Sơ chuyển Pháp luân - Tứ đế, Thập nhị nhân duyên

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Cụ thể, Bát thánh đạo là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

(Tiếp theo TSPL số 39)

Chánh niệm

Niệm là niệm tưởng, tư tưởng, tâm niệm. Chánh niệm tức là nhớ nghĩ rõ ràng giáo nghĩa Phật giáo, là tư duy thấu đáo chân nghĩa của Phật pháp, đấy là tên gọi của chánh niệm. Chẳng hạn thuần túy niệm về trạng thái bất hư, bất vọng, đây chỉ là chánh niệm hữu lậu. Tạp A-hàm, quyển 18, nói rằng, “Thánh đệ tử tư duy khổ khổ, tư duy tập, diệt, đạo, tương ưng tư duy vô lậu, niệm như vậy, tùy niệm, trùng niệm, niệm trong nhớ tưởng, không hư, không dối, đấy là tên gọi của chánh niệm thuộc về thánh, xuất thế gian, vô lậu, không bám chấp, hoàn toàn sạch khổ, chuyển hướng khỏi khổ cảnh”.

Chánh định

Định, âm dịch từ Phạn văn là Tam-ma-địa, hay Tam muội, hàm ý chỉ cho tâm không loạn động, chuyên chú duy nhất vào một đối tượng. Kinh dạy: “Tính chất của định là đưa tâm thức chuyên vào một cảnh khiến cho tâm bất loạn”. Mục đích của chuyên chú nhất cảnh, tâm bất loạn, là để chứng đắc trí tuệ của Phật giáo. Thế nhưng, khiến cho tâm bất loạn bằng cách chuyên chú vào một đối tượng là cái không phải ai cũng có thể đạt đến, tức nhiên không phải dễ dàng gì, điều cần thiết là công phu tu hành phải được bền lâu. Theo đó, hạnh tu [thiền] định này đã trở thành là tiềm năng cơ bản thể hiện bằng thực tiễn tu hành riêng cho Phật giáo. Định câu hữu với giới và tuệ, cộng thành ba loại thánh học của Phật giáo. Người ta còn gọi là Tam vô lậu học.

Tu định, xét về mặt lịch sử, là một phương pháp tu hành phổ biến của nhiều giáo phái của cổ đại Ấn Độ. Chánh định được Phật giáo tuyên dạy, là cần phải lấy chánh kiến, chánh tư duy làm nơi y chỉ, tức là chánh kiến và chánh tư duy chỉ đạo toàn diện cho công phu tu hành chánh định, nhờ sự chi phối này mà người ta chứng đắc trí tuệ của Phật giáo. Nói khác hơn, người ta lấy sự chứng đắc trí tuệ Phật giáo làm mục đích để “định” cho sự tu. Ngược lại điều này, chỉ là chánh định hữu lậu mà thôi. Thế nên kinh Lăng già cho rằng, sở dĩ thiền định được tán thán là nhờ vào công phu thiền định của đức Phật, Ngài là vua của pháp tu thiền định. Điều này nói lên rằng, thiền định của Phật giáo không giống với những loại hình thiền định của các tôn giáo khác, nhất là các giáo phái ở cổ đại Ấn Độ. Kinh A-hàm dạy: “Giả như tâm chuyên chú bất loạn, bất động, nhiếp thụ, tịch chỉ, tam muội, nhất tâm, những trạng huống đó được gọi là chánh định thuộc về thế gian, phàm tục, hữu lậu, còn bám chấp, chuyên hướng vào tính thiện. Còn lấy trí tuệ của Phật giáo làm sở y cho việc tu thiền, khiến cho thân tâm tịch tịnh, chuyên chú nhất cảnh mà bất loạn động, trú trong tư duy vô lậu tương ưng cùng tâm pháp trú, trú trong tịch chỉ, trú trong trạng thái hay quả vị [địa] thanh tịnh vô lậu bất loạn như vậy, mới được gọi là chánh định vô lậu”.

Chánh ngữ

Là lời nói đúng sự thật, xa lìa hẳn các loại nói thêu dệt, nói hai lời, nói xuyên tạc kích động, có khi được gọi là Đề ngữ nữa.

