Nói đến ngày Thành đạo của đức Thế Tôn, chúng ta thường chú ý đến sự hoàn thành công phu tu tập của Ngài, công phu chuyển đổi vọng tâm để Niết-bàn hiển lộ. Thành đạo là một trong những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của đấng Giác Ngộ dạy cho chúng ta những bài học vô cùng quí giá. Là huynh trưởng GĐPT, ngoài việc tu tập cho bản thân, chúng ta còn có bổn phận trao truyền cho đàn em gia tài Phật pháp và hiểu biết về đạo Phật… nên những bài học lại càng có giá trị hơn.
Kính thưa quí vị và các bạn,
Đáng lẽ nhan đề của bài viết này là: “Nhân Mùa Thành Đạo của đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni, thử tìm hiểu về những bài học lớn mà Ngài đã đem lại cho nhân loại.” Nhưng nếu viết đầy đủ thì quá dài nên xin phép được ngắn gọn.
Mặc dù là Giáo chủ của một tôn giáo, đức Thế Tôn luôn tự cho mình là một con người bình thường qua lời tuyên bố: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”. Ngài không những không hiện thần thông để chinh phục đại chúng, mà còn quở những vị đệ tử dùng phương tiện thần thông để giáo hóa chúng sanh, vì thần thông làm trở ngại trí tuệ. Ngài luôn dạy chúng ta hãy tin vào trí tuệ của mình, Ngài nói “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi!”
Để điểm qua những bài học lớn mà đức Thế Tôn đã cống hiến cho cuộc đời, chúng tôi xin mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc hội luận bỏ túi của những huynh trưởng trẻ quen thuộc A, B, C… những người đã tìm hiểu và suy gẫm về vấn đề này.
A: Chào các bạn, hôm nay chúng ta tìm hiểu về vấn đề gì?
B: Về những bài học lớn mà đức Phật đã đem lại cho thế gian này như tinh thần giáo dục của Ngài, lòng từ bi rộng lớn của Ngài, v.v...
C: Đức Phật bảo rằng dù chư Phật có ra đời hay không, Chân lý vẫn có và vẫn tồn tại; đức Phật cũng không giành “bản quyền” hay quyền sáng chế những định luật Nhân quả, Luân hồi, Nghiệp báo, Ngũ uẩn, 12 Nhân duyên, v.v...
A: Đúng vậy, mặc dù những định luật đó đã có sẵn nhưng chính đức Phật đã phát hiện ra – và dạy cho đệ tử của Ngài áp dụng vào cuộc sống để có an lạc và làm cho những người chung quanh an lạc.
B: Và mình nghĩ rằng bài học đầu tiên mà đức Phật để lại cho chúng ta (chúng ta cũng đại diện cho nhân loại rồi phải không các bạn?!!!) là “Tất cả chúng sanh đều bình đẳng trong giọt máu cùng đỏ và giọt nước mắt cùng mặn”.
C: Phải rồi! Mình cảm động nhất là câu chuyện Thái tử Tất-đạt-đa cứu sống con ngỗng trời bị Đề-bà-đạt-đa bắn bị thương – một em bé chưa được 10 tuổi mà đã có lòng từ bi đáng nể như vậy, thật đúng là Bậc xuất thế! Mạng sống của một con chim bé nhỏ cũng được Ngài quan tâm trong khi những trẻ em bằng tuổi Ngài có thói quen bắn chim nướng ăn hay phá tổ chim lấy trứng, v.v...
A: Mình thì cảm động nhất là câu chuyện Ngài hóa độ cho người gánh phân Sunita và cho gia nhập Tăng đoàn – đó là một cuộc cách mạng đối với xã hội Ấn Độ đương thời, một xã hội có bốn giai cấp! Cuộc cách mạng đó còn “nổ” lớn hơn cuộc cách mạng 1789 của Pháp vì các giai cấp trên phản ứng rất mạnh, trong đó có vua chúa, giai cấp Bà-la-môn, v.v... là những giai cấp xưa nay được toàn dân kính trọng. Nhưng cách mạng mà không tốn một giọt máu nào vì đức Thế Tôn đã khéo léo chứng minh với những người phản ứng rằng trí tuệ giải thoát không phụ thuộc vào các giai cấp của xã hội đặt ra!
