Lục Ba-la-mật - Phần 4

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

- Về Tỳ-lị-da Ba-la-mật (vīrya-pāramitā), người Trung Quốc dịch nghĩa là Tinh tấn ba-la-mật, hay Tinh tấn độ vô cực. Vīrya người Trung Quốc phiên âm là Tỳ-lị-da, hay Tỳ-ly-da, có nghĩa là siêng năng, tinh cần. Theo tiếng Phạn thì động từ căn √vīr  có nghĩa là chiến thắng, hay đình chỉ, còn tiếp vỹ ngữ “ya”  được thêm vào do biến cách để trở thành danh từ trung tính mang ý nghĩa là tự kiềm chế mà siêng năng tu tập. Theo Trần Chân Đế thì khả năng diệt trừ lười biếng, và các pháp ác bất thiện gọi là “Tỳ-lị”; và thực hành không phóng dật làm tăng trưởng các pháp lành gọi là “da”. Theo Đại thừa nghĩa chương 12 thì, Tỳ-lị-da có nghĩa là tinh tấn. Pháp luyện tâm gọi là tinh; đạt tâm tinh chuyên gọi là tấn.Tinh tấn là pháp căn bản trong việc thực hành pháp tu của mọi người, nên trong pháp tu cơ bản của Nguyên thủy Phật giáo thì tinh tấn là một chi tối quan trọng trong tám chi Thánh đạo và, trong pháp tu của các nhà Đại thừa hành Bồ-tát hạnh cũng lấy tinh tấn làm hàng đầu trong việc hành đạo của mình qua Lục ba-la-mật hay Thập ba-la-mật. Cũng có thể dịch là tuyệt đối, hoàn toàn tinh tấn, trong đó có cả hai tinh tấn thân và tâm. Trước hết về sự tinh cần của thân trong việc nỗ lực siêng năng tu tập các pháp thiện trong lúc hành đạo như lễ bái, đọc tụng, giảng pháp và làm trợ duyên khuyến khích hướng dẫn cho mọi người thực hành các pháp thiện như bố thí, trì giới, v.v… Sau đến tự tâm hành giả nỗ lực tinh cần thực hành thiện đạo, tâm hành giả lúc nào cũng miên mật liên tục hướng đến Niết-bàn trong mọi nỗ lực tinh tấn tu tập nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ, đánh tan mọi sự giải đãi, biếng nhác, để làm tăng trưởng các thiện pháp một cách nhanh chóng hơn trên bước đường giải thoát khổ đau, đạt an vui tịch diệt. Như vậy tinh tấn vốn là một độ rất ư là quan trọng đối với lục độ, hay thập độ và cũng là một pháp cơ bản quan trọng đứng đầu trong sự thành tựu pháp tu của hành giả. Ở đây, cho dù pháp tu tốt hay dễ đến độ nào đi chăng nữa; nhưng hành giả thiếu tinh tấn nỗ lực về thân và tâm thì pháp ấy cũng trở thành không có giá trị đối với mọi người.
- Về hành tướng của tinh tấn, tùy theo căn cơ và thuộc tính của từng đối tượng tu, nên theo đó chúng có những sự sai khác và không đồng nhau: Theo tâm sở thì gọi là siêng, tức chỉ cho tâm dõng mãnh dứt ác hành thiện. Các nhà Câu-xá cùng Duy thức lấy tinh tấn làm một trong những pháp địa đại thiện. Hoặc nó cùng với dục, tâm, tư duy hiệp thành Tứ như ý túc. Hoặc nó cùng với tín, niệm, định, tuệ hiệp lại thành Ngũ căn, Ngũ lực. Hoặc nó cùng với dục, niệm, xảo, huệ, nhất tâm hiệp thành ngũ pháp. Hoặc nó là một trong lục Ba-la-mật hành, hay thập ba-la-mật hành. Hoặc một trong thất bồ-đề phần pháp.

