Bát chánh đạo với năm giới quý báu

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times


Từ Chánh kiến và Chánh tư duy, đức Phật thấy rõ trong mọi sự hiện hữu, không có sự hiện hữu nào là sự hiện hữu đơn thuần, mà chúng hiện hữu trong sự tương quan duyên khởi. Nghĩa là trong sự hiện hữu tương quan ấy “cái này sinh khởi, thì cái kia sinh khởi; cái này hủy diệt, thì cái kia hủy diệt”.

Giới thứ nhất: Không sát sanh hay tôn trọng sự sống

Vì vậy, muốn tôn trọng và bảo vệ sự sống, đức Phật dạy con người không nên hủy diệt sự sống của tự thân, của kẻ khác và ngay cả của môi trường. Vì hủy diệt sự sống của kẻ khác, của những cái khác, và của môi trường, thì cũng xem như là đang tự hủy diệt sự sống của chính mình. Vì sao như vậy? Vì cái này diệt, thì cái kia diệt; và vì cái kia diệt, nên cái này cũng diệt.

Và bằng Chánh kiến, Chánh tư duy, đức Phật thấy rõ sự sợ hãi lớn lao nhất của chúng sanh là cái chết và sự thèm khát lớn lao nhất của chúng sanh là được sống.

Nên, vì tôn trọng và bảo vệ sự sống cho muôn loài, đức Phật đã dạy cho con người là đừng giết và đừng bảo người khác giết hại. Vì sao đức Phật dạy như vậy? Vì đức Phật dạy mọi người đừng giết và đừng bảo người khác giết, với hành động không giết hại như vậy, có khả năng chế tác ra chất liệu bình an cho chính tự thân, người khác và tuổi thọ dài lâu cho thế giới con người và chúng sanh. Chúng ta thực hành hạnh không giết hại là hiến tặng cho nhau sự không sợ hãi, giải tỏa được mọi sự oán thù và cùng nhau chung sống hòa bình trong hiện tại và tương lai.

Lại nữa, hành động giết hại sự sống đối với người khác và những loài khác để cung phụng sự sống của chính mình, ấy là hành động không hợp lý. Vì sao? Vì bất cứ chúng sanh nào cũng tham sống sợ chết cả. Và vì không có người nào và loài nào muốn tính mạng của mình bị những kẻ khác tước đoạt và giết hại.

Nên, hành động giết hại chúng sanh tác động từ tâm tham lam, hận thù và mù quáng của tác giả, khiến ác nghiệp biểu hiện và dẫn sinh quả báo khổ đau cho chính nó trong tương lai. Hành động cứu giúp và bảo vệ sự sống là hành động của Chánh nghiệp. Nuôi dưỡng sự sống bằng cách cứu giúp và bảo vệ sự sống là Chánh mạng, chúng sẽ dẫn sinh đời sống hạnh phúc và an lạc cho mình và người. Nuôi dưỡng sự sống của mình bằng tàn hại sự sống của người khác và của loài khác, ấy là tà mạng. Nuôi dưỡng sự sống bằng tà mạng sẽ dẫn đến đời sống thất vọng và khổ đau.

Cũng vậy, nói dối trá để kẻ khác và những loài khác bị giết hại gọi là tà ngữ hay ác ngữ, vì nó dẫn sinh quả báo khổ đau cho mình trong hiện tại và ngay cả trong tương lai. Nói những lời nói có khả năng cứu giúp người khác và những loài khác thoát khỏi sự giết hại là thiện ngữ hay chánh ngữ. Lời nói ấy có khả năng làm dẫn sinh sự an lành ở trong hiện tại và tương lai.

Một vị tu tập giỏi, vị ấy thường nỗ lực phòng hộ khiến tâm ý không khởi lên những ý niệm giận dữ, oán thù và giết hại, tức là vị ấy tâm thường ở trong Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

Nói cách khác, đức Phật dạy cho đệ tử của Ngài không nên giết hại sự sống của nhau, ấy là giới thứ nhất trong năm giới quý báu. Giới pháp ấy có khả năng chế tác ra đời sống hòa bình giữa con người và con người, và giữa con người với hết thảy chúng sanh.

Giới pháp nầy lấy Bát Chánh Đạo làm tự thể. Thể ấy, chính là bản thể thanh tịnh và rỗng lặng của Niết-bàn. Nên, những ai thọ trì giới pháp này cẩn mật bao nhiêu, thì vị ấy đi đến được với Niết-bàn tịch lạc bấy nhiêu.

