Sơ chuyển Pháp luân - Tứ đế, Thập nhị nhân duyên

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

DIỆT ĐẾ

Diệt đế cũng gọi là Diệt thánh đế, hoặc gọi là Tác khổ thánh đế. Diệt đế là mục tiêu tối chung cho việc tu hành Phật giáo. Diệt, tức là diệt trừ triệt để, thiêu đốt sạch, diệt tận, tức là diệt trừ rốt ráo gốc rễ của các loại phiền não và đau khổ, đạt đến một trạng thái được Phật giáo gọi là bất sinh bất diệt, một cảnh giới tinh thần lý tưởng của tự do và giải thoát. Phật giáo cho rằng, cái cảnh giới lý tưởng như vậy hẳn nhiên là hoàn toàn không có bất cứ sự trói buộc nào của khổ đau và phiền não, an trụ trong cảnh giới tinh thần với trạng thái tịch tịnh mãi mãi. Một cảnh giới như vậy, các tông phái Phật giáo đều có các liễu giải khác nhau, có tông phái gọi đó là “Niết-bàn”, có tông gọi là “Trạch diệt vô vi”. Lại có người cho rằng, sự diệt tận của khổ, tập, tức là diệt đế, cũng có người cho rằng, sự diệt tận của “Hoặc” là diệt đế, v.v...

Diệt đế có 4 hành tướng: Diệt tướng, tịnh tướng, diệu tướng và ly tướng. Diệt tướng chính là tận diệt nguyên nhân dẫn đến phiền não, lưu chuyển sinh tử. Tịnh tướng chính là đắc ly [được cắt dứt] các sự khổ bị ngũ thủ uẩn tướng bất tịnh nắm chặt. Diệu tướng là cắt dứt các phiền não còn sót lại, lấy trạng thái lạc tịnh chân thật bẩm sinh làm tự thể, do vậy gọi là Diệu tướng. Ly tướng là nói diệt đế đã tách rời hẳn các phiền não mà đắc đại an ẩn. Câu-xá-luận dạy: Khi nói bốn hành tướng của diệt đế, là nói vì các uẩn đã tận, nên gọi là diệt; các mồi lửa của tham, sân, si đã tắt nên gọi là tịnh; chẳng còn các nhiễu loạn của mọi loại phiền não nên gọi là diệu; tách ly hẳn các loại tai họa nên gọi là ly.

ĐẠO ĐẾ

Đạo đế còn được mệnh danh là Đạo thánh đế, Khổ diệt đạo đế. Đạo là lộ trình đưa vào đạo, ý nghĩa này có thể dễ thông hiểu. Đạo đế chỉ cho sự bứt rời khỏi các loại trói buộc của “khổ đế” và “tập đế”, chỉ cho chúng sanh phương pháp tu hành và đạo lộ thực tiễn mà cái cứu cánh sẽ đạt được chính là “Diệt đế”. Đạo đế là con đường, là lộ trình đạt đến cảnh giới tinh thần lý tưởng tịch tịnh vừa mới đề cập. Câu-xá-luận, quyển thứ 25, thuyết: “Đạo nghĩa là gì [ý nghĩa của lộ trình đưa vào là gì]? Đó là lộ trình đưa đến Niết-bàn. Nương trên [thừa Niết-bàn đạo] lộ trình này, có thể đi đến cảnh giới Niết-bàn.” Có rất nhiều phương pháp và lộ trình, chúng thường được chỉ riêng cho Bát chánh đạo, hoặc là Bát thánh đạo, Bát chi chánh đạo, v.v... Ý nghĩa của những phạm trù này: “Tám loại đạo trình và phương pháp tu hành chính xác hướng đến thế giới của bờ bên kia một cách thông thoáng”, đó là:

1) Chánh kiến, chỉ đến nhận thức và lý giải có tính chính xác toàn diện về “chân lý” được Phật giáo tuyên thuyết.

2) Chánh tư duy, tiến hành tư duy nhận thức chính xác đối với giáo nghĩa Phật giáo về “Tứ đế”.

3) Chánh ngữ, hoàn toàn không nói nghịch lại với sự thật, nghịch lại với giáo lý giáo nghĩa của Phật giáo, lời nói không dựa trên vọng tưởng.

4) Chánh nghiệp, mọi thứ hành vi phải phù hợp với yêu cầu của giáo nghĩa, chẳng hạn không sát sinh, không trộm cướp...

