Ba học

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

III . TUỆ: Sanskrit gọi là prajñā, Pāli gọi là paññā, Trung Hoa dịch âm là Bát-nhã, có nghĩa là suy lý, là chỉ khả năng suy lý phán đoán mọi tác dụng  tinh thần đối với sự vật và lý tính, là tên của tâm sở, là một trong bảy mươi lăm pháp theo Câu-xá luận, hay là một trong một trăm pháp theo Duy thức, là phần học cuối của ba học.

Vì Tuệ có khả năng thứ nhất là hiển lộ bổn tánh xưa nay của chúng sanh, thứ hai là có khả năng lựa chọn đoạn trừ các loại phiền não vô minh và cuối cùng, có khả năng thấy rõ thật tướng của chư Phật, cho nên Tuệ thông cho cả ba tánh thiện, bất thiện và vô ký. Nếu là ác tuệ thì gọi là ác kiến, là một trong năm kiến; nếu là thiện tuệ thì gọi là chánh kiến, chánh tuệ.  

Theo Bát thánh đạo thì tuệ chỉ cho chánh kiến và chánh tư duy.  Hành giả nào phụng hành Bát thánh đạo thì không bao lâu sẽ chứng đắc quả A-la-hán, tức là có khả năng đạt được mười pháp vô học. Mười pháp vô học này ngoài tám pháp vô học Bát Thánh đạo thì cộng thêm Chánh giải thoát và Chánh trí thành ra mười pháp vô học. Hai pháp này cũng thuộc vào tuệ học của vô học. Ngoài ra, nói theo tương đối thì tuệ với trí cùng chung danh, đối với tướng trí hữu vi thì gọi là trí, nhưng đối với lý không của vô vi thì gọi là tuệ. Câu xá luận 26 cũng nói tuệ được chia ra hai loại hữu lậu tuệ và vô lậu tuệ. Loại tuệ thứ nhất cùng với pháp phiền não tương quan mật thiết với nhau không thể nào thoát ly được, chúng hỗ tương quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau và tùy thuộc vào nhau, mang tính chất của trí hơn là tuệ nên chúng ta thường nghe đức Phật bảo những người có đôi chút biện tài trong lý luận câu hữu với vô minh, tuệ vô ngại tại thế gian gọi là thế trí biện thông. Loại tuệ thứ hai được gọi là Thánh tuệ là do nhờ nghe pháp mà có được nên gọi là văn tuệ, hoặc do nhờ tư duy khảo xét mà có được thì gọi là tư tuệ, hay do tu tập theo pháp Phật mà có được thì gọi là tu tuệ; ba loại này gọi chung là ba tuệ văn-tư-tu. Ba loại tuệ này nếu đem cộng thêm với tuệ di truyền từ kiếp trước sinh ra có được gọi chung tứ tuệ. Căn cứ vào Bồ-tát Anh Lạc Bồn nghiệp kinh quyển thượng, trong giai đoạn Bồ-tát hành, trí tuệ có thể phân ra làm sáu loại tức là ba tuệ văn-tư-tu cùng với vô tướng tuệ (đã chứng ngộ Không-vô tự tánh), chiếu tịch tuệ (dùng tuệ của trung đạo quán chiếu thấy lý trung đạo) và, tịch chiếu tuệ (là tịch và chiếu không phải hai, định tuệ bình đẳng). Tùy theo thứ lớp mà cùng với sáu vị Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác mà phối hợp nhau trong thực hành. Ngoài ra, trong mười trí thì trí ban đầu, tức là thế tục trí, thuộc về tuệ hữu lậu, còn chín trí kia như Pháp trí, Loại trí, Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, Đạo trí, Tha tâm trí, Tận trí và Vô sanh trí là thuộc về tuệ vô lậu. 