Chánh ngữ không phải là một cái gì đó tương đồng với những khẩu hiệu rập khuôn, những chế định thuộc về thế gian. Hơn thế, ta không nên quan niệm là khi nói đúng sự thật do một quy định nào đó sai sử, hoặc những sự thật theo thường lý. Mọi cái gọi là theo sự thật để nói của ta, thường là hữu lậu, tham dục nằm ở dưới đáy của chúng. Nói đúng sự thật, không ỷ ngữ, không thêu dệt, không hai lời tuy là những động thái tưởng như là đơn giản, thế nhưng, sự thật, Phật giáo cho là ta phải tự tâm chứng, bởi mọi sự thật đều phải phát xuất từ tâm chân thật, mà sự thật này còn phải thông qua sự ấn chứng nữa. Thế thì, theo Phật giáo, lời chân thật chẳng những mang lại lợi lạc cho người nói mà chúng còn mang lại an lành cho tha nhân nữa. Sự an lạc không phải là thứ an lạc theo phàm tưởng, tức là các cảm thọ luôn thường trực chi phối thân và tâm của chúng ta - sự khoái lạc nhất thời - mà sự an lạc của Phật giáo chính là niềm an vui đưa đến giải thoát dựa hẳn trên những gì Phật dạy. Đây mới gọi là chánh chân Chánh ngữ.

Như vậy, chánh ngữ là một pháp môn tu hành xuất thế trong Bát thánh đạo của Phật giáo, có khi còn được gọi là Tuệ ngữ hay Như lý ngữ. Lý ở đây là Phật lý, khi bậc xuất gia tu hành dựa trên giới, định, tuệ mà tu, vị ấy quan sát thế giới theo tinh thần Phật giáo, thế giới được tâm chứng như thật, và thế là thiện ngôn được xuất sinh, đem đến an lạc cho chúng sinh. Chánh ngữ, trên một khía cạnh nào đó, là phương tiện khéo léo đưa chúng sinh vào đạo trình tuệ giác. Đứng trên lập trường như vậy, chánh ngữ được xưng tán là Như lý ngữ. Như chúng ta biết, mọi học thuyết của thế gian được Phật -đà cho là hý luận, tức nhiên về ý nghĩa, hý luận không phải là lời nói đùa cho vui. Hý luận, hiển ngôn cho các hệ thống lý thuyết, mà kết quả của chúng thường đưa đến khổ đau và tang tóc, bởi vì, chúng chưa phát xuất từ giới, định hay tuệ. Kinh Kim Cang dạy rằng, Phật là bậc nói đúng sự thật, lời Phật là lời chân thật... là vậy. Nói như thế, chánh ngữ, thường quy vào giới nhiều hơn, mà giới là Pháp thân của đức Phật.

Chánh nghiệp

Nghiệp, dịch nghĩa từ Phạn văn là hoạt động hay vận hành; do vậy, nghiệp còn gọi là hành. Ở mức độ sơ cấp, nghiệp chỉ cho mọi hành vi hoạt động của chúng sinh, sự hoạt động này tạo nên một xu thế hay một khuynh hướng có tiềm năng đưa chúng sinh đến các môi trường khác và cứ như vậy, sự vận hành bất tận này tạo nên một vòng tròn khép cho một chúng sinh, hòa trộn cùng vô số những vòng tròn khép khác, thành nên đại nghiệp của toàn nhân loại.

Ở mức độ cao hơn, nghiệp là sự vận hành của toàn vũ trụ. Sự vận hành này không do một đấng Thượng đế nào điều khiển cả. Phật giáo cho rằng, tất cả đều do tâm tạo tác. Dựa trên triết học Phật giáo mà nói, tâm chính là nghiệp vậy, mà nghiệp này có nguồn gốc từ vô minh vô thủy. Vô minh chỉ cho sự ngu si của tâm chúng sinh, mà sự ngu si này cũng chẳng ai tạo ra hết. Do vậy, ngu si hay là nghiệp ngu si chỉ là một trạng huống có thể điều ngự được. Vì thế người ta xưng tán đức Phật là đấng Điều ngự. Thế thì, theo nhận thức Phật giáo, nghiệp ngu si có thể chuyển hướng thành chánh nghiệp, tức là tà nghiệp được chuyển hóa. Khi nghiệp được chuyển hóa theo những gì Phật dạy, thế có nghĩa là vũ trụ cũng được chuyển hóa theo luôn. Cái mà chúng ta hay gọi là nghề nghiệp chân chánh chưa đúng hẳn với các điều vừa nêu, chẳng hạn, khi con người sinh ra, lớn lên, được ăn học, lập gia đình có nghề nghiệp nghiêm túc. Sự thu nhập của anh ta và những hoạt động của anh ta hoàn toàn có lợi mình và người trong một giai đoạn nhất định nào đó. Như vậy, cũng không được gọi là Chánh nghiệp. Trên một cao tầng khác, chẳng hạn, các nhà sáng tạo, một đời cống hiến tâm và lực của mình vì lợi ích của mọi người. Tuy nhiên, sự cống hiến này chỉ có tánh cách lâm thời, bởi vì, các công trình sáng tạo của người ấy, đôi khi mang lại tai hại cho vạn loại nói chung, và tai hại cho một số đông nào đó nói riêng, vào thời kỳ tương lai mà ta có thể thấy được hoặc chưa thấy được. Như vậy, Chánh nghiệp, theo quan điểm của Phật giáo cao cấp hơn thường lý. Phật giáo cho rằng, chánh nghiệp phải là những hoạt động mang lại sự lợi ích vĩnh viễn cho mình và cho người. Sự lợi ích này, chỉ cho sự đạt đến trí tuệ của Phật giáo, giải thoát hẳn khổ đau. Các vị xuất gia, các vị Bồ-tát và chính đức Phật, là những hiện thân của chánh nghiệp vậy. Chánh nghiệp thường quy cho phạm trù giới thể nhiều hơn.

