Sa-di đuổi quạ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Chuyện đi tu của chú Hiếu cũng là một đề tài khá ly kỳ. Cha mẹ chú kể rằng từ hồi mới biết ăn, chú đã không ăn được cá thịt, cứ đòi ăn rau cải quanh năm suốt tháng. Nhiều lúc sợ chú bị thiếu dinh dưỡng, cha mẹ chú nghiền thịt hay cá để nấu chung với rau cho chú. Vậy mà chú cũng biết, bỏ ăn; có khi lỡ ăn thì ói thốc ra hết, không chịu được mùi tanh cá thịt. Cho đến tháng chạp năm ngoái, khi theo cha mẹ đến chùa, thấy chú Hân ngồi học kinh dưới gốc cây, chú Hiếu bèn nẩy ý xin đi tu. Chú xin nằng nặc đến độ giận lẫy, bỏ ăn, không tắm rửa, đủ thứ chuyện. Cuối cùng cha mẹ đành phải chịu thua, mang chú lên chùa.(NP)

(Sa Di Đuổi Quạ - tiếp theo TSPL.7)

Ngày mai, và những ngày kế tiếp, chú Hiếu làm chủ lại tình hình, đúng như lời thầy nói. Trăm trận trăm thắng. Không chim không quạ nào dám đến nữa. Chú hăng say đánh đuổi ngay cả những chim những quạ đậu xa lắc trên các cành cây, bụi rậm ngoài vườn chùa. Chú không làm chết một con chim nào, chỉ xua đuổi thôi, nhưng chim nào cũng đâm sợ, lánh xa khu vực chùa. Có khi thấy chú từ xa là chim đã vụt bay như thể bị kinh động bởi tiếng gầm của chúa sơn lâm.

Kết quả việc làm của chú bây giờ, theo lời thầy tri sự thưa với thầy trụ trì, tiến xa hơn trước nhiều. Lúa, bắp, đậu xanh, mè, không bị hao chút nào; đậu phụng thì có hao chút chút không đáng kể; chim chóc đi biệt không thấy không nghe tăm dạng hay tiếng kêu ríu rít hàng ngày nữa. Thầy trụ trì lắng nghe thầy tri sự báo cáo, nhắm mắt trầm ngâm một lúc rồi nói đùa:

“Không khéo mình lại sống trên một mảnh đất chẳng lành đó nghe.”

Thầy tri sự không hiểu ý thầy trụ trì nói gì. Thấy vậy, thầy trụ trì thở dài xua tay cho thầy tri sự lui đi. Chờ thầy tri sự ra khỏi phương trượng rồi, thầy trụ trì ngâm nga:

“Xuân khứ hoa hoàn tại,
Nhân lai điểu bất kinh.”

(Xuân đi hoa vẫn trên cành,
Người về chim hót an lành bên sân).

Buổi tối, thầy trụ trì bảo chú Hân gọi chú Hiếu lên phương trượng. Nghe gọi như vậy chú Hiếu biết là thầy có việc muốn dạy bảo. Chú bận áo tràng đàng hoàng, bước đến chỗ thầy rồi đứng chắp tay một bên chờ đợi.

