Lục Ba-la-mật - Phần 2

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Về Thi-la Ba-la-mật (Śīla-pāramitā), nguyên ngữ căn của động từ √īl có nghĩa là hành vi, động tác; khi chuyển sang danh từ thì nó chỉ chung cho mọi hành vi, hay tập quán, tính cách, đạo đức của con người. Thi-la Ba-la-mật là hành giới của Lục Ba-la-mật được đức Đạo sư y cứ vào việc làm, hành vi các đệ tử của mình, nếu không phù hợp với chánh pháp thì theo đó mà Ngài chế định giới cấm, khiến cho đệ tử của Ngài sau đó không được phạm vào những điều giới đã ngăn cấm đó nữa. Mục đích là ngăn ngừa những điều sai lầm, đình chỉ những việc làm xấu xa không phù hợp với chánh pháp. Ngoài những ý nghĩa trên, Thi-la Ba-la-mật, theo Tạp A-tỳ-đàm tâm luận 10 thì nó còn có những nghĩa như: tu tập, chánh thuận, tam-muội, thanh lương cùng an giấc; còn theo luận Đại Tỳ-bà-sa 44 thì lại có mười nghĩa sau: thanh lương, yên giấc, luôn tập, đạt định, toại đăng (đường hầm lên núi), gương sáng, bậc thềm, tăng thượng, đứng đầu. Nhưng ở đây, đối với Thi-la Ba-la-mật thì nó có nghĩa là thanh lương (mát mẻ), vì tội của ba nghiệp thân-khẩu-ý hay khiến cho người tu hành sinh phiền não nóng nảy bực bội, mà giới thì có khả năng đình chỉ và làm dịu mát những phiền não bực bội nóng nảy đó, làm cho hành giả đạt được mọi sự an vui. Cho nên, Thi-la ở đây có nghĩa là thanh lương. Ngoài ra, rất nhiều văn bản trong kinh luận có sự giải thích khác nhau, nhưng đó chỉ là những giải thích tùy thuộc vào thuộc tính của những đối tượng cần được giải thích như vậy, cho phù hợp với căn cơ của đối tượng đó. Tuy nhiên, dù có giải thích như thế nào đi nữa thì ý nghĩa cơ bản của chúng cũng không mất đi giá trị chính đó là: phòng ngừa tội lỗi và đình chỉ mọi việc ác. Vì vậy cho nên việc trì giới rất quan trọng đối với con đường giải thoát khổ đau; nếu không trì giới mà đòi giải thoát khổ đau là điều không thể tồn tại trong giới pháp của Ngài. Vì hành giả đến với đức Phật là đến để thực hành giải thoát chứ không phải đến để hiểu và biết giới pháp giải thoát là thế nào. Ở đây, việc giữ giới thật là quan trọng nếu hành giả muốn thoát khổ. Trong khi trì giới mà hành giả không hiểu và thấu suốt được bốn việc phải làm của mình thì kể như việc trì giới không thành công. Bốn việc đó là: Chỉ là trì, Tác là phạm; Tác là trì, Chỉ là phạm”.

Tại sao gọi Chỉ là Trì? Trước hết, chúng tôi sẽ giải thích ý nghĩa của bốn việc làm này. Thứ nhất, chữ Chỉ có nghĩa là dừng lại, còn chữ Trì có nghĩa là giữ lấy. Vậy trong câu đầu có nghĩa là hãy dừng lại, không làm tất cả mọi việc làm ác hại mình, hại người thì đó gọi là chỉ. Khi chúng ta dừng, không làm các việc ác thì chính lúc đó là lúc hành giả đang giữ giới mà mình đã thọ cho nên dừng, không làm ác được gọi là trì giới hay là giữ giới. Thứ hai, sao gọi Tác là Phạm? Ở đây, Tác có nghĩa là làm, là hành động; còn chữ Phạm có nghĩa là phạm vào giới Phật đã cấm. Vậy trong câu thứ hai có nghĩa là hành giả đã làm những việc, những giới điều Phật đã cấm không cho làm: không cho sát sanh mà hành giả sát sinh, không cho trộm cắp mà hành giả trộm cắp, v.v… thì việc làm hay hành động đó gọi là Phạm giới. Thứ ba sao gọi Tác là Trì? Ở đây, chữ Tác có nghĩa là làm, hành động, tạo tác, còn Trì là giữ lấy, giữ giới. Vậy câu thứ ba này có nghĩa là khi hành giả đã làm việc hay tạo tác việc giữ giới, không làm ác; tuy có vẻ tiêu cực nhưng thực chất là chúng ta đang trì giữ giới cấm, có nghĩa là chúng ta không làm ác, chính lúc đó là lúc chúng ta đang tạo việc thiện rồi. Đó là chúng ta nói theo mặt tiêu cực, còn nếu chúng ta nói theo nghĩa tích cực thì không tạo ác mà chúng ta hành thiện. Ở đây  vì không tạo ác nên chúng ta trở nên trong sạch, mà khi chúng ta trở nên trong sạch chính là lúc chúng ta đang trì giới vậy. Cho nên gọi Tác là Trì. Thứ tư, sao gọi Chỉ là Phạm? Ở đây, Chỉ cũng có nghĩa là dừng lại, đình chỉ không tạo tác; còn Phạm có nghĩa là phạm vào giới cấm. Nếu hành giả đình chỉ không làm: trước là giữ giới, sau nữa là làm việc thiện lợi mình lợi người mà không làm thì coi như phạm giới trong việc chỉ ác hành thiện. Đó là ý nghĩa của bốn câu buộc hành giả phải thông hiểu một cách thấu đáo thì việc trì giới mới đưa đến thành công trong việc giải thoát khổ mà đạt Niết-bàn an lạc. 

