Trang 2 / 7
- Về Bát-nhã Ba-la-mật là phiên âm từ chữ Prajñā-pāramitā của tiếng Phạn, người Trung Quốc dịch nghĩa là Trí tuệ Ba-la-mật, hay minh độ vô cực. Cũng có thể dịch là tuyệt đối, trí tuệ hoàn toàn, hoàn thành trí tuệ, có nghĩa được tuệ thế tục, tuệ duyên thắng nghĩa, tuệ duyên hữu tình, có khả năng chấm dứt ngu si, biết rõ thật tướng các pháp hiện hữu và biến dịch, hoặc gọi là tuệ Ba-la-mật, thắng nghĩa Ba-la-mật; là một trong lục Ba-la-mật, một trong thập Ba-la-mật dùng để quán chiếu rõ thật tướng các pháp, là cùng cực tuệ lớn của Bồ-tát. Như kinh Đại phẩm Bát-nhã 14, Phẩm Phật mẫu (Đ.8, tr. 323b), đức Đạo sư dạy: “Trí tuệ sâu xa qua bờ bên kia này có thể sinh ra chư Phật, có thể cùng nhất thiết trí chư Phật, có khả năng thị hiện tướng thế gian, vì vậy nên chư Phật thường dùng Phật nhãn quán xét trí tuệ sâu xa qua bờ bên kia này và dùng trí tuệ qua bờ bên kia này thường sinh ra Thiền-na Ba-la-mật cho đến Đàn-na Ba-la-mật, sinh ra nội không, cho đến không của vô pháp cùng hữu pháp, sinh ra Tứ niệm xứ, cho đến tám phần Thánh đạo, sinh ra thập lực Phật, cho đến nhất thiết chủng trí. Cũng vậy, Bát-nhã Ba-la-mật thường sinh ra Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích Chi Phật. Tu-bồ-đề! Những gì chư Phật đã sở hữu về A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nay được, sẽ được đều nhờ vào nhân duyên Bát-nhã Ba-la-mật nên có được.” Và chỗ khác Ngài dạy: “Bát-nhã tức chỉ cho trí tuệ Thinh văn, Duyên giác cũng đạt được trí tuệ, song Thinh văn, Duyên giác đều chỉ cầu mau tiến đến Niết-bàn, chứ không cầu trí tuệ rốt ráo, cho nên chưa có thể được Ba-la-mật. Chỉ có Bồ-tát mới cầu nhất thiết trí đến bờ bên kia, cho nên gọi là Bát-nhã Ba-la-mật đầy đủ.” Qua những lời dạy của đức Phật cho chúng ta biết rằng Trí tuệ thì ai cũng có thể đạt được hết. Đây chính là trí tuệ của Hậu đắc trí có được từ sự phát sinh của tu tập. Tuệ này nếu chúng ta không thực hành tu tập thì sẽ không bao giờ có được; nhưng đối với Căn bản trí là trí tuệ bản giác chân thật từ xưa đến nay ai cũng có, chúng thuộc loại trí bất sinh bất diệt, bất tăng bất giảm. Theo nghĩa tuyệt đối thì chính chúng hay sinh ra Thiền-na Ba-la-mật cho đến Đàn-na Ba-la-mật, sinh ra nội không, cho đến không của vô pháp cùng hữu pháp, sinh ra Tứ niệm xứ, cho đến tám phần Thánh đạo, sinh ra thập lực Phật, cho đến nhất thiết chủng trí. Cũng vậy, Bát-nhã Ba-la-mật thường sinh ra Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích Chi Phật. Tu-bồ-đề! Những gì chư Phật đã sở hữu về A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề, nay được, sẽ được đều nhờ vào nhân duyên Bát-nhã Ba-la-mật mà có được. Vì mỗi hữu tình chúng sinh được sinh ra vốn đã mang trong người một nghiệp thức di truyền từ vô lượng kiếp, cộng vào hiện thức đang huân tập từ trong cuộc sống hiện tại qua tác nhân của thân, miệng và ý huân tập tạo ra một tập khí làm nhân nghiệp mới. Cả hai cho chúng ta một loại nhận thức hữu lậu thế gian, chúng câu hữu với vô minh nên chưa được gọi là Bát-nhã Ba-la-mật. Như luận Đại trí độ 43 (Đ. 25, tr. 