Giới thứ hai: Không trộm cắp tài sản của người khác

Từ Chánh kiến và Chánh tư duy, đức Phật thấy rõ, kết quả của cuộc sống nghèo đói là do nguyên nhân trộm cắp tạo nên. Hành động trộm cắp có gốc rễ từ lòng tham, từ tà tư duy và từ cách nhìn tà kiến tạo thành. Vì vậy, từ Chánh kiến và Chánh tư duy, đức Phật đã thiết lập giới không trộm cắp để cho đệ tử của Ngài hành trì, nhằm hướng tới đời sống giải thoát và giác ngộ.

Và đức Phật đã chế định, giới không trộm cắp hay tôn trọng mọi giá trị tài sản của người khác hay của xã hội là để chế ngự lòng tham nơi mỗi chúng ta và thay đổi tác nhân của sự đói nghèo của con người và xã hội.

Khi một người nguyện sống bằng đời sống không trộm cắp, nên những hạt giống tham ở nơi tâm của họ bị nhiếp phục và sẽ bị diệt tận; tham bị diệt tận, nên sân và si ở nơi tâm của họ cũng sẽ tùy diệt. Khi đời sống của một người mà tham sân si ở nơi tâm bị nhiếp phục và đoạn tận, thì họ sẽ thành tựu đời sống của Chánh mạng.

Mỗi khi mọi người chế ngự được lòng tham, thì mọi hành vi trộm cắp trong xã hội tự nó giảm thiểu và sự an sinh của gia đình và xã hội nghiễm nhiên có mặt.

Nói cách khác, đức Phật dạy cho đệ tử của Ngài, không nên trộm cắp tài sản của mọi người và xã hội trong bất cứ trường hợp nào để sinh sống, ấy là giới thứ hai trong năm giới quý báu. Giới pháp nầy có khả năng chế tác ra chất liệu bảo vệ tài sản cho mọi người và tôn trọng sự công bằng của xã hội.

Giới pháp này đức Phật lấy Bát Chánh Đạo làm bản thể và lấy Chánh mạng làm tự thể của giới pháp, lấy Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định làm nghiệp dụng tương trợ để dẫn sinh sự viên mãn thanh tịnh của giới. Vì vậy, những vị nào thọ và trì giới pháp này cẩn mật bao nhiêu, thì họ sẽ đi đến với đời sống giải thoát và Niết-bàn hay giác ngộ bấy nhiêu.
 
Giới thứ ba: Không tà dâm hay tôn trọng sự đoan chánh
 
Từ Chánh kiến và Chánh tư duy, đức Phật thấy rõ, đời sống không đoan chánh của con người là do thói tà dâm gây ra. Thói tà dâm có gốc rễ từ lòng tham dục và tâm mù quáng.

Đức Phật chế định giới không được tà dâm hay tôn trọng sự đoan chánh của chính mình và người khác là để chế ngự và chuyển hóa năng lượng tình dục mù quáng ở nơi tự thân của mỗi người, góp phần tạo nên tình cảm trong sáng và sự đoan chánh trong đời sống của con người và xã hội trong hiện tại và tương lai.

Thói tà dâm gây hậu quả khổ đau cho bản thân, bất hạnh cho gia đình và bất an cho xã hội, gây trở ngại sự hướng tới đời sống giải thoát và giác ngộ ngay trong hiện tại và cả tương lai.

Bản chất của tà hạnh là tà nghiệp và bản chất của đoan chánh là Chánh nghiệp. Tà nghiệp gây nên khổ đau cho con người, tạo nên bất hạnh cho gia đình và bất ổn cho xã hội bao nhiêu, thì Chánh nghiệp sẽ tạo nên đời sống an lạc, cao quý cho con người tự thân, gia đình và xã hội  bấy nhiêu.

Chế ngự được dục vọng thấp kém là chế ngự được tà hạnh và đi thẳng đến được với chánh hạnh và tịnh hạnh. Nội dung của chánh hạnh, tịnh hạnh là Chánh nghiệp. Nên, đối với giới pháp không được tà hạnh, đức Phật đã lấy Chánh nghiệp làm bản thể của giới nầy, còn Chánh ngữ, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định là nghiệp dụng tương trợ để viên mãn sự thanh tịnh về giới.

Vì vậy, bất cứ ai thọ và trì giới này miên mật bao nhiêu, thì họ đi đúng với Thánh đạo và làm dẫn sinh đời sống giải thoát và giác ngộ bấy nhiêu.
 
Giới thứ tư: Không nói dối hay tôn trọng sự thật
 
Từ Chánh kiến và Chánh tư duy, đức Phật thấy rõ, lời nói không chính xác thiếu trung thực và sai lạc sự thật, chúng có gốc rễ từ tà kiến và tà tư duy. Vì vậy, lời nói ấy gây mất niềm tin, tạo ra thất vọng và khổ đau cho người nghe và tạo nên những tội lỗi cho người nói.