Giới nguyên chỉ là những lời răn của đức Phật đối với các đệ tử của Ngài. Tùy theo thời, theo chỗ phạm của đệ tử mà ngài chế định ra những nguyên tắc khuyên răn. Khởi đầu, Ngài chỉ tuyên dạy là: “Các việc ác chớ làm…”, nhưng sau đó do vì Tăng chúng dần đông và cuộc sống vì vậy trở nên phức tạp hơn, nảy sinh ra những hành vi không hợp với chánh pháp, nên theo đó giới mới bắt đầu được Ngài chế ra theo sau những tạo tác phi pháp đó, mỗi ngày mỗi tăng lên nhiều theo thời gian, tùy thuộc vào những tướng phạm đó mà chúng trở nên phức tạp hơn. Lúc này giáo đoàn của đức Phật gồm có bảy chúng đệ tử, theo đó giới cũng được tùy theo chỗ phạm và căn cơ của họ mà tùy chế nên giới cũng được phân ra theo đó mà có Giới của các bậc xuất gia, giới của các vị tại gia như trong luật tạng ghi lại. Tuy là bảy chúng và tùy thuộc vào đó mà Ngài chế nên có sự khác nhau về tướng trạng của giới điều trên chi tiết, nhưng trên mặt đại thể thuộc tánh giới thì cho dù xuất gia hay tại gia cũng đồng một, chúng chỉ khác nhau trên mặt Giá giới mà thôi. Vì mục đích của Giới là đưa hành giả đến chỗ giải thoát khổ đau đạt an vui tịch tĩnh,cho nên dù là xuất gia hay tại gia thì việc thực hiện giới, cuối cùng cũng chỉ nhằm đến việc thanh tịnh hóa ba nghiệp tham, sân, si để đưa đến cứu cánh Niết-bàn an lạc, nhanh hay chậm cũng tùy thuộc vào giới tướng mà chúng ta nhận lãnh và thọ trì có kết quả hay không mà thôi.

Căn cứ vào Luật Tứ phần hành sự sao phần 1, quyển trung nói về thuyết pháp thì giới được phân ra làm bốn gồm có: giới pháp, giới thể, giới hành và giới tướng. Ở đây ,Giới pháp chỉ cho những điều giới được đức Đạo sư chế định ra như không sát sinh, không trộm cắp, v.v… Tất cả những giới dùng để ngăn cấm các pháp bất thiện đó, chúng làm cơ sở cho mọi quy củ cùng mọi giới hạn phòng ngừa cho hành giả trong thực hành qua chỉ ác hành thiện. Trong đó chúng có cả Tiểu thừa giới và Đại thừa giới riêng biệt. Giới thể chỉ cho cái thể của giới có được sau khi hành giả thọ trì Giới pháp, sự có được này phát xuất từ những tác dụng của việc phòng ngừa tội lỗi cùng việc thực hành đình chỉ các việc ác không làm nữa. Giới hành chỉ cho những hành vi động tác của ba nghiệp thân, khẩu, ý. Chúng không chống trái với các pháp sau khi hành giả làm phát sinh được Giới thể. Giới tướng chỉ cho tướng trạng của việc trì giới, tức là chỉ cho tình trạng của việc trì giới hay phạm giới của hành giả. Cũng theo luật Tứ Phần hành sự sao phần 1, quyển thượng thì, bàn về Giới pháp tức là chúng ta bàn về pháp ngữ. Chúng không thuộc về phàm hay Thánh, mà chúng ta nói thẳng rõ ràng về pháp này, thì chúng chính là con đường xuất ly khiến cho người thọ trì tin, biết là có nó. Bàn về Giới thể nếu dựa vào chỗ phát ra nghiệp thể mà luận một cách rõ ràng thì đó chính là sự hiển bày thẳng sự lãnh nạp của tướng tâm qua tác dụng yết-ma xong và giá trị tác dụng vô biểu của sự trì giới được thể hiện qua thân, khẩu, ý. Bàn về Giới hành chỉ cho khi hành giả đã dụng tâm thọ trì giới xong, tất phải cần phương tiện rộng tu, kiểm soát mọi hành vi, oai nghi của thân khẩu; trước chuyên tâm khắc chí tôn sùng hâm mộ các bậc Thánh, sau khởi giữ tâm thuận nghĩa với trước gọi là giới hành. Bàn về Giới tướng chỉ cho hành tướng của mỗi oai nghi thành tựu, tùy theo sự việc mà thể hiện, mọi động tác đều xứng hợp với pháp, đức tốt sáng hiện, gọi là giới tướng. Trong bốn loại này Giới tướng tuy là một trong bốn loại, nhưng đồng thời cũng là tên chung của bốn loại, cho nên bảo giới tướng có nhiều đường là vậy. Vì khi còn tại thế, đức Thế Tôn bao giờ cũng tùy thuộc vào tướng phạm của các đệ tử chế ra giới tướng có nhiều có ít và họ cũng căn cứ vào những giới tướng này mà gìn giữ Giới.

