Ân tình sao trả!!!

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Cuối thu, bầu trời thật ảm đạm, những cơn mưa cứ ập đến có khi trầm ngâm, da diết rồi bỗng ào ạt, xốn xang như len lỏi tận cùng ngõ ngách của bao tấm lòng người con xa xứ. Kia, ông mặt trời hé môi cười báo hiệu cho buổi sáng tinh khôi, thoang thoảng đâu đây con nghe dìu dịu - hương tỏa ngát từ những cánh sen hồng. Bất chợt giật mình, Vu lan về rồi ư?


Đã bao năm xa quê hương, xa Thầy tổ, xa gia đình cùng những hình bóng thân thương, hôm nay trên mảnh đất phương xa, mùa Vu Lan lại về làm tâm hồn con bồi hồi, xao xuyến. Đứng trên sân thượng nhìn xa xa về cố quận, nơi đó có bạn bè, thân hữu, có thầy tổ, có mẹ và có cha. Hai đấng sanh thành ngày đêm mỏi mòn trông ngóng những người con tha hương trở về, nghĩ đến đây mắt con thấy cay cay khi nhớ về hình bóng  quê  nhà.

Vu Lan này, mùa hiếu hạnh đầu tiên con đặt bút viết về gia đình, về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Huế mùa ni răng mạ hí? Những ngôi chùa làng, có lẽ đông người đến viếng. Quê mình giờ này chắc ngập trời áo lam, màu của những chiếc áo dài theo các mẹ lên chùa. Chẳng biết tự bao giờ, con yêu màu ấy đến thế. Với con, đó là màu tượng trưng cho sự hiền dịu đúng nghĩa của người phụ nữ Huế trong công, dung, ngôn, hạnh vẹn toàn. Chính cái màu lam thánh thiện đó đã đưa con vào đạo và hình ảnh mẹ già trong màu áo lam hiền, thanh thoát, trang nghiêm đứng trước Phật đài cùng lời nguyện cầu thiết tha, thành kính sao trang nghiêm đến thế, sự trang nghiêm đầy thánh thiện!

Mẹ ơi! Nơi đất người không có tổ chức ngày lễ Vu Lan long trọng, như ở Việt Nam chúng ta, nó lặng lẽ như không có gì xảy ra cả, mà trong con mãi rộn lên niềm hân hoan thật lạ kỳ. Tuy con không được cài bông hồng ngay trong ngày lễ nhưng lòng thành con dâng lên niềm hạnh phúc khôn nguôi bởi hiện hữu trong con dẫu có xa xôi đi nữa vẫn có Mẹ, có Ba.

Ngày đầu con mới vào chùa tập tu, ngày tập tễnh hành điệu, thật cực khổ cho ba mẹ. Ngày ấy con ngây thơ, một cô bé mảnh mai, yếu ớt, không biết làm việc gì cả. Nhìn bóng lam hiền của quí Sư Cô về làng trông thật thánh thiện, trong đầu của con có một ý nghĩ thật giản đơn. Vô chùa tu chỉ làm những việc đơn sơ, chỉ để trau dồi tâm ý cho thanh tịnh mà không biết gì hơn, con không ngờ rằng ba mẹ đã biết hết tất cả và đã lặng lẽ theo từng bước chân của con vào chùa để “tu” với con, chịu “hành điệu” với con chỉ vì ba mẹ lo sợ con khổ, biết được những công việc nặng nề trong chùa, sợ con không đủ sức khỏe để làm nên ba mẹ “phải tu” theo con để cùng  làm việc, chia sẻ những công việc, cùng con vượt qua những tháng ngày cơ cực và một phần nữa để được gần con nhằm vơi bớt nỗi nhớ trong những ngày đầu xa con.

Hơn thế nữa, theo quan niệm của người miền Trung, trong nhà có người xuất gia, con cái có tu hành thành đạt hay không chính là nhờ đức độ của cha mẹ, cha mẹ làm nhiều điều thiện để hồi hướng phước đức cho con, để con có cuộc sống yên bình nơi chốn thiền môn. Ba mẹ chỉ có mong ước duy nhất là nguyện cầu cho con mình được an vui nơi cửa Phật từ bi và mong tròn ước nguyện ban sơ của con mình dẫu ban đầu ba mẹ đã phản đối bước đường con chọn. Chính những ý nghĩ đó mà ba mẹ đã tu theo con trong những ngày đầu con hành điệu không một lời than trách, những việc làm, những hành động lặng lẽ đầy yêu thương của ba mẹ đã là động lực mạnh mẽ trui rèn ý chí của con, nuôi lớn thêm lên tâm bồ đề con trẻ để mai sau gặp những cảnh trái ý nghịch lòng trong cuộc đời thì mãi nhớ rằng bên con, Mẹ cùng Cha luôn hiện hữu sách tấn, khích lệ con để ý chí con ngày càng được tôi luyện, đôi bàn chân bé nhỏ của con ngày càng được cứng cáp hơn, vững vàng hơn.

