Lục Ba-la-mật - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Lục Ba-la-mật-đa là chỉ cho sáu phương pháp để hành giả tu tập đến bờ bên kia (từ bờ mê đến bờ giác). Pāramitā còn có nghĩa: tuyệt đối, hoàn toàn, rốt ráo, thành tựu, có nghĩa là đạt thành lý tưởng mà hành giả đã đặt ra cho mình, là hoàn thành mọi ý nguyện, đó chính là mục tiêu cuối cùng của các hành giả thực hành con đường Bồ-tát của mình qua sáu phương pháp vừa tự lợi lẫn lợi tha. Sáu phương pháp này có khả năng độ thoát chúng sanh vượt qua biển khổ sinh tử đạt đến thường lạc Niết-bàn của bờ bên kia theo nghĩa tương đối. Theo Lục độ tập kinh, quyển 1, thì: “Chư Phật biết chúng sanh khó đuổi kịp hạnh cao, nên vì họ nói sáu độ vô cực của Bồ-tát để họ mau được làm Phật. Sao gọi là sáu? Một là Bố thí, hai là Trì giới, ba là Nhẫn nhục, bốn là Tinh tấn, năm là Thiền định, sáu là Minh độ vô cực (Trí tuệ Ba-la-mật).” Chúng ta thường gặp sáu Ba-la-mật này trong khắp các văn bản kinh, luật, luận trong Tạng Đại Chánh Tân Tu. Trong đó, Lục độ tập kinh, Lục Ba-la-mật kinh, v.v… toàn kinh đều giảng rộng về hành Lục Độ; ngoài ra, những kinh khác như kinh Đại Bát-nhã 5, 7, 9 phần cuối, luận Đại trí độ 11 phần cuối cũng đều tường thuật rõ ràng về chúng, đó là pháp môn cực kỳ trọng yếu của kinh điển Đại thừa Phật giáo. Về ý nghĩa của Lục Độ được lược thuật như sau:

1 – Đàn-na Ba-la-mật
(dāna-pāramitā): phiên âm là Đà-na Ba-la-mật, người Trung Quốc dịch nghĩa là Bố thí Ba-la-mật, hoặc Bố thí đáo bỉ ngạn, Thí Ba-la-mật, Bố thí độ vô cực. Cũng dịch là bố thí hoàn toàn tuyệt đối, hay hoàn thành Bố thí, trong đó có cả ba loại tài thí, pháp thí và vô úy thí.
2 – Thi-la Ba-la-mật
(śīla-pāramitā): người Trung Quốc dịch nghĩa là Trì giới Ba-la-mật, hay còn gọi là Giới độ vô cực. Cũng có nghĩa là tuyệt đối, trì giới hoàn toàn, hay hoàn thành trì giới, tức là chỉ cho việc trì giữ luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu tình giới, chúng có khả năng đối trị nghiệp ác khiến cho thân và tâm thanh tịnh.
3 – Sằn-đề Ba-la-mật
(ksānti-pāramitā): người Trung Quốc dịch nghĩa là Nhẫn nhục Ba-la-mật hay An nhẫn Ba-la-mật, Nhẫn nhục độ vô cực. Cũng dịch là tuyệt đối, an nhẫn hoàn toàn, hay hoàn thành nhẫn, tức là chỉ cho việc tu tập nhẫn nại oán hại, An nhẫn chịu khổ, xét kỹ pháp nhẫn có khả năng đối trị sân nhuế, khiến tâm an ổn.
4 – Tỳ-lị-da Ba-la-mật
(vīrya-pāramitā), người Trung Quốc dịch nghĩa là Tinh tấn Ba-la-mật, hay Tinh tấn độ vô cực. Cũng có thể dịch là tuyệt đối, hoàn toàn tinh tấn, hoàn thành tinh tấn, trong đó có cả hai tinh tấn thân và tâm. Tinh tấn siêng năng tu tập các thiện pháp, hành đạo, lễ tụng, giảng thuyết, siêng giúp, khai hóa, tức là chỉ cho thân siêng năng tinh cần tu tập bố thí, trì giới thiện pháp và tâm siêng năng hành thiện đạo, tâm tâm liên tục miên mật siêng năng tu tập nhẫn nhục, thiền định trí tuệ. Cho nên tinh tấn có khả năng về hai mặt thân và tâm để đối trị với căn bệnh lười biếng của ác pháp sinh trưởng các pháp lành.
5 – Thiền-na Ba-la-mật
(dhyāna-pāramitā): người Trung Quốc dịch nghĩa là Thiền định Ba-la-mật, hay Tịnh lự Ba-la-mật, Thiền độ vô cực. Cũng có thể dịch là tuyệt đối, thiền định hoàn toàn, hay hoàn thành thiền định, tức là chỉ cho sự tu tập tịnh lự hiện pháp lạc trú, tịnh lự đưa đến thần thông, tịnh lự lợi lạc hữu tình. Chúng có khả năng đối trị loạn ý, nhiếp giữ ý niệm đối tượng bên trong không cho chạy theo các duyên bên ngoài.
6 – Bát-nhã Ba-la-mật
(prajñā-pāramitā): người Trung Quốc dịch nghĩa là Trí tuệ Ba-la-mật, hay Minh độ vô cực. Cũng có thể dịch là tuyệt đối, trí tuệ hoàn toàn, hoàn thành trí tuệ, có nghĩa được tuệ thế tục, tuệ duyên thắng nghĩa, tuệ duyên hữu tình, có khả năng chấm dứt ngu si, biết rõ thật tướng các pháp hiện hữu và biến dịch.      