B: Vậy các bạn thấy không? Đức Phật của chúng ta còn tài ba hơn Mục sư Martin Luther King, người đấu tranh giải phóng dân da đen ở Mỹ cách đây mới 40 năm trên một đất nước dân chủ, còn Ngài thì đã làm cách đây hơn 2500 năm trong xã hội đại phong kiến!
C: Bạn đã “khen phò mã tốt áo” rồi! Thật ra, Ngài không “đấu tranh” gì cả nhưng những việc làm của Ngài có tác dụng “phá chấp”. Đa số người ta chấp vào giàu nghèo sang hèn nên mới phân chia xã hội như vậy, còn dưới mắt Bậc giác ngộ thì mọi người đều bình đẳng. Ngài đã thuyết phục được bằng cả lý thuyết và thực tế cho mọi người thấy rằng, con người sang hay hèn, cao thuợng hay hạ tiện là do những hành động của mình chứ không phải do bẩm sinh.
A: Nếu có dịp mình phải kể cho mọi người nghe những vị Tỳ-kheo xuất thân “hạ tiện” rất xuất sắc trong tu tập thiền định cũng như lòng từ bi và trí tuệ của các tôn giả.
B: Đồng ý! nhưng bây giờ chưa được; chúng ta phải nói tiếp về đề tài hôm nay. Mình cũng rất tâm đắc câu chuyện nàng Ma-đăng-già mê hoặc tôn giả A-nan; A-nan sắp bị hại thì được đức Phật cứu và sau đó Phật đã độ được cả nàng Ma-đăng-già cũng xuất gia.
C: Mà Ma-đăng-già còn chứng quả A-la-hán trước tôn giả A-nan nữa kia! À nói đến đây mới nhớ, đức Phật còn là người “giải phóng phụ nữ” đồng ý cho phụ nữ gia nhập vào Tăng đoàn cách đây hơn 2500 năm – trong khi mãi đến thế kỷ 21 rồi, vẫn còn có tôn giáo không có nữ tu vì quan niệm lỗi thời “trọng nam khinh nữ”! !!
A: Tuy nhiên trong vấn đề này hình như tôn giả A-nan mới là người có công lớn đó các bạn ạ!
B: Đúng vậy! Nhưng trên hết, đức Phật là người quyết định có cho phép người nữ xuất gia hay không! Có một điều thú vị nữa là các bạn có biết không? Theo lời của ngài Narada Mahathera – tác giả cuốn “Đức Phật và Phật Pháp” (The Buddha and His Teachings) – thì có một vị học giả tên là Lord Zetland đã nói rằng người ta rất ngạc nhiên nhận thấy hình thức Hội chúng và Tăng đoàn thời đức Phật cách đây hơn 2500 năm không khác gì những mô hình căn bản tại các Thượng viện, Hạ viện ở các quốc gia theo chế độ cộng hòa trong thời đại này.
C: Phải rồi, rất nhiều học giả nổi tiếng như tiến sĩ Dhammananda (tác giả cuốn sách “What Is This Religion?” hay triết gia Radha cho rằng giáo lý của đức Phật mặc dù đã được giảng dạy cách đây hơn 25 thế kỷ, vẫn áp dụng được một cách hết sức hữu hiệu và hài hòa trong thế kỷ mới.
A: Bởi vì những giáo lý của Ngài được rút ra từ những suy tư của vị Đạo sư mà mục đích tối thượng là tìm cách cứu khổ cho chúng sanh, với tâm vô ngã, với trí bát-nhã cho nên đều đặt căn bản trên con người và vì con người. Ngài tuyên bố mình là một con người bình thường và Đạo chính là tâm bình thường (“Bình thường Tâm thị Đạo”). Cũng vậy, con người tự làm chủ hạnh phúc hay đau khổ của chính mình chứ không có một đấng thần linh nào ban phúc hay giáng họa cả.
B: Cho nên nhà văn Bertrand Russel đã ca ngợi đạo Phật và tôn xưng đức Phật là “nhà vô thần cao cả nhất của nhân loại trong tất cả các thời đại” (the greatest atheist of all times)
C: Đúng quá, giáo lý cốt lõi của Phật giáo là diệt trừ phiền não (để có an lạc) và sống với Tâm Phật bất sinh, bất diệt có sẵn trong mỗi con người; nói theo danh từ Phật giáo là “hàng phục vọng tâm và an trụ chơn tâm”.