Thầy gật gù nói:
“Con đuổi quạ được mấy năm rồi?”
“Bạch thầy, năm năm rồi.”
“Vậy ra bây giờ con đã mười tuổi?”
“Dạ phải.”
“Công việc của con ra sao?”
“Dạ, công việc bình thường.”
“Chim chóc còn đến phá nhiều không?”
“Bạch thầy, con ngồi suốt ngày cũng không thấy một con chim nào bay ngang. Hình như chim quạ không đến vùng chùa này nữa. Bây giờ phơi lúa bắp chẳng cần ngồi coi cũng không sao.”
“Vắng đến như vậy sao!”
“Dạ, vắng hoe à.”
“Vậy con chẳng thấy buồn sao? Con ngồi suốt ngày không có con chim nào để đuổi, để gõ thùng, không buồn sao!”
“Bạch thầy cái thùng con vất từ lâu rồi, không cần nữa. Còn chim thì còn đuổi, chim hết đến rồi thì con chỉ ngồi học kinh, học chữ Hán thôi.”
“Con chưa trả lời thầy. Thầy hỏi con có thấy buồn không khi chùa có cây có vườn, có bóng mát, có mái cong, có hang có hốc, có rường có cột, vậy mà chẳng con chim nào dám ghé tới? Buồn không?”
“Bạch thầy, con không biết nữa... Con cũng thấy buồn, nhưng con không biết làm sao. Thầy bảo con đuổi chim đuổi quạ thì con đuổi, con đâu có biết làm sao!”
“Năm xưa thầy cũng đuổi quạ đuổi chim như con. Con có biết lúc thầy sung sướng nhất là lúc nào không? Là mỗi lúc chim rón rén đáp xuống ăn lúa, thầy thấy mà giả đò làm lơ cho chúng ăn. Điều vui nhất trên đời không phải là nhìn thấy kẻ khác sung sướng hay sao!”
“Có lúc con cũng muốn như vậy nhưng con sợ thầy tri sự bắt phạt quỳ nhang. Thầy nói mất một hột lúa thì phải quỳ một cây nhang.”
“Khó đến vậy sao! Hèn gì... Thôi được, con về phòng đi. Ngày mai thầy tri sự và chú Hân về thành, mà lúa cũng mới gặt xong nên thầy không phải ra đồng. Thầy muốn sớm mai con theo thầy đi đến một chỗ này, được không?”
“Bạch thầy, con muốn theo thầy.”
“Tốt lắm, về ngủ đi.”

***

Sớm tinh mơ là thầy tri sự và chú Hân đã lên đường. Chú Hiếu định ngủ nướng thêm một chút trước khi trời sáng thì thầy trụ trì đã tằng hắng mấy tiếng ngoài cửa. Chú vùng dậy, dụi mắt. Thầy đứng bên ngoài nói vọng vào:

“Con đã thức chưa?”
“Bạch thầy rồi.”
“Đi được chưa?”
“Bạch thầy được ạ.”

Ra khỏi phòng, chú thấy thầy bưng một cái thúng lớn. Có cái nón lá của thầy đậy kín miệng thúng nên chú không biết được cái gì bên trong. Thầy không cho chú bưng, chỉ bảo chú đi theo. Chú nghĩ chắc là ra đồng làm gì đây, một công việc đồng áng chú không đoán nổi.

Hai thầy trò lặng lẽ ra khỏi chùa, đi vòng quanh bờ rào chùa để ra phía sau vườn chùa, băng ngang một nghĩa địa, rồi ngang một bãi cát rộng đi hoài chẳng thấy dứt. Thỉnh thoảng có một chiếc xe bò đi ngược chiều, chở đầy rơm. Mùi lúa quyện lẫn hơi sương làm mát cả buồng phổi.

Mặt trời chưa mọc hẳn, còn ẩn sau lớp mây dày. Sương đêm hãy còn phủ mờ chung quanh. Đường đi mờ mờ mịt mịt. Chỉ có thầy là bước đi không ngập ngừng. Chú xách dép lên chạy theo mới kịp thầy. Chú có cảm giác như thầy dẫn chú đi lên trời hay đến một cõi tiên nào vậy.

Qua khỏi bãi cát rộng thì đến chân một ngọn đồi. Đúng ra là một gò đất cao, cỏ mọc lưa thưa. Trên gò chỉ có vài cây me cao nhưng cũng đủ tạo nên vẻ rậm rịt um tùm cho gò đất. Hai thầy trò nghỉ một chặp dưới chân gò rồi hì hục leo dốc đi lên. Trên gò có một khoảng đất trống rộng hơn sân chùa. Thầy nói hồi xưa đây là chỗ họp làng. Từ ngày xây đình và chùa Phước Tân trong làng, đất này bỏ trống, họa hoằn lắm mới có người rủ nhau lên chơi vào những đêm sáng trăng. Thầy đặt thúng xuống đất, ngồi nghỉ. Chú Hiếu chưa biết thầy muốn lên đây làm gì nhưng chú chưa dám hỏi. Chú cũng ngồi xuống nghỉ chân. Thầy nói:

“Chờ trời sáng ta hãy làm việc. À, chú thấy có gì khác lạ ở đây không?”

Chú nhìn quanh rồi nói:
“Không có nhà cửa.”
“Gì nữa?”

Im lặng quan sát một lúc lâu, chú đáp:
“Không gì hết trơn.”