Đứng về mặt tác dụng của tuệ mà nói thì, theo Câu xá luận 26,  tuệ có những tác dụng tùy thuộc vào mỗi thuộc tính của các pháp mà có ý nghĩa tác dụng khác nhau như kiến, nhẫn, trí. Kiến thuộc nghĩa so sánh lựa chọn, tức là tìm cách so sánh tác dụng đúng sai của mọi sự vật. Nhẫn, có nghĩa là chấp nhận, tức là xác nhận mọi sự vật tất cả là như vậy. Trí, có nghĩa là quyết đoán, tức là chỉ cho tác dụng quyết đoán hoàn toàn dứt hết tâm nghi ngờ. Cũng theo luận Đại Tỳ-bà-sa 42 thì, tuệ có khả năng phân biệt tự tướng các pháp, cũng có khả năng phân biệt cộng tướng của các pháp, nên có sự sai biệt từ Văn thành tuệ, Tư thành tuệ, Tu thành tuệ cùng Sanh đắc tuệ. 

Như trên chúng ta đã biết, tuệ cũng có nhiều giai đoạn để chúng ta phân biệt từ thấp lên cao từ thế gian ra khỏi thế gian, từ hữu lậu đến vô lậu, vì thế dụng ngữ dành cho tuệ cũng theo đó mà có tên gọi khác nhau. Thông thường tuệ chúng ta thường gọi chung là trí tuệ. Trí tuệ này là mục đích tối hậu của Phật giáo trong việc thực hiện giác ngộ tuệ giác giải thoát. Không luận là ba học, hay mười pháp vô học, sáu Ba-la-mật, tất cả đều đặt trí tuệ vào phân vị cuối cùng. Tuy vậy, trí tuệ vẫn được phân ra làm nhiều cấp độ như trí tuệ hữu lậu của cõi dục thế tục, trí tuệ sơ bộ của các bậc mới chứng ngộ, trí tuệ của các bậc A-la-hán Thinh văn, trí tuệ của các bậc Bích-chi Phật (Duyên giác), trí tuệ theo từng giai đoạn của các cấp vị Bồ-tát, cuối cùng trí tuệ cao tột là của các đức Phật. Như vậy tùy theo thuộc tính của từng cấp bậc mà chúng ta hình dung được dụng ngữ của trí tuệ như: Skrt: prajñā, Pāli: paññā, tuệ, trí tuệ, Bát-nhã; Skrt: jñāna, Pāli: ñāṇa, trí, trí tuệ, Xà-na; Skrt: vidyā, Pāli: vijjā, minh; Skrt: buddhi, giác; Skrt: medha, tuệ; Skrt: bhūri, quảng, quảng tuệ; Skrt: darśana, Pāli: dassana, Kiến, nai-lại-xá-na; Skrt: dṛṣṭi, pāli: diṭṭhi, kiến; Skrt: vipaśyanā, Pāli: vipassanā, quán, tỳ-bát-xá-na; Skrt: anupaśyanā, Pāli: anupassanā tùy quán; Skrt: parijñā, Pāli: pariññā, biến tri; Skrt: abhijñā, Pāli: abhiññā, chứng trí, thần thông; Skrt: ajñā, Pāli: aññā, liễu tri, dĩ tri, a-nhã; Skrt: samprajāna, Pāli: sampajāna, chánh tri; Skrt: mīmāṃsā, Pāli: vīmaṃsā, quán, quán sát; Skrt: parīkṣā, Pāli: parikkhā, quan, quan sát; Skrt: pratyavekṣaṇa, Pāli: paccavekkhaṇa, quan sát; Skrt: dharma-vicaya, Pāli: dhamma-vicaya, trạch pháp; Skrt: pratisaṃvid, Pāli: paṭisambhidā, vô ngại giải, vô ngại biện. Ngoài những dụng ngữ dành cho cấp bậc tu chứng trên ra, trí tuệ còn đem ra để làm thí dụ như: Skrt: cakṣu, Pāli: cakkhu, nhãn; Skrt: āloka, quang minh. Và, trí tuệ còn được cụ thể hóa  sự thể nghiệm qua Bồ-đề (Bodhi), giác, đạo, tam-bồ-đề (sambodhi), chánh giác, đẳng giác. Đó tất cả những thể hiện qua ngôn ngữ biểu trưng cho thuộc tính từng chủng loại riêng biệt, nhưng chúng cũng biểu trưng cho trí tuệ tùy theo từng thuộc tính của chúng. Tuy nhiên dụng ngữ mà chúng ta thường thấy dùng rất nhiều trong kinh-luật-luận luôn là prajñā (pñāna) và jñāna (ñāṇa), hai từ này dịch nghĩa là trí tuệ, đó là cách dịch xưa. Theo cách tân dịch của ngài Huyền Tráng thì prajñā dịch là tuệ, jñāna dịch là trí. Tuệ trong ba học, trong sáu ba-la-mật hay trong bát-nhã ba-la-mật đều là tuệ cả. Tuệ (prajñā, paññā) là trí tuệ mang ý nghĩa rộng lớn. Y cứ vào A-tỳ-đạt-ma thì tác dụng của tuệ bao gồm có thiện, ác và vô ký trong tất cả mọi nhận thức, thậm chí nó bao gồm cả liệt tuệ của phàm phu hữu lậu cho đến tuệ tối cao của vô lậu. Bát-nhã, về mặt nào đó, trí tuệ của Bát-nhã được nhận thức là trí tuệ tối cao, mà thật ra thì Bát-nhã chỉ là một loại trí tuệ phổ thông, nhưng nếu cộng thêm từ Ba-la-mật (pāramitā) vào thì mới thật sự trở thành tối cao, hoàn toàn mang ý nghĩa trí tuệ của Bát-nhã Ba-la-mật. Trí (jñāna, ñāṇa) chủ yếu được dùng lại từ hình dung trí tuệ khai ngộ. Những loại tận trí, vô sanh trí, chánh trí đều là trí tuệ của các bậc A-la-hán, còn trí ba-la-mật là trí tuệ tối cao của thập địa Bồ-tát như Thành sở tác trí, Diệu quan sát trí, Bình đẳng tánh trí, Đại viên cảnh trí được gọi là Tứ trí, nếu cộng thêm với Pháp giới thể tánh trí thì gọi là Ngũ trí, tất cả đều thuộc về trí tuệ giác ngộ của Bồ-tát. Ngoài ra còn có ba trí là Nhất thiết trí, Đạo chủng trí và Nhất thiết chủng trí, đây là trí tuệ nói chung chỉ cho trí tuệ giác ngộ từ các vị Thinh văn, Duyên giác, Bồ-tát cho đến quả vị Phật. 