A: Đức Phật, Ngài không chỉ là một triết gia siêu đẳng, một nhà vô thần vĩ đại mà còn là một nhà khoa học nữa. Không cần đến các học giả nổi tiếng, ngay chúng ta cũng có thể chứng minh được, phải không các bạn?
B: Đúng vậy, ví dụ trong nước có hàng ngàn hàng vạn vi trùng – ngày xưa đâu có kính hiển vi, nhưng đức Phật đã biết điều này, điều mà khoa học hiện đại chỉ mới biết cách đây vài trăm năm. Hay những sự hiểu biết về lý Duyên khởi, về sự Tương tức, Tương nhập, v.v... là những nguyên lý mà vật lý học hiện đại mới khám phá ra vào khoảng cuối thế kỷ thứ 20.
C: Còn nữa, đố các bạn đức Phật có dạy về Thiên đàng và Địa ngục không?
A: Có chứ, nhưng đức Phật dùng danh từ Cực Lạc, Tịnh độ, v.v...
B: Có phải bạn muốn nói rằng Thiên đàng và Địa ngục ở ngay trong lòng mọi người, bởi vì khi lòng ta thanh tịnh thì cõi Thiên đàng sẽ hiện ra còn khi ta ác độc hại người thì đó chính là địa ngục, nơi lãnh quả của những việc ác hiểm, v.v... có phải không?
C: Các bạn nói quá đúng rồi nhưng mình đâu có nói sâu xa như các bạn; mình chỉ muốn kể câu chuyện ở bên Nhật, giữa một vị tướng quân (võ sĩ đạo) và một thiền sư. Tướng quân đến hỏi thiền sư là “Có Thiên đàng, Địa ngục hay không? Phải đào sâu bao nhiêu trong lòng đất mới thấy Địa ngục hay bay lên mấy từng Trời mới thấy Thiên đàng?” Vị thiền sư đáp: ngu dốt như ông mà cũng hỏi thiên đàng và địa ngục sao? Võ sĩ đạo tuốt kiếm ra xông vào thiền sư định đâm vào bụng ông này để trừng phạt tội dám xúc phạm danh dự của võ sĩ đạo. Thiền sư điềm nhiên nói: “Cửa Địa ngục đã mở, thưa tướng quân!” Ông võ sĩ đạo chợt tỉnh ngộ, hổ thẹn tra kiếm vào vỏ, mỉm cười, cúi đầu xin lỗi thiền sư, vị thiền sư lại điềm nhiên nói: “Bây giờ ngài đã đến cửa Thiên đàng”.
A: Câu chuyện này còn cho chúng ta thấy sự khác nhau giữa Đạo học và Phật học; một bên còn chấp ngã, chấp tướng một bên phá chấp triệt để.
B: Đúng rồi! Vị tướng quân coi sinh mạng con người nhỏ hơn danh dự võ sĩ đạo còn vị thiền sư bất chấp tất cả, không sợ hãi, không mong cầu, nói lên cái nhìn như thật của mình về Địa ngục và Thiên đàng – nó chỉ là một, do Tâm biến hiện mà ra thôi!
C: Như vậy, đức Phật còn để lại cho chúng ta những vị thiền sư lỗi lạc như Bồ-đề Đạt-ma, Lục Tổ Huệ Năng, Mã Tổ, Cảnh Sơn, Trần Nhân Tông, Bankei, Hư Vân, v.v... và nhiều vị thiền sư như vị thiền sư trong câu chuyện trên đây… nhiều không thể kể hết được!
A: Nói dễ hiểu hơn, đạo Phật đã đào tạo ra những con người tin vào khả năng giác ngộ của mình, và có khả năng làm hiển lộ Phật tánh nơi chính mình.
B: Không cần đi tìm cầu ở đâu xa vì đức Phật đã dạy “mê và ngộ chỉ là sự chuyển hóa của tâm thức chứ không phải là được (“đắc”) cái gì mới lạ ở ngoài Tâm và Thân này cả”.