5) Chánh mệnh, là sống đời chân chánh phù hợp giáo nghĩa, duy trì huệ mạng, nghiêm giữ giáo quy, thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý, thọ dụng vật thực thường ngày vừa đủ theo chánh pháp.

6) Chánh tinh tấn, trạng thái tinh thần không lười biếng, gắn chặt đời mình theo yêu cầu tu hành của Phật giáo một cách tương tục.

7) Chánh niệm, trạng thái quán niệm tư duy chính xác, duy trì một cách trong sáng giáo lý, giáo nghĩa Phật giáo. Thấy như thật bản chất và hình thái tất cả pháp.

8) Chánh định, gắn chặt tâm thức mình theo yêu cầu của Phật giáo, tập trung tinh thần, khiến cho tâm thức chuyên chú vào một cảnh giới nào đó nhằm thể ngộ chân lý của Phật giáo.

Tóm lại, Bát chánh đạo là những luật định ứng dụng cho cả thân và tâm. Bát chánh đạo muốn chúng ta tiếp nhận và phản ảnh như thật bản thân của giáo pháp ấy qua cuộc sống và tư duy của mình-Tiến hành rèn luyện thân tâm theo đúng chánh pháp. Bất cứ ngôn hạnh nào cũng đều phải tùy thuận với giáo lý giáo nghĩa, thông qua sự tu tập thực tiễn như vậy, cuối cùng chúng ta sẽ đạt đến cảnh giới tinh thần tối thượng mà đức Phật đã tuyên dạy. Người ta dùng Bát chánh đạo làm nội dung căn bản của Đạo đế, điều này đã được giảng dạy toàn diện trong bốn bộ A-hàm và cũng đã được phổ biến trong các kinh luận khác nữa. Ngoài Bát chánh đạo ra, trong những kinh luận như: Thành thật luận, Đại trí độ luận, Tứ đế kinh luận đều có giảng rộng ra theo hướng vĩ mô: 37 phẩm trợ đạo, hoặc là 37 giác chi. 37 đạo phẩm này gốm có Tứ niệm trụ, tứ chánh cần, tứ thần túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát thánh đạo.

Bốn hành tướng của Đạo là đạo tướng, như tướng, hành tướng và xuất tướng. Đạo tướng là thuyết minh Thánh đạo cùng với hành tích của các bậc Thánh giả đã kinh qua sự chứng đắc lộ trình đưa đến vô thượng Chánh giác, do đó, được gọi là Đạo. Như tướng là nói đến Đạo đế, khởi tu như lý như thật, đối trị các phiền não, nên gọi là Như tướng. Hành tướng là nói tu hành Đạo đế khiến cho tâm thức phàm phu được rời khỏi vĩnh viễn các điên đảo bám dính trong tâm thức của mình để chứng thật Bồ-đề. Xuất tướng, là nói đến công phu tu hành Đạo đế, cho phép hành giả tách ly phiền não sinh tử, vĩnh viễn từ bỏ “hoặc nghiệp”, đắc cứu cánh Niết-bàn, thế nên, ở đây mệnh danh là Xuất tướng.

Tứ thánh đế - khổ, tập, diệt, đạo - như vừa nói đến, cho biết, trong mỗi một Đế, lại có bốn hành tướng, cộng lại ta có được chùm Tứ đế 16 hành tướng. Phật giáo cho rằng, chùm Tứ đế 16 hành tướng này cộng thông với tất cả pháp thế gian và xuất thế gian.

Khảo sát Tứ đế - khổ, tập, diệt, đạo - theo quan hệ nhân quả, ta thấy chúng gồm có hai đặc tính: Đặc tính thứ nhất là nhân quả thế gian, tức là lấy Khổ làm quả, Tập làm nhân; đặc tính thứ hai là nhân quả xuất thế gian, lấy Diệt làm quả, Đạo làm nhân. Phật giáo cho rằng, chúng sinh phần nhiều ở thế gian đều nổi lên và chìm xuống [ngụp lặn] trong phiền não vô tận với bao niềm khổ đau sinh, già, bệnh, chết. Đây là quả khổ. Và Tập là sự chiêu vời nhân của quả khổ. Nếu như chúng sinh có thể trừ diệt đuợc các loại phiền não cõi trần, giải thoát quả khổ sinh tử luân hồi của cõi ấy, tức là thành tựu quả vị xuất thế gian vĩnh viễn tịch tịnh, cũng tức là đạt đến cảnh giới Diệt đế vậy. Bởi vì tu hành Đạo đế là lộ trình duy nhất đạt đến quả vị xuất thế gian này, do vậy “Đạo” là nhân cho xuất thế gian. Phật giáo cho rằng, do nhân mà đắc quả, cầu quả thì tìm nhân và chỉ có như vậy mới có thể liễu giải và nắm bắt chính xác cách giải thoát khổ đau với lại quả khổ phiền não hiện đời, và chỉ có như vậy mới có thể đạt được lộ trình đưa đến Niết-bàn mãi mãi không còn phiền lụy trói buộc thân tâm nữa.

