Sơ chuyển Pháp luân - Tứ đế, Thập nhị nhân duyên

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times


Cầu bất đắc là chỉ cho cái gì hay đối tượng rất yêu thích nào đó mà chính bản thân mình mong cầu tìm kiếm, song không bao giờ sở hữu được, và niềm mong cầu không được như vậy lại chồng chất trong tâm thức ta kéo theo các nỗi thống khổ khôn cùng. “Này chư Hiền! Cái trạng thái sinh mà ta nói, nó là cái pháp sinh gắn chặt vào chúng sinh, người ta muốn cho khiến được không sinh, thực ra điều này không thể lấy ước muốn [tham dục] mà có được...

Trạng thái già, chết, sầu ưu thương xót mà ta nói, nó là cái pháp thương xót sầu ưu gắn chặt vào chúng sinh. Người ta muốn được cái không thương xót, điều này không thể lấy cái muốn để mà có được... Này chư Hiền! Thực ra, chúng sinh do tư luyến mà phát sinh ái niệm, cái niệm ấy chính chúng tạo ra vậy. Nếu người ta tác khởi tư luyến về sở hữu ái dục, muốn khiến cho nó được trường cửu thường hằng, không chuyển di, dời đổi, điều này cũng không thể lấy cái dục mà thành tựu được. Này chư Hiền! Thế nên cầu bất đắc khổ được thuyết ra như vậy”.(Sđd)

Qua tổng hợp đưa đến sự thống khổ của cả thân và tâm của chúng sinh như đã nêu, ta có được mọi nguyên nhân của chúng đều là do điều kiện [duyên] thân tâm cháy rực của chính nhân loại tạo ra. Phật giáo cho rằng sinh mệnh con người được hợp thành bằng năm nhân tố: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. “Ngũ ấm” hay “ngũ uẩn” là tên gọi khác của năm loại nhân tố này, chúng đã bao quát hết thảy nhân tố tâm lý và sinh lý, hết thảy hiện tượng vật chất lẫn tinh thần. Ngũ ấm quá hưng thịnh đưa đến dục vọng cho sinh mệnh lẫn việc đeo bám đối với sự vật, từ đó dẫn sinh bao loại thống khổ trên mặt thân tâm của nhân sinh. Hơn thế, y cứ vào tình trạng biến thiên sinh diệt của vạn hữu, ta kết luận rằng, bản thân của cuộc tồn sinh hoàn toàn bị sát-na sinh diệt chi phối. Trong cách thiên biến vạn hóa này, sự vô thường của sinh mệnh, cho biết, trạng thái hưng thịnh của ngũ ấm cũng là thống khổ.

Ngoại trừ những loại thống khổ vừa nêu, trong kinh điển Phật giáo vẫn còn rất nhiều loại khổ được phân theo tính chất riêng của chúng cho từng khía cạnh, chẳng hạn, trong Bồ-tát tạng kinh đề cập đến 10 sự bức bách khổ của chúng sinh, Hiển dương thánh giáo kinh dạy có 55 khổ sự, và thậm chí Du-già sư địa luận tuyên bố có đến 110 loại khổ, v.v...

Để chúng sinh có được nhận thức sâu về nỗi khổ của mình và, khiến chúng tỏ tường chân nghĩa của Khổ đế, Phật giáo lại vạch ra bốn loại hành tướng nữa, tức là tướng vô thường, tướng thống khổ, tướng không và tướng vô ngã để tiến hành phân giải, khiến cho người học dựa vào đó thực hành thẩm nghiệm và nhờ đó mới tiến lên nắm vững được lý mầu của Tứ đế.

Thường là sở chỉ [cho] tính chất thường trụ bất biến. Phật giáo dạy rằng, tất cả sự vật thế gian đều do nhân duyên hòa hợp mà thành, đều y vào sự quan hệ nhân duyên mà tồn tại. Do vậy, khắc khắc giây giây đều ở trong sinh diệt biến hóa, không bao giờ có tính chất thường trụ bất biến, vì thế, gọi là “vô thường”. Mà, vô thường tức là khổ nên lấy tướng vô thường làm một trong bốn hành tướng của Khổ đế.

Khổ là sở chỉ tính bức bách. Thuyết minh cụ thể về khổ, đã hiện hữu quá nhiều trong Phật điển, như năm khổ, tám khổ, v.v… Phật giáo cho rằng, nhận thức được khổ là cực kỳ quan trọng. Đây vừa là cơ sở nhận thức chân lý Phật giáo, vừa là cơ sở cho việc tiến hành tu học. Thế nhưng, hành giả sau khi quán sát thẩm nghiệm khổ tướng, tiến lên một bước nữa thâm cứu diệu lý Tứ đế và dần thấu hiểu những gì được chư kinh giảng dạy. Do vậy, trong hành tướng của Tứ đế, chư kinh lại lập ra khổ tướng để giảng rộng thêm.