371a) dạy: “Người phàm phu tuy ly dục, mà có tâm ta, người đắm vào pháp ly dục, nên không thích Bát-nhã Ba-la-mật. Thinh Văn, Bích Chi Phật tuy có thích muốn Bát-nhã Ba-la-mật, nhưng vì từ bi không thâm sâu, nhàm chán thế gian, một lòng hướng tới Niết-bàn, cho nên Bát-nhã Ba-la-mật không thể đầy đủ được. Bát-nhã Ba-la-mật này lúc Bồ-tát thành Phật thì chuyển thành Nhất thiết chủng trí. Vì vậy cho nên Bát-nhã Ba-la-mật cũng không thuộc của Phật, cũng không thuộc của Thinh Văn, Bích Chi Phật, không thuộc phàm phu, chỉ có dành cho Bồ-tát mà thôi.” Những gì đức Đạo sư dạy trong luận Đại trí độ cho chúng ta biết rằng Bát-nhã thì ai cũng có, ai cũng muốn thực hành nhưng độ thâm tín còn tùy thuộc vào sự sâu dày của nó và luôn tùy thuộc vào thuộc tính căn cơ. Do đó, ở đây chúng chỉ dành riêng cho các hàng Bồ-tát trong chức năng thực thi Bồ-tát hạnh mà thôi. Cũng như kinh Ưu-bà-tắc giới 7, phẩm Bát-nhã Ba-la-mật dạy: “Trí tuệ phi Ba-la-mật, là chỉ cho tất cả những trí tuệ thế gian, những sở hành trí tuệ của Thinh Văn, Duyên Giác. Ba-la-mật phi trí tuệ, ở đây không có nghĩa này. Trí tuệ là Ba-la-mật, là chỉ cho tất cả lục Ba-la-mật. Phi trí tuệ phi Ba-la-mật, là chỉ cho tất cả Bố thí, Trì giới, Tinh tấn.” Và để làm sáng tỏ và rõ ràng hơn về Bát-nhã Ba-la-mật cũng theo luận Đại trí độ 18 (Đ. 25, tr. 190a): “Chư Bồ-tát từ lúc bắt đầu phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí thì trong thời gian này biết hết thật tướng của các pháp, Tuệ là Bát-nhã Ba-la-mật. Hỏi: ‘Nếu như vậy thì không nên gọi là Ba-la-mật. Vì sao? Vì chưa đạt đến trí tuệ rốt ráo!’ Đáp: ‘Chỗ đạt được trí tuệ của Phật là thật Ba-la-mật, và nhân Ba-la-mật này nên sở hành của Bồ-tát cũng gọi là Ba-la-mật, trong nhân nói quả. Bát-nhã Ba-la-mật ở trong tâm Phật đã biến thành Nhất thiết chủng trí. Bồ-tát hành trí tuệ là cầu qua bờ kia cho nên gọi là Ba-la-mật. Phật đã qua bờ kia rồi, nên gọi là Nhất thiết chủng trí’.” Ở đây vì nhận thức theo thuộc tính của pháp hành trì tương đối nên chúng tùy thuộc đối tượng hành trì đã đạt được hay chưa đạt được qua bờ bên kia. Nếu đạt được qua bờ bên kia rồi thì lúc này không còn là Bát-nhã Ba-la-mật nữa mà là Nhất thiết chủng trí và chỉ khi nào chưa đạt được đến bờ bên kia, có nghĩa là còn trong thời gian thực hành, chúng tùy thuộc vào thời gian thì chính nó là Trí tuệ qua bờ kia (Bát-nhã Ba-la-mật). Nhưng dù là tương đối hay tuyệt đối mà nhận thức về trí tuệ thì nhân và quả cũng phải tùy thuộc vào nhau mà hiện hữu: “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không; cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt…” Theo luật tắc nhân quả Duyên khởi thì Nhất thiết chủng trí cũng chính là Bát-nhã Ba-la-mật, và Bát-nhã Ba-la-mật cũng chính là Nhất thiết chủng trí. Vì ở đây chúng lệ thuộc vào thời gian để qua bờ kia, do đó chúng cũng lệ thuộc vào pháp tu tương đối, nên giữa trí tuệ thế gian hữu lậu với trí tuệ xuất thế gian vô lậu chúng trở nên sai biệt đa thù, tùy thuộc vào căn cơ nhận thức của các loài hữu tình chúng sanh mà theo đó có những nghĩa và tên gọi khác nhau.