Theo truyền thuyết, sau khi đức Phật Thích-ca thành đạo dưới cội Bồ-đề, Ngài đã thuyết pháp lần đầu tiên tại ngoại thành Ba-la-nại, nơi vườn Lộc-dã cho những thị giả trước đây theo Ngài - năm anh em Kiều-trần-như. Ở đây, pháp được thuyết chính là diệu lý Tứ đế, và khiến cho họ quán sát nhân quả thế gian với xuất thế gian. Sau khi nghe đức Phật thuyết giảng bốn chân lý nhiệm mầu như vậy, năm anh em Kiều-trần-như đều tín phục, y pháp tu hành, liền đắc giải thoát, chứng A-la-hán quả. Theo kinh Phật ghi lại, đức Phật Thích-ca sơ chuyển pháp luân1 tại vườn Lộc-dã, khi Ngài giảng dạy lý Tứ đế, tùy theo căn tính sai biệt của Tăng chúng, mà Ngài đã giảng đến ba lần giáo pháp này. Dựa vào dịch bản Tam chuyển pháp luân kinh của Đường Nghĩa Tịnh (sư Nghĩa Tịnh đời nhà Đường), ban đầu khi đức Thích-ca thuyết Tứ đế, Ngài luôn đặt trọng tâm vào việc làm sáng tỏ mỗi một pháp trong chuỗi Tứ đế này như thế nào, nghĩa là, đây là Khổ đế, đây là Tập đế, đây là Diệt đế, đây là Đạo đế. Cái yêu cầu là làm sao chúng đệ tử ghi nhớ được chân lý ấy, do đó lần thuyết pháp thứ nhất vế Tứ đế được xưng là “Thị chuyển”, hoặc “Thị tướng chuyển”. Khi giảng pháp ấy lần thứ hai, Ngài đặt trọng tâm vào sự khuyến đạo, chỉ ra pháp môn tu tập Tứ đế cốt ở ý nghĩa trong thực tiễn tu hành mang tính Phật giáo hoàn chỉnh. Ngài nhấn mạnh đến Khổ đế “ưng tri” (phải nên biết), Tập đế “ưng đoạn” (cần phải chấm dứt), Diệt đế “ưng chứng” (phải nên chứng đắc), Đạo đế “ưng tu” (cần phải tu tập thực hành). Lần này được gọi tên là “khuyến chuyển” hoặc “khuyến tướng chuyển”. Lần thứ ba, Ngài nói đến chính mình đã thể nghiệm tu hành và cảnh giới mà mình đã đạt đến, để minh chứng là Ngài đã tự mình đạt đến cứu cánh của việc tu hành như thế nào, và nhấn mạnh đối với Khổ đế “tự tri”, Tập đế “tự đoạn”, Diệt đế “tự chứng”, Đạo đế “tự tu”. Lần này được gọi là “chứng chuyển” hoặc “chứng tướng chuyển”. Đức Phật tùy theo căn tính bất đồng của Tăng chúng mà giảng lại lần thứ ba pháp Tứ đế, trong Phật giáo gọi lần này là “Tam chuyển pháp luân” - Bánh xe pháp được chuyển ba lần. Câu-xá luận nói rằng: “Bánh xe pháp  được Phật chuyển ba lần, mỗi lần chuyển pháp, Ngài tùy theo bốn phương diện: quan điểm, nhận thức, trí tuệ và giải ngộ [của thánh chúng] mà giảng rộng ra, bốn khía cạnh này gọi là Tứ hành tướng và ba lần chuyển pháp cộng lại thành 12 hành tướng”. Phật giáo cho rằng, giáo pháp Tứ đế là pháp môn trung tâm tu hành của chúng đệ tử Thanh văn, và cũng là nền tảng của tất cả Phật pháp, do đó nó hoàn toàn được tôn quý. 

Những lộ trình mang thông điệp giác ngộ - 37 đạo phẩm.