Còn nhớ những ngày đầu khi con mới vào tu, mỗi lần ba vào chùa thăm con là khi ấy cứ như “lụt” ngập sân chùa, tại sao thế nhỉ? Có lẽ vì ba mẹ nghĩ con sẽ xa ba mẹ và không về nữa nên ba mẹ đã khóc rất nhiều khi phải xa con, những giọt nước mắt đó một phần vì nghĩ rằng ba mẹ đã xa con, một phần vì rất hạnh phúc khi biết con mình chọn đúng đường để đi. Chính vì vậy mà mỗi lần đến chùa thăm con khi trở về ba đã không dám nhìn thẳng vào ánh mắt của con và con cũng vậy. Ba chỉ thưa cùng quí Sư Cô rằng “cho con gởi con của con”, ba sợ con thấy những giọt nước mắt lặng lẽ già nua làm con xiêu lòng và con cũng sợ ba nhìn thấy mắt trẻ ướt tự bao giờ, những dòng nước mắt sẽ làm ba thấy xót xa và nhớ con nhiều hơn khi xa con. Mặc dầu con rất hạnh phúc nơi chốn thiền môn, nhưng làm sao ngăn được những cảm xúc ngay lúc ấy ba nhỉ! Ôi vòng tay yêu thương của ba mẹ không có khi nào rời xa con dù năm tháng đi qua, dầu mái tóc của Người đã điểm bạc pha sương.

Rồi năm tháng qua đi, cuộc sống con đã quen dần với lời kinh tiếng kệ, giữa ba mẹ và con cũng quen dần sự xa cách. Qua những bài thuyết pháp của quí Thầy qua băng giảng mà con gởi, ba mẹ đã vơi đi phần nào nhớ nhung khi hiểu được giá trị của pháp Phật, giá trị của người xuất gia, ba mẹ cũng thấy được con xuất gia không phải là hoàn toàn xa tất cả mà rất gần Ba mẹ. Dầu con có lớn khôn thế nào đi nữa, dầu nay con đã trưởng thành  nhưng ba mẹ vẫn dõi theo con, những việc làm của con, theo bước chân của con và luôn cầu nguyện cho con được bình an nơi đất khách quê người.

Cuộc đời lắm đổi thay, dòng đời không bằng phẳng như mặt nước hồ thu mà luôn gặp nhiều  bão tố, luôn gặp những nghịch cảnh, con cũng không thoát khỏi ngoài qui luật đó và đã bao lần con muốn gục ngã trên đường đời vì bơ vơ, lạc lõng, vì những cảnh đời thật là trái ngang, vì không tìm ra được phương hướng cho chính mình. Những lần như vậy, hình bóng ba mẹ lại hiện hữu trong con, những lời nói ấm áp, ngọt ngào yêu thương của ba mẹ đã cho con sức sống, nuôi cho con niềm hy vọng để con vươn lên, làm cho con quên hết bao khó khăn, bao phong ba bão táp cuộc đời để đứng dậy vững vàng hơn. Có nhiều lúc con nhớ nhà vô cùng, nhớ ba mẹ lắm con chỉ muốn đến gần ba mẹ và sà vào lòng mẹ, nhưng con đã không thể làm được, con đang ở quá xa ba mẹ, chỉ có chiếc điện thoại là cầu nối giữa con và ba mẹ mà thôi. Con muốn nghe tiếng nói của ba mẹ biết bao, con muốn hỏi mẹ biết bao câu hỏi, nhưng dẫu con có muốn gọi về cho ba mẹ đi chăng nữa được gặp mẹ thì câu đầu tiên mà mẹ nói với con là “thôi đừng nói nhiều tốn tiền con ạ…”!!! Mẹ là thế đó, luôn lặng lẽ, âm thầm, luôn vì con yêu thương. Ôi! tình mẫu tử thiêng liêng cao cả biết dường nào!!!

Đã mấy mùa Vu Lan rồi, con đón Vu Lan trong lặng lẽ, không lễ cài bông hồng cũng không được gần ba mẹ trong những ngày trọng đại này. Con chỉ biết hướng về nơi cố hương gởi một chút tâm niệm yêu thương nguyện cầu cho ba mẹ được bình an, con cảm thấy con đã có lỗi với ba mẹ nhiều lắm, dầu con có ca ngợi công cha nghĩa mẹ bằng những dòng thơ ca hay đến bất hủ cũng bằng thừa vì tất cả đã được những nhà thơ, nhà văn, những bậc cao tăng viết quá nhiều.

Ba mẹ cho con cả cuộc đời, cho con sự sống trong yên bình, lặng lẽ, cho con đôi cánh để vươn đến trời cao... Cha là bờ vai yên bình cho con dựa vào những khi thất bại, Mẹ là gối nhỏ cho con những khi mệt mỏi trong dòng đời đua chen. Nghĩ về ba mẹ, con chỉ biết cầu mong Người an bình trong hiện tại và điều con mong muốn nhiều nhất là làm sao để giáo pháp thâm sâu, mầu nhiệm của đức Phật thấm sâu vào tâm hồn của ba mẹ, thấm nhuần vào cuộc sống của ba mẹ, cho cuộc sống của Người ngày càng thanh thản hơn và cho con được sám hối cùng ba mẹ để lòng con thêm thanh thản. Con biết, khi con viết lên những dòng chữ này lòng con sẽ cảm thấy nhẹ nhàng biết bao. Rồi sẽ bớt dần những đêm mất ngủ, khi suy nghĩ con chưa làm tròn bổn phận làm con để báo hiếu cho ba mẹ phải không mẹ? Và rồi để bình yên sẽ quay về với con, phải không ba mẹ?

Chú Thích:
1. Tiếng địa phương “Huế mùa này thế nào mẹ nhỉ?”

Hạnh Như
Tập san Pháp Luân - số 75, tr10, 2010]