Nếu chúng ta đứng về mặt tương đối mà nhận thức thì giữa trí tuệ thế gian và xuất thế gian trên, tên gọi và nhận thức về sự thật chân lí thì không khác, chúng cùng một dạng, dù rằng trí tuệ trong Phật pháp vượt thoát và cao sâu hơn. Những gì đức Phật đã dạy về trí tuệ là cho chúng ta nhận thức về chân lí, quán thông muôn pháp, cách thức hành xử ứng dụng trên muôn pháp không có bất cứ một mảy may sai lầm nào, đó chính là nhờ trí tuệ. Dù chúng ta là những chúng sinh hữu tình được sinh ra từ nghiệp lực, dù trí tuệ có bị nghiệp lực làm mê mờ đi chăng nữa, nhưng trên căn bản chúng ta vẫn có Căn bản trí là một thứ trí tuệ chân thật không sinh không diệt, không tăng không giảm về mặt bản thể mà luận, nhưng về mặt nghiệp tướng thì trí tuệ luôn tùy thuộc vào hiện tướng của nghiệp duyên mà chúng thể hiện. Do đó trí tuệ trở thành đa dạng sai biệt theo nghiệp lực của hữu tình thế gian mà có được, nên trí tuệ ác hữu lậu nặng hơn là trí tuệ thiện, che khuất đi tánh thanh tịnh trong sáng xưa kia, đành phải trầm luân trong sinh tử luân hồi. Vậy muốn trở lại Căn bản trí thì, theo đức Đạo sư chúng ta, phải hành trì tu tập có phương pháp mới mong trở lại trí tuệ bản nhiên được: Đó là ba phương pháp Văn, Tư và Tu. Trước hết chúng ta cần phải phát tâm tìm cầu nghe pháp (là những lời dạy của đức Phật, chúng câu hữu với giải thoát) để biết đâu là chánh, đâu là tà, gọi là Văn tuệ; sau khi chúng ta nghe pháp rồi những sự hiểu biết rõ ràng sáng tỏ sẽ phát sinh nhờ vào tư duy pháp gọi là Tư tuệ; sau khi chúng ta tư duy sáng tỏ rõ ràng rồi bắt đầu chúng ta hành trì tu tập gọi là Tu tuệ. Nhưng trong ba tuệ này thì Tư tuệ chính là công phu có được từ Thiền-na, như phần trên chúng tôi đã nói, là đem tư duy làm sao cho khế hợp với cảnh giới của chân lý và từ đó dần dần phát sinh trí tuệ nhiều hay ít tùy thuộc vào sự thực hành của hành giả cho đến khi hành giả đạt được trí tuệ rốt ráo qua bờ bên kia, kết quả của trí tuệ rốt ráo có được này gọi là Hậu đắc trí.
Các hàng Bồ-tát khi hành lục độ, ban đầu nỗ lực mong cầu thực hành hợp lí đạo, sau đó thì dần dần đạt đến chỗ vô hành không ưa thích cảnh chân lí mà ưa hành chân lí, đó chính là hành trí tuệ. Cho nên trọng tâm của lục độ là ở nơi trí tuệ, đạo trí tuệ tức là đạo Bồ-đề. Mục đích của lục độ là đưa hành giả phàm phu vượt qua phiền não sinh tử đến bờ an vui giải thoát bên kia của các bậc Thánh. Các hàng Bồ-tát ngoại trừ giới căn bản ra, còn cần tu tập lục độ để đạt đến cứu cánh rốt ráo của trí tuệ nữa. Do đó trí tuệ qua bờ kia (Bát-nhã Ba-la-mật) rất quan trọng đối với các hàng Bồ-tát khi thực hành Bồ-tát hạnh của mình. Vì bản thân của trí tuệ chính là mẹ đẻ của các pháp nên trong lục Ba-la-mật đều có sự hiện diện của trí tuệ, cho dù tác động của nó là tiêu cực khiến hành giả không nhận ra được sự hiện hữu của nó như Bát-nhã Ba-la-mật.
Theo luận Đại trí độ 11 thì Tự tánh của Bát-nhã Ba-la mật có rất nhiều thuyết. Có thuyết cho rằng Bát-nhã Ba-la-mật là vô lậu, vô căn, vì Bồ-tát chưa đoạn hết kiết sử, nên khi thực hành chỉ là nương tựa vô lậu Bát-nhã Ba-la-mật thôi, cho nên có tên gọi là hành Bát-nhã Ba-la-mật. Có thuyết cho rằng Bát-nhã Ba-la-mật là tuệ hữu lậu, vì Bồ-tát trước đã có trí tuệ lớn và vô lượng công đức, nhưng các phiền não chưa được đoạn tận, nên phải đến dưới bóng cây Bồ-đề để đoạn kiết sử, cho nên tuệ kia là hữu lậu. Có thuyết cho rằng ban đầu mới phát tâm đến dưới bóng cây Bồ-đề vốn đã sở hữu trí tuệ này rồi nên gọi là Bát-nhã Ba-la-mật, đến lúc thành Phật thì chuyển từ trí tuệ thành Tá-bà-nhã (Nhất thiết trí: sarva-jñatā). Có thuyết cho rằng trí tuệ hữu lậu vô lậu của Bồ-tát gọi chung là Bát-nhã Ba-la-mật, vì Bồ-tát Niết-bàn, hành Phật đạo cho nên trí tuệ của Ngài là vô lậu, còn khi chưa đoạn kiết sử, sự nghiệp chưa thành tựu nên gọi là hữu lậu. Có thuyết cho rằng, Bát-nhã Ba-la-mật của Bồ-tát là vô lậu vô vi, không thể thấy vì không đối tượng. Có thuyết cho rằng Bát-nhã Ba-la-mật không thể thấy tướng mạo được, chẳng phải là chỗ nhiếp của Ấm, Giới, Nhập, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp, không thủ không xả, không sinh không diệt, phi tứ cú, vô sở trước. Qua những thuyết nói về tự tánh Bát-nhã Ba-la mật tất cả đều khế hợp với thuộc tính của từng giai đoạn thực hành của Bồ-tát. Cũng vì vậy cho nên tự tánh của Bát-nhã Ba-la-mật cũng trở thành đa dạng tùy thuộc vào căn cơ của hành giả và cũng tùy thuộc vào thời gian tu tập mà chúng thể hiện như tất cả những thuyết đã nêu trên.