Đạo phẩm, còn gọi là giác chi hay bồ-đề phần. Ở đây, nguyên nghĩa của “đạo” là lộ trình, bởi vì lộ trình này hoàn toàn hướng đến nơi có đích điểm rõ ràng, do vậy, cái gọi là đạo phẩm được hiểu như là tính thông đạt. Hơn thế, Đạo hàm ngôn cho chân lý, cho đạo lý nữa, trong Phật giáo cái đạo lý, cái chân lý này, nói đến lãnh vực tâm thức tối cao của Phật giáo, đây là một trạng thái được Phật giáo gọi là “trí tuệ tối cao”, tức là “giác”, hay “giác ngộ” hoặc “bồ-đề”. Lộ trình này chính là chỉ cho phương pháp tu hành hướng đến trọn vẹn trí tuệ ưu việt của Phật giáo, hoặc có nghĩa là đạo trình ấy có thể dẫn ta đi về hướng cảnh giới tinh thần tối cao của tôn giáo này vậy. Ở đây, “phẩm” hoặc là “chi” hay “phần” như vừa nêu, tất cả đều có ý nghĩa là phẩm loại, tức là chủng loại tu hành có phẩm chất đưa tới toàn giác hay là chủng loại tu hành có tính thù thắng nhất. Như trong bản văn (Pháp giới thứ loại) giải thích rằng, Đạo nghĩa là năng thông, phẩm có nghĩa là phẩm loại. Cộng 37 đạo phẩm lại, ta có 37  loại phương pháp tu hành kết tinh nhất thể hoàn toàn hướng đến cảnh giới trí tuệ ấy.

Trong điển tịch Phật giáo, 37 đạo phẩm còn được mệnh danh là 37 giác chi, 37 bồ-đề phần, hoặc là 37 pháp trợ đạo, dù gọi là gì thì ý nghĩa của chúng đều giống nhau. Đạo Phật cho rằng, nếu ta từng bước dựa vào phương pháp tu hành 37 phẩm trợ đạo này, và y theo đó tu hành, tức là ta có thể nắm bắt trí bồ-đề đã được Phật giáo tuyên thuyết và chứng đắc tuệ vô thượng vậy.

Phương pháp tu hành 37 loại trợ đạo ấy còn có thể quy kết thành bảy yếu tố vĩ đại, người ta gọi là “bảy khoa - bảy bộ môn”. Bảy bộ môn này là: Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ thần túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi và bát chánh đạo.

Lược đồ cụ thể hóa bảy phẩm loại ấy như sau:

Tứ niệm xứ: Thân niệm xứ, thọ niệm xứ, tâm niệm xứ, pháp niệm xứ.

Tứ chánh cần: Cái ác đã sinh, khiến đoạn trừ vĩnh viễn; cái ác chưa sinh, khiến cho không sinh. Pháp thiện chưa sinh, khiến cho sinh khởi; thiện pháp đã sinh, khiến cho tăng trưởng.

Tứ thần túc: Dục thần túc, cần thần túc, tâm thần túc, quán thần túc.

Ngũ căn: Tín căn, cần căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

Ngũ lực: Tín lực, cần lực, niệm lực, định lực, tuệ lực.

Thất giác chi: Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi.

Bát chánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Tứ niệm xứ

Tứ niệm xứ hay còn gọi là Tứ niệm trú, Tứ niệm trụ. Đây là một bộ môn trong 37 đạo phẩm, bởi vì khi tu tập Tứ niệm xứ, hành giả cần lấy bản thân làm đối tượng sở duyên hay là đối tượng để tạo nên nhận thức, cho nên người ta đem bốn loại này quy thành một loại. Cái gọi là “niệm xứ” hoặc “niệm trú”, tức là chỉ cho hành giả đưa tâm thức mình tập trung vào một đối tượng hay một cảnh giới, trong trạng thái tập trung tinh thần [thiền định] như vậy, hành giả quan sát sự vật hoàn toàn sở y trên phương pháp nhận thức của Phật giáo.

Cụ thể, Tứ niệm xứ là: 1/ Thân niệm xứ, 2/ Thọ (thụ) niệm xứ, 3/ Tâm niệm xứ, 4/ Pháp niệm xứ.

Thân niệm xứ là nói về trạng thái “quán thân bất tịnh - xem thân này vốn là dơ bẩn”. Hành giả ở trong trạng thái thiền định [chuyên chú tập trung tinh thần], quan sát sắc thân [cơ thể vật lý] được chúng sinh đang bẩm thụ, đều là vật thể và các dữ kiện dơ bẩn cấu thành mà thôi, nhân đó mà hành giả sinh tâm nhàm chán xa rời.