Theo Đại trí độ luận 16 thì tinh tấn thuộc tâm số pháp, siêng làm không trụ vào tướng, làm theo tâm cùng với tâm sanh khởi. Theo A-tỳ-đàm thì hoặc có giác có quán, hoặc không giác mà có quán, hoặc không giác không quán. Trong tất cả các pháp thiện thì siêng năng tu tập không biếng nhác được gọi là tướng tinh tấn. Trong năm căn, thì tinh tấn được gọi là tinh tấn căn, nếu căn này tăng trưởng thì gọi là tinh tấn lực, tâm có khả năng khai ngộ thì gọi là tinh tấn giác, trường hợp có khả năng đưa đến thành Niết-bàn Phật đạo thì gọi là chánh tinh tấn. Trong Tứ niệm xả, nó thường hay liên hệ với tâm thuộc tinh tấn phần, trong tứ chánh cần nó là tinh tấn môn, trong Tứ như ý túc thì dục tinh tấn chính là tinh tấn, trong Lục ba-la-mật gọi là tinh tấn ba-la-mật. Vì tính quan trọng và cần thiết của tinh tấn trong việc hoàn thành những pháp tu cho mọi hành giả nên tinh tấn trở thành như là hiện hữu trong mọi pháp tu đối trị mọi căn bệnh vậy và, theo đó cũng tùy thuộc vào từng chức năng mà mang ý nghĩa của chính chúng trong năm thừa: Nhơn, Thiên, Thinh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát.
- Về chủng loại thì cũng được phân ra làm nhiều chủng loại cho phù hợp với thuộc tính của từng loại căn cơ mà đức Đạo sư phân chia theo đối tượng đối trị, do đó chúng cũng thuộc loại đa dạng, theo Đại thừa trang nghiêm kinh luận 8 thì tinh tấn có sáu loại:

Một, Tinh tấn tăng giảm (hāniviṛddhi-vīrya): có trong Tứ chánh cần, dùng để giảm từ từ hai pháp ác và cũng làm tăng dần hai pháp thiện.

Hai, tinh tấn tăng thượng (mokṣāddhipa-vīrya): có trong Ngũ căn, làm nghĩa tăng thượng đối pháp giải thoát.

Ba, tinh tấn xả chướng (pakṣavipakṣa-vīrya): có trong Ngũ lực, cho dù có bất cứ chướng ngại nào cũng không thể ngăn cản được.

Bốn, tinh tấn nhập chơn (praviṣta-vīrya): có trong Thất giác chi, để thành lập kiến đạo.

Năm, tinh tấn chuyển y (parivartaka-vīrya): ở trong tám chi Thánh đạo, là nhân chuyển y đưa đến cứu cánh lúc tu đạo.

Sáu, tinh tấn đại lợi (mahārtha-vīrya): ở trong Lục ba-la-mật, làm lợi cho tự mình và làm lợi cho người khác.

Chính vì sự hiện hữu cần thiết của tinh tấn trong mọi pháp tu nên tinh tấn cũng trở nên đa dạng và, có nhiều thuyết về tinh tấn: Theo Đại trang nghiêm thừa kinh luận 8 thì căn cứ vào căn cơ và pháp tu của người mà đức Đạo sư phân ra làm ba phẩm năm loại tinh tấn riêng biệt: Thinh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát cho phù hợp với kết quả mà họ nhận được sau khi tu tập. Năm loại đó là:

Một, tinh tấn hoằng thệ (samnāha-vīrya), là muốn phát khởi thực hành.

Hai, tinh tấn phát hành (prayoga-vīrya), đang thực hành các pháp thiện trong hiện tại.

Ba, tinh tấn vô hạ (alīna-vīrya), sẽ được kết quả lớn chứ không phải nhỏ nhặt.

Bốn, tinh tấn bất động (akṣobhya-vīrya), tức là những nỗi khổ của lạnh nóng, v.v… không làm hành giả lay động.

Năm, tinh tấn vô yểm (asaṃtuṣṭi-vīrya) không vì được kết quả chút ít mà cho là đủ.

Theo Đại phương quảng Thập luân kinh 8, trong tinh tấn tướng phẩm thì tinh tấn chia ra làm hai loại: Thế gian và xuất thế gian tinh tấn khác nhau. Như kinh Ưu-bà-tắc giới 7 dạy thì, tinh tấn của Bồ-tát xuất gia không khó bằng tinh tấn của Bồ-tát tại gia, vì Bồ-tát tại gia do vì kề cận với nhiều nhân duyên ác trói buộc nên rất khó tu trong việc thực hành siêng năng tinh tấn. Theo Đại trí độ luận 16 thì, đề cập rất rộng và nhiều về tinh tấn cả thân và tâm trong việc thực hành, nhưng hai việc này khác xa nhau. Theo kinh Giải thâm mật 4 trong phẩm Địa ba-la-mật-đa  thì, tinh tấn có ba loại: Bị giáp tinh tấn, tinh tấn gia hành chuyển sanh thiện pháp, tinh tấn gia hành nhiêu ích hữu tình. Theo Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tạp tập luận 12 thì cũng có ba loại tinh tấn: bị giáp, phương tiện và nhiêu ích hữu tình; còn Thành Duy thức luận 9 thì bị giáp, nhiếp thiện, và lợi lạc tinh tấn. Ở đây tinh tấn bị giáp là chỉ cho sự phát tâm đại thệ nguyện dõng mãnh cho việc thực hành tự lợi và lợi tha từ kiếp này sang kiếp khác, thề không thối chuyển trong việc hoàn thành sự nghiệp giải thoát của mình; lúc khởi lên tâm niệm như vậy cũng giống như mặc áo giáp sắt xông trận, có oai lực lớn. Tinh tấn nhiếp thiện là chỉ cho việc tinh tấn tu tập và thực hành các pháp thiện. Tinh tấn lợi lạc là chỉ cho vì việc lợi ích của tất cả chúng sanh mà tinh tấn không biếng nhác. Theo Nhiếp đại thừa luận quyển trung, Trần Chân Đế dịch thì tinh tấn chia ra làm ba phẩm loại: tinh tấn cần dõng, tinh tấn gia hành, tinh tấn bất hạ nan hoại vô túc (tinh tấn vô khiếp nhược, vô thối chuyển, vô hí túc).