C: Mình hiểu rồi, nhưng từ mê đến ngộ gần trong gang tấc mà cũng xa ngoài vạn dặm như từ Ta-bà qua Cực Lạc vậy, các bạn hở?
A: Phải đó, cho nên nói Tâm chúng ta khi Ma khi Phật, là ý này đây! Nếu chúng ta sống được với tâm Phật bất sinh như thiền sư Bankei dạy, trong mọi lúc thì hay biết bao!
B: Cho nên phải tu tập, phải canh giữ Tâm mình như người chăn trâu chăn giữ con trâu của mình, đừng cho nó chạy rông, dẫm đạp lên lúa mạ của người khác, phải áp dụng câu mà mình dạy cho các em:
Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần
Đem ý thức tinh chuyên phòng hộ.
C: Mình có đọc được ở đâu đó một bài thơ khuyên sống với tâm Phật bất sinh, bất diệt như sau, tặng các bạn đây nha:
Đêm đêm ôm Phật ngủ
Ngày ngày cùng Phật đi
Ngồi đứng hằng theo nhau
Nói nín cùng chung ở
Mảy may chẳng tạm rời
Như hình cùng với bóng
Muốn biết nơi Phật đi
Chỉ chỗ nói năng ấy.
A: Thật là hay quá, cảm ơn Bạn nhiều! Bài này nói y chang thiền sư Bankei đã nói! Các bạn hãy nghe nha: “...Một người sống với tâm Phật bất sinh một cách rốt ráo thì khi vị ấy đi ngủ cũng đi ngủ với tâm Phật, khi thức dậy là dậy với tâm Phật,… khi nói là nói với tâm Phật, khi im lặng là im lặng với tâm Phật, khi ăn cơm là ăn cơm với tâm Phật, khi uống trà là uống trà với tâm Phật… Vào mọi lúc, vị ấy an trú liên tục trong tâm Phật, vị ấy hành xử ung dung, tùy theo hoàn cảnh, cứ để mọi sự trôi theo cách tự nhiên của chúng, cốt là không làm việc ác, chỉ làm việc lành... nhưng không tự hào về những việc lành của mình, không bám víu vào đó mà ghét những người xấu vì như vậy là đi ngược tâm Phật. Tâm Phật không thiện, không ác, mà vượt lên trên cả thiện ác.”
B: Như vậy hôm nay chúng ta đã cảm niệm về ngày Thành Đạo của đức Bổn sư một cách có ích lợi, phải không các Bạn? Chúng ta tạm biệt được rồi chứ? Xin hẹn lần sau!
A và C: Tạm biệt! Tạm biệt! Hẹn gặp lại!
Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân - số 58, tr.69, 2009]
Đạo Phật dạy chúng ta giáo lý giải thoát và cách thực hành giáo lý ấy ngay trong đời sống hằng ngày. Vấn đề của anh chị em chúng ta là biết thời đại hóa giáo lý ấy để có thể trang bị cho đàn em của mình những kiến thức cơ bản về vai trò của tuổi trẻ trước nhu cầu bức thiết của xã hội, đó là đối trị và hóa giải những bất trắc, những trở ngại, những ma chướng (tham, sân, si) từ trong tâm mình và trong tâm người khác để đem đến an lạc thật sự cho mọi người trong xã hội. Đó chính là chúng ta đã “góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo” thông qua con đường giáo dục thanh thiếu đồng niên Phật tử vậy.