Vì theo đức Đạo sư thì hành giả đến với đạo Phật mục đích là để thực nghiệm giáo lý qua thực hành tu tập chứ không phải đến để mà biết suông, do đó vấn đề tu tập Bát-nhã Ba-la-mật cũng được nỗ lực thực hành nghiêm túc và tinh tấn thì kết quả mới đạt được như mong muốn. Trong rất nhiều kinh có đề cập đến vấn đề tu tập này, như kinh Quang minh tối thắng vương 4 (Đ. 16, tr. 418c) dạy có năm cách tu: “Một, thường thân cận, cúng dường chư Phật, Bồ-tát và thiện hữu tri thức, không sinh lòng chống trái. Hai, chư Phật Như Lai nói pháp thậm thâm lòng thường ưa thích nghe không chán hay cho là đủ. Ba, thắng trí chơn tục, ưa khéo phân biệt. Bốn, thấy tu sửa phiền não nên mau chóng đoạn trừ. Năm, học hỏi kỹ thuật thế gian. Năm phương pháp này hành giả phải thông đạt. Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ-tát Ma-ha-tát thành tựu trí tuệ Ba-la-mật.” Và trong kinh Đại thừa bảo vân 2 nói có mười cách tu tập Bát-nhã Ba-la-mật: “Một, khéo hiểu chân lí vô ngã. Hai, khéo hiểu quả báo các nghiệp. Ba, khéo hiểu các pháp hữu vi. Bốn, khéo hiểu sự tương tục của sinh tử. Năm, khéo hiểu sự không tương tục của sinh tử. Sáu, khéo hiểu đạo của Thinh văn, Bích chi Phật. Bảy, khéo hiểu đạo của Đại thừa. Tám, khéo biết cách lìa xa ma nghiệp. Chín, trí tuệ không đổ. Mười, trí tuệ không gì bằng”. Và như trong kinh Đại bảo tích 50 - 53, phẩm Bát-nhã Ba-la-mật-đa đã thuật lại chánh hạnh của Bát-nhã Ba-la-mật như lý mà chánh quán, chứng nhập, như lý cú cùng khéo léo phân biệt… cùng trong phẩm Bát-nhã Ba-la-mật, Phát Bồ-đề kinh luận cũng nói rõ về ba cách tu tập trí tuệ vừa lợi mình, lợi người và lợi cả hai…
Tóm lại, Bát-nhã Ba-la-mật (trí tuệ đến bờ kia), nếu hành giả nào muốn vượt qua đến bờ bên kia của giác ngộ giải thoát thì nên hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật này, vì chúng ta tu tập chúng thì khả năng từ bên bờ phiền não khổ đau sẽ qua đến bờ an vui giải thoát. Vì mục đích quan trọng của pháp hành này là từ bờ này đến bờ kia, tức là ra khỏi sinh tử đạt đến Bồ-đề, tất cả đều gọi là Ba-la-mật. Trong kinh hoặc nói Lục Ba-la-mật, hoặc Thập Ba-la-mật, nhưng Ba-la-mật chân thật chỉ có Bát-nhã, ngoài ra đều là giả danh Ba-la-mật, vì không có Không tuệ dẫn đạo, tu Bố thí Ba-la-mật cho đến thiền-na Ba-la-mật đó cũng chỉ là một cách gọi thôi. Pháp Thinh văn thừa có thể vượt qua sinh tử đến bờ Niết-bàn, nhưng sao không gọi là Ba-la-mật? Vì ý nghĩa cứu cánh Ba-la-mật nói đến ý nghĩa rốt ráo là thâm hiểu tận cùng thật tướng của các pháp và thành tựu viên mãn tất cả công đức tự lợi–lợi tha mới gọi là Ba-la-mật. Ba vô lậu học của Tiểu thừa không đạt đến cứu cánh này, nên không gọi là Ba-la-mật được.
Thích Đức Thắng(còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 54, tr.3, 2008]