Mọi người đều cần luật (Vinaya) - Vài suy nghĩ về đời sống của người Phật tử - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Bài viết này của ông thể hiện quan điểm của một tăng sĩ theo truyền thống Theravada, có ảnh hưởng văn hóa hiện đại Tây phương. Sự diễn giải của ông về Vinaya (luật) trong bài viết này có thể có người không chấp nhận, nhưng dù sao ở đây cũng cần ghi nhận sự nhiệt tâm của ông với mong muốn giáo pháp được thích ứng rộng rãi ở những xã hội khác nhau trong thời hiện đại.

Luật (vinaya) là một thuật ngữ được biết rộng rãi trong những quốc gia Phật giáo, chỉ cho một bộ luật lớn mà những tăng sĩ tuân giữ, hoặc được đề nghị tuân giữ. Ở nhiều khía cạnh Phật giáo, ý nghĩa chung được hiểu này tuy không sai nhưng không phải là đầy đủ. Nó đã bỏ quên những điều quan trọng được tìm thấy trong những lời dạy của đức Phật và do đó làm giảm đi khả năng của chúng ta để sống một đời sống theo Pháp (Dhamma), cho dù là một tăng sĩ hay cư sĩ. Trong bài viết này, tôi sẽ khai thác một vài khía cạnh ít biết này của Luật (vinaya) mà tôi tin sẽ làm sáng tỏ và giúp cho các Phật tử cả ở châu Á lẫn Tây phương, cư sĩ cũng như tăng sĩ có thể thực hiện những phương diện quan trọng của đời sống hiện đại.

Trong bài viết này tôi sẽ khảo sát rộng hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của Luật trong truyền thống Phật giáo, nhấn mạnh khả tính của nó trong những xã hội Tây phương ngày hôm nay nơi mà những “Phật tử mới” đang đương đầu với sự hiện đại và hậu hiện đại, và ở những xã hội Phật giáo truyền thống, nơi người ta đang đối mặt với những thời kỳ với sự thay đổi hiện đại hóa nhanh chóng. Sự thảo luận này sẽ đưa ra tầm quan trọng về giới luật dành cho giới tại gia. Tôi sẽ bắt đầu bằng việc nhìn vào những giới hạn mà Luật đã được hiểu theo truyền thống, mặc dù tôi thật sự không biết nhiều lắm “truyền thống”. Kế đến tôi sẽ đề xuất một cách hiểu mới về Luật, mà nó được đặt căn bản trên Phật giáo thời kỳ đầu và kinh điển Pāli.

Sau đó, tôi sẽ đề xuất những cách thức, làm cách nào để cả Phật tử tại gia lẫn giới tu sĩ có thể thực tập được Luật. Phần trọng tâm của bài viết này sẽ thảo luận những lĩnh vực đời sống của chúng ta mà với nó một bộ Luật bao hàm nhiều phương diện phải bàn đến. Để giải thích những viễn cảnh và giải pháp được đề xuất, tôi sẽ triển khai một trong những lĩnh vực liên quan đến vấn đề kỹ thuật số hiện đại. Do những hạn chế không gian, tôi không thể khảo sát sâu vào những lĩnh vực khác. Một vài tiêu chuẩn cho việc định giá về tính hiệu quả của giải pháp này cũng sẽ được đưa ra.

Luận đề chính của bài viết này muốn nói rằng Luật (vinaya) là cần thiết, vì Pháp (Dhamma) cần đến sự bảo vệ, sự hỗ trợ và cơ cấu của Luật. Điều này áp dụng cho tất cả mọi người, không chỉ cho giới tăng lữ. Tôi hy vọng rằng những Phật tử tại gia sẽ chấp nhận những giới luật tại gia được đưa ra và cũng hy vọng rằng giới tăng sĩ sẽ cập nhật kiến thức của mình và cải cách sự thực hành giới luật. Bên dưới, tôi sẽ trình bày với những Phật tử khác về cách sống và những gì phải làm. Có quá nhiều điều cho bất cứ ai thực hành điều đó. Chúng ta phải thực hiện điều này cùng với gia đình, bạn bè đồng nghiệp và những người bạn đồng tu tùy theo những trường hợp sống của chúng ta.