Về mặt tác dụng của trí tuệ thì chúng ta có thể phân ra làm hai loại: Hữu phân biệt trí (vsavikalpa-jñāna) và vô phân biệt trí (savikalpa-jñāna). Hữu phân biệt trí là trí tuệ có chủ ý nhận thức đến một đối tượng nào đó; còn Vô phân biệt trí là trí tuệ không có chủ ý nhận thức đến đối tượng, mà nó cùng với đối tượng hợp làm một thể, là trí tuệ chứng ngộ tối cao. Vô phân biệt trí là trí tuệ không của quán sắc tức không. Lý tưởng trước tiên của Phật giáo là, trong lý luận, bằng cách nào để làm sáng tỏ qua nhận thức cho mọi người biết rằng tất cả các pháp là không ngã, không có tự tánh. Tiếp đến là quán chiếu đạo lý vô ngã không tự tánh này, tức là phải dùng thái độ không chấp trước không chỗ được, từ đó biến hoạt động thường nhật của mỗi chúng ta thể hiện trong công việc vô ngại tự tại. Không dụng lực, nên tâm tự tại vô ngại, tự nhiên như pháp, đó chính là sự thể hiện trí tuệ của pháp nhĩ tự nhiên của vô phân biệt trí. Đây là trí tuệ tối cao, còn gọi là Đại trí Bát-nhã Ba-la-mật.

(còn tiếp)

Thích Đức Thắng

[Tập San Pháp Luân.37.tr,3.2006]