Bản chất của tà ngữ là sự dối trá. Dối trá cả thân và tâm cũng như cả mọi sự hoạt động. Và Chánh kiến, Chánh tư duy là bản chất của Chánh ngữ. Vì vậy, không có Chánh kiến và Chánh tư duy, thì không thể nào có Chánh ngữ. Nên, Chánh ngữ là ngôn ngữ giải thoát, chuyển tải sinh lực của đời sống giác ngộ và Niết-bàn.

Chế ngự được những vọng tưởng về một bản ngã sai lầm, là có Chánh niệm. Chánh niệm làm cơ sở cho Chánh định có mặt và Chánh định làm cơ sở để cho Chánh tư duy và Chánh kiến có mặt.

Một vị tu tập có Chánh kiến, thì lúc nào và ở đâu, ngữ nghiệp của họ đều biểu hiện Chánh ngữ, chế tác ra chất liệu giải thoát cho bản thân và đem lại niềm tin, an lạc và hạnh phúc cho nhiều người. Nên, giới pháp không nói dối, đức Phật lấy Chánh ngữ làm bản thể để chế định giới pháp, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định làm nghiệp dụng tương trợ để thành tựu viên mãn thanh tịnh giới pháp nầy.

Vì vậy, bất cứ ai thọ và trì miên mật giới pháp này bao nhiêu, thì họ đi đúng với Thánh đạo, chế ngự và nhiếp phục được các vọng tưởng nơi tâm và làm dẫn sinh đời sống giải thoát và giác ngộ bấy nhiêu.
 
Giới thứ năm: Không uống rượu hay tôn trọng tuệ giác
 
Từ Chánh kiến và Chánh tư duy, đức Phật thấy rõ, sở dĩ chúng sanh bị luân hồi trong lục đạo, đắm chìm trong biển cả sanh tử khổ đau là do đánh mất ý thức tuệ giác, qua sự tiếp xúc và tiêu thụ các loại thực phẩm từ sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, bởi tâm tham dục, cuồng loạn và si mê.

Tâm đam mê rượu, cờ bạc, những phim ảnh nhảm nhí... đều có gốc rễ từ những hạt giống buông lung, phóng túng và thất niệm từ nơi tâm ý. Và một khi những hạt giống này biểu hiện qua các quan năng nhận thức, thì chúng có thể làm tê liệt ý thức tuệ giác và có thể dẫn sinh đến những hành động giết người, trộm cắp, tà dâm và nói dối.

Nói cách khác, khi một người mà sự thèm khát bốc cháy làm tê liệt ý thức tuệ giác, thì không có việc ác nào mà họ không làm để thỏa mãn những nhu cầu khát thèm của họ.

Vì vậy, đối với giới thứ năm này, đức Phật đã từ nơi Chánh kiến, Chánh tư duy mà thấy nguyên nhân và hậu quả của hành vi do buông lung, phóng túng tâm ý và thất niệm gây ra, nên đức Phật đã chế định giới này dựa trên bản thể của Bát Chánh Đạo mà tự thể là Chánh tinh tấn, còn Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh ngữ, Chánh niệm, Chánh định làm nghiệp dụng tương trợ.

Nhờ có Chánh tinh tấn, mà ý nghiệp, thân nghiệp và khẩu nghiệp được phòng hộ, khiến cho các quan năng nhận thức hoạt động ở trong sự thanh tịnh của giới, định và tuệ, thành tựu được tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

Vì vậy, bất cứ ai thọ trì giới pháp nầy miên mật bao nhiêu, thì người ấy đi đúng với Thánh đạo bấy nhiêu, nhờ vậy họ chế ngự và nhiếp phục được tâm ý buông lung, phóng túng và thất niệm, khiến họ đời sống giải thoát và giác ngộ dẫn sinh nơi họ bấy nhiêu.

Như vậy, ta thấy năm giới được đức Phật thiết định cho đệ tử của Ngài thọ và trì đều từ nơi bản thể của Bát Chánh Đạo. Thể ấy chính là bản thể thanh tịnh của sự Giác ngộ và Niết-bàn.

Do đó, qua sự thọ trì miên mật năm giới quý báu này là ta đã có đủ điều kiện đi trên Thánh đạo, hướng đến đời sống giải thoát và giác ngộ, và có khả năng làm sinh khởi các Thánh quả giải thoát ngay trong đời sống này của chúng ta. Và ngay trong đời sống của ta đã có chất liệu của giải thoát và Niết-bàn.

Thích Thái Hòa
[Tập san Pháp Luân - số 74, tr22, 2010]