Một vài giới hạn truyền thống

Khởi đầu, các giới luật không được đề cập đến bởi vì những cộng đồng tăng sĩ đầu tiên đã nhiệt tâm sống đời sống tinh thần khất sĩ chân thực, phòng hộ và đơn giản. Nhiều người đã đạt được sự chứng ngộ nhanh chóng. Khi một vài vị trưởng lão thỉnh cầu đức Phật chế định giới luật thì Ngài đã từ chối. Mãi cho đến khi Tăng đoàn phát triển về số lượng, lan tỏa về mặt địa lý và phẩm chất của tăng sĩ bắt đầu suy giảm; và khi một vài phần tử bất hảo len vào tăng đoàn và lập tức có lối hành xử sai quấy, ví dụ như nhóm Lục quần, đức Phật mới bắt đầu chế định ra giới luật (nghĩa đen là rèn luyện “sikkhapada”). Sự rèn luyện này có một vị trí quan trọng trong đời sống của các hành giả, đặc biệt cho những người chưa trưởng thành. Nhưng phải chăng Luật (vinaya) chỉ có như vậy?

Hiểu Luật như chỉ là một bộ luật, trong đó một vài điều còn phù hợp nhưng một số khác đã lỗi thời, nếu không thẳng thắn phân biệt, nó lại hoàn toàn không đúng. Trong khi việc rèn luyện con người (sikkhapada) có thể được xem như là những chuẩn mực mà các tăng sĩ phải theo, luôn là những biểu hiện của những nguyên tắc sâu sắc hơn, lại là điểm luôn bị bỏ qua. Tuân giữ giới luật một cách mù quáng hẳn không bao giờ là con đường giải thoát của đức Phật, và có thể đưa chúng ta đến xung đột với Pháp (Dhamma). Tất cả chúng ta cần một bộ luật mà nó biểu hiện những nguyên tắc sâu sắc hơn liên kết chặt chẽ với Pháp.

Tôi sẽ dành một ít thời gian để giải thích điểm này vì những lý do sau:
- Tôi nghe luật tạng thường nói “đây là những giới phải giữ”, mặc dù một số giới luật thật sự không còn cần thiết để giữ.
- Thông thường, giới luật được thực thi nghiêm ngặt khi chúng bị sức ép xã hội và được ban định bởi việc không tán thành và ủng hộ vật chất. Nên khi các tăng sĩ sống trong những quốc gia khác nhau và những ngữ cảnh quen thuộc cho việc tuân giữ những giới luật này vắng mặt thì chúng có khuynh hướng biến mất.
- Ngược lại, xã hội có thể sử dụng “những giới luật” này để kiểm soát tăng sĩ và dùng chúng cho những mục đích phi pháp (Un-Dhammic), chẳng hạn như để hợp pháp hóa chế độ mục ruỗng và tôn lấy những lợi ích bất chính.
- Khi biện minh rằng tăng sĩ tốt hơn cư sĩ bởi việc họ có nhiều giới hơn thì điều đó không còn phù hợp với những xã hội dân chủ hiện đại.
- Luật tạng gồm những luật lệ mà tình cảnh chung là bỏ ngoài giới cư sĩ, hàm chỉ rằng họ không có Luật và Luật không cần thiết cho họ.
- Khi việc tuân giữ giới luật gây ra căng thẳng thì chúng thường bị phá bỏ. Vậy thì vô tình lại đánh mất đi sự quý giá.
- Khi cơ cấu hỗ trợ cần thiết bị từ bỏ, bị bỏ quên, bị lơ là, thì sự thực hành giáo pháp thâm sâu hơn bị suy yếu và khó khăn hơn để duy trì.
- Mỗi khi giáo pháp hay giới luật bị suy yếu, sự tu tập của Phật tử sẽ khó khăn và khổ đau tiếp tục tồn tại.