Thọ niệm xứ, chỉ cho khi hành giả tu tập, xét thấy “thọ” là khổ. “Thọ” có nghĩa là nhận lãnh, và cảm thụ. Thọ niệm xứ tức là khi hành giả tu tập cần hiểu rằng, các loại cảm giác khổ vui trên mặt tình cảm và tâm lý của chúng sinh [kể cả bản thân mình] đều là thống khổ. Cảm giác về khổ làm nên khổ, tự chẳng nên tin, thế thì, cảm giác về lạc có phải cũng thành khổ vậy thôi? Do đó, Phật giáo cho rằng, sự đời vốn vô thường, cái cảm giác về lạc lại càng ngắn hạn, chẳng được bền lâu, bởi vì sự vật nào mà ở trong tình trạng biến thiên sinh diệt thì sự vật ấy đều là hiện thân của khổ, cho nên cảm thọ khổ [khổ thọ] thì thành khổ, cảm thọ vui [lạc thọ] cũng làm thành khổ.

Tâm niệm xứ là hành giả khi tu tập cần thấy rõ tâm thức [là] vô thường, tức là tâm thức của chúng sinh thời thời khắc khắc đều ở trong trạng thái sinh diệt liên tục, không thể nào yên trụ [thường trụ] một cách thật sự. Vì vậy, tâm niệm xứ được gọi là tâm vô thường.

Pháp niệm xứ là khi hành giả tu tập cần phải quan sát pháp vô ngã. Cái gọi là “ngã” mà chúng ta hay nói đến, tức là chỉ cho cảm tính của mình về một cái gì đó luôn luôn tự hữu chi phối bản thân. Phật giáo cho rằng, vạn vật và muôn sự trên thế gian, nghĩa là, cái mà Phật giáo gọi là “chư pháp”, đều do duyên sinh, nếu tách ly khỏi nhân duyên thì không có gì là tồn tại, thế thì các pháp đều nằm dưới sự chi phối duy nhất của vô thường thôi. Vạn vật là như vậy, thì chúng sinh cũng như vậy, chúng sinh hình thành do năm uẩn, tách khỏi năm uẩn này, thì cũng không có sự tồn tại của bất cứ chúng sinh nào. Do đó, chúng sinh hoàn toàn không có tánh chất tự tại, tự chủ gì cả. Vì vậy, trong khi tu tập, hành giả nên quán pháp vô ngã, nắm bắt được tính vô ngã của các pháp, thì hành giả liền giải thoát khỏi các ảo tưởng về cái gọi là ngã thường hằng bất biến, mà cái ảo tưởng đó lại là nguyên nhân duy nhất gây ra đau khổ cho chúng sinh. 

Luận Đại trí độ, quyển 19 dạy: “Vì chúng sinh điên đảo loạn tâm đa niệm, bám luyến cái cảm thọ về thân mình, trong tâm pháp loạn cuồng ấy khởi thành tà hạnh. Do vậy, [Phật] thuyết pháp tu Tứ niệm xứ”. Nghĩa là, chúng sinh lấy cái tâm thức loạn động của mình xem trọng tự thân, bám chấp thân này là lạc, từ đó sản sinh biết bao quan điểm sai lầm, vì thương sót quần sinh, nên Phật giáo dạy pháp tu Tứ niệm xứ.

Pháp tu Tứ niệm xứ là lấy thân làm đối tượng sở duyên, từ đó, Phật giáo cho rằng, hầu như tất cả chúng sinh đều vì vọng chấp loạn cuồng, chỗ sai lầm của họ là lấy “thân” làm “tịnh”, lấy “khổ” làm “vui”, nhận “vô thường” làm “thường”, ở trong “vô ngã” mà cho là “ngã”. Phật giáo dạy rằng, chúng sinh xem thế gian là “thường, lạc, ngã, tịnh”, cái quan điểm ấy là một loại nhận thức điên đảo hư dối, do nhận thức sai lầm như thế mà sinh ra biết bao tâm lý tham ái... đẩy chúng sinh vào cõi trầm luân. Mục đích mà Phật giáo yêu cầu ta tu hành pháp Tứ niệm xứ chính là để chúng ta diệt trừ cái nhận thức mê loạn ấy. Từ đấy ta sẽ bước lên lộ trình tri kiến chính xác của Phật giáo về thế giới sự vật và quan sát vũ trụ này đúng như Phật dạy.