Không, tức là chỉ cho “phi hữu”, là chỉ cho “vô sở đắc” - sự hiện hữu không thể nắm bắt được. Phật giáo dạy rằng, cá thể sinh mệnh của chúng sinh hữu tình được năm uẩn cấu thành quy cho cả tinh thần lẫn vật chất. Tách rời khỏi năm uẩn này, thì không có cái gì được gọi là bản thân cá thể hữu tình. Ngũ uẩn phân ly rồi thì sinh mệnh cũng cáo chung. Trong vũ trụ, hiện tượng của sinh mệnh cá thể hữu tình nằm dưới tình trạng như vậy, thậm chí tất cả sự vật cũng đều y như thế. Mọi hiện tượng tâm-vật lý đều do các loại điều kiện tập hợp mà thành. Tách rời các mối quan hệ có điều kiện hay nhân duyên này, thì bản thân sự vật cũng không tồn tại. Với nguyên lý ấy, Phật giáo dạy rằng, sự tồn tại của vạn hữu đều là hư giả bất thật, đều do tên gọi được đặt ra [giả danh], do thế mà nói rõ là không tướng. Tuy nhiên, Phật giáo nhấn mạnh rằng, không hoàn toàn không phải là không có cái gì hết. Giả như, đơn giản là, người nào cho rằng “không là hoàn toàn không có một cái gì hết”, thì người đó rớt vào “không kiến” hay đi theo chủ nghĩa hư vô. Phật giáo cho rằng một nhận thức dưới dạng như vậy là không chính xác, là “ác thú không” [tức là đuổi theo học thuyết phi nhân quả hoặc là bị học thuyết phi nhân quả lôi kéo vào đường ác], là một loại nhận thức sai lầm thuộc về “ngoại đạo”. Nhận thức chính xác phải bắt đầu từ phương diện của pháp nhân duyên, phải được liễu giải và quán triệt chư pháp hư huyễn bất thực, như huyễn, như mộng, lại như bong bóng nước, bởi, chúng do nhân duyên hòa hợp mà sinh thành. Chỉ có nhận thức bản chất sự vật đúng như vậy, thì ta mới có thể trừ khử được những quan kiến sai lầm, và rồi đặt tư duy của mình trên những gì đã được trí tuệ chính xác của Phật giáo đòi hỏi.

Ngã, tức là chỉ cho cái chủ tể duy nhất thường hằng của sinh mệnh cá thể hữu tình. Phật giáo dạy rằng, chúng sinh phàm phu [ấu trĩ] cùng với những nhà lập thuyết, thường cho cái “ngã” là có thật [thực hữu] nên họ thường ôm giữ cái “ngã chấp” như thế. Đương nhiên, Phật giáo nói những nhận thức như vậy đều non yếu và hư vọng. Có thể thấy, “ngã” là cái hư huyễn bất thực. Suy rộng ra, không chỉ có cá thể hữu tình là như vậy, mà ngay cả sự vật hữu tình với lại phi tình, cả đến cái được gọi là nhất thiết pháp, cũng đều y như thế. Phân tích đến tận bản chất của tất cả, tất cả đều hư huyễn bất thực, cơ bản là chẳng có cái tự ngã tồn tại nào mang tính chất duy nhất thường hằng. Do vậy, Phật giáo dạy, nhất thiết pháp đều “vô ngã”. Cá thể hữu tình toàn do nhân duyên hòa hợp mà thành, vậy thì cái “ngã’ cho là duy nhất thường hằng đó còn tồn tại ở nơi đâu nữa chứ? Du-già sư địa luận, quyển 34 nói: “Cái mà những hành và tự tướng của chúng có được, tương ưng cùng tướng khổ với lại tướng vô thường. Bởi vì chúng dựa vào duyên mà sinh, nên chẳng được tự tại. Vì không tự tại, nên [chúng] chẳng phải là ngã. Tên gọi này đặt cho cái hành không tự tại. Vậy, chúng sinh không có cái hành nào là Ngã cả - nhân vô ngã hành”.

Bốn loại hành tướng của Khổ đế nói lên rằng vì sao mà bốn phạm trù liễu giải về khổ được phát khởi. Phật giáo cho là bốn tính chất vô thường, khổ, không, vô ngã vốn đã bao hàm trong Khổ đế rồi, và chúng được cho thấy bằng quả báo hữu lậu. Hành giả tu tập Khổ đế, tất nhiên phải tư duy quán sát về sự hoạt động này của chúng [Khổ đế tứ loại hành tướng], mà quán pháp khổ đau như thế là nhằm đối trị phàm phu so với thế giới và sinh mệnh tác khởi thành bốn loại tư kiến điên đảo hư vọng về thường, lạc, ngã, tịnh. Căn cứ vào lý giải của Du-già sư địa luận, trong bốn hành tướng của Khổ đế, tướng vô thường đầu tiên [được hành giả quán sát] là để đối trị với sự kiến giải sai lầm về tất cả sự vật thế giới được phàm phu chấp là “thường”; tướng khổ thứ hai là để đối trị kiến giải si  lầm của hàng phàm phu chấp sự vật, thế giới là “lạc” là “tịnh”; tướng không thứ ba và tướng vô ngã thứ tư là nhằm đối trị kiến giải sai lầm của phàm phu chấp có cái “ngã” hay cái “tôi” thực hữu.