Tình trạng được tóm tắt ở đây là một khía cạnh quan trọng trong việc làm suy giảm giá trị đời sống tăng sĩ trong hầu hết mọi xã hội Phật giáo truyền thống. Khi đời sống tăng sĩ thật sự bắt đầu bén rễ ở Tây phương, một tình trạng như vậy lại được phát triển ở đó. Tuy nhiên, mảnh đất văn hóa ở đó khác với khi Phật giáo lần đầu tiên được truyền bá vào Đông Nam Á, Trung Quốc, Tây Tạng. Tây phương không còn có những ngôi làng đóng vai trò văn hóa trung tâm, kinh tế canh điền và chính trị phong kiến mà nó đã nuôi dưỡng Phật giáo châu Á từ khởi đầu của nó. Ngày nay, những cư sĩ tại gia có học đã thông hiểu giáo lý và đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các tổ chức Phật giáo, tuy vậy nói chung đã không có Luật tạng truyền thống Phật giáo châu Á dành cho họ. Những gì họ có thường được rút ra từ  truyền thống Do Thái và Thiên chúa giáo. Tăng sĩ với sự ảnh hưởng hạn chế, thường thấy mình bất lực trong một nền văn hóa mới, và không biết phải làm những gì cho các cư sĩ. Vì lợi ích cho cả hai, việc hiểu và thực tập Luật cho hợp lý là rất cần thiết.

Việc hiểu những gì đã xảy ra đầu tiên ở châu Á là cần thiết cho những Phật tử Tây phương tìm kiếm lối đi thông qua thời hiện đại. Bên cạnh đó, những Phật tử châu Á cần tìm hiểu phương cách để làm sao Luật tạng được phổ thông hóa, có thể sửa đổi để thích ứng tốt hơn truyền thống Luật xa xưa đối với những thay đổi phức tạp mà chúng đang chuyển đổi tất cả những xã hội Á châu và những tổ chức Phật giáo bên trong chúng, dẫu khi những hệ thống tăng lữ cố bám chặt vào quá khứ.

Luật và Pháp cùng tồn tại

Để đánh giá lại ý nghĩa, mục đích và giá trị của Luật, đặc biệt trong thời kỳ hiện đại và hậu hiện đại, đáng nên nhắc lại rằng đức Phật, chính Ngài đã thường nói “Pháp và Luật này” hơn là nói “thông điệp hay tôn giáo này (sasana)”. Trong khi chúng ta xem truyền thống là những tập quán, tổ chức, cấp bậc tăng lữ, tự viện, niềm tin và những yếu tố chung khác của tôn giáo, thì đức Phật đã không nhấn mạnh chúng và có lý do thích hợp để tin là Ngài đã không khuyến khích nhiều về chúng. Đúng hơn, Ngài khuyến khích một phương thức quán chiếu đời sống và do đó sống đời sống mà Ngài khẳng định, từ kinh nghiệm của chính Ngài, là đưa đến chấm dứt khổ đau. Một đời sống tập trung vào Pháp (Dhamma).

Từ Pháp (Dhamma) khó có thể chuyển dịch. Chúng ta có thể hiểu nó trong bốn phương diện chính: Pháp là “bản chất” bao gồm mọi vật được tạo ra và không được tạo ra. Nó là thực tại tự nhiên mà trong đó chúng ta sống và đồng thời có mặt. Pháp như “Luật tự nhiên”, là những nguyên lý tự nhiên được khám phá thông qua sự khám phá tâm thức của chúng ta, những mối liên hệ với mọi người và thế giới tự nhiên. Đây là sự thật cốt yếu luôn có giá trị đối với chúng ta và nó điều khiển tất cả tự nhiên. Pháp như “bổn phận tự nhiên”, là những nguyên lý tương ứng và những chuẩn mực hướng dẫn để sống đời sống trong sự hoà hợp với những thực tại này và với những định luật tự nhiên của chúng. Về cơ bản, đây là bổn phận sống không gây khổ đau. Cuối cùng Pháp là “những kết quả tự nhiên” của cách thức sống có bổn phận. Khi sống vị tha và trí tuệ, kết quả là sự có mặt của bình yên nội tại và hạnh phúc. Khi chúng ta sống buông lung và thiếu trí tuệ, kết quả là sự xung đột bên trong, căng thẳng và buồn chán ưu phiền.