Cụ thể như là những bài học về Thành đạo; có vài người sẽ bảo rằng, “những bài học này các em đã học từ Oanh Vũ đến ngành Thiếu ở các bậc Cánh Mềm, Chân Cứng rồi Hướng Thiện, Sơ Thiện… đâu có phải bây giờ mới áp dụng!” Xin thưa, cái mới không phải ở nơi bài học mà ở nơi sự áp dụng bài học vào cuộc sống, nơi cách mình hướng dẫn các em thực hành. Ngoài ra, khi các em đọc thêm ở đâu đó một sự kiện gì liên quan đến đức Thế Tôn, các em đều có thể đem hỏi chúng ta. Ví dụ điển hình như vừa rồi, có các em được đi với gia đình qua Ấn Độ đã đến chỗ cây Bồ-đề, nơi đức Phật ngồi tham thiền suốt 49 ngày và thành đạo dưới gốc cây cũng như tháp kỷ niệm nơi đức Thế Tôn đứng nhìn cây Bồ-đề ấy ở tuần lễ thứ hai sau khi thành đạo. Tương tự như vậy, một em khác lại hỏi rằng: đức Phật bị ma vương cám dỗ trước khi thành đạo hay sau khi thành đạo? Chúng ta biết ngay rằng em ấy đã đọc về những việc làm của đức Thế Tôn sau khi thành đạo, ấy là vào tuần thứ 5, ba người con gái của Ma Vương là Taṇhā, Aratī, và Rāga đã đến cám dỗ Ngài nhưng tất cả đều thất bại. Thật ra, sau khi thành đạo, trên con đường hoằng hóa Phật pháp, đức Phật đã gặp nhiều “đại nạn” do quần chúng quậy phá, mưu sát cũng có, cám dỗ cũng có, vu oan giá họa rồi bêu xấu cũng có, nhưng đức Phật luôn giữ nguyên tắc “ai cho mình cái gì mà mình không nhận thì người ta sẽ đem về!”, không minh oan, không trả lời, không thù oán hay tìm cách “trả đũa” như thế gian thường tình.
Xin trở lại với những bài học Thành đạo; trước nay bài trong chương trình ngành Thiếu chỉ kể về đêm Thành đạo, còn sau khi thành đạo đức Phật đã làm gì, chúng ta chỉ cho các em đọc thêm trong “The Buddha and His Teachings” của Narada Māha Thera, Phạm Kim Khánh dịch ra tiếng Việt “Đức Phật và Phật Pháp.” Có nhiều em “confused” (nhầm lẫn) về khoảng thời gian 49 ngày của đức Phật dưới cội Bồ-đề. Thực ra trước khi thành đạo, đức Phật đã ngồi thiền suốt bốn mươi chín ngày đêm và đêm cuối cùng Ngài đã “thành đạo”. Sau khi thành đạo, Ngài còn lưu lại nơi đó trong bảy tuần (49 ngày). Huynh trưởng thì nhận thấy rằng không chỉ với sự kiện xuất gia hay thành đạo mới có những bài học cho chúng ta mà bất cứ công việc gì dù rất bình thường trong sinh hoạt của Ngài cũng đáng cho chúng ta suy gẫm, học tập. Xin mời quý vị và các bạn tham dự buổi hội thoại bỏ túi giữa các huynh trưởng GĐPT quen thuộc của chúng ta A, B, C về vấn đề này.
A: Chào các bạn, sắp tới lễ Thành đạo rồi đó. Các bạn có tập được cho các em vở kịch nào mới không?
B: Cũng có, nhưng Oanh Vũ của mình nhỏ quá, các em lớn đã lên Đoàn hết rồi nên hơi khó, các em nói tiếng Việt chưa rành lắm!
C: Thôi, khoan hãy nói chuyện kịch cái đã, mình đang muốn đem thắc mắc của một em nghành Thiếu của mình kể cho các bạn nghe đây. Em ấy nói rằng khi học về Thành đạo, các anh chị dạy 10 đạo quân của ma vương mà đức Phật chiến thắng cuối cùng là Tham ái, Ngã mạn, v.v... nhưng em ấy đọc thấy sau khi thành đạo, đức Phật vẫn còn bị ba người con gái đến quậy phá nữa.
A: Vậy bạn đã trả lời như thế nào?
B: Chắc bạn đã nói về ba người con gái này của ma vương chứ?
C: Không, mình chỉ nói cho các em biết sau khi thành đạo, đức Phật trên đường hành hóa, đã gặp rất nhiều trở ngại, bên trong cũng như bên ngoài, bên trong thì Đề-bà-đạt-đa quậy phá, ngoài thì những người xấu muốn hại Ngài...
A: Sao bạn không nói về bảy tuần lễ sau ngày thành đạo, đức Phật giữ yên lặng để suy gẫm về đạo nhiệm mầu Ngài vừa chứng được, và lưu lại bên cây Bồ-đề?