Tập đế

“Tập đế” chỉ cho nguyên nhân và nguồn gốc dẫn khởi khổ đau. Tập có nghĩa là triệu tập hay chiêu vời, có đủ khả năng dẫn đến tác dụng chiêu cảm một cách toàn diện các quả khổ khởi lên cùng một thời điểm. Phật giáo cho rằng, sự hoạt động của thân và tâm tương ưng chính xác với sự kết nghiệp, và hiển nhiên sự kết nghiệp này sẽ đưa đến quả khổ sinh tử của tương lai hay đời sau. Do vậy, trạng huống ấy được mệnh danh là “Tập”. Đế có nghĩa là đúng như thật, không hư dối. Tất cả hoạt động hữu vi gây phiền não hay nghiệp ngu si phiền lụy đều đưa đến cái khổ quả của ba đường sinh tử đúng như thật không hư dối, do vậy, trạng huống này được mệnh danh là Tập đế. Nói một cách nôm na, Tập đế cũng chính là nguyên nhân và nguồn gốc dẫn sinh các loại thống khổ. Loại khổ đau này bao hàm nhiều dạng, được chúng sinh lãnh thọ trên cả hai mặt tâm lý lẫn sinh lý. Phật giáo cho rằng, nhân sinh tràn ngập khổ đau mà nguyên nhân và nguồn gốc đưa đến tình trạng này chính là phiền não và “nghiệp”, chúng luôn gắn liền với con người. Phiền não, được Phật giáo dạy, hoàn toàn không giống như ý nghĩa phiền não mà ta thường hay nói. Phật giáo dạy phiền não là cái hay gây nhiễu loạn thân tâm của chúng sinh, khiến cho thân tâm ta mất đi an tịnh, từ đó khiến cho ta khổ não, ngu si. Do đó, Phật giáo còn gọi “phiền não” là “hoặc”. Có rất nhiều chủng loại phiền não, có thể chia thành sáu loại mà ta thường gặp nhất: Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. “Nghiệp”, có nghĩa là “tạo tác”, gốc chữ Phạn, Hoa dịch âm là “yết-ma”, giảng rộng ra là sự hoạt động toàn diện thân và tâm của chúng sinh. “Nghiệp” có thể phân thành hai dạng: nghiệp hữu lậu, và nghiệp vô lậu. Nghiệp hữu lậu chỉ cho hoạt động của tất cả thân và tâm chúng sinh dẫn đến sự cảm triệu quả báo hữu lậu. Nghiệp, nói theo cách thông thường, phần nhiều là chỉ cho hình thái duy nhất này. Nói đến “nghiệp vô lậu”, đây là chủng loại được chỉ cho những ai mưu tìm giải thoát, tức là những hoạt động thực tiễn mang tính chất tôn giáo mà những người Phật tử tu hành với thành quả sau rốt là giải thoát. Nghiệp, nếu là nghiệp hữu lậu, nó tương ưng với phiền não. Có nhiều chủng loại nghiệp, nói chung, có thể chia thành ba phạm trù: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Thân nghiệp, thường chỉ cho các lãnh vực hành động liên quan đến bản thân của nhân loại hay chúng sinh. Ngữ nghiệp, hay nói khác hơn là khẩu nghiệp, chỉ cho lãnh vực ngữ ngôn của chúng sinh. Và, ý nghiệp chỉ cho lãnh vực tư tưởng của con người. Ngoài ra, còn có rất nhiều hình thái khác nữa của nghiệp, chẳng hạn, tư nghiệp, tư dĩ nghiệp1, ác nghiệp, v.v… Phật giáo cho rằng, kết quả hoạt động về ngữ ngôn, hành vi và ý thức tư duy của chúng sinh, phần nhiều khiến cho người ta sinh ra phiền não và dục vọng, từ đó dẫn sinh sự thống khổ cho chúng sinh. Hơn nữa, có sự sai biệt giữa nghiệp thiện ác, thế nhưng cả hai vẫn sẽ được người ta chắc chắn nhận lãnh báo ứng, do thế, nghiệp được xem như là một trong những nguyên nhân cơ bản đưa nhân sinh vào đau khổ [hoặc ngược lại].