Theo Hoa Nghiêm kinh 24 thì phân làm mười loại tinh tấn: Bất chuyển, bất xả, bất nhiễm, bất hoại, bất yểm quyện, quảng đại, vô biên, mãnh lợi, vô đẳng đẳng, cứu nhất thiết chúng sanh và, nói về Bồ-tát khi tu tập tinh tấn như vậy thì tâm trở nên ngay thẳng thanh tịnh, không mất tâm sâu xa, tin hiểu rõ ràng sắc bén, căn lành thêm lớn, xa lìa thế gian, bất tín cấu uế đều trừ sạch hết. Ngoài ra, theo Du-già Sư địa luận 42, phẩm tinh tấn thì chia ra làm 9 loại: Một, tinh tấn tự tánh. Hai, tinh tấn nhất thiết (có hai loại: tại gia và xuất gia. Hai loại này, mỗi loại có ba: hoằng thệ, nhiếp thiện, nhiêu ích). Ba, tinh tấn nan hành (có ba loại tinh tấn khó thực hành: tinh tấn không gián đoạn, tinh tấn không tưởng đến y thực, giường nằm, thân mình, tinh tấn thường tu pháp lành). Bốn, tinh tấn nhất thiết môn (có bốn loại: lìa bỏ pháp nhiễm ô, sinh pháp bạch tịnh, trừ sạch ba nghiệp, tăng ích trí tuệ). Năm, tinh tấn thiện nhơn (có năm loại: không có gì để vất bỏ, không thối giảm, không theo hạ liệt, không điên đảo, siêng năng dõng mãnh gia hành). Sáu, tinh tấn nhất thiết chủng (có hai loại: lục chủng và thất chủng. Lục chủng: vô gián, ân trọng, đẳng lưu, gia hành, bất động, vô hí túc tinh tấn. Thất chủng: câu hành với dục, bình đẳng tương ưng, thắng tiến, cần cầu, tu học, lợi tha, khéo giữ tinh tấn). Bảy, trừ phiền não tinh tấn. Tám, đời này đời sau vui tinh tấn. Chín, thanh tịnh tinh tấn (có mười loại tinh tấn: Tùy thuận, tu tập, chuyên tinh, thiện nhiếp, tùy thời tu tập tương ưng, thông đạt các tướng tương ưng, không thối lui, không hoại, bình đẳng, hồi hướng đại Bồ-đề).

Tất cả những hành tướng và chủng loại trên của tinh tấn, chúng tôi chỉ nêu ra một số ít trong kinh luận để cho hành giả biết rằng trong tu tập của chúng ta, việc siêng năng tinh tấn là một điều kiện cần thiết và hàng đầu buộc phải có trong việc thực hành; nếu trong tu tập mà chúng ta biếng nhác không chịu khó chịu khổ để thực hành pháp tu thì cho dù pháp tu đó dễ dàng đến đâu hay phương pháp hay đến đâu đi nữa mà chúng ta không chịu nỗ lực tinh tấn để thực hành thì kết quả sẽ không bao giờ đến với chúng ta. Pháp của đức Đạo sư là đến để thực hành chứ không phải đến để biết. Đó là điều kiện tiên quyết cho mọi hành giả muốn đạt được kết quả trong hiện tại hay trong tương lai xa hơn dù là Đại hay Tiểu thừa cũng lấy tinh tấn và thực hành làm hàng đầu.

Thích Đức Thắng(còn tiếp) 
[Tập san Pháp Luân - số 52, tr.3, 2008]