Theo Luật Thập Tụng 11 Phật dạy: “Người trì giới, không phạm vào những giới điều mà Phật đã chế, theo Đại giới dạy thì người trì giới phải biết oai nghi, biết lúc nào nên hành xử, lúc nào không nên hành xử, cho đến phá giới nhỏ cũng sinh sợ hãi lớn”. Đó là những điều kiện tối thiểu để cho hành giả biết rằng việc trì giới không phải chỉ biết giới không thôi, hay chỉ biết giới mình đã nhận lãnh là được rồi mà còn phải biết thực hành, đem giới áp dụng vào cuộc sống, biết lúc nào nên hành xử và lúc nào không nên hành xử, như bốn việc mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Điều cốt yếu của việc trì giới là hành giả nếu lỡ phá đi một giới cấm nào cho dù là nhỏ, nhưng phải xem đó như là một việc trọng đại bởi vì chúng có thể phá đi toàn bộ con đường giải thoát của chính mình; vì vậy, hành giả phải nên đem lòng sợ hãi để tránh khỏi phải lập lại việc đã vi phạm.

Theo luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá  14 thì, Giới có khả năng chinh phục nghiệp ác nên gọi là Thi-la, từ để giải thích rõ ràng là thanh lương, như nói với người thọ trì giới thì tâm an vui, thân không nhiệt não, cho nên gọi là Thi-la. Ở đây, Thi-la có nghĩa là mát mẻ (thanh lương), có nghĩa là luận này từ nhân qua quả theo nghĩa tiêu cực của chúng mà định nghĩa nhân và quả, nhân và quả vì thế không ngoài nhau theo nghĩa tích cực.

Theo luận Đại Trí độ 13, 25, 153 thì Thi-la có nghĩa là: “Làm tốt đường lành, không tự mình buông lung, đó gọi là Thi-la. Hoặc thọ giới hành thiện, hay không thọ giới mà hành thiện đều gọi là Thi-la cả”. Như vậy, theo luận Đại trí độ thì việc có thọ giới hay không có thọ giới, nhưng hành giả chỉ cần thực hành thiện hạnh thì cũng là Thi-la Ba-la-mật cả. Với luận Đại trí độ cũng vậy, giới được đồng hóa theo nghĩa tích cực của chúng, có nghĩa là hành vi thiện, không buông lung theo ác pháp thì đó chính là Thi-la. Đây đứng về mặt giá trị được đánh giá theo thời gian ngay trong hiện tại khi hành giả làm thiện ngay lúc đó Thi-la được thể hiện.

Những giá trị có được từ người giữ giới mang lại nếu thực hành giới từ việc đưa đến tươi mát an ổn cả thân và tâm cho hành giả trong cuộc sống hiện tại qua việc thanh tịnh hóa ba nghiệp đưa đến thoát khổ đạt an vui Niết-bàn như trên, qua những bộ luật, luận mà chúng tôi đã đưa ra, chúng còn có những giá trị tùy thuộc vào người trì giới có tinh tấn hay không, theo đó chúng cũng có những giá trị đưa đến sự thành tựu mọi thứ công đức như nhiều kinh luận đã thuật. Theo kinh Chánh pháp niệm xứ 22 thì: “Người trì giới, thường được ba thứ vui: được khen ngợi, được tài vật, và sau khi mất sinh Thiên… và nếu người thích trì giới thời sẽ đạt đến Niết-bàn.” Hay theo luận Đại trí độ 13 thì: “Người trì giới  an lạc đầy đủ, nổi tiếng khắp nơi, Trời người kính mến, hiện đời được nhiều an lạc, nếu muốn lên Trời hay sinh làm người sẽ giàu sang sống lâu, không bao giờ bị nạn.” Cũng theo luận Đại trí độ thì nếu người trì giới thuộc hàng sơ cơ thì sẽ sinh làm người, còn bậc trung thì sẽ sinh lên Trời Lục dục, bậc thượng mà lại hành Tứ thiền, Tứ không định sẽ sinh về cõi Trời Sắc, Vô sắc thanh tịnh. Trì giới bậc thượng có ba loại, trì giới hạ thanh tịnh thì đắc A-la-hán, trì giới trung thanh tịnh thì sẽ đạt được Bích-chi-phật, còn trì giới thanh tịnh bậc thượng thì sẽ được Phật đạo.

Đó là những giá trị đích thực dành cho người trì giới sẽ đạt được trong hiện tại và trong tương lai cả vật chất lẫn tinh thần, đều mang lại cho hành giả những lợi lạc khó có được nơi người không trì giới.

Thích Đức Thắng(còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 50, tr.3, 2007]