B: Hay là chúng ta thay phiên nhau lần lượt ôn lại 7 tuần đó đi hở? Và nêu lên bài học cho chúng ta? Mình xin bắt đầu bằng tuần thứ nhất: Ngài ngồi bất động dưới tàng cây Bồ-đề để chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát (Vimutti Sukha). Trong đêm cuối của tuần này, Ngài xuất thiền và suy nghiệm về “12 nhân duyên” theo chiều xuôi, rồi theo chiều ngược.
C: Theo chiều xuôi, nghĩa là “tùy thuộc nơi nhân mà quả phát sinh”: tùy thuộc nơi vô minh mà hành phát sinh, tùy thuộc nơi hành mà thức phát sinh… Còn theo chiều ngược là “với sự chấm dứt của nhân thì quả chấm dứt”: với sự chấm dứt của vô minh, hành chấm dứt, với sự chấm dứt của hành thì thức chấm dứt, v.v... có phải không?
A: Phải rồi! Bước qua tuần thứ 2, Ngài vẫn giữ yên lặng. Nhưng trong sự yên lặng ấy, Ngài đã tỏ lòng tri ân với cây Bồ-đề. Ngài đứng xa ra để chăm chú nhìn cây Bồ-đề trong suốt một tuần không chớp mắt! Về sau, vua A-dục (Asoka) có dựng lên một bảo tháp để kỷ niệm nơi ấy gọi là Animisalocana Cetiya (Animes Lochan) đến nay vẫn còn. Hồi đi dự lễ hội hành hương GĐPT trên thế giới (năm 2004), các đại biểu đều thấy tháp này. Hiện trong tháp có chứa ba tạng kinh Hoa Nghiêm bằng chữ Tây Tạng nên các vị sư Tây Tạng khi đến chiêm bái Bồ-đề đạo tràng thường hướng về tháp này tụng kinh, đảnh lễ.
B: Đến tuần thứ 3, đức Phật vẫn lưu lại bên gốc cây Bồ-đề nên chư Thiên nghi ngờ không biết Ngài đã đắc quả Phật chưa. Đọc được tư tưởng ấy, Ngài dùng thần thông tạo ra một “đường kinh hành quí báu” (ratana camkamana) và đi thiền hành lên xuống suốt một tuần. Trong tuần lễ thứ tư, Ngài suy tưởng về giáo lý cao siêu của Tạng Luận (Abhidhamma). Khi Ngài suy tưởng về lý nhân quả tương quan bộ khái luận thứ 7 của tạng Luận, Tâm và Thân, Ngài trở nên hoàn toàn tinh khiết, phát ra một vầng hào quang 6 màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, cam và màu tổng hợp. Vì lẽ đó, nơi này được gọi là “bảo cung” (ratanaghara), tức căn phòng quý báu.
C: Đến tuần lễ thứ 5, đức Phật ngồi dưới cội cây trứ danh Ajapāla để chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Vào cuối tuần, sau khi xuất định, có một người Bà-la-môn ngã mạn (huhunka jātika) đến chào hỏi Ngài rồi nói: Này tôn giả Gotama, đứng về phương diện nào và trong những điều kiện nào người ta trở thành bậc Thánh? Để trả lời, đức Phật đọc lên bài kệ:
Người đã tránh xa mọi điều tội lỗi
Không còn ngã mạn,
đã thanh lọc mọi ô nhiễm
thu thúc lục căn
thông suốt các pháp học
chân chính sống đời phạm hạnh thiêng liêng
Người ấy được coi là bậc Thánh (Brahmana)
Đối với người ấy không còn sự bồng bột
Dù ở nơi nào trên thế gian.
A: Ngoài ra, trong Túc Sanh truyện còn nói chính trong tuần lễ thứ 5 này, ba người con gái của Ma vương là Taṇhā, Aratī và Rāga đến quyến rũ đức Phật nhưng đã thất bại!
B: Tuần lễ thứ 6, đức Phật từ cây Ajapāla chuyển qua cây Mucalinda và ở tại đây trong một tuần để chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Bỗng có một trận mưa to, gió lớn kéo đến, trời đất tối đen, gió lạnh thổi suốt trong nhiều ngày… nhưng đã có Mãng xà vương Mucalinda từ trong hang chui ra dùng thân mình quấn quanh đức Phật 7 vòng, đầu và miệng rắn che trên đầu Ngài, vì vậy, thân Phật không bị ướt. Sau 7 ngày trời quang mây tạnh, Mucalinda tháo mình ra, bỏ lốt rắn hiện thành một chàng thanh niên chắp tay đứng trước Phật; đức Phật đọc bài kệ như sau:
Đối với hạng người tri túc,
đối với người đã nghe và đã thấy chân lý,
thì sống ẩn dật là hạnh phúc.