Hơn thế, khi tu hành Tứ niệm xứ, hành giả cũng có thể kết hợp với sự hiểu biết về “Tứ đế” để tiến hành tu tập. Chẳng hạn, khi tu tập pháp Thân niệm xứ, ta có thể kết hợp với Khổ đế, nhờ vậy mà ta nhận thức được sắc thân sở hữu này là do bản chất của khổ đau hiển hiện mà thôi; khi tu tập Thọ niệm xứ có thể kết hợp với Tập đế; khi tu Tâm niệm xứ kết hợp với Diệt đế; và khi tu Pháp niệm xứ ta có thể kết hợp với Đạo đế. Và khi kết hợp như vậy, ta sẽ dễ dàng lý giải được nguyên ủy tà kiến của tâm và sự dơ bẩn của thân mình.

Căn cứ vào bản văn Pháp môn danh nghĩa tập, thì Đại thừa và Tiểu thừa khi giải thích về Tứ niệm xứ có khác biệt đôi phần. Một vài học phái Đại thừa lý giải về Tứ niệm xứ rằng, quán thân như hư không, quán thọ nội ngoại không [quán sở duyên và năng duyên đều vô tự tánh], quán tâm chỉ toàn là giả danh hay chỉ là do tên gọi của tâm mà thôi, quán các pháp thiện và ác đều bất khả đắc, nghĩa là chúng vận hành do hư cấu, nên ta không thể nào nắm bắt được.

(còn tiếp)

Chú thích:

1. Sơ Chuyển Pháp Luân (The First Turning Of The Wheel of Dharma)

“Theo kinh văn nói về Lần chuyển Pháp luân thứ nhất, khi đức Phật dạy Tứ đế, Ngài đã dạy chúng trong ngữ thể chứa ba yếu tố: bản chất của chính Tứ đế, hiệu quả của chúng và sự toàn đắc. Yếu tố thứ nhất, bản chất của những sự thật cá biệt. Yếu tố thứ hai, giải thích tầm quan trọng mà hành giả cần phải lãnh hội ý nghĩa đặc trưng của mỗi một đế: Cụ thể là, khổ đau phải nhận ra, và nguồn gốc của nó phải được loại trừ, dứt khổ được thành tựu và thực chứng lộ trình dứt khổ (Diệt đế). Nội dung của ba yếu tố này, đức Phật giảng dạy cứu cánh Tứ đế hay là sự toàn đắc - Nghĩa là, nhận biết khổ đau toàn diện, chặt đứt toàn diện khổ đau, thực hiện toàn diện sự dừng dứt khổ đau, và thành tựu trọn vẹn lộ trình dừng dứt”. (According to the sutra the first turning, when the Buddha taught the Four Noble Truths, he taught them within the context of three factors: the nature of the truths themselves... the completed actualization of the path to cessation).

Lần Chuyển Pháp thứ hai: Tánh Không luận (The Second Turning)

Trong lần chuyển pháp luân thứ hai ở vườn Lộc-dã, đức Phật đã dạy tạng kinh Bát-nhã (Prajñāpāramitā). Bộ kinh này được biết như là một trong những bản kinh thuyết về trí tuệ... Ở đây, chân lý thứ ba, diệt đế, được giảng dạy, có được độ sâu và sự phức tạp hơn bao giờ hết. Nói chung, không giống như lần chuyển pháp luân thứ nhất, giáo nghĩa của lần này vào sâu chi tiết nhất về tự tánh của Diệt đế, đi sâu vào hành tướng của chân lý này, v.v... (In the second turning, discussion of the third Noble truth, true cessation, acquires greater profundity and complexity. Unlike the sutras belonging to the first turning, the teachings of the second turning go into great detail on the nature of cessation in general, its specific characteristics, and so forth).

Lần Chuyển Pháp Thứ Ba - Phật Tính (The Third Turning: Buddha-Nature)

Lần chuyển pháp thứ ba này được trình bày trong nhiều bản kinh khác biệt, quan trọng hơn hết là bản Như lai tạng kinh (Tathāgatagarbhasūtra) mô tả trong tự thể chúng ta có tiềm năng giác ngộ: Yếu tánh đạt được giác ngộ hay Phật tánh của chúng ta. Bản kinh này thật sự là nguồn sinh xuất tạng kệ tụng của Bồ-tát Long Thọ, và cũng là nguồn của Di-lặc tạng, tức là bản kinh Đại thừa tối thượng mật chú luận (Mahāyāna-uttaratantraśāstra). (The world of Tibetan Buddhism / DALAI LAMA) N.D.

[Tập San Pháp Luân.36.tr,48.2006]