Qua những tóm lược về ý nghĩa công dụng của Lục Ba-la-mật, hành giả chúng ta có một nhận thức cơ bản về cả hai mặt tự lợi và lợi tha của cả hai Thừa của Phật giáo, tuy trên mặt căn cơ có sự sai biệt, nhưng về mặt tác dụng chúng vẫn có những giá trị nhân quả ngang nhau, dù là đại hay tiểu, dù là tiêu cực hay tích cực, chúng vẫn mang lại cho hành giả những kết quả theo từng thuộc tính của chúng.
- Về Đàn-na Ba-la-mật, ở đây được y cứ vào tâm từ bi mà thể hiện phước lợi cho mình và cho người. Bố thí vốn được phát xuất từ sự khuyến khích và hướng dẫn của chính đức Đạo sư cho các hàng Phật tử Ưu-bà-tắc tại gia thực hành pháp này về tài vật. Ý nghĩa vật chất của nó không ngoài dùng y thực cùng tất cả những vật thực khác có được cúng dường hay bố thí cho những vị có đức lớn và những người cùng khổ nghèo nàn; và cho đến thời kỳ Đại thừa phát triển thì bố thí là một pháp trong Lục Ba-la-mật, ngoài Tài thí ra còn thêm hai pháp nữa đó chính là Pháp thí và Vô úy thí; đem tài vật, thể lực, trí tuệ ra bố thí rộng rãi cho người khác, vì người khác tạo phước thành trí mà cầu được công đức dần dần tích lũy trở thành to lớn, đó chính là một phương pháp tu hành đưa hành giả đi đến chỗ giải thoát. Theo Đại thừa nghĩa chương 12 giải thích thì, nghĩa của Bố thí là dùng tài vật của mình mà phân phát cho người khác được gọi là Bố; còn tình thực mình ban ân cho người thì gọi là Thí.

Mục đích Bố thí của các nhà Tiểu thừa là để dẹp trừ tính tham cá nhân trong hiện tại, tạo ra tác nhân vì mình vì người mà hành thí khiến tránh khỏi cái hậu quả bần khốn trong đời vị lai, trong khi các nhà Đại thừa thì liên kết Bố thí với giáo nghĩa đại từ đại bi tâm để tự cứu thoát mình cứu thoát mọi người. Người bố thí giúp đỡ tiền tài vật chất được gọi là đàn việt (dānapani, là chỉ cho người cúng dường, người giúp đỡ, ý dịch là người chủ bố thí, hay đàn-na chủ gọi tắt là đà-na); còn của cải tài vật được đem ra bố thí gọi là của cải giúp đỡ, tài vật giúp đỡ, vàng bạc giúp đỡ, tiền tài giúp đỡ, nhà cửa giúp đỡ (nhà cửa cúng dường cho Tăng chúng), vật giúp đỡ phân chia, vật tín đồ cúng dường.