Chánh mệnh

Mệnh có nghĩa là sinh mệnh hay đời sống của một cá nhân. Chính xác ở đây, chánh mệnh chỉ cho con người. Sống đời chánh mệnh, có nghĩa là sống đời xuất gia hay sống đời phạm hạnh, ăn vừa đủ để nuôi tuệ mệnh, tư duy theo những gì Phật dạy để nuôi tuệ tâm. Chánh mệnh, ở đây muốn nhắm đến đời sống hướng đến giải thoát bằng sự hiện thân của một sinh hoạt thanh đạm, bình dị và bình đẳng. Tức là qua thể hiện của một đời sống Phạm trụ để làm nơi y cứ cho chúng sinh. Chánh mệnh còn được gọi là Đề thụ, tức là xả bỏ mọi chú thuật thuộc về tà mệnh dùng để nuôi thân, hoặc là lợi dụng bói toán phong thủy để nuôi thân. Ở một ý nghĩa cao hơn, lợi dụng uy tín của mình, nhất là sự nổi danh nào đó thuộc về khía cạnh của Phật giáo để mưu cầu lợi lộc. “Tri túc”, “thực túc” thừa giáo chỉ Phật, là chánh mệnh vậy.

Chánh tinh tấn

Còn được gọi là chánh phương tiện, chánh trị, đề pháp... [thỉnh đọc các số báo vừa qua]. Ở đây Chánh tinh tấn quy cho định và tuệ nhiều hơn.

Tóm lại, Bát chánh đạo là Tám phương pháp tu hành của Phật giáo, chúng là một khối chỉnh thể trong hỗ tương quan hệ. Bát chánh đạo lấy chánh kiến làm chủ thể. Phật giáo cho rằng, người ta chỉ có thể dựa trên cơ sở và sự nhận thức chính xác của giáo nghĩa Phật giáo, thì người ta mới có thể lấy trí tuệ của Phật giáo làm thú hướng tu hành. Chánh tư duy, tức là lấy tâm vô lậu làm thể, bậc tu hành dựa trên cơ sở chánh kiến và chánh tư duy, dẫn phát chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mệnh, ba trạng thái này lấy giới làm thể. Sau hết, ba trạng thái chánh tinh tấn, chánh định, chánh niệm đều mang tính chất kích phát và hướng đạo tiến lên một bước đối với hành giả tu hành.

Lấy mối quan hệ tam học của Phật giáo, tức là giới, định và tuệ quy nạp vào Bát chánh đạo, ta thấy, trong mối quan hệ của chúng là: Chánh kiến, chánh tư duy thuộc về tuệ học; chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh thuộc về giới; còn chánh niệm, chánh định thuộc về định; ngay cả chánh tinh tấn, quy cho hiệu năng kích phát tác dụng, do vậy, bảy phẩm chất còn lại đều có thể cộng thông với nhau. Ta có lược đồ như sau:

Giới: Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh.
Định: Chánh niệm, chánh định.
Tuệ: Chánh kiến, chánh tư duy.

Bát chánh đạo là nội dung trọng yếu của việc tu hành Phật giáo. Phật giáo cho rằng, thông qua việc tu hành Tám pháp môn này, chúng có thể dẫn ta từ địa vị phàm phu lên địa vị thánh, từ mê nhập ngộ. Theo đó, Bát chánh đạo được dụ cho là Tám “chiếc thuyền” hay Tám “chiếc bè” rước chúng sinh nổi chìm trong biển trầm luân đưa sang “bờ bên kia thuộc về Niết-bàn”. Đôi khi Bát thánh đạo còn được ngợi khen như là “Bát do hành” (八由行). Phật giáo cho rằng, những gì mà các bậc Thánh hoạt động là do Tám đặc chất ấy. Huyền Ứng trong Nhất thiết kinh nghĩa nói: “Bát do hành, hay là bát du hành hoặc trực hành, cũng gọi là Bát thánh đạo, nghĩa của chúng là nhất thể”.

Pháp Hiền cư sĩ (còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 40, tr.42, 2007]