứng mới đắc giới; nhưng được gọi là mất giới hay xả giới thì cần đến một trong năm duyên mới mất giới: Một, ý lạc (có tâm phạm giới). Hai, tử vong. Ba, khi mang lưỡng tính (nam & nữ, nhị hình). Bốn, đoạn thiện căn. Năm, qua khỏi thời gian một ngày một đêm thì giới tự mất (dành cho giới Bát quan trai).

Ngoài ra, kinh luật đã nêu những thắng duyên của một hành giả muốn đắc Cụ túc giới cần phải có một trong mười duyên này: Một, tự nhiên được, tức do giác ngộ mà được, như Phật hay Độc giác. Hai, nhờ kiến đế mà được, tức là nhập vào kiến đạo mà được, như năm anh em Kiều-trần-như. Ba, thiện lai mà được, tức chỉ cần Phật bảo thiện lai là được, như Da-xá. Bốn, tự thệ nguyện mà được, tức là tin nhận Phật là Đại sư mà được, như tôn giả Đại Ca-diếp. Năm, do luận nghị mà được, tức cùng Phật vấn đáp mà được, như Tô-đà-di. Sáu, tác kính trọng mà được, tức thọ Bát kỉnh pháp mà được, như Ma-ha Ba-xà-ba-đề. Bảy, sai tin mà được, tức được Phật sai khiến truyền trao cụ túc giới mà được, như pháp truyền trao cho Ni. Đây là trường hợp của Tỳ-kheo-ni Pháp Thọ, do sợ nạn phạm hạnh mà Phật cho phép cử đại diện đến thọ rồi về truyền lại. Tám, tác ngũ nhơn mà được, tức vùng biên địa, Tăng không đủ túc số, nên chỉ cần năm vị truyền giới sư mà được. Chín, do Yết-ma mà được, tức cần tam sư thất chứng tác yết-ma để truyền trao giới mà được giới. Mười, tam quy mà được, tức quy y Phật, Pháp, Tăng Tam bảo mà được.

Lại nữa, giới được phân ra làm năm loại, đây gọi là năm phần giới: Người thọ trì tam quy và giữ một trong năm giới gọi là nhất phần giới; người thọ trì tam quy cùng thọ trì hai giới trong năm giới gọi là thiểu phần giới; nếu thọ trì hai giới mà phá một giới thời gọi là vô phần giới; thọ trì ba hay bốn giới gọi là đa phần giới; thọ trì năm giới thì gọi là mãn phần giới.

Vị nào thọ Sa-di giới chưa lâu thì gọi là tân giới; nếu người nào mới thọ (Sa-di) với hy vọng sẽ sinh về chỗ lành các cõi Trời thì gọi là hy vọng giới; người nào sợ người khác trách mắng mà thọ giới thì gọi là bố úy giới; vị nào muốn bảy giác chi, trang nghiêm tâm mình mà thọ giới thì gọi là thuận giác chi giới; vị nào muốn lìa cấu phiền não mà thọ giới thì gọi là vô lậu thanh tịnh giới. 

Y cứ vào Tứ phần luật 16 thì, nếu phạm các tụ Ba-la-di, Tăng tàn, Thâu-lan-giá (giới phần) thì gọi là phá giới; phạm vào các tụ Ba-dật-đề, Ba-la-đề-đề-xá-ni, Đột-kiết-la, ác thuyết (oai nghi phần), gọi là phá oai nghi. Sau khi thọ giới xong, người thường phạm giới, thế lực của giới thể ngày càng suy yếu dần, song vẫn chưa xả giới, thời gian này được gọi là giới luy (sút kém); ngược lại sau khi đắc giới, vị đó càng ngày càng tinh tấn trong việc thọ trì giới, khiến giới thể càng ngày càng lớn mạnh hơn lên từ từ thì gọi là giới phì.

Người phá giới sau khi chết sẽ đọa vào ba đường ác. Theo Tứ phần luật 29, người phá giới có năm lỗi: Một, tự hại. Hai, bị người khác quát mắng. Ba, tiếng xấu đồn vang. Bốn, đến lúc chết sinh hối hận. Năm, sau khi chết đọa vào đường ác. Nếu đối với giới luật lấy tà kiến mà chấp trước thì gọi là giới cấm thủ kiến (là một trong năm kiến). Như Ngưu cẩu ngoại đạo trì ngưu giới, cẩu giới, kê cẩu giới, v.v… tất cả đều thuộc giới cấm thủ kiến. Trường hợp nếu chưa phá giới nhưng khởi phiền não mà làm nhiễm ô giới thì gọi là ô giới. Trường hợp tương đối, với tịnh giới mà nói thì giới của nhiễm ô này cũng gọi là ô giới. 

Như trên chúng ta đã biết, giới có mục đích là làm thanh tịnh hóa ba nghiệp thân, khẩu, và ý. Nếu ba nghiệp này của chúng ta thanh tịnh, sạch như băng tuyết thì lo gì chúng ta không giải thoát được những thứ phiền não chướng khổ; những thứ làm ngăn trở chúng ta trên bước đường giải thoát. Vì giới theo nhân quả thì nó chính là nhân đưa đến giải thoát khổ của chúng ta, dù đứng trên mặt tương đối hay tuyệt đối nó vẫn là nhân và duyên đưa đến giải thoát khổ và đạt an vui trong giải thoát ngay trong cuộc sống hiện tại này của chúng ta; và cũng là bước đầu đưa đến định trong hiện quán về khổ và xa lìa khổ một cách như thật trong trí tuệ.

(còn nữa)

[Tập San Pháp Luân.34.Tr,03.2006]