Bố thí có khả năng khiến cho con người xa lìa lòng tham, như chúng ta đối với Phật, Tăng cùng những người bần cùng mà cúng dường giúp đỡ y phục, đồ ăn thức uống, của cải vật chất thì kết quả tất yếu là chúng ta sẽ chiêu cảm được quả báo hạnh phúc có được về vật chất sung túc dư dả sau này. Đó là đức Đạo sư chỉ mới dạy cho chúng ta tự thể hiện lòng từ qua bố thí vật chất, còn về mặt tinh thần trong đó bố thí cũng được vì mọi người hướng dẫn tuyên giảng về chánh pháp khiến cho người ta chỉ ác hành thiện không những chỉ đạt được công đức lợi mình lợi người mà còn sinh về nơi nhân thiên hưởng lạc quả sau này. Đức Đạo sư không những chỉ dừng lại ở đó mà còn khiến cho mọi người ly khai xa lìa lòng sợ hãi do vô minh mang lại làm cho chúng ta không làm chủ được vận mệnh của chính mình mà phải đem giao phó cho những thần linh không biết bên ngoài làm chủ, đó chính là đem lại cho mọi người lòng vô úy không sợ hãi mà đức Đạo sư gọi pháp này là Vô úy thí. Giữa ba cách bố thí này ngoài sự khác nhau hiển nhiên về giá trị vật chất và tinh thần, chúng còn khác nhau trên mặt đánh giá tiêu cực và tích cực trong ý nghĩa thế gian và xuất thế gian. Ngay đến Bố thí, nếu bố thí với mục đích vì để xa lìa lòng tham và để khai ngộ việc chỉ ác hành thiện thì được gọi là thanh tịnh thí, còn nếu ngược lại mà bố thí thì bố thí này gọi là bất thanh tịnh thí. Đối với Pháp thí, giá trị nội hàm của chúng cũng tùy thuộc vào thuộc tính của chính chúng, có nghĩa là Pháp thí chỉ dạy mọi người giáo pháp sinh về Nhơn-Thiên gọi là Pháp thí thế gian, còn giáo pháp dạy người làm Phật thì gọi là Pháp thí xuất thế gian. Ngoài Tài thí và Pháp thí thông thường ra, riêng Bố thí Ba-la-mật cũng tùy thuộc vào thời gian mà khu biệt có hai loại. Loại thứ nhất được gọi là Bố thí, theo kinh Ưu-bà-tắc giới 2 thì, việc hành Thí của các hàng Thinh Văn, Duyên Giác, Phàm phu, ngoại đạo cùng việc hành thí của các hàng Bồ-tát ở vào thời gian sơ hay nhị A-tăng-kỳ kiếp thì vẫn còn gọi là Thí; còn các hàng Bồ-tát từ đệ tam A-tăng-kỳ kiếp trở lên mà hành thí thì gọi là Thí Ba-la-mật. Theo kinh Bồ-tát Thiện Giới 1, phẩm tự thì, các hàng Bồ-tát tại gia hành Tài thí cùng Pháp thí, còn các hàng Bồ-tát xuất gia hành Tứ thí: bút thí, mặc thí, kinh thí và thuyết pháp thí. Hàng bồ-tát đã chứng đến bậc vô sanh nhẫn thì hành ba thí: Cụ túc thí, Đại thí và Vô thượng thí. Theo Câu-xá luận 18 thì có 8 loại Bố thí: tùy chí thí, bố úy thí, báo ân thí, cầu báo thí, tập tiên thí, hy thiên thí, yếu danh thí, vị trang nghiêm tâm đẳng thí. Cũng trong luận này đưa ra bảy loại thí khác nữa: thí khách nhơn, thí hành nhơn, thí bệnh nhơn, thí thị bệnh giả, thí viên lâm, thí thường thực, tùy thời thí. Theo kinh Hoa Nghiêm 12 có 10 loại thí: tu tập thí, tối hậu nạn thí, nội thí, ngoại thí, nội ngoại thí, nhất thiết thí, quá khứ thí, vị lai thí, hiện tại thí, cứu cánh thí. Đó là những sự sai biệt tùy thuộc vào nội hàm của những thuộc tính mà theo các kinh luận đưa ra về nội dung, thái độ, cùng mục đích không đồng của chúng, nên có những phương thức phân loại như vậy. Hơn nữa nếu chúng ta căn cứ vào thật tướng duyên khởi của các pháp để đánh giá thì tự chúng: Người thí, người nhận, vật được bố thí. Cả ba từ bản chất của chúng vốn là Không, không tồn tại bởi luật vô thường tác dụng chi phối, nên tánh, tướng chúng vốn không, vốn như huyễn. Chúng ta căn cứ vào đâu để mà chấp phá? Vì vậy cho nên gọi là ba luân thể không, ba luân thanh tịnh là vậy.

Thích Đức Thắng(còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 49, tr.3, 2007]