Pháp có thể tạm so sánh với thịt của một trái xoài chín ngọt. Nó rất thơm ngon dinh dưỡng. Tuy nhiên, không có trái xoài nào tạo ra lớp thịt ngon ngọt mà không có một lớp vỏ. Lớp vỏ bảo vệ cho sự phát triển hạt và thịt của trái xoài, và sự cấu trúc để giúp nó có hình dạng. Vai trò của lớp vỏ xoài thì tương tự như vai trò của Luật trong mối liên hệ với Pháp. Thật sự không có thịt xoài ngon ngọt nếu không có lớp vỏ cần thiết; Pháp không thể hưng thịnh nếu không có Luật. Và giống như lớp vỏ của một trái xoài không có thịt bên trong là không có vị ngon hay dinh dưỡng, Luật mà không có Pháp cũng như vậy.

Cần nhiều hơn chứ không chỉ luật lệ

Trong khi chuyển dịch Luật như là “nguyên tắc” có thể được chấp nhận trong một vài phương diện thì một vài điều cốt yếu lại bị đánh mất. Ajarn Buddhadasa đã chỉ ra rằng có một gốc động từ tương ứng với Vinaya là vinayye,  mà nó có nghĩa là “gỡ bỏ” hoặc “ra khỏi”. Sự thật, động từ này có một vị trí quan trọng trong một vài bài kinh cốt yếu. Trong kinh  Quán Niệm Hơi Thở (Anapanasati) và cả hai bài kinh Tứ Niệm Xứ (Satipattana), mà tất cả chứa đựng những lời dạy về phương pháp thiền quán quan trọng nhất của đức Phật, mệnh đề “từ bỏ tham ái và sầu bi về cuộc đời” xuất hiện nơi nền tảng của chánh niệm. Nó cũng được tìm thấy trong nhiều đoạn kinh khác liên quan đến chánh niệm thân và bốn niệm xứ. Mệnh đề này cũng có thể được diễn dịch là “đi ra khỏi sự khẳng định và phủ định về cuộc đời”.

Từ thực tế dựa trên kinh điển này, Ajarn Buddhadasa kết luận rằng ý nghĩa và mục đích cuối cùng của Luật (vinaya) là để đưa chúng ta ra khỏi sự chi phối hay từ bỏ năng lực của phủ định và khẳng định, tức là năng lực của vô minh, tham ái, chấp thủ; và tham, sân, si là hệ quả của nó. Tuân giữ quá nhiều giới luật, đặc biệt là những ngoại giới, không bao giờ có thể thực hiện một mục đích thăng hoa như vậy. Do đó, Luật phải là điều quan trọng hơn những luật lệ nếu nó là một phần thiết yếu gắn chặt với Pháp.

Đơn giản nhất, nguyên tắc có ý nghĩa cơ bản đưa chúng ta đến trọng tâm của Luật, là không gây hại (avihimsa). Nguyên tắc này không thể tách ra khỏi định luật duyên khởi mà nó điều hành tất cả vạn vật. Bởi vì đời sống của chúng ta được đan kết với đời sống của những chúng sanh khác, và bởi vì tất cả chúng ta mong cầu hạnh phúc và tránh khổ đau, không gây hại là nguyên tắc tốt nhất mà trên đó những tiêu chuẩn hành xử và đạo đức được đặt ra. Thêm nữa, sīla (giới) được định nghĩa trong những trường phái Pāli bằng thuật ngữ pakkhati (chuẩn tắc tự nhiên), phương diện cuối cùng của nó là Niết-bàn. Như vậy, không gây hại là lối sống tự nhiên, lẽ thường - được xem từ viễn cảnh Pháp chứ không phải từ chủ nghĩa tư bản hiện đại – và đưa chúng ta đi đến một sự liên hệ vững chắc hơn với Niết-bàn. Sự tương hợp giữa nguyên lý cơ bản của Pháp là tính duyên khởi và nguyên tắc cơ bản của Luật là không gây hại (avihamsa) là điều tất yếu thắt chặt chúng lại với nhau một cách hòa hợp.