Thầy bật cười:
“Sao lại không được? Cây cao nè, sẽ có bóng mát suốt ngày nè. Có chim chóc, có ve, có côn trùng kêu ríu rít, rỉ rả suốt ngày nè. Bộ con không nghe gì hết sao?”
“Dạ tại con cứ nghĩ thầy hỏi thấy gì không chứ nghe thì con nghe tiếng chim kêu từ lúc chưa bước lên đây rồi. Thầy muốn con đuổi chúng không, bạch thầy?”
“Không. Ngồi chơi đi. Quên phứt cái nghề đuổi quạ của con đi.”

Hai thầy trò ngồi im lặng bên nhau. Nắng lên cao dần. Đỉnh gò như được ưu tiên đón nhận ánh nắng sớm hơn bên dưới. Chim chóc càng lúc càng hót vang trên những nhánh me để đón chào một ngày mới. Gió từ ruộng đồng phần phật thổi qua nghe vi vút. Thầy nhìn qua chú hỏi:
“Con nghe tiếng chim thế nào?”

Chú ấp úng một lúc rồi nói:
“Vui quá!”

Thầy cười rồi đứng dậy, ôm cái thúng ra giữa khoảnh đất trống. Chú lon ton chạy theo. Thầy lại đặt cái thúng xuống đất, lật cái nón lá ra, chú nhìn vào: lúa. Một thúng đầy lúa. Chú ngạc nhiên nhìn thúng lúa chưa hiểu gì thì thầy đã ngồi xuống lấy hai tay vốc lúa lên, nói:

“Lúa chắc hột quá, lúa ngon quá! Con thấy không?”
“Dạ, lúa đẹp quá.”

Rồi thầy vụt đứng dậy, vung tay, vung tay. Lúa bay tứ phía, lúa bay lên cao, tung vãi khắp nơi. Thầy hét lên trong tiếng gió reo:

“Vãi lúa đi con, vãi khắp nơi cho chim quạ ăn!”

Chú hơi khựng một lúc, thấy thầy cứ tiếp tục đứng rồi khom, khom rồi đứng, vốc lúa ra mà vãi, chú mới cúi xuống thọc hai tay vào thúng, nắm từng nạm lúa, tung ra, tung ra. Gió đưa lúa bay cao, bay xa. Chim chóc ào ào bay đến. Hàng chục con, hàng trăm con. Lúa bay, bay, dính trên áo nâu, trên tay, trên đầu, trên vai hai thầy trò. Rồi thầy ném lúa vào áo chú, chú ném lúa lại trên áo thầy. Hai thầy trò vừa tung lúa vừa cười, vừa giỡn như hai đứa trẻ. Chim từ các nơi xa, ríu rít bay đến từng đàn. Tung tăng ăn lúa. Những cái đầu gục gặc mổ lia lịa. Rồi những con quạ đen nữa, thấy chim đủ loài từ đâu tụ về, chúng cũng theo tới. Chim từ khắp hướng, từ đồng ruộng, từ vườn rau, từ các bụi rậm, ồ ạt kéo đến.

Tung vãi hết thúng lúa, hai thầy trò đứng lại giữa bãi chim, cười hể hả. Rồi thầy lấy hai tay bụm miệng kêu hú như gọi muôn chim về dự hội. Nét mặt chú Hiếu tươi vui hơn bao giờ. Từ ngày bước chân vào chùa làm Sa di Đuổi Quạ đến giờ, có lẽ đây là lần đầu tiên chú thấy hạnh phúc nhất. Chim quạ không sợ hãi tránh né chú. Chú không sợ hãi hay xua ghét chim quạ. Có con chim đậu mổ những hạt lúa dính trên vai áo của chú. Có con chim đậu trên tay thầy. Chú nhìn quanh. Đâu cũng là chim. Đâu cũng thấy quạ. Mà tâm chú vẫn cứ an bình lặng lẽ, không bị thôi thúc bởi công việc hay trách nhiệm đấu tranh, chiến thắng. Chú sung sướng vừa cười vừa khóc vừa dang hai tay chạy giỡn giữa một trời chim chóc. Gió đuổi theo vạt áo nâu phất phới của chú. Chim chóc như nhảy nhót đón chào chú. Thầy đứng nhìn theo, thấy chú hân hoan vui mừng và tự do như một cánh chim giữa đất trời hoang dại.

(Hết)
[Tập san Pháp Luân - số 8]