Trên thế gian này,
người có tâm lành, có thiện chí,
người biết tự kiềm chế, thu thúc lục căn
đối với tất cả chúng sanh
là hạnh phúc.
Không luyến ái, vượt lên khỏi dục vọng
là hạnh phúc.
Phá tan được thành kiến, “ngã chấp”
Quả thật là hạnh phúc tối thuợng.
Hiện nay chỗ này là một hồ nước lớn nằm về phía Nam của đại tháp, có hình tượng đức Phật Thích-ca ngồi giữa hồ. Hồ này có tên là hồ Rồng mù (Muchalinda) để kỷ niệm đức Phật được thần Rắn che mưa.
C: Vào tuần lễ thứ 7, đức Phật bước sang cội cây Rājāyatana và ở đó chứng nghiệm quả phúc giải thoát. Sau khi xuất định, Ngài được Tứ Thiên Vương dâng bát cúng dường và Ngài cũng đã nhận tặng phẩm sữa và đề hồ của hai vị thương gia tên là Tapassu và Bhallikā; đây là hai vị đệ tử tại gia đầu tiên của đức Phật trong thế giới loài người.
A: Những Phật ngôn đầu tiên của đức thế Tôn đến với thế gian là hai bài kệ sau đây (trong kinh Pháp Cú có ghi lại, đó là hai bài Kệ 153 và 154):
Lang thang qua bao nhiêu kiếp luân hồi,
Ta cố tìm nhưng rồi chưa gặp
Kẻ xây dựng lên ngôi nhà này.
Cứ mãi tái sanh, khổ sở thay!
Ô kìa anh thợ làm nhà!
Nay ta bắt gặp, khó mà xây thêm.
Cây đòn tay bên thềm gảy đổ
Rui mè kèo cột bỏ ngổn ngang.
Ta nay chứng đắc Niết-bàn,
Ái tham, dục vọng, hoàn toàn tiêu tan
B: Thật là quá hay! Các bạn thấy đức Phật dùng ngôn ngữ biểu tượng có “tuyệt cú mèo” không? Căn nhà = cái thân ngũ uẩn này của chúng ta; anh thợ làm nhà là ai? Xin thưa đó là ái dục (Taṇhā), chính ái dục là nguyên nhân tiềm ẩn trong tất cả chúng ta và kéo chúng ta trở đi trở lại trong vòng sinh tử luân hồi; chỉ khi nào “Ái tham dục vọng tiêu tan” thì chúng ta mới thấy Đạo được.
C: Còn rui mè, kèo cột là cái gì?
A: Bạn thật là ngây thơ quá, đó là cái sườn của căn nhà ngũ uẩn, là những phiền não ô nhiễm như tham (lobha) sân (dosa) si (moha), hoài nghi (vicikiccha), ngã mạn (mana), tà kiến (ditthi), phóng dật (uddhacca), v.v... đó chứ gì nữa!
B: Còn “cây đòn dông” chịu đựng cái sườn nhà cho cái nhà khỏi sập là vô minh, vì vậy muốn phá sập căn nhà như đức Phật đã làm, phải diệt hết các vật liệu để anh thợ làm nhà không còn cách nào mà làm nhà được nữa!
C: Hiểu rồi! Nghĩa là sườn và đòn dông là vô minh và phiền não, đâu có đáng cho ta ham muốn, có cái gì đâu mà bám víu, nên giật sập là phải rồi! ☺☺!!
A: Như vậy, chúng ta thấy việc ôn lại “thời khóa biểu” của đức Thế Tôn trong những tuần lễ sau ngày Thành đạo đã cho chúng ta một “lô” những bài học thật hay, thâm thúy… đáng cho chúng ta suy gẫm phải không các bạn? Vậy chúng ta tạm chấm dứt buổi nói chuyện ngang đây nha! Happy New Year! Chào tạm biệt!
B và C: Tạm biệt, Happy New Year!
Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân - số 46, tr.73, 2007]