Khi quan sát Tập đế, ta cũng thấy có bốn loại hành tướng hay bốn loại tính chất đặc thù, tức là nhân tướng [tính chất thuộc về nguyên nhân], tập tướng [tính chất tụ tập, chiêu vời], sinh tướng [tính chất phát sinh], duyên tướng [tính chất tương quan, liên kết hay tạo điều kiện].

Nghiệp hữu lậu sở hữu của Tập đế chiêu vời nguyên nhân các loại quả khổ, giống như là hột giống hay năng lượng, một ngày kia có điều kiện sẽ sinh sôi nẩy nở, đâm chồi mọc rễ, lớn thành lúa mạ, sẽ có tác dụng thành hình. Chủng tử này chính là nhân sinh ra mầm non. Cũng vậy, “Tập” là nhân của các quả khổ hữu lậu, đấy là nhân tướng, là nghiệp hữu lậu vậy.

Chúng sinh hữu tình tạo nên môi trường phát sinh bao loại nghiệp lực, tiềm năng này, chiêu cảm tư cách và diện mạo đúng như đồng chủng hữu tình. Thí như, bao loại nghiệp lực được chúng sinh tạo tác mang đặc tính thuộc về chúng sinh, thì cái sức mạnh của hành vi này sẽ chiêu vời họ vào nhân đạo, khiến cho họ trở lại làm người, chẳng cần biết kiếp trước là gì, miễn là hiện hành làm người, cái thân tướng trưởng thành của họ có những đặc điểm tương đồng với người. Việc đưa đến đặc tính như vậy, chính là tập tướng của chư nghiệp Tập đế.

Bản thân của nghiệp lực có được lực lượng toàn năng, nó khiến cho sản sinh ở bên trong  sự sai biệt đa dạng của các loại cá thể chúng sinh hữu tình. Một vài sự sai biệt này sẽ quyết định phương hướng luân chuyển của đời vị lai, quyết định đưa họ chuyển sinh vào trong năm khuynh hướng của ba cõi [tam giới ngũ thú], và sáu nẻo luân hồi. Do vậy, sức mạnh của các nghiệp tập đế làm nhân cho chúng sinh luân chuyển, đấy là sinh tướng. 

Chúng sinh hữu tình do tác dụng của phiền não và nghiệp mà luân chuyển trong sinh tử, chúng sinh hữu tình do tính chất bất đồng của phiền não và nghiệp mà chuyển sinh luân hồi với những tướng trạng sai biệt, nghiệp phiền não này đóng vai trò tác duyên cho chúng sinh luân chuyển, đấy là duyên tướng vậy.

Chư hành giả Phật giáo do tu hành quán sát Tập đế mà chứng đắc bốn tính chất: nhân, tập, sinh và duyên chính là để đối trị với những quan điểm sai lầm về thường, lạc, ngã, tịnh - quan điểm lầm lạc này khiến cho nhiều loại tham ái phát sinh.

(còn nữa)

(1) Tư dĩ nghiệp: Trong những nghiệp, chúng được người ta phân đều ra: Tư nghiệp chỉ cho hoạt động của ý chí, chỉ có trong ý chí hoặc thành hình trong tư niệm mà thôi, chứ chưa thực hiện hay hiện hành. Tư dĩ nghiệp, nghiệp này đã được thực hiện qua thân và khẩu. Bất luật nghi biểu nghiệp, biểu hiện hoàn toàn do quán tính, nên quyết đoán một cách mãnh liệt; do quán tính nên được gọi là nghiệp hoàn thành nhưng không chủ tâm. Phi luật nghi phi bất luật nghi biểu nghiệp, nghiệp này không lộ rõ nét trong ứng xử, tùy thời tùy nơi mà có thiện có ác, vì vậy mà được gọi là không lộ ra cũng không hoàn thành. Cũng có những nghiệp mà hoàn toàn không do cố ý nhưng không thực hiện chúng, có những nghiệp mà sự chú ý được loại bỏ, nhưng lại thực hiện; những nghiệp khác mà sự chú tâm và biểu lộ bị phủ định, và cuối cùng, có những nghiệp mà người ta cố ý và cố ý thực hiện. Hơn thế, còn có những nghiệp được số đông lãnh thọ, tức là cộng nghiệp và những nghiệp chỉ một cá nhân thọ dụng mà thôi, tức biệt nghiệp. (Parmi les karma, on distingue également ceux qui sont accomplis intentionnellement, ce qui sont projétes mais non accompli, ceux qui sont accomplis mais involontairement, et ceux qui ne sont ni projetés ni accomplis. Il y a aussi des actes ‘karma’ dont l’intention est positive ... par un seul individu), (DALAI LAMA / Le sens de la vie). N.D.

[Tập San Pháp Luân.35.Tr,34.2006]