Sự biểu hiện chung nhất của Luật là năm giới (pancasila). Năm giới này chung quy là năm khía cạnh chính yếu của việc không gây hại, những điều cần thiết tối thiểu cho những mối liên hệ lành mạnh trong xã hội này và cho nguyện vọng đem lại lòng từ bi và hòa bình thế giới. Xa hơn, tất cả các giới luật khác đều xuất phát từ năm giới này, và cuối cùng còn lại giới duy nhất là không gây hại. Hiểu theo cách này, luật và giới (Vinaya – Sila), bất kể công thức là gì, là những biểu hiện của trí tuệ mà nó xem thế giới đúng như chính nó và lòng từ bi thúc đẩy chúng ta sống không gây khổ đau. Đây là Luật thích hợp được ghép cặp với Pháp như là Pháp-Luật (Dhamma-Vinaya).

Tổ chức đời sống của chúng ta vì mục đích thực hành Pháp

Ở đây, tôi muốn đưa ra một phương thức khác về việc diễn giải Luật. Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử, Luật nguyên thủy được đặt căn bản trên lối sống du sĩ được phát triển ở lưu vực sông Hằng vào một hai thế kỷ trước đức Phật giác ngộ. Khi thái tử Siddhatta xuất gia và du hành như một vị Tỳ-kheo (bhikkhu), Ngài đã tham gia vào trào lưu phổ biến này, mà ở trong đó một số tập quán sống và thực hành đã được phát triển để hỗ trợ cho mục đích tâm linh của những nhóm ẩn sĩ, du sĩ, hay tăng sĩ khác nhau. Thêm nữa, cần ghi nhận rằng những tập quán và sự thực tập này đã tạo ra ý nghĩa bên trong nó và do đó được hỗ trợ bằng nền văn hóa của lưu vực sông Hằng.

Với những sự thật lịch sử này, chúng ta có thể thêm những nhận xét được diễn đạt trong những phần ở trên, để đi đến một viễn cảnh khác về Luật. Tôi xin tóm tắt chúng như sau:
- Luật tạng là cần thiết cho sự thực hành tâm linh.
- Luật thì sâu sắc hơn nhiều chứ không phải chỉ những luật lệ.
- Luật có một sự nối kết trực tiếp với sở đắc tâm linh.
- Luật xuất phát từ nguyên tắc không gây tổn hại và áp dụng đối với mọi hình thức hành xử của thân và lời nói, bao gồm những điều liên hệ đến xã hội và sinh thái.
- Luật có thể được hiểu như là những nguyên tắc chỉ dẫn, chúng hỗ trợ việc nghiên cứu, thực hành, nhận thức và chia sẻ  Pháp (Dhamma).

Bây giờ, chúng ta hãy diễn đạt lại ý nghĩa và mục đích của Luật. Định nghĩa mà tôi thấy phù hợp hơn cả về Luật là: Luật là lối sống của Phật tử (bao gồm cả tăng sĩ lẫn cư sĩ), phương thức giúp những Phật tử sắp xếp, tổ chức và xây dựng đời sống của mình để hỗ trợ việc nghiên cứu giáo pháp, tu tập, nhận thức và phục vụ. Điều này bao gồm những hoạt động của thân và lời nói. Nó bao gồm tất cả những hình thức liên hệ: giữa cá nhân với nhau, giữa cá nhân với xã hội, kinh tế, chính trị, sinh thái cũng như chính bản thân chúng ta.

Tôi thấy sự diễn đạt “mới” này về Luật sẽ đem lại ý nghĩa cho những Phật tử hiện đại và giúp họ nhiệt tâm tu tập hơn.

Khả tính cho những Phật tử tại gia

Một trong những tính chất của việc diễn đạt Luật theo cách này là nó có “vị trí trung lập”; nó áp dụng bình đẳng cho tất cả những đệ tử của đức Phật: tăng sĩ, cư sĩ nam, nữ, và ngay cả trẻ em. Điều này cốt giúp chúng ta giảm bớt đi sự phân cấp, có nhiều bình đẳng hơn trong đời sống và sự tu tập. Theo truyền thống, vị trí của tăng sĩ được xem cao hơn cư sĩ bởi vì họ được cho là trì giữ nhiều giới luật hơn và do đó có phạm hạnh thanh tịnh hơn. Tôi đã nghe điều này quá nhiều, từ cư sĩ cho đến tăng sĩ, rằng các tăng sĩ trì giữ 227 giới (Đại thừa 250 giới) trong khi các cư sĩ chỉ giữ năm hoặc thỉnh thoảng tám giới. Và với Luật được hiểu theo truyền thống là gồm tất cả những giới này, Luật là sự biện minh cho vị trí, cấp bậc cao hơn của tăng sĩ. Tuy nhiên nếu chúng ta hiểu Luật trong một ý nghĩa rộng hơn rằng nó bao gồm cả giới cư sĩ, chúng ta có thể giảm bớt đi những ý niệm về thứ bậc như vậy. Điều này là cần thiết nếu sự thực tập của người cư sĩ được đánh giá xứng đáng. Lâu nay cư sĩ thường được xem là tu tập ít hơn tăng sĩ, một phần bởi vì họ có ít giới luật hơn.

