Noi gương Mẹ hiền Quán Thế Âm

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Chữ “Mẹ” đối với ai cũng thật cao quý, thân thương, vì không ai không có mẹ, không ai không được mẹ mang nặng đẻ đau, chăm lo săn sóc, hy sinh tận tụy…

 

Kính thưa quí vị và các bạn,

Mặc dù gần đây, trong cuộc đời “ngũ trược ác thế” này, trong thời buổi “Pháp nhược ma cường” này, cái gì cũng có thể xảy ra, có những bà mẹ đánh đập con hết sức tàn nhẫn, dìm chết con trong nước, giết con, v.v… làm chúng ta nghĩ rằng họ là những chúng sanh từ địa ngục, ngạ quỷ đầu thai lên cõi Ta-bà này chứ chúng sanh ở thế giới chúng ta không thể nào dã man như vậy được. Cũng may số này quá ít so với hàng tỉ chúng sanh trong thế giới loài người.

Thế nhưng tình mẹ cho dù vĩ đại đến đâu cũng có nhiều điểm cần phải xét lại. Ví dụ như có những bà mẹ vì thương con mình mà giết con người khác (chuyện này thường xảy ra trong cung cấm ngày xưa, do tranh giành ngôi báu) hay thương con mà bắt con phải chịu đau khổ nhằm phải đi theo con đường của mình chọn, phải “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” trong việc chọn lựa nghề nghiệp hay người bạn đời… [thời buổi này, ở thế kỷ 21 này vẫn còn mẫu cha mẹ như vậy chứ không phải không có đâu!☺☺] Cho nên những bà mẹ trên thế gian không phải ai cũng nêu được gương tốt cho các con noi theo.

Người Phật tử nói chung, người Huynh trưởng GĐPT nói riêng, được may mắn học Phật pháp, được biết về một người Mẹ lý tưởng, người Mẹ thương tất cả chúng sanh như con mình đẻ ra, với tình thương chan hòa tha thiết, bình đẳng, vô điều kiện, đó là đức Bồ-tát Quán Thế Âm. Xin mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại bỏ túi giữa các Huynh trưởng quen thuộc A,B,C nhân mùa Vu Lan, mùa báo hiếu. Vu Lan cũng là “ngày Mẹ” của người Phật tử Việt Nam chúng ta - bàn về những hạnh lành của đức Quán Thế Âm mà chúng ta có thể học tập và thực hành theo ngài để trở thành một ngón tay, một bàn tay, một cánh tay… của “Bồ-tát Quán Thế Âm ngàn mắt ngàn tay” nhằm có thể xoa dịu phần nào những vết thương trần thế.

A: Hôm nay chúng ta nói về kinh Phổ môn phải không các bạn?
B: Nói đúng hơn là chúng ta nói về những hạnh lành của đức Quán Thế Âm (QTÂ) mà chúng ta có thể học tập và thực hành trong đời sống hằng ngày.
C: Phải rồi, kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, nói rằng ngài có thể hóa hiện ra 32 thân để cứu độ chúng sanh,

…Cụ túc thần thông lực
Quảng tu trí phương tiện
Thập phương chư quốc độ
Vô sát bất hiện thân…
(…Bồ-tát đầy đủ sức thần thông
Rộng tu trí huệ phương tiện
Nên trong khắp các cõi nước
Chỗ nào ngài cũng hiện thân…)

Chúng ta làm sao áp dụng hạnh này? Chúng ta làm sao có thần thông như đức QTÂ vậy?
A: Trước hết, chúng ta phải hiểu “hóa hiện” hay “hiện thân” là gì? Đó là: nơi nào cần mình thì mình tới. Nơi nào có ai khổ sở, cần tới mình lắng nghe, an ủi, rồi tùy duyên mà săn sóc, phục vụ thì mình tới để lắng nghe, an ủi, chăm sóc, phục vụ, v.v… Ví dụ như mình đi vào bệnh viện, viện dưỡng lão, săn sóc những bệnh nhân không có thân nhân, những người già cô đơn, ví dụ mình đi cứu trợ nạn nhân bão lụt, ví dụ như những người lính cứu hỏa xông vào nhà cháy cứu người ra khi người ta kêu cứu… đó đều là thực hiện hạnh nguyện “ hiện thân” của đức QTÂ.
B: Ngoài ra, mình xin bổ sung về “lửa” và “nước”. Ngoài thứ lửa và nước vật lý mà bạn A nói cứu trợ nạn nhân bão lụt, cứu người trong cơn hỏa hoạn, v.v… chúng ta còn nhớ đến lửa phiền não cũng có thể đốt cháy tâm can người ta, và nước tham ái có thể nhận chìm con người; tương tự, gió bão của đất trời có làm hại người nhưng rồi qua đi còn tám gió của cuộc đời (khen-chê, được-mất, vinh-nhục, hạnh phúc-đau khổ) thì con người phải luôn luôn đối diện. Nếu chúng ta nguyện lắng nghe, an ủi, tùy duyên nhắc nhở Phật pháp cho những người có nhân duyên với mình, kêu gọi mình thì mình đến với họ ngay; như vậy chúng ta cũng áp dụng hạnh lắng nghe của Bồ-tát QTÂ rồi.
C: Mình hiểu rồi, cảm ơn các bạn. Nhưng mình còn “mắc kẹt” về hạnh “vô úy thí” của đức QTÂ nữa; làm sao chúng ta có thể học tập và thực hành hạnh “bố thí sự không sợ hãi” của ngài đây? Nghĩa là làm sao cho người ta hết sợ hãi? Các bạn hãy giải thích giùm mình nha!
A: Mình không dám nói là giải thích cho bạn nhưng mình nghĩ: nếu chúng ta phân tích những loại sợ hãi thông thường thì chúng ta có thể tìm ra phương pháp giúp người ta khôi phục lại cảm giác an toàn nghĩa là không sợ hãi nữa, có đúng không? Kinh có dạy: chúng sanh trong cõi Ta-bà này thường gặp 18 loại sợ hãi như: sợ chết, sợ lạc lõng, cô đơn, sợ xa người thân, sợ gần người ghét, sợ bị chê cười, sợ bị ức hiếp, sợ bị buồn đau tang thương, sợ tuổi già, sợ nghèo đói, sợ mất mát, sợ thú dữ, sợ bóng đêm, sợ bị hăm dọa, sợ không thành đạt, sợ thiếu thốn, sợ bị trả thù, sợ đủ thứ! ☺☺!!
B: Đúng rồi! Sợ đủ thứ do tâm bất an mà ra! Như vậy, chỉ khi nào tâm chúng ta hết sợ thì chúng ta mới có thể làm cho người khác hết sợ. Kinh Hoa Nghiêm có dạy sáu cách tư duy, quán chiếu để giúp khôi phục cảm giác an toàn, không còn cảm giác sợ hãi nơi mình và cho tha nhân, đó là: 1. tự nghĩ rằng mình như một căn nhà tình thương có thể che chở tha nhân được ấm cúng và an toàn; 2. tự nghĩ rằng mình như người bảo vệ ngăn chặn, không cho những phiền não xâm nhập; 3. tự nghĩ rằng mình như là ngọn đuốc thắp sáng lối đi xóa tan bóng tối sợ hãi trong tâm người; 4. tự nghĩ rằng mình như ngọn đèn giúp người thấy được cứu cánh thanh tịnh; 5. tự nghĩ rằng mình như chỗ trở về, chỗ để tin tưởng, khiến tha nhân không lo không sợ; 6. tự nghĩ rằng mình như người dẫn đường, có khả năng hướng dẫn người khác đi đúng chánh đạo.
C: như vậy là các bạn đã “diễn dịch” châm ngôn Bi, Trí, Dũng của GĐPT chúng ta thành ra những điều trên đây? Được, mình hiểu rồi, nghĩa là chúng ta phải thực hành hạnh đại bi, hạnh bao dung, v.v… của đức QTÂ Nhưng còn một điểm nữa, đó là làm sao thực hành hạnh “phản văn” của đức QTÂ Bồ-tát ?
A: Mình xin nhắc lại lời chư Phật dạy: cuộc sống hướng ngoại là cuộc sống trôi lăn theo dòng sinh tử, cuộc sống hướng nội tức cuộc sống tâm linh là cuộc sống giải thoát. Sự hài hòa giữa hai cuộc sống này chính là một cuộc sống toàn diện mà chư Bồ-tát phát triển. Đức QTÂ dạy phép “phản văn” (phản là xoay ngược lại, văn là nghe, nhìn, quán chiếu) vì lâu nay chúng ta chỉ quen nhìn ra bên ngoài mà không nhìn vào tâm chúng ta. Thật vậy, chúng ta nghe những lời phê bình chỉ trích, những lời nịnh hót của người khác nhưng không nhìn vào bên trong lòng mình để thấy những phản ứng của tâm giận dữ, tâm sợ hãi, tâm tham đắm vào danh, vào những lời khen tâm bám víu vào bản ngã của mình, v.v... để thấy những chỗ đen tối của lòng mình, nên chỉ biết trách tha nhân mà không thấy rõ những thói xấu, những lỗi lầm của mình.
B: Đúng vậy, cho nên Bồ-tát dạy: khi đắc chí, được ca tụng, được “lên hương” hãy nhìn rõ vào tâm mình để thấy những nguyên nhân tạo ra niềm vui chính là sự vi tế của tâm ngã mạn, tâm ích kỷ… Khi thất ý bị ruồng rẫy, nhục mạ… hãy nhìn sâu vào những chỗ đau đớn cùng cực để nhận ra mạng lưới chấp ngã kiên cố bảo vệ cho “cái tôi” để tỉnh thức phát hiện nguyên nhân nỗi đau chỉ là sự xúc phạm đến “cái tôi”… để thấy rõ rằng niềm vui, nỗi buồn chẳng qua chỉ là những sự ràng buộc chằng chịt của nhân duyên.
C: Mình hiểu rồi, tóm lại, cuộc sống hướng ngoại để giúp người, cứu đời còn cuộc sống hướng nội để tâm linh thăng hoa, càng ngày càng tiến lên vị tha, tách rời vị ngã, có phải không? Mình nghĩ rằng những nhà bác học phát minh ra những thứ thuốc chữa được những bệnh nan y, tìm ra điện, phát minh ra những máy dùng trong y học, kỹ thuật, nông nghiệp, cơ khí, máy tính, ti vi, những kỹ sư chế tạo máy bay, tàu thủy, xây dựng cầu, đường, v.v… chính là những vị Bồ-tát đem ánh sáng văn minh đến cứu đời cứu người, giúp cho đời sống nhân loại càng ngày càng hạnh phúc - như một thiên đàng ở trần gian.
A: Có thể nói như vậy, mặt khác, những thiền sư, những vị đạt đạo, chữa được những bệnh tâm thần, cũng là những vị Bồ-tát; bên kia chữa được thân bệnh thì bên này chữa được tâm bệnh; một bên chữa bên ngoài, một bên chữa bên trong vậy!
B: Mình xin trở lại với hạnh vô úy thí một chút; kinh Hoa Nghiêm có dạy, muốn thực hành hạnh vô úy thí, bản thân mình cần phải làm những việc như sau: 1. tập bố thí, cúng dường, hỉ xả;  2. không bao giờ dọa nạt chúng sanh hay làm họ buồn lòng, phiền não; 3. đối xử thân thương dịu dàng với người thân và cả những người không thân mà còn ghét mình; 4. tu học tất cả pháp môn mà không nhàm chán; 4. lắng nghe chân lý với lòng cởi mở, không phê phán, không tìm lỗi chê bai; 5. phát nguyện cứu độ tất cả chúng sanh trong mạng lưới nhân duyên của mình trong vô lượng kiếp để họ có thể theo học đạo Bồ-tát, mà không mỏi mệt, không thối chí.
C: Đúng là đức QTÂ có nhiều hạnh lành mà chúng ta có thể tu học để thực hành nhưng chắc chỉ áp dụng trong đời này một Hạnh là đủ suốt đời làm cũng không xong!
A: Tất nhiên rồi, chúng ta đã biết tu Bồ-tát đạo phải trải qua vô lượng vô biên kiếp chứ đâu phải một đời này đâu!
B: Cho nên Bồ-tát QTÂ ngàn mắt ngàn tay còn anh chị em Huynh truởng GĐPT chúng ta trong kiếp này chỉ là một lóng tay hay một sợi lông mi của ngàn mắt ngàn tay đó, trong việc chăm sóc, hướng dẫn đàn em chúng ta tu học đạo Phật cũng là được rồi! ☺☺!
C: Buổi hội luận hôm nay thật có ích lợi đối với mình, cảm ơn các bạn và chúc các bạn một mùa Vu lan thật an lạc và giải thoát. Xin chào tạm biệt!
A và B: Tạm biệt! Tạm biệt!

Tâm Minh
Tập san Pháp Luân - số 75, tr14, 2010]