Đồng thời, viễn cảnh này đặt giới cư sĩ xem lại những chọn lựa lối sống của mình mà chúng thường không được quan tâm ở Tây phương. Trong những cộng đồng Phật giáo truyền thống, Phật tử tại gia có một lối sống theo giới luật được phát triển thông qua văn hóa địa phương và trải qua cùng với phong tục và những ủng hộ cộng đồng. Trong những xã hội hiện đại và ảnh hưởng chủ nghĩa cá nhân, khía cạnh này có chiều hướng suy yếu và biến mất. Tôi tin vấn đề thách thức này sẽ được các Phật tử Tây phương tiếp nhận một cách sáng tạo. Nếu không, Phật giáo sẽ không bao giờ hưng thịnh ở Tây phương. Ở châu Á, viễn cảnh này là cần thiết cho các cư sĩ nếu Phật giáo châu Á muốn xoay chiều sự suy yếu và đình trệ của mình.

Để thực hiện một tầm nhìn dung hòa tạo hưng phấn cho những Phật tử hiện đại, tất cả mọi hành giả phải tôn trọng triệt để tiêu chuẩn bình đẳng. Chúng ta không muốn có sự phân cấp Phật tử; do đó chúng ta không nên có tiêu chuẩn phân cấp. Nếu Pháp và Luật là một tổng thể không thể phân tách, thì việc tìm hiểu lời dạy và sự thực tập giáo lý phải song song với những tiêu chuẩn giới luật. Giới tại gia không phải theo nguyên mẫu những tiêu chuẩn của các tăng sĩ, nhưng chuẩn mực tu học phải được nâng lên cao giống vậy. Nếu không, sự buông thả quanh những vấn đề tiền bạc, tình dục và quyền lực, cộng thêm những lãnh vực khác được vạch ra bên dưới, sẽ làm suy giảm những lời dạy và sự thực hành đó. Mọi người liên quan sẽ bị hại, nhất là những người không quan tâm đến nhu cầu này. Những thực tập cao hơn như thiền định, trì chú sẽ trở nên thần thánh hóa khi không có sự bảo vệ của giới luật phù hợp.

Xa hơn, chúng ta nên xem Luật là sự chung sức của tất cả các Phật tử. Trong những xã hội hiện đại, nơi việc chọn lựa lối sống rất đa dạng và được cho là hiển nhiên, thật cần thiết để hiểu Luật theo cách là nó bao gồm tính đa dạng lối sống. Thay vì chấp nhận các tăng sĩ như là điểm chuẩn và xem các cư sĩ là thành phần thứ yếu hơn, chúng ta có thể đề nghị tất cả Phật tử hãy quán chiếu lối sống của họ trong ánh sáng của việc nhận thức và thực hành giáo pháp. Chúng ta phải học hỏi lẫn nhau, đặc biệt trong những xã hội phức tạp ngày hôm nay, nơi giới cư sĩ thường có nhiều kinh nghiệm trong hệ thống kinh tế, chính trị và công nghệ.

Điều này cũng đưa ra cho chúng ta một phương tiện phê bình xã hội mạnh mẽ. Thay vì theo khuynh hướng mê đắm tiêu thụ, tranh giành quyết liệt công việc và nợ nần, Phật tử thay thế lối sống được đặt trên khát vọng giải thoát tâm linh. Một sự phê bình như vậy sẽ linh hoạt hơn chứ không phải giáo điều, để đáp ứng những hoàn cảnh sống và làm việc trong đó những Phật tử hiện đại thấy được khả năng của mình là gì.

Nguyên Hiệp (dịch)(còